Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA MẬT NGHIÊM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Địa Bà Ha La, Đời Đường
PHẨM MỘT
PHẨM HỘI MẬT NGHIÊM
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật ở cõi nước mật nghiêm, ngoài các Cõi Dục, Sắc, Vô Sắc và Vô Tưởng, chứng đắc lực thần thông, đối với các pháp tự tại vô ngại, chẳng phải là chỗ hoạt động của các ngoại đạo và hàng nhị thừa.
Cùng với vô số Đại Bồ Tát ở mười ức Cõi Phật, những vị hành giả tu tập thân cận, tất cả đều vượt khỏi cảnh giới của tâm, ý, thức, đạt được trí như ý, thân vượt khỏi sinh y, thành tựu Tam Muội Như Huyễn Thủ Lăng Nghiêm Pháp Vân.
Các vị Bồ Tát ấy tên Bồ Tát Tồi Dị Luận, Bồ Tát Đại Tuệ, Bồ Tát Như Thật Kiến, Bồ Tát Trì Tấn, Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt, Bồ Tát Quán Tự Tại, Bồ Tát Đắc Đại Thế, Bồ Tát Thần Thông Vương, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Kim Cang Tạng. Những vị Đại Bồ Tát này đều là vị Thượng Thủ.
Bấy giờ, Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác từ Tam Muội Tự chứng trí cảnh hiện pháp lạc trú thần thông biện tài hiện chúng sắc tượng, đứng dậy phát ra ánh sáng như điện chớp hình cầu vòng đẹp đẽ trang nghiêm rồi cùng với các vị Đại Bồ Tát vào trong điện Vô cấu nguyệt tạng, ngồi trên Tòa Sư Tử mật nghiêm, các chúng Bồ Tát cũng đều theo ngồi, đại chúng đã ngồi ổn định.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn nhìn khắp bốn phương, từ giữa chặng mày phát ra ánh sáng hào quang thanh tịnh tên là Kế châu trang nghiêm, có vô lượng ánh sáng xung quanh giao hòa phản chiếu tạo thành lưới ánh sáng.
Khi lưới ánh sáng này chiếu khắp thì tất cả cõi nước Phật đều có tướng trang nghiêm vi diệu giống như vi trần, Cõi Phật mật nghiêm hơn tất cả các Cõi Phật, không có mặt trăng, mặt trời và các ngôi sao, như tánh vô vi chẳng đồng như hạt bụi. Chư Phật và các vị Bồ Tát trong hội mật nghiêm cùng nhiều vị từ khắp các cõi nước khác đến hội này đều như hư không Niết Bàn và Phi trạch diệt vô vi.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn hiện khắp các cõi nước bằng công đức thù thắng của Phật, Bồ Tát rồi lại dùng Phật nhãn nhìn khắp mười phương các chúng Bồ Tát, bảo với Bồ Tát Như Thật Kiến: Này Như Thật Kiến! Nay cõi nước này tên là mật nghiêm, các Bồ Tát từ trong cõi các Sắc, Vô Sắc, Vô tưởng dùng sức tam muội phát sinh lửa trí tuệ thiêu đốt sắc, thọ và vô minh, chuyển chỗ lệ thuộc mà đạt được trí định, dùng lực thần thông của ý sinh thân mà tự trang nghiêm.
Không có chỗ hở, không có thể chất như hình ảnh của mặt trăng, mặt trời, luồng điện chớp, ngọc sáng màu vàng tía, pha lê, san hô, cây Chiêm ba ca, chim công, trăng hoa ở trong gương, nhờ tam muội tự tại trụ ở nơi các cõi hữu lậu thanh tịnh, đầy đủ Thập Nguyện, Thập Hồi Hướng nên được thân vi diệu thù thắng đến đây.
Khi ấy, Bồ Tát Như Thật Kiến ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải quỳ gối chắp tay cung kính thưa: Bạch Thế Tôn! Hôm nay con có điều muốn hỏi, xin Đức Như Lai thương xót chấp nhận giảng nói cho con.
