Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Hai - Phẩm Diệu Thân Sinh

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA MẬT NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Địa Bà Ha La, Đời Đường
 

PHẨM HAI

PHẨM DIỆU THÂN SINH
 

TẬP MỘT
 

Bấy giờ, Bồ Tát Như Thật Kiến có oai lực lớn, tự tại trong thế gian, trên thân Bồ Tát pháp phục tốt đẹp trang nghiêm, đứng cách xa chỗ Phật, cúi mình chắp tay, nhất tâm, cung kính hướng đến Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng.

Thưa: Tôn Giả khéo thông đạt được trí cảnh hiện pháp lạc trú, đối với ba thừa thế gian tâm không còn chống trái, là bậc thầy đại định, nơi định tự tại có thể tùy thuận thuyết giảng tướng các cõi.

Thường ở trong tất cả các cõi nước Phật vì các bậc thượng thủ diễn giải pháp vi diệu thâm sâu, cho nên nay tôi xin thỉnh Tôn Giả thuyết về cảnh chứng đắc bên trong hiện pháp lạc trú của các Thánh Nhân không theo hạnh người khác.

Khiến cho tôi và các Bồ Tát khác được thấy pháp đó, an lạc tu hành ở trong Cõi Phật được ý sinh thân và ngôn thuyết thân, sức thần thông tự tại đều được đầy đủ, chuyển sinh y của mình mà không dừng lại nơi quả vị chứng đắc, như các tia sáng của ngọc ma ni hiện lên các hình sắc, nơi tất cả nước Phật thuyết hạnh mật nghiêm.

Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng bảo: Lành thay! Nhân Giả! Có thể thỉnh ta thuyết pháp vô ngã để vào cõi mật nghiêm.

Nhân Giả! Trước nên hiểu rõ các cảnh phân biệt là tướng của tâm, ở trong cảnh giới ấy, xả bỏ những sự phân biệt. Nhân chủ, thấy tất cả thế gian là phân biệt, thấy thể của thế gian tức ở nơi duyên mà được tam muội.

Nay tôi vì ông khai thị pháp đó. Nhân chủ nên lắng nghe.

Bồ Tát nói kệ:

Tất cả các thế gian

Hư ảo như sóng nắng

Do các tướng không thật

Không mà lầm phân biệt.

Biết do đối tượng sinh

Đối tượng hiện do biết

Lìa một tức không hai

Như ánh sáng cùng ảnh.

Vô tâm cũng vô cảnh

Lượng và đối tượng lượng

Chỉ nương vào một tâm

Như vậy mà phân biệt.

Pháp biết và sự biết

Chỉ theo tâm vọng chấp

Nếu rõ sự biết không

Thì biết tức chẳng có.

Tâm là tự tánh pháp

Thân là chỗ cấu uế

Nhập vào địa thứ tám

Từ đó được thanh tịnh.

Thiền định địa thứ chín

Địa thứ mười giác ngộ

Nước pháp rưới vào đảnh

Thành tối thượng trong đời.

Pháp thân không có tận

Đây là cảnh giới Phật

Rốt ráo như hư không

Tâm thức cũng như vậy.

Không tận cũng không hoại

Dùng các đức trang nghiêm

Thường trụ chẳng nghĩ bàn

Các Cõi Phật mật nghiêm.

Ví như bình đã vỡ

Nhờ đó đất hiện rõ

Đất vỡ hiện ra bụi

Bụi phân ra cực vi.

Như vậy từ hữu lậu

Mà thành pháp vô lậu

Như lửa cháy hết củi

Lửa lại cháy chỗ khác.

Chuyển y lìa phân biệt

Chứng được trí bất động

Trong nước Phật mật nghiêm

Như vậy mà thường hiện.

Không phẩm loại chúng sinh

Chớ trụ ở thế gian

Bỏ tất cả kiến chấp

Trở về với vô ngã.

