Kinh Đại thừa
Bộ Đại Tập
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA GIÀ DA SƠN ĐỈNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
Chính tôi được nghe!
Một thời kia Đức Thế Tôn ở nơi Tinh Xá, trên đỉnh núi thuộc Già Da Thành, cùng với một nghìn Đại Tỳ Kheo chúng, mà các vị trước đây đều là dòng Phạm Chí để tóc dài.
Các vị đều là bậc A La Hán mọi lậu nghiệp đã hết, chỗ tạo tác đã xong, xả được mọi gánh nặng, việc lợi mình đã được, hết mọi sự ràng buộc trong các cõi, chính tri giải thoái, tâm được tự tại, đến bờ Niết Bàn. Lại cùng vô lượng các vị Đại Bồ Tát đều cùng tụ hội nơi Phật.
Khi Đức Thế Tôn, thành ngôi Chánh Giác, không mấy ngày, Ngài tịch nhiên an tọa, nhập nơi chính định, quán sát pháp giới, khởi ý niệm rằng: Ta chứng được bồ đề rồi, được Thánh trí tuệ rồi, chỗ nên làm đã làm xong, đã xả được mọi gánh nặng, đã ra ngoài đồng rộng sinh tử, đã xả vô minh, được trí minh rồi, đã nhổ được mũi tên độc, đã gạn hết tâm khát ái, đã chứng pháp giới, đã đánh trống pháp, đã thổi loa pháp, đã dựng pháp tràng, đã lìa bỏ con mắt sinh tử, nói rõ về con mắt pháp pháp nhãn, đã đóng đường ác, mở mọi đường thiện, đã xả nơi phi điền, chỉ bảo những phúc điền.
Ta nay xét kỹ những pháp như thế, pháp gì hiện chứng, đã chứng và sẽ chứng được?
Pháp ấy là do thân chứng hay là do tâm chứng?
Nếu là thân chứng bồ đề, thời thân là ngoan độn, không biết, không nghĩ, cũng như cỏ, cây, tường, vách, ngói, đá…, từ nơi tứ đại, cha mẹ sinh ra, là pháp vô thường bại hoại, tan diệt, phải nhờ mọi duyên tắm giặt, cơm, áo, mà được tồn tại.
Nếu là tâm chứng bồ đề, thời tâm như huyễn hóa, vô tướng, vô hình, không chỗ y cứ, không chỗ dung nạp, lĩnh thụ. Hơn nữa, bồ đề là tùy theo thế gian, lập ra danh tự, chứ nó không có âm hưởng, không có hình sắc, không thành thực kết quả, không có tướng trạng, không lại, không đi, không ra, không vào, qua cả ba cõi, không có xứ sở nào.
Không thể trông thấy, nghe biết, không thể nhớ nghĩ, xa nơi phan duyên dính líu duyên trần, không phải là cảnh hí luận, không nơi vào vô sở nhập không văn tự, không thể dao động, không thể an lập và nó dứt hết tất cả đường ngôn ngữ.
Nói về hiện chứng, đã chứng và sẽ chứng được bồ đề, chỉ là danh tự hư vọng phân biệt, chứ nó không sinh, không khởi, không có thể tính, không thể lấy, không thể nói, không thể ái trước.
Trong ấy thực không có gì là đã thành Chánh Giác, hiện thành Chánh Giác và sẽ thành Chánh Giác. Nếu vô chứng không chứng, vô thành không thành được như thế, mới được gọi là thành Chánh Giác.
Tại sao?
Vì, bồ đề Chánh Giác là lìa hết thảy tướng biến động vậy.
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi biết được chỗ Phật suy nghĩ như thế, mới bạch Phật rằng: Lạy Đức Thế Tôn! Nếu tướng bồ đề như thế, các thiện nam tử, thiện nữ nhân phát bồ đề tâm, nên trụ vào đâu?
Đức Phật dạy: Như tướng của bồ đề thế nào, thời nên trụ vào như thế.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: Lạy Đức Thế Tôn! Gì là tướng của bồ đề?
Đức Phật dạy: Văn Thù Sư Lợi! Tướng của bồ đề cao vượt ba cõi, tùy theo thế tục mà có ra danh tự, nhưng xa lìa hết thảy âm thanh, ngôn thuyết. Các Bồ Tát phát tâm xu hướng bồ đề, từ khi mới phát tâm, đã là vô sở thú không có chỗ xu hướng, vì bồ đề thuộc không tính.