Đức Phật bảo: Lành thay! Lành thay! Ông cứ tùy ý hỏi, ta sẽ khai thị giảng nói cho ông.
Bồ Tát Như Thật Kiến liền thưa: Bạch Thế Tôn! Chỉ Cõi Phật này là hơn Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc, Cõi Vô Tưởng và cõi chúng sinh chăng?
Đức Phật đáp: Này Thiện Nam! Ở phương trên cách đây hơn trăm ức Cõi Phật có các Cõi Phật Phạm Âm, Cõi Phật Ta la Thọ Vương, Cõi Phật Tinh Tú Vương. Ngoài các cõi nước này, lại có vô lượng trăm ngàn cõi nước rộng lớn xinh đẹp với đủ loại trang nghiêm.
Trong các cõi ấy, Chư Phật đều vì các Bồ Tát mà nói pháp hiện lạc trụ, tự chứng trí cảnh, xa lìa các phân biệt, đạt được cảnh giới Niết Bàn, chân như thật tế một cách hoàn toàn. Do đó nên biết ngoài Cõi Phật này còn có vô lượng các Cõi Phật như vậy.
Này Như Thật Kiến! Trong Cõi Phật và hội chúng Bồ Tát này, chẳng phải chỉ có ông đang sinh tâm nghi ngờ muốn thưa hỏi Như Lai, còn có Bồ Tát tên là Trì Tấn cũng nghi ngờ.
Vị ấy liền dùng thần thông bay lên phương trên vượt hơn trăm ngàn ức cho đến như hằng hà sa Thế Giới Chư Phật nhưng cũng không thể một lần nhìn thấy được đỉnh đầu của Như Lai, tâm nên thán phục tưởng đến sự không thể nghĩ bàn của Phật, Bồ Tát rồi trở lại Thế Giới Ta Bà trong thành Xá Vệ, đến chỗ của ta sám hối tội lỗi rồi tán thán vô lượng Chư Phật giống như hư không và trụ ở trong cảnh tự chứng, đến nước mật nghiêm.
Lúc ấy, trong chúng hội có Bồ Tát Kim Cang Tạng có thể khéo giảng nói về tướng của các cõi vi diệu, xác định rõ hết nguồn gốc, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bên phải, quỳ gối sát đất, chắp tay cung kính thưa: Bạch Thế Tôn! Con đối với pháp của Đấng Như Lai Ứng Chánh Giác muốn thưa hỏi, xin Đức Phật từ bi giảng nói cho con.
Đức Phật bảo Kim Cang Tạng: Ông có điều gì cứ hỏi, Như Lai sẽ tùy thuận theo tâm của ông mà khai thị giảng nói.
Được Đức Phật cho phép Bồ Tát Kim Cang Tạng liền thưa: Bạch Thế Tôn! Phật giác ngộ là nghĩa thế nào?
Đã giác ngộ rồi sao lại thỉnh giảng nói pháp tánh để hiển bày cảnh giới đệ nhất nghĩa. Trừ Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, những người đang tu hành còn thấy sắc tưởng và chấp theo luận thuyết ngoại đạo, vẫn còn khởi cảnh phân biệt nhiều hơn cả vi trần.
Tánh tự tại mới là như hư không, ngã, ý, căn, cảnh hòa hợp, những sự thấy như vậy lại có chấp thủ, vô minh, ái nghiệp, nhãn sắc và minh, bấy giờ lại có xúc và tác ý, các pháp này lại làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên hòa hợp sinh ra thức nhớ nghĩ hư vọng, rồi khởi các thứ luận bàn về có không. Ở trong pháp này, lại có những người đối với năm uẩn của chúng sinh rơi vào kiến chấp về tánh không.
Vì để đoạn dứt sự biết phân biiệt vọng tưởng như vậy, xin Thế Tôn nói về sự biết rõ xa lìa năm thức chúng con mới có thể đối với các pháp được tự tại, hiểu biết về nghĩa giác ngộ của Phật, làm cho những người nghe đều được giác ngộ như Phật, biết rõ năm thứ uẩn để chứng đắc quả vị Chánh Giác.
