Kinh Đại thừa

Bộ Niết Bàn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA LƯU CHUYỂN HỮU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nghĩa Tịnh, Đời Đường
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở trong Vườn Rừng Trúc Kiệt Lan Đạc Ca trì, tại thành Vương Xá, cùng đông đủ đại chúng Bí Sô một ngàn hai trăm năm mươi vị, chúng Đại Bồ Tát và vô thượng trăm ngàn đại chúng Trời, người đang ngồi vây quanh nhất tâm cung kính.

Bấy giờ, Thế Tôn Thuyết Pháp tự chứng vi diệu, nói rõ đầu, giữa, cuối đều thiện. Văn nghĩa xảo diệu, tướng phạm hạnh viên mãn thanh tịnh trong sáng.

Khi ấy, Đại Vương Ma Yết Đà chủ ảnh thắng vào trong Rừng Trúc đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi ngồi sang một bên.

Sau đó Ảnh Thắng Vương bạch Phật: Kính thưa Thế Tôn! Làm sao loài hữu tình trước đã tạo nghiệp lâu rồi hoại diệt, khi mạng chung tất cả đều hiện tiền. Các pháp vốn không khi tạo nghiệp báo mà không tán mất. Nguyện xin Thế Tôn vì con phân biệt giải nói.

Thế Tôn bảo Ảnh Thắng: Đại Vương nên biết, ví dụ như có một người nam ngủ trong mộng, thấy mình sum vầy với mỹ nữ đoan chánh nhân gian. Khi tỉnh giấc nhớ lại mỹ nữ thấy ở trong mộng.

Ý Đại Vương nghĩ sao?

Thấy mỹ nữ nhân gian trong mộng có thật không?

Dạ không, thưa Thế Tôn.

Ý Đại Vương nghĩ sao?

Người nam ấy thấy mỹ nữ trong mộng tâm sinh quyến luyến không rời.

Vậy có thể nói người này là người có trí tuệ thông minh hiểu biết rộng rãi được không?

Dạ không, thưa Thế Tôn. Người ấy thật là ngu chứ không phải người có trí tuệ thông minh.

Vì sao?

Vì mỹ nữ nhân gian trong mộng vốn không, nên không thể có. Vậy làm sao có thể cùng họ vui chơi, để người nam kia mang tâm hoài mong, luyến ái, nhớ nghĩ được.

Phật dạy: Đại Vương!

Như vậy người phàm phu ngu si không biết. Khi mắt thấy sắc tâm sinh vui thích liền khởi chấp trước, khởi lên chấp trước rồi tuỳ theo đó sinh quyến luyến. Khi sinh quyến luyến lại hoài cảm nhiễm ái. Khởi lên nhiễm ái nên theo tham sân si phát sinh tạo tác các nghiệp thân, khẩu, ý.

Nhưng các nghiệp ấy tạo rồi thì hoại diệt. Khi hoại diệt không nương tựa phương Đông mà trụ, cũng không nương tựa phương Nam, Tây, Bắc, bốn phương Trên dưới.

Đến khi mạng chung ý thức sắp diệt, thì nghiệp tạo tác đều hiện tiền. Giống như người nam kia khi tĩnh giấc nhớ lại hình ảnh mỹ nữ trong mộng đều hiện giống vậy.

Đại Vương! Thức trước diệt thì thức sau sinh. Sinh lên Trời, hoặc sinh trong loài người, hoặc đọa làm bàng sinh, hay địa ngục, ngạ quỷ.

Đại Vương! Thức sau sinh không gián đoạn liên tiếp sinh khởi. Thức ấy đồng loại tâm tương tục lưu chuyển, phân minh lãnh thọ chiêu cảm dị thục.

Tuy chưa có pháp có thể lưu chuyển đời này đến đời sau, nhưng có thể bị nghiệp quả sinh tử. Đại Vương nên biết, thức diệt gọi là tử, thức sau khởi gọi là sinh.

Đại Vương! Khi thức trước diệt không có chỗ lại.

Sở dĩ vì sao?

Vì bổn tánh vốn không.

Đại Vương! Thức trước là tánh thức không, tử là tánh tử không, nghiệp là tánh nghiệp không. Thức sau là tánh thức sau không, sinh là tánh sinh không, mà nghiệp quả chưa từng tán mất.

Đại Vương! Như vậy nên biết tát cả hữu tình do ngu hoặc không biết phi hữu chẳng có, vọng khởi quyến luyến luân hồi sanh tử.

Khi ấy, Thế Tôn muốn tuyên thuyết nghĩa này lại một lần nữa, dùng kệ nói rằng:

Các pháp chỉ giả danh

Tuỳ theo chỗ đặt tên

Lìa lời nói năng thuyết

Sở thuyết không thể được

Nên lấy nhiều loại tên

Nói rõ các pháp kia

Với tên pháp chẳng có

Là tự tánh các pháp

Tánh của tên vốn không

Tên ấy thật chẳng có

Tên các pháp cũng vậy

Lấy tên vọng gọi tên

Các pháp đều hư vọng

Chỉ từ phân biệt sanh

Phân biệt ấy cũng không

Với không, vọng phân biệt

Ta nói các thế gian

Dùng nhãn để thấy sắc

Đều do nghĩ tính sai

Tên đó là Tục Đế

Ta nói tất cả pháp

Đều là mượn duyên sinh

Tên này gần thắng nghĩa

Người trí phải quán sát

Với sắc nhãn không thấy

Ý cũng không biết pháp

Đó là thắng nghĩa đế

Người ngu không thể biết.

Thế Tôn thuyết pháp xong, Đại Vương Ma Yết Đà chủ ảnh thắng thân tâm lãnh thọ, còn các vị Bí Sô và Chúng Đại Bồ Tát, Trời, Người… đều rất vui mừng, tín thọ phụng hành.

***