Đoạn các tướng lưu chuyển

Không sinh cũng không diệt

Dứt hết các kiến chấp

Chứng được pháp vô ngã.

Các hoạn nạn đã hết

Tịnh trú không nghĩ bàn

Diệt hết các kiến chấp

Trở về với vô ngã.

Hết thảy pháp thế gian

Xưa nay tánh vô ngã

Chẳng do hoại thành không

Do ví dụ mới rõ.

Như lửa cháy củi hết

Tự ở trong đó diệt

Quán sát nơi ba cõi

Trí vô ngã cũng vậy.

Gọi là hiện pháp lạc

Cảnh trí của Thánh Nhân

Nương đây vào các Địa

Diệt hết tôi từ xưa.

Vượt lên khỏi thế gian

An trụ đạo xuất thế

Chuyển tâm thành thanh tịnh

Thường ở cõi mật nghiêm.

Bấy giờ, Bồ Tát Như Thật Kiến và các đại chúng đều thưa: Bồ Tát Kim Cang Tự Tại, chúng tôi đều muốn được quy y, nguyện xin chỉ bày pháp ấy.

Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng nói kệ:

Tánh Phật chẳng phải có

Chẳng phải không có Phật

Cây uẩn đã thiêu đốt

Quân ma đều thoái lui

Trú nơi cõi Như Lai

Nước vi diệu mật nghiêm

Thấy rõ tịnh không cấu

Nhân chủ muốn quy y

Lìa xa các phân biệt

Chứng nơi không xứ sở

Chỗ các định mật nghiêm

Nhân chủ muốn quy y

Cõi mật nghiêm tối thắng

Chỗ nương các Bậc Thánh

Hành giả quán đầy đủ

Trở về cõi mật nghiêm.

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng lại bảo Bồ Tát Như Thật Kiến: Nhân chủ! Muốn quán các trụ địa, những người tu pháp quán hành quán tất cả thế gian như trong tượng vẽ có cao, thấp. Như mộng thấy nữ sắc đoan trang.

Như người nữ đá bỗng mộng thấy mình sinh con. Như những sinh hoạt trong thành Càn Thát Bà. Như vòng lửa thành bánh xe. Như tóc treo rũ giữa không trung. Như người ảo thuật tạo ra hình ngựa, rừng cây, hoa quả. Như bóng mây nổi. Như ánh điện chớp đều là giả chẳng phải thật có, do sự phân biệt tạo thành giống như người thợ tạo ra đồ dùng.

Nhân chủ! Tập khí chúng sinh ở thế gian che mờ tâm tánh sinh ra các loại hý luận, ý cùng ý thức và các thức khác khiến cho năm pháp, ba tánh chuyển biến liên tục cùng tương ưng với hai thứ vô ngã. Ví như dòng nước do gió thổi mà tạo nên các làn sóng, sóng khởi liên tục mà dòng nước chảy không ngừng. Thức A lại da ở trong thế gian cũng vậy. Tập khí vô thủy giống như dòng nước bị gió cảnh giới khuấy động, sinh ra những làn sóng thức liên tục không dứt.

Nhân chủ! Tâm này tuy thể tánh khác nhau mà thường duyên theo nhau dần dần sinh khởi, hoặc sinh khởi một lúc, khi tâm sinh chấp lấy các cảnh giới cũng có sự nhanh chậm khác nhau như vậy.

Như nhà cửa, các ngôi sao, chỗ quân trận, núi rừng, cây, nhánh lá, hoa quả những chỗ như vậy cùng một lúc chấp lấy nhiều thứ hoặc lần lượt từng thứ, nếu ở trong mộng thấy lại chuyện đã qua, hoặc nhớ lại thuở mới sinh ra đến lúc già chết và tính toán các vật, suy nghĩ các câu nghĩa, thấy các màu sắc đẹp lạ, cảm nhận ăn uống ngon, đối với cảnh giới này lần lượt biết rõ. Hoặc có lúc chỉ một lúc biết rõ tất cả.

