Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Hai - Phẩm Diệu Thân Sinh

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA MẬT NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Địa Bà Ha La, Đời Đường
 

PHẨM HAI

PHẨM DIỆU THÂN SINH
 

TẬP HAI
 

Mắt duyên sắc trong, ngoài

Hòa hợp sinh ra thức

Pháp thế gian trong, ngoài

Do sức mạnh tướng sinh

Như vậy với các nghĩa

Tất cả đều chống trái

Nếu biết chỉ thức hiện

Lìa tâm mới chứng được

Không sinh ra phân biệt

Cũng không trụ tánh đó

Lìa các duyên vin vào

Tâm thiền định tịch tĩnh

Bỏ kiến chấp thế gian

Năng chấp và sở chấp

Xa lìa chuyển y thô

Trí tuệ bất tư nghì

Mười thứ ý sinh thân

Tốt đẹp và trang nghiêm

Làm chủ của ba cõi

Đến cõi nước mật nghiêm

Sắc tâm và tâm pháp

Bất tương ưng, vô vi

Trong ngoài các thế gian

Thật quán không riêng khác

Những người trí như vậy

Đến cõi nước mật nghiêm

Danh tướng cùng phân biệt

Chánh trí và như như

Thiền định soi thấy rõ

Thể tánh đều bình đẳng

Vào cõi tịnh mật nghiêm

Được Chư Phật khen ngợi

Nếu hoại ba hòa hợp

Và nhờ bốn thứ duyên

Chính mình không vững chắc

Đồng các vọng phân biệt

Tập khí ác phân biệt

Bị năm thứ hý luận

Ví dụ không thành lập

Các nghĩa đều trái nghịch

Năm thứ phiền não loạn

Tuệ nhãn cùng vượt qua

Điên đảo không điên đảo

Pháp này không dị hoại

Xả bỏ đạo pháp mình

Nương theo đạo pháp khác

Các kiến chấp ban đầu

Đều từ hoại diệt sinh.

Đại Vương phải nên biết

Chúng sinh trong các cõi

Như vòng xe xoay chuyển

Không có điểm bắt đầu

Như Lai dùng bi, nguyện

Tùy duyên hiện các cõi

Như vầng trăng trong sáng

Hiện khắp cả mọi nơi

Tùy căn tánh chúng sinh

Thích hợp mà thuyết pháp

Nếu diệt Niết Bàn là diệt

Phật có công đức gì?

Tăng thượng có ba thứ

Giải thoát cũng như vậy

Tứ đế và thần thông

Niệm xứ, vô ngại biện

Bốn duyên trụ Vô Sắc

Căn lực và thần thông

Các Độc Giác, Bích Chi

Pháp hữu vi, vô vi

Cho đến các Thánh Nhân

Đều nương thức mà có

Khổ trí, khổ pháp trí

Và khổ tùy sinh trí

Tập trí gồm có ba

Diệt, đạo cũng như vậy

Mười hai loại trí này

Điều gọi là hiện quán

Học nhân có mười bậc

Sinh trở lại bảy, tám

Gia gia, nhất vãng lai

Một lần rồi diệt độ

Trung ban cùng sinh ban

Hữu hành và vô hành

Bậc thượng lưu khắp nơi

Sau đó nhập Niết Bàn

Tất cả bậc như vậy

Phẩm vị của các trí

Người tu pháp quán hành

Thượng, trung, hạ khác nhau

Bồ Tát tu tinh tấn

Sự nghiệp rất thù thắng

Mười một cùng mười hai

Cho đến thứ mười sáu

Người tu các định này

Lại diệt dừng tâm vọng

Tận cùng chẳng phải tâm

Chẳng phải tâm cùng trụ

Tâm vị lai chưa đến

Chưa đến nên chẳng có

Tâm duyên không hòa hợp

Chẳng đây, chẳng đó sinh

Thiền thứ tư vô tâm

Có nhân không thể hại

Có nhân là các thức

Ý thức và năm loại

Vọng tưởng không tự biết

Giống như gợn sóng nổi

Người định quán Lại da

Có thể lìa phân biệt

Vi diệu không chỗ có

Chuyển y mà không hoại

Ở trong chốn mật nghiêm

Như trăng thường chiếu sáng

Các bậc trí mật nghiêm

Cùng Phật thường tụ hội

Luôn ở trong cảnh định

Một vị không khác nhau

Nguời ở định mật nghiêm

Sức định sinh nơi đó.