Thế nên, Văn Thù Sư Lợi! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân nên dùng cái tâm xa lìa sự phát tâm, xu cầu mà trụ vào bồ đề.
Văn Thù Sư Lợi! Nếu các Bồ Tát phát tâm, xu hướng được vào nơi vô sở thú, thế là xu hướng đạo bồ đề.
Văn Thù Sư Lợi!
Xu hướng về vô tự tính là xu hướng bồ đề.
Xu hướng về vô xứ sở là xu hướng bồ đề.
Xu hướng về pháp giới tính, là xu hướng bồ đề.
Xu hướng về nơi của trong hết thảy pháp không còn chỗ chấp trước, là xu hướng bồ đề.
Xu hướng về thực tế không sai biệt, là xu hướng bồ đề. Xu hướng về chỗ như bóng trong gương, như bóng trong ánh sáng, như mặt trăng dưới nước, như lửa trong mùa nóng là xu hướng bồ đề.
Lúc đó, trong đại chúng có một vị Thiên Tử tên là Tịnh Nguyệt Uy Quang bạch Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng: Thưa Đại Sĩ! Các Đại Bồ Tát tu tập hạnh gì và y vào đâu mà tu?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thưa Thiên Tử! Các Đại Bồ Tát tu hạnh đại bi, y nơi hết thảy chúng sinh mà tu.
Thiên Tử Tịnh Nguyệt lại hỏi: Hạnh đại bi của Bồ Tát, y vào tâm nào phát khởi?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Hạnh đại bi của Bồ Tát y vào tâm không siểm nịnh, lừa dối phát khởi.
Thiên Tử Tịnh Nguyệt lại hỏi: Tâm không siểm nịnh, lừa dối y vào đâu phát khởi?
Đáp: Tâm không siểm nịnh, lừa dối y vào tâm bình đẳng của hết thảy chúng sinh phát khởi.
Hỏi: Tâm bình đẳng của hết thảy chúng sinh y vào đâu phát khởi?
Đáp: Y nơi tâm nhập vào pháp tính phi nhất không phải là một, phi dị không phải khác phát khởi.
Hỏi: Tâm nhập vào pháp tính phi nhất, phi dị ấy y vào đâu phát khởi?
Đáp: Y vào thâm tín tâm phát khởi.
Hỏi: Thâm tín tâm y vào đâu phát khởi?
Đáp: Y vào tâm bồ đề phát khởi.
Hỏi: Tâm bồ đề y vào đâu phát khởi?
Đáp: Y vào sáu pháp Ba la mật phát khởi.
Hỏi: Sáu pháp Ba la mật y vào đâu phát khởi?
Đáp: Y nơi phương tiện tuệ phát khởi.
Hỏi: Phương tiện tuệ y vào đâu phát khởi?
Đáp: Y vào nơi không buông lung phát khởi.
Hỏi: Không buông lung y vào đâu phát khởi?
Đáp: Y vào ba hạnh thanh tịnh thân, khẩu, ý phát khởi.
Hỏi: Ba hạnh thanh tịnh y vào đâu phát khởi?
Đáp: Y vào mười thiện nghiệp đạo phát khởi.
Hỏi: Mười thiện nghiệp đạo y vào đâu phát khởi?
Đáp: Y vào giữ giới thanh tịnh phát khởi.
Hỏi: Giữ giới thanh tịnh y vào đâu phát khởi?
Đáp: Y vào sự suy nghĩ như chính lý phát khởi.
Hỏi: Suy nghĩ như chính lý y vào đâu phát khởi?
Đáp: Y vào tâm quán sát phát khởi.
Hỏi: Tâm quán sát y vào đâu phát khởi?
Đáp: Từ chỗ ức trì nhớ nghĩ, gìn giữ không quên phát khởi.
Khi ấy, Thiên Tử Tịnh Nguyệt Uy Quang lại hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thưa Đại Sĩ! Các Bồ Tát phát tâm bồ đề gồm có mấy thứ nhân, quả mà được thành tựu?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thưa Thiên Tử! Các Bồ Tát phát tâm bồ đề gồm có bốn thứ nhân quả mà được thành tựu.
Bốn thứ nhân, quả ấy là gì?