Nhân chủ! Tâm tánh vốn thanh tịnh không thể nghĩ bàn. Các tạng Như Lai vi diệu như vàng trong quặng, ý từ tâm sinh, sáu thức khác cũng vậy. Như thế nhiều pháp ở trong thế gian tạo ra sự khác nhau.

Nhân chủ! Thức A lại da tuy có thể hòa hợp cùng các tâm pháp cho đến tất cả chủng tử nhiễm ô, thanh tịnh cùng dừng lại trụ nơi tánh thường sáng suốt.

Nên biết chủng tánh của Như Lai cũng vậy, dù phân biệt định hay bất định, thể tánh cũng thường thanh tịnh, nhu biển luôn yên lặng mà sóng thường chuyển động, lần lượt tu tập từng bước hạ, trung, thượng riêng biệt. Xả bỏ các tạp nhiễm thì được sáng suốt.

Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng lại nói kệ:

Lành thay! Tuệ Như Thật!

Chánh pháp vi diệu này

Từ lúc ta vừa nghe

Tâm định đã khai ngộ.

Tất cả nước mười phương

Các đại chúng trong hội

Ông nên tùy thuận theo

Vì họ tuyên thuyết rộng.

Nếu người nghe thuyết rồi

A lại da thanh tịnh

Hoặc là được làm Vua

Chuyển luân bốn thiên hạ.

Hiện làm Trời Đế Thích

Đâu Suất, Tu Dạ Ma

Hoặc chủ Trời Cõi Dục

Đến cung Trời Tự Tại,

Hoặc làm chủ Cõi Sắc

Sinh vào Trời Vô Sắc

Sinh trong Cõi Vô Tưởng

Hưởng hỷ lạc Thiền định,

Chứng chân thật không trụ

Ví như Sư Tử hống

Tự tại trong các định

Nhờ tương ưng hỷ lạc

Nhất tâm cầu mật nghiêm

Không đắm nhiễm ba cõi

Đến cõi mật nghiêm rồi

Lần lượt mà khai ngộ

Chuyển y được an lạc

Thường an trú tịch tĩnh

Có vô lượng Phật Tử

Vây quanh để trang nghiêm

Bậc pháp vương tự tại

Tối thượng ở trong chúng

Chẳng như ngoại đạo thuyết

Hoại diệt là Niết Bàn

Hoại nên đồng với có

Có chết lại sinh ra

Mười nghiệp thượng, trung, hạ

Vượt ra khỏi ba thừa

Sinh mật nghiêm tối thượng

Siêng năng chuyển các địa

Được trí tuệ giải thoát

Thân Như Lai vi diệu

Vì sao nói Niết Bàn

Đó là pháp hoại diệt

Nếu Niết Bàn hoại diệt

Chúng sinh có tận cùng

Chúng sinh nếu có cùng

Cũng có điểm khởi đầu

Nên pháp chẳng có sinh

Từ đầu làm chúng sinh

Chẳng không có chúng sinh

Mà sinh cõi chúng sinh

Cõi chúng sinh đã tận

Phật không đốt đuốc pháp

Thì không thể giác ngộ

Cũng không có Niết Bàn

Người vọng chấp giải thoát

Như hạt giống đã cháy

Đèn tắt và lửa hết

Nói tánh giải thoát đó

Là có hoại không thành

Xa lìa không thể chứng

Nơi giải thoát diệu lạc

Biến xứ và các thiền

Vô Sắc vô tưởng định

Sức thần thông tự tại

Nghịch thuận mà ra vào

Ở đó không thoái lui

Thường không bị chìm đắm

Biết rõ các pháp tướng

Khéo đạt được các cõi

Như vậy mà trang nghiêm

Đến trụ nước mật nghiêm

Nếu nói tánh giải thoát

Có hoại nhưng không thành

Người này trụ các cõi

Mãi mãi không thể ra

Phá hoại ba hòa hợp

Nhân nơi bốn thứ duyên.

***