Đức Phật bảo Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng: Lành thay! Lành thay! Này Kim Cang Tạng! Mười Địa tự tại vượt qua cảnh giới phân biệt, bậc có trí tuệ lớn có thể hiển bày.
Chủng tánh Phật pháp là tối thượng, quý báu chẳng phải chỉ mình ông đối với ý nghĩa sự giác ngộ của Phật mà sinh tâm mong cầu muốn thưa hỏi ta còn có vô lượng Bồ Tát trong những hiền kiếp do ý nghĩa này cũng khởi tâm mong cầu hiếm có, suy nghĩ đủ cách để hỏi Phật: Như Lai là nghĩa gì?
Sắc là Như Lai chăng?
Đối với uẩn, giới xứ và các hành cũng như vậy, trong ngoài mong cầu cũng không thấy được Như Lai, đây điều là những việc làm hoại diệt chánh pháp, dùng trí thiền định quán sát kỹ thậm chí phân tích nhỏ như hạt bụi đều không thể thấy được vì các uẩn thô xấu, còn Như Lai là pháp thân thường trụ.
Lành thay! Thiện Nam! Ông có thể vào sâu pháp giới, lắng nghe và khéo nhớ kỹ, ta sẽ nói rõ cho ông.
Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng đáp: Bạch Thế Tôn! Con xin vâng lời.
Đức Phật nói: Này Thiện Nam! Tạng Kim Cang Tam Muội thù thắng tự tại, Như Lai chẳng phải uẩn cũng không khác uẩn, chẳng phải nương nơi uẩn, chẳng phải không nương nơi uẩn. Chẳng phải sinh, diệt, chẳng phải trí, chẳng phải không trí, chẳng phải căn, chẳng phải cảnh.
Vì sao?
Vì uẩn, giới, xứ các căn, cảnh đều là thô xấu, không thể trụ ở bên trong hay bên ngoài mà thấy được Như Lai.
Này Thiện Nam! Sắc không có giác tri, không có suy nghĩ, sinh rồi chắc chắn sẽ diệt giống như các loại cỏ cây, ngói đá, hạt bụi tụ hợp lại, như bọt nước. Thọ do hai pháp hòa hợp mà sinh giống như bong bóng nước như bình và vỏ.
Tưởng cũng do hai nhân duyên hòa hợp mà sinh như sóng nắng. Ví như Trời quá nắng, mặt đất bốc hơi nóng lên, ánh sáng mặt trời chiếu vào trông như sóng nước, những con ngựa vì quá khát, từ xa trông thấy tưởng là nước thật, tưởng cũng như vậy, không có thể tánh, hư vọng không thật.
Người phân biệt thấy như có tánh, thể, tướng và tên gọi khác nhau. Người tu định thì quán như sừng thỏ, như con của Thạch Nữ, chỉ là giả danh không có thật. Như trong mộng thấy sắc là chỉ do vọng tưởng mà thấy, tỉnh mộng liền chẳng có.
Trong giấc mộng vô minh thấy có các thứ hình sắc nam nữ, lúc thành Chánh Giác thì không còn thấy. Ví như cây chuối lột bỏ hết vỏ thì bên trong không có lõi, hành cũng như vậy, xa lìa thân và cảnh thì không có thể tánh. Thức như việc huyễn, giả dối không thật.
Ví như ảo thuật gia hay đệ tử của ông ta dùng các thứ cỏ, cây… giả làm hình người, voi, ngựa đủ thứ hình hài đẹp đẽ, người ngu tham cầu tướng huyễn ấy, người trí sáng suốt thì không như vậy. Thức cũng như thế, nương nơi các thứ khác mà có sự phân biệt chỉ do năng thủ, sở thủ mà sinh ra. Nếu tự mình hiểu rõ thì diệt mất, do đó thức không có thực thể giống như việc huyễn.
Này Kim Cang Tạng! Như Lai thường trụ không biến đổi. Trong cảnh giới tu pháp quán hành nhớ nghĩ đến Phật gọi là Như Lai tạng. Giống như hư không, không thể hoại diệt, gọi là cảnh giới Niết Bàn, cũng gọi là pháp giới.
