Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA MẬT NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Địa Bà Ha La, Đời Đường
 

PHẨM SÁU

PHẨM KIẾN LẬP A LẠI DA
 

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng bảo đại chúng: Các nhân giả! Ta nhớ thuở xưa nhờ oai lực của Phật mà được định vi diệu, bỗng nhiên thấy rõ những người thế gian tu tập thiền định và Chư Phật Bồ Tát cùng ở trong các cõi nước khắp mười phương.

Trong đó Cõi Phật mật nghiêm là an lạc nhất. Chư Phật Bồ Tát số như vi trần ở Liên Hoa Tạng. Lúc ấy ta nhất tâm chiêm ngưỡng, từ trong định tự thấy thân mình cùng các Bồ Tát ở trong cõi mật nghiêm, lại thấy tạng giải thoát bằng như đốt ngón tay ở trong cung, sắc tướng sáng như hoa A Đát Tư, cũng như trăng sáng giữa hư không.

Vừa thấy ta liền nghĩ: Đây là gì mà có việc không thể nghĩ bàn như vậy?

Lúc đang nghĩ, ta liền thấy thân ta ở trong thân đó, ở trong đó thấy khắp thế gian.

Bấy giờ, vô lượng Bồ Tát ở trong Liên Hoa Tạng cũng đều thấy và nghĩ: Đây là việc không thể nghĩ bàn. Khi Đức Phật thể hiện những việc ấy rồi, liền thâu thần lực, các Bồ Tát đều trở lại như cũ. Ta thấy việc hy hữu này rồi, biết vô số Bồ Tát thị hiện, cảnh giới của Phật đây không thể nghĩ bàn.

Các nhân giả! Như Lai xưa, lúc còn làm Bồ Tát, từ địa Hoan hỷ thứ nhất đến địa Pháp vân, được pháp Tổng trì câu nghĩa vô tận và các Tam Muội Thủ Lăng Nghiêm, ý sinh thân, tám thứ giải thoát, ứng hiện thần thông giáo hóa gọi là Quang Minh, tất cả công đức như vậy đã thành tựu, được thanh tịnh, mau thành Chánh Giác, trụ cõi mật nghiêm, tùy nghi giáo hóa.

Vô số hình tượng Phật và Bồ Tát tự nhiên hiện khắp tất cả thế gian chuyển diệu pháp luân, khiến các chúng sinh diệt trừ ngu si, tu hành thiện pháp.

Hoặc có Bồ Tát thấy thân tướng Phật Thi lợi bà tha đủ tướng trang nghiêm, tự nhiên chiếu sáng, như ánh lửa lớn cùng các Bồ Tát trụ trong cung hoa sen thanh tịnh, thường ở trong định vi diệu an lạc.

Hoặc thấy Đại thọ Khẩn na la vương, hiện trăm ngàn ức các thứ biến hóa như ánh trăng sáng chiếu khắp các cõi nước, hoặc thấy vô lượng Chư Thiên trí tuệ thiện xảo, các tướng trang nghiêm, đầu đội mão báu, thân đeo chuỗi ngọc ở các Cõi Trời Đâu Suất…

Hoặc thấy Phổ Hiền có oai lực lớn, được Nhất thiết trí biện tài vô ngại, ánh sáng nơi thân không có ai bằng, ở nơi cung điện như trăng tròn sáng, tuy ở trong biển chánh định mật nghiêm mà hiện các hình tượng biến khắp tất cả, được các Hiền Thánh cùng khen ngợi, tán thán.

Vô lượng Trời, Tiên, Càn Thát Bà, Quốc Vương, Thái Tử cùng quyến thuộc vây quanh hầu hạ. Hoặc thấy có vị tu pháp quán hành, các chúng Chư Thiên vây quanh, trụ thiền vắng lặng giống như đang nằm ngủ mà xa lìa sự hôn trầm biếng nhác, đã từng hầu hạ vô lượng Chư Phật.