Một là, sơ phát tâm.
Hai là, giải, hành, trụ phát tâm.
Ba là, bất thoái chuyển phát tâm.
Bốn là, Nhất Sinh Bổ Xứ phát tâm.
Nên biết rằng sơ phát tâm là nhân của giải, hành, trụ, giải, hành, trụ phát tâm là nhân của bất thoái chuyển, bất thoái chuyển phát tâm là nhân của nhất sinh bổ xứ, nhất sinh bổ xứ là nhân của nhất thiết trí.
Lại nữa, Thiên Tử! Nên biết sơ phát tâm như hạt giống mới gieo xuống ruộng, giải, hành, trụ phát tâm như mầm dần dần tăng trưởng, bất thoái chuyển phát tâm như cành, lá, hoa, quả lần lượt sinh ra, Nhất sinh bổ xứ phát tâm, như quả trái thành thục.
Lại nữa, Thiên Tử! Phát tâm thứ nhất như người làm xe, trước phải thu thập gỗ, phát tâm thứ hai như được gỗ rồi, chia ra và bào gọt sạch sẽ, phát tâm thứ ba như người thợ mộc kia đã làm thành một cái xe, phát tâm thứ tư như cái xe của người kia đã chở nhiều thứ nặng đi đến chốn xa xôi.
Lại nữa, Thiên Tử! Phát tâm thứ nhất cũng như mặt trăng đầu tháng, phát tâm thứ hai như mặt trăng đêm mồng năm đến đêm mồng bảy, phát tâm thứ ba như mặt trăng đêm mồng mười, phát tâm thứ tư như mặt trăng đêm mười tư.
Nên biết trí tuệ nơi Như Lai, ví như mặt trăng sáng đúng đêm hôm rằm, hết thảy ánh sáng đều viên mãn.
Lại nữa, Thiên Tử! Phát tâm thứ nhất siêu việt Thanh Văn Địa, phát tâm thứ hai siêu việt Bích Chi Phật Địa, phát tâm thứ ba siêu việt Bất Định Địa, phát tâm thứ tư trụ nơi Quyết Định Địa.
Lại nữa, Thiên Tử! Phát tâm thứ nhất ví như có người mới học chữ cái, phát tâm thứ hai như người đi học kia dần dần biết phân tích, phát tâm thứ ba như người đi học kia đã biết tính toán rành mạch lâu rồi, phát tâm thứ tư như người đi học kia thuần thục và liễu đạt mọi luận thuyết.
Lại nữa, Thiên Tử! Phát tâm thứ nhất Bồ Tát trụ nơi nhân nguyên nhân phát tâm thứ hai Bồ Tát trụ nơi trí trí tuệ, phát tâm thứ ba Bồ Tát trụ nơi đoạn đoạn diệt hai chướng, phát tâm thứ tư Bồ Tát trụ nơi quả quả vị bồ đề.
Lại nữa, Thiên Tử! Phát tâm thứ nhất nhiếp vào nắm giữ nhân, phát tâm thứ hai nhiếp vào trí, phát tâm thứ ba nhiếp vào đoạn, phát tâm thứ tư nhiếp vào quả.
Lại nữa, Thiên Tử! Phát tâm thứ nhất từ nhân phát khởi, phát tâm thứ hai từ trí phát khởi, phát tâm thứ ba từ đoạn phát khởi, phát tâm thứ tư từ quả phát khởi.
Lại nữa, Thiên Tử! Phát tâm thứ nhất là phần sai biệt của nhân, phát tâm thứ hai là phần sai biệt của trí, phát tâm thứ ba là phần sai biệt của đoạn, phát tâm thứ tư là phần sai biệt của quả.
Lại nữa, Thiên Tử! Phát tâm thứ nhất như hái góp mọi thứ thuốc lại, phát tâm thứ hai như phân biệt tính của từng vị thuốc, phát tâm thứ ba như tùy bệnh, hợp thuốc nào cho thuốc ấy, phát tâm thứ tư như uống thuốc khỏi bệnh.
Lại nữa, Thiên Tử! Phát tâm thứ nhất sinh vào nhà Pháp Vương, phát tâm thứ hai học pháp của Pháp Vương, phát tâm thứ ba học đã hiểu biết rành rẽ được, phát tâm thứ tư học được tự tại.