Chư Phật Thế Tôn thuở quá khứ, hiện tại, vị lai cũng đều theo như đây mà tuyên thuyết. Như Lai xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời thì tánh này vẫn thường hằng gọi là pháp trụ tánh cũng gọi là pháp Ni Dạ Ma tánh.
Này Kim Cang Tạng! Thế nào gọi là Ni Dạ Ma?
Điều ác đời sau nhờ đây mà xa lìa, lại tam muội này có thể quyết định diệt trừ các điều ác về sau, do nghĩa này nên gọi là Ni Dạ Ma. Nếu có người trụ trong tam muội này, đối với các chúng sinh tâm không còn vướng mắc thì chứng được thực tế Niết Bàn giống như thanh sắt nóng bỏ vào trong nước mát lạnh.
Các Bồ Tát xả bỏ, không dừng lại nơi chỗ chứng đắc, thường vì chúng sinh mà làm lợi ích, không lìa tinh tấn, đại bi và các Ba la mật, không đoạn giống Phật, không đi theo con đường của nhị thừa, ngoại đạo. Như voi có sức mạnh lớn không bị lún vào bùn Tam Muội.
Tâm không đắm trước cảnh giới của thức, đối vối pháp môn của Phật thường không thoái chuyển, dùng trí tuệ rốt ráo hội nhập vào pháp thân của Phật, hiển bày oai đức rộng lớn của Như Lai, thành Bậc Chánh Giác, chuyển diệu pháp luân, trí dùng bằng cảnh các sắc làm tư lương nhập vào định của Như Lai ở trong cảnh Niết Bàn.
Lần lượt tu hành vượt khỏi tám Địa, khéo dùng phương tiện tu tập đạt đến địa thứ mười, nhờ oai đức rộng lớn của Như Lai trụ nơi cõi tự chứng của Chư Phật cùng tương ứng với tam muội vô công dụng đi khắp mười phương mà không rời khỏi chỗ cũ, thường nương Cõi Phật mật nghiêm của Phật mà chuyển sinh y của mình.
Thân bằng trí, định, ý, có sức thần thông tự tại đều được đầy đủ, ví như bóng trăng giữa không trung hiện khắp các dòng nước.
Đức Phật cũng như vậy, hóa hiện thân hình khắp các thế gian tùy theo tâm ưa thích của chúng sinh làm cho người nhìn thấy đều được lợi ích, lại khiến họ đến cõi mật nghiêm tùy theo căn tánh ưa thích dần dần khai thị giáo hóa, vì tất cả chúng sinh ở Cõi Dục, Cõi Trời Tự Tại và các Bồ Tát mà thuyết pháp, đem đến sự lợi ích an lạc cho các cõi, mười phương Cõi Phật công đức trang nghiêm đến đời vị lai tùy theo căn cơ mà ứng hiện.
Nhờ Trì Chú An thiện na dược mà ở chung với các vị thần cung điện Tiên linh và người nhưng họ không thể thấy được, Như Lai thị hiện biến hóa rồi lại trụ trong thân chân thật không hiện nữa, cũng như vậy.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Căn uẩn như đống rắn
Xúc cảnh giới làm duyên
Nghiệp si ái đã sinh
Không thoát được phiền não.
Tâm và các tâm sở
Lo nghĩ mãi không an
Giác quán bị quấn quanh
Như rồng bị quấn chặt.
Độc sân từ đây khởi
Như ngọn lửa cháy mạnh
Người tu pháp quán hành
Là bỏ các pháp uẩn.
Nơi đây thường quán sát
Nhất tâm không biếng trễ
Ví như giữa hư không
Không cây mà có hình.
Đường gió cùng dấu chim
Thấy được đều rất khó
Năng tạo, pháp được tạo
Sắc cùng chẳng phải sắc.
Thấy Như Lai ở đó
Cũng đều khó như vậy
Các chân như thật tế
Và thể tánh Chư Phật.