Vì vậy nên tu tập

Tướng tâm định diệu này

Dục giới có sáu trời

Phạm ma mười sáu xứ.

Vô Sắc và vô tưởng

Trong tất cả các cõi

Nếu sinh nước mật nghiêm

Làm Thiên Chủ ở đó

Muốn cầu cõi mật nghiêm

Nên tu mười loại trí

Pháp trí, tùy sinh trí

Thế tục trí tâm khác

Trí khổ, tập, diệt, đạo

Tận trí, vô sinh trí

Nhân giả thấy chân thật

Dòng Vua Xá Luân La

Cùng Vua Nguyệt cam giá

Dòng họ không khác nhau

Nên tìm nước mật nghiêm

Chớ thoái tâm hoài nghi

Như dê bị dắt đi

Lo sợ mà lùi bước

Ý ở tại trong thân

Giống thú giả nương ở

Cũng như giả làm cây

Cỏ lau ở trong sông

Như Vua chơi vườn cảnh

Cả thân thể vận động

Ý cùng với ý thức

Tâm, tâm pháp cùng khởi

Giống như mây giữa không

Tụ thành mà không thật

Chủng tử thức Lại da

Bị tập khí che mờ

Ví như ngọc ma ni

Tùy duyên hiện các sắc

Nhưng lìa thân chúng sinh

Tánh thanh tịnh không nhiễm

Chủng tánh quyết định này

Cũng là đại Niết Bàn

Gọi là nhân tướng sinh

Tuớng từ nhân duyên khởi

Do nơi các hình tướng

Mà khởi lên phân biệt

Phân biệt từ hai nhân

Tướng ngoài, tập khí trong

Mạt na thức thứ bảy

Nên biết cũng như vậy

Các căn, ý duyên nhau

Pháp sinh nơi năm thức

Cùng tương ưng tâm pháp

Như vậy trụ trong thân

Chánh trí thường quán sát

Tất cả các thế gian

Từ nhân duyên như vậy

Mà sinh các quả ấy

Chân như chẳng khác đây

Các pháp hỗ tương sinh

Cùng tâm lý tương ưng

Quán thấy rất rõ ràng.

Đây tức là các pháp

Tánh chân thật cứu cánh

Cũng là pháp vọng chấp

Tất cả pháp không sinh

Tánh các pháp thường, không

Chẳng không cũng chẳng có

Như huyễn mộng, ráng nắng

Như thành Càn Thát Bà

Vô số loại hình tướng

Danh cú và văn thân

Do chấp trước sinh ra

Thành ra tánh biến chấp

Căn, cảnh, ý hòa hợp

Huân tập thành hạt giống

Cùng tâm không phân biệt

Các thức từ đây sinh

Tạo thêm vốn cho nhân

Gọi là y tha khởi

Trong chứng trí chân thật

Ngoài hiện ra pháp trụ

Tức là nói viên thành

Cảnh giới các Bậc Thánh

Phật và các Phật Tử

Chứng pháp này là Thánh

Nếu người chứng pháp ấy

Tức thấy được chân tế

Thuyết giảng pháp đã hết

Phạm hạnh đều lập xong

Việc làm đã thành tựu

Vĩnh viễn lìa các cõi

Giải thoát tất cả khổ

Diệt trừ những sợ hãi

Sinh hai pháp vô ngã

Có thể khéo biết rõ

Đốt cháy các tập khí

Đoạn dứt các phân biệt

Từ vô thủy đến nay

Tích tụ các hý luận

Vô lượng các tội lỗi

Tất cả đều trừ hết

Ví như hoàn sắt nóng

Hết nóng, sắt không hư

Giải thoát cũng như vậy

Nhận hết mà trong sáng

Vào cảnh giới vô lậu

Cõi vi diệu mật nghiêm

Cõi này rất tối thắng

Ngoài ra chẳng sánh bằng

Chỗ cư trú thanh tịnh

Của Phật và Bồ Tát.

Hiện tiền vui tam muội

Dùng đây làm thức ăn

Người muốn sinh cõi này

Nên tu quán chân thật.

***