Bấy giờ, trong Pháp Hội có vị Thiên Tử tên là Quyết Định Quang Minh, bạch Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng: Thưa Đại Sĩ! Gì là con đường nhanh chóng của Đại Bồ Tát?
Và, các Đại Bồ Tát đi con đường ấy chóng được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác chăng?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thưa Thiên Tử! Con đường nhanh chóng của Đại Bồ Tát có hai và Đại Bồ Tát đi con đường ấy chóng được đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Hai con đường ấy là gì?
Một là, đường phương tiện.
Hai là, đường bát nhã.
Đường phương tiện nhiếp thủ nắm giữ mọi thiện pháp, đường bát nhã hiểu biết lựa chọn mọi pháp. Đường phương tiện không bỏ chúng sinh, đường bát nhã hay xả mọi pháp.
Đường phương tiện biết pháp hòa hợp, đường bát nhã biết pháp không hòa hợp, đường phương tiện thường làm nhân duyên, đường bát nhã thường đưa tới nơi tịch diệt vô vi.
Đường phương tiện biết được tướng sai biệt của mọi pháp, đường bát nhã biết được lý không sai biệt của pháp giới. Đường phương tiện thường làm trang nghiêm trọn vẹn những Quốc Độ của Chư Phật, đường bát nhã biết được lẽ bình đẳng trong Quốc Độ của Chư Phật.
Đường phương tiện thường biết căn tính, hành động bất đồng của chúng sinh, đường bát nhã biết được, hành động là không, không chỗ có vô sở hữu. Đường phương tiện khiến các Bồ Tát đến nơi Đạo Tràng, đường bát nhã thường khiến Bồ Tát đạt tới chỗ vô sở giác không còn chỗ, không còn tướng giác ngộ.
Thưa Thiên Tử! Đại Bồ Tát lại có hai con đường nhanh chóng.
Hai con đường ấy là gì?
Một là, đường tư lương sửa soạn, tu tập.
Hai là, đường quyết trạch lựa chọn quyết định.
Đường tư lương là năm pháp Ba la mật như bố thí v.v…, đường quyết trạch là bát nhã Ba la mật.
Đường hữu trước còn có sự chấp trước, đường vô trước không còn sự chấp trước, đường hữu lậu, đường vô lậu, đều nói có sự và quyết trạch như thế.
Lại có hai đường nhanh chóng.
Hai đường ấy là gì?
Một là, đường hữu lượng có hạn lượng.
Hai là, đường vô lượng không hạn lượng.
Đường hữu lượng là có tướng vị, đường vô lượng là không có tướng vị.
Lại có hai đường nhanh chóng nữa, là đường trí trí tuệ và đường đoạn đoạn diệt.
Đường trí là từ Sơ Địa đến Đệ Thất Địa. Đường Đoạn là từ Đệ Bát đến Đệ Thập Địa.
Khi ấy, trong Pháp Hội có vị Bồ Tát tên là Dũng Tu Trí Tín, bạch Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng: Thưa Đại Sĩ! Thế nào là chỗ biết nghĩa tướng của Đại Bồ Tát?
Thế nào là chỗ tu trí của Đại Bồ Tát.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiện nam tử! Nghĩa không phải là hòa hợp, trí là hòa hợp.
Bồ Tát Dũng Tu Trí Tín hỏi: Thưa Đại Sĩ! Vì nhân duyên gì nghĩa không phải là hòa hợp, mà trí là hòa hợp?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiện nam tử! Nghĩa là vô vi, vô vi thời phi nghĩa không còn có nghĩa tướng, trong phi nghĩa không có pháp gì hoặc hòa hợp hay không hòa hợp, nghĩa là không biến đổi, không thành thực kết quả, không thể lấy, không thể bỏ, đều nói đúng như thế.
Thiện nam tử! Trí gọi là Đạo đường, đạo cùng tâm hòa hợp, không phải là không hòa hợp.
Lại nữa, thiện nam tử! Trí chỉ là hòa hợp, không phải là không hòa hợp.
Bồ Tát Dũng Tu Trí Tín hỏi: Thưa Đại Sĩ! Vì nhân duyên gì trí chỉ là hòa hợp, không phải là không hòa hợp?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiện nam tử! Trí quán sát rành năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, quán sát rành pháp duyên khởi, rành xứ, phi xứ đúng chỗ hay không phải chỗ, vì thế nên chỉ hòa hợp, không phải không hòa hợp.
Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát có mười trí.
Mười trí ấy là gì?
Một là, nhân trí.
Hai là, quả trí.
Ba là, nghĩa trí.
Bốn là, phương tiện trí.
Năm là, bát nhã trí.
Sáu là, nhiếp trí.
Bảy là, Ba la mật trí.
Tám là, đại bi trí.
Chín là, giáo hóa chúng sinh trí.
Mười là, đối với hết thảy pháp, trí vô sở trước.
Thiện nam tử! Như thế gọi là mười trí của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát có mười hạnh phát khởi.
Mười hạnh phát khởi ấy là gì?
Một là, thân phát khởi: Vì hết thảy chúng sinh, thiện trị nghiệp thân thanh tịnh.
Hai là, khẩu phát khởi: Vì hết thảy chúng sinh, thiện trị nghiệp khẩu.
Ba là, tâm phát khởi: Vì hết thảy chúng sinh, thiện trị nghiệp ý thanh tịnh.
Bốn là, nội phát khởi: Đối với hết thảy chúng sinh không chấp trước.
Năm là, ngoại phát khởi: Đối với hết thảy chúng sinh, thực hành hạnh bình đẳng.
Sáu là, trí phát khởi: Tu tập hết thảy Phật trí.
Bảy là, Quốc Độ phát khởi: Thị hiện hết thảy công đức trang nghiêm trong các Cõi Phật.
Tám là, giáo hóa chúng sinh phát khởi: Biết các bệnh phiền não của chúng sinh mà cho thuốc.
Chín là, chân thực phát khởi: Thành tựu được quyết định tụ.
Mười là, vô vi trí mãn túc trọn vẹn trí tuệ vô vi phát khởi: Đối với hết thảy pháp trong ba cõi, tâm không chấp trước.
Như thế gọi là mười hạnh phát khởi của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát có mười hạnh.
Mười hạnh ấy là gì?
Một là, tu hạnh lục Ba la mật.
Hai là, tu hạnh tứ nhiếp, nhiếp thủ chúng sinh.
Ba là, tu hạnh bát nhã không tuệ.
Bốn là, tu hạnh phương tiện.
Năm là, tu hạnh đại bi.
Sáu là, tu cầu tư lương về tuệ.
Bảy là, tu cầu tư lương về trí.
Tám là, tu hạnh tín tâm thanh tịnh.
Chín là, tu hạnh quán nhập các đế lý như: Chân Đế, Tục Đế, Tứ Đế.
Mười là, tu hạnh không phân biệt cảnh yêu, ghét.
Như thế gọi là mười hạnh của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát có mười pháp quán vô tận không cùng tận.
Mười pháp quán ấy là gì?
Một là, quán thân vô tận.
Hai là, quán sự vô tận.
Ba là, quán pháp vô tận.
Bốn là, quán ái yêu vô tận.
Năm là, quán kiến tư tưởng vô tận.
Sáu là, quán vô sở trước không còn chỗ chấp trước vô tận.
Chín là, quán tương ứng sự hợp nhau vô tận.
Mười là, quán Đạo Tràng thức tự tính vô tận.
Thiện nam tử! Như thế gọi là mười pháp quán vô tận của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát có mười pháp điều phục hạnh.
Mười pháp ấy là gì?
Một là, điều phục hạnh sẻn tham, ghen ghét, bỏ của bố thí coi như hạt mưa.
Hai là, điều phục hạnh phá giới, thân, khẩu, ý nghiệp thanh tịnh.
Ba là, điều phục hạnh giận dữ, tu tập tâm từ.
Bốn là, điều phục hạnh lười biếng, cầu pháp không chán nản.
Năm là, điều phục hạnh bất thiện, được thiền định, và thần thông.
Sáu là, điều phục hạnh vô minh, sinh tư lương quyết định, thiện sảo trí tuệ.
Bảy là, điều phục hạnh về các phiền não, đầy đủ về tư lương của nhất thiết trí.
Tám là, điều phục hạnh điên đảo, xuất sinh tư lương đạo chân thực không điên đảo.
Chín là, điều phục hạnh không được tự tại, dù đúng thời hay phi thời đều tự tại.
Mười là, điều phục hạnh chấp ngã, quán sát các pháp vô ngã.