Chỗ thực hành tự chứng
Vượt các cảnh ngôn ngữ
Niết Bàn gọi là Phật
Phật cũng là Niết Bàn.
Lìa các tưởng phân biệt
Làm sao có thể thấy
Vàng vụn nơi quặng vàng
Trong quặng không thấy vàng.
Người trí khéo luyện nấu
Vàng rồng mới hiện ra
Nghiền nát hết các sắc
Cho đến thành bụi nhỏ.
Và phân chia các uẩn
Hoặc một hoặc tánh khác
Tánh Phật không thể thấy
Chẳng phải không có Phật.
Người định quán Như Lai
Đủ ba mươi hai tướng
Cùng những sự khổ vui
Thể hiện đều rõ ràng.
Vì thế không nên nói
Như Lai là không có Phật
Tam muội nhất duyên Phật
Thiện nhân, thiện căn.
Phật Nhất Thiết Thế Thắng
Và Phật Chánh Đẳng Giác
Năm vị Phật như vậy
Ngoài ra đều biến hóa.
Ba mươi hai tướng tốt
Như Lai tạng có đủ
Nên Phật chẳng phải không
Người định có thể thấy.
Vượt ra khỏi ba cõi
Vô lượng các nước Phật
Cõi Như Lai vi diệu
Thanh tịnh nhiều đệ tử.
Định, tuệ cùng tương ưng
Thành tựu tánh kiên cố
Đến cõi nước mật nghiêm
Tư duy oai đức Phật.
Người trong hội mật nghiêm
Tất cả đồng như Phật
Vượt qua sát na diệt
Thường ở trong tam muội.
Thế Tôn có định lớn
Trụ thiền định vắng lặng
Các tướng tốt công đức
Trong ngoài đều trang nghiêm.
Các thân Phật biến hóa
Từ Cõi Đâu Suất xuống
Phật thường ở mật nghiêm
Hiện thân từ cõi ấy.
Trụ chánh định chân thật
Tùy duyên hiện các hình
Như trăng giữa hư không
Bóng hiện khắp trong nước.
Như ảnh các viên ngọc
Hợp sắc nên mắt thấy
Như Lai trụ chánh định
Hiện thân cũng như vậy.
Ví như hình và tượng
Chẳng phải một, chẳng khác
Đấng Trượng Phu tối thắng
Thành tựu các sự nghiệp.
Chẳng phải tánh vi trần
Không thời, không tự tại
Cũng chẳng ngoài các duyên
Mà hiện ở thế gian.
Như Lai dùng tánh nhân
Trang nghiêm tự báo thân
Tùy cõi mà ứng hiện
Tất cả đều thấy rõ.
Tự tại nơi tam muội
Trong ngoài đều thể hiện
Sông, núi và rừng vắng
Bạn bè các quyến thuộc.
Mặt trời, trăng và sao
Ánh sáng hiện hình tượng
Như vậy, các thế gian
Bao hàm hết trong thân.
Đặt trong lòng bàn tay
Nhỏ bằng như hạt cải
Phật thiền định tự tại
Đấng Mâu Ni tối thắng.
Thế gian không thể làm
Chỉ do Phật biến hóa
Người vô trí mù tối
Chạy theo vọng phân biệt.
Chấp trước nơi hữu vô
Có ngã hoặc không ngã
Hoặc nói tất cả diệt
Hay chỉ diệt một phần.
Những người như thế ấy
Thường tự làm hại mình
Vì sao ở trong đây
Lại sinh các kiến chấp.
Phật ở khắp ba cõi
Bậc Đại Sư quán hành
Xem đời như thành càn
Tạo tác ra các việc.
Cũng như sắc trong mộng
Loài vật khát tìm nước
Do các thứ gió nghiệp
Ràng buộc bị thoái lui.
Phật ở trong phương tiện
Thấy, biết đều tự tại
Ví như người thợ giỏi
Khéo điều khiển máy móc.
Cũng như người thuyền trưởng
Giữ lái mà chuyển động
Như Lai rất vi diệu
Tịch tĩnh không biên giới.
Vượt các căn chấp trước
Chứng đắc được tịnh căn
Người tu hành định này
Nương vào định vi diệu.