Thiện nam tử! Như thế gọi là mười pháp điều phục hạnh của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát có mười nơi tịch tĩnh, tịch tĩnh địa.
Mười nơi ấy là gì?
Một là, thân tịch tĩnh: Xa lìa ba nghiệp bất thiện nơi thân sát, đạo, dâm.
Hai là, khẩu tịch tĩnh: Thiện trị trong sạch bốn thứ thuộc khẩu nghiệp nói dối, thêu dệt, hai lưỡi, ác khẩu.
Ba là, tâm tịch tĩnh: Bỏ hẳn ba ác hạnh nơi ý tham, sân, si.
Bốn là, nội tịch tĩnh: Không chấp trước tự thân.
Năm là, ngoại tịch tĩnh: Không chấp trước hết thảy pháp.
Sáu là, trí tư lương tịch tĩnh: Không chấp trước chỗ hành đạo.
Bảy là, bất tự cao tịch tĩnh: Quán sát tự tính của Thánh trí.
Tám là, cứu cánh biên tế thần thông tịch tĩnh: Xuất sinh bát nhã Ba la mật.
Chín là, diệt hí luận tịch tĩnh: Không dối gạt hết thảy chúng sinh.
Mười là, bất cố luyến không đoái tưởng, luyến tiếc thân tâm tịch tĩnh: Tâm đại bi giáo hóa chúng sinh.
Thiện nam tử! Như thế gọi là mười nơi tịch tĩnh của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, thiện nam tử! Các Đại Bồ Tát như thực tu hành như thực hành thời được đạo bồ đề, không như thực tu hành thời không chứng được.
Như thực tu hành là đúng như chỗ nói ấy thế nào, thời tu hành như thế. Không như thực tu hành là chỉ có ngôn thuyết, chứ không hay tín thụ, không hay tu tập.
Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát có hai lối như thực tu hành.
Hai lối ấy là gì?
Một là, như thực tu hành theo đạo phương tiện.
Hai là, như thực tu hành đoạn hẳn vọng hoặc.
Thiện nam tử! Đại Bồ Tát lại có hai lối như thực tu hành.
Hai lối ấy là gì?
Một là, như thực tu hành tự điều phục.
Hai là, như thực tu hành giáo hóa chúng sinh.
Thiện nam tử! Đại Bồ Tát lại có hai lối như thực tu hành.
Hai lối ấy là gì?
Một là, như thực tu hành theo trí tuệ có công dụng tác động.
Hai là, như thực tu hành theo trí tuệ không có công dụng tác động.
Thiện nam tử! Đại Bồ Tát lại có hai lối như thực tu hành.
Hai lối ấy là gì?
Một là, như thực tu hành, kiến lập phân biệt rành mọi địa Thập Địa.
Hai là, như thực tu hành, quán sát rành mọi địa không sai biệt.
Thiện nam tử! Đại Bồ Tát lại có hai lối như thực tu hành.
Hai lối ấy là gì?
Một là như thực tu hành, khéo xa lìa sai lầm của các địa.
Hai là, như thực tu hành khéo làm viên mãn công đức của các địa.
Thiện nam tử! Đại Bồ Tát lại có hai lối như thực tu hành nữa.
Hai lối ấy là gì?
Một là, như thực tu hành, nói rõ Thanh Văn, Bích Chi Phật Địa.
Hai là, như thực tu hành, nói rõ pháp bồ đề bất thoái chuyển của Chư Phật.
Thiện nam tử! Đại Bồ Tát có vô lượng, vô biên pháp như thực tu hành như thế, nếu ai như thực tu hành được như thế, nên biết người ấy không bao lâu sẽ được đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Các Đại Bồ Tát nên siêng năng tu, học như thế! Bấy giờ, Đức Thế Tôn tán thán Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng: Quý hóa thay, quý hóa thay!
Ông Văn Thù Sư Lợi! Ông khéo nói xác thực những lời như thực ấy!
Đức Phật nói Kinh này rồi, Đại Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Đại Bồ Tát Dũng Tu Trí Tín, Thiên Tử Tịnh Nguyệt Uy Quang, Thiên Tử Quyết Định Quang Minh cùng hết thảy thế gian Thiên, Nhân, A Tu La v.v… chúng nhân trong Pháp Hội, đều rất hoan hỷ, tín thụ phụng hành.
***