Tất cả người tu quán
Hiểu rõ chỗ trụ tâm
Tánh Phật rất thanh tịnh
Chẳng có cũng chẳng không.
Xa lìa các giới hạn
Không lệ thuộc căn trần
Tâm tương ưng diệu trí
Của cảnh giới tối thượng.
Biết tướng đều không tánh
Tức là thấy Như Lai
Phá các tâm phiền não
Chẳng chấp vào tam muội.
Trụ nơi đạo thanh tịnh
Tất cả chẳng nhiễm ô
Chư Thiên, Càn Thát Bà
Tu La, Khẩn Na La.
Tiên Nhân và ngoại đạo
Tán thán và cúng dường
Nơi ấy không mê đắm
Và tạo nghiệp thế gian.
Trụ ở chỗ thanh tịnh
Khế hợp với diệu lý
Các trời, người nhìn thấy
Tạo tác của biến hóa.
Phật chẳng hiện đây, kia
Như mặt trời, mặt trăng
Trụ ở đạo viên mãn
Hiện trừ các cống cao.
Đối các phái ngoại đạo
Tùy nghi mà nhiếp phục
Vô số các pháp trí
Chủ luận bốn Vệ Đà.
Đều là các Như Lai
Nương sức định mà thuyết
Các quốc vương, vương thần
Cho đến chốn núi rừng.
Tất cả các phép tắc
Đều do Phật sinh ra
Mười phương các kho báu
Phát sinh ngọc thanh tịnh.
Là oai thần tự tại
Của Đấng Thiên Trung Thiên
Tất cả trong ba cõi
Có những người trí sáng.
Tạo vô số phương tiện
Nhờ Phật mà thành tựu
Hiện từ Cõi Đâu Suất
Các thể nữ vây quanh.
Ca hát và đùa vui
Đêm ngày thường tụ tập
Hoặc như Kiên Lợi Chí
Cư Sĩ Xá Lăng Ba.
Đoạn dứt và ra khỏi
Cảnh ràng buộc thế gian
Tuy ở tất cả chỗ
Hiện làm người trí sáng.
Trong trang nghiêm sâu kín
Tịch nhiên không lay động
Cảnh Mâu Ni lớn này
Kẻ ngu sinh phân biệt
Như người bệnh nhặm mắt
Giống bày thú khát nước
Quán thấy đời như huyễn
Như được ở trong mộng
Cảnh giới của Như Lai
Phật Tử thấy chân thật
Người tu quán như vậy
Từ mê đến giác ngộ
Na La cùng Y Xá
Phạm Thiên, Bà Đán Na
Nan Đà, Cưu Ma La
Cùng Kiếp Tỷ Thủ Ca
Chỗ thiền định quán xét
Nơi đây thường mê hoặc
Đời khứ, lai, hiện tại
Tất cả các Mâu Ni
Bị phiền não che tâm
Cũng chẳng thể thấy được
Lành thay Kim Cang Tạng
Đi khắp trong các cõi
Là nhờ oai thần Phật
Được ở cõi mật nghiêm
Cảnh giới của ông đây
Ta nay vì ông nói
Hoặc có vọng phân biệt
Tánh thù thắng vi trần
Như người thợ tạo ra
Đủ hình tướng các vật
Sinh chỉ là pháp sinh
Diệt cũng là pháp diệt.
Vọng chấp tất cả vật
Chỗ tạo tác vi tế
Từ nhân rõ ở quả
Ví như đèn chiếu vật
Trước không được tướng vật
Đèn tắt rồi cũng vậy
Chẳng phải trong quá khứ
Có tánh nắm bắt được.
Vị lai cũng như vậy
Lìa duyên không có tánh
Mỗi mỗi duyên bên trong
Biến tìm không có thể
Không thấy tánh có, không
Cũng không thấy không có
Các uẩn như bình, vỏ
Vi tế mà phân biệt
Có ba trăm sáu mươi
Đại tà hoại đạo chánh
Qua lại trong sinh tử
Không có pháp Niết Bàn.
***