Hoặc thấy bậc Đại Đạo sư thị hiện đản sinh, xuất gia, khổ hạnh, tu tập chánh định cho đến nhập Niết Bàn, hiện các thần thông đi, đứng, nằm, ngồi giữa cõi hư không khiến cho Chư Thiên và loài người từ cõi Diêm phù đề cho đến Trời Sắc cứu cánh đều được chiêm ngưỡng.

Các nhân giả! Thể tánh Chư Phật chỉ có Phật mới biết, trí tuệ của Phật tối thượng không ai bằng. Như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được làm Bậc Sư Tử trong loài người, các ông cũng sẽ được như vậy.

Vì thế các ông nên sinh lòng tin thanh tịnh, tin vào tánh Phật thì được giải thoát. Người ấy, hoặc sẽ được làm Chuyển Luân Thánh Vương và các Tiểu Vương cho đến sinh ở trong cung Phạm Thiên được làm Thiên Chủ.

Các Chư Thiên này chuyên cần tinh tấn ở nơi Cõi Phật Liên hoa tạng thanh tịnh cùng các Bồ Tát từ hoa sen hóa sinh, nhập vào đạo Nhất thừa xa lìa tập khí tham, sân, thu phục các thiên ma ở Cõi Dục, tinh tấn chí không khiếp nhược, làm cho ánh sáng Phật pháp chiếu khắp các cõi nước.

Các nhân giả! Nếu muốn làm Phật thì chủng tánh Phật phải thanh tịnh, chủng tánh ấy thanh tịnh rồi tức được Như Lai thọ ký thành Vô Thượng Chánh Giác, làm lợi ích cho tất cả những người tu hành. Ví như đại địa làm chỗ nương cho tất cả chúng sinh.

Như lương y khéo bào chế thuốc khi khắp thành ấp, bình đẳng cứu giúp tất cả người bệnh, Đức Phật cũng như vậy, tâm bình đẳng giáo hóa không phân biệt, dù có bị chúng sinh cắt da thì tâm cũng không động.

Các nhân giả! Cảnh giới sở hành trong ngoài của tâm, đều chỉ là thức mê loạn mà thấy, ở đây không có ngã và ngã sở, năng sở cả hai tất cả đều là cảnh giới của ý thức, nương vào A lại da mà phân biệt như vậy. Ví như có người đặt viên ngọc vào trong nắng Mặt Trời, hoặc do đồ lấy lửa mà sinh ra lửa, lửa này chẳng phải ngọc, đồ lấy lửa sinh, cũng chẳng do người làm.

Tâm, ý, thức cũng như vậy, do căn cảnh tác ý hòa hợp mà sinh, tánh này có phải của mê hoặc như sóng nắng, mộng huyễn sự chấp thủ, hay giống lông rùa sừng thỏ, như sét đánh ra lửa, là từ nước, từ điện, từ sấm mà sinh chăng?

Không thể nhất định biết chỗ sinh. Như thấy người thợ gốm tạo ra các loại bình, các thứ dục, tâm, pháp cùng tâm sinh cũng như vậy.

Các nhân giả! Thể tánh của tâm không thể nghĩ bàn, người trong cõi mật nghiêm mới có thể thấy biết hoàn toàn.

Các nhân giả! Thức A lại da của chúng sinh xưa nay viên mãn thanh tịnh, vượt ngoài thế gian cùng ở Niết Bàn, như ánh trăng sáng hiện khắp các cõi nước, người thế gian thấy có khuyết tròn nhưng thể tánh của trăng vẫn chưa từng tăng giảm, tạng thức cũng như vậy, hiện khắp trong cảnh giới của tất cả chúng sinh, tánh thường viên mãn thanh tịnh không tăng, không giảm, người vô trí vọng sinh chấp trứơc.

Nếu có năng lực hiểu biết chân chánh thì được chuyển y vô lậu sai biệt, được pháp sai biệt này rất khó. Như trăng ở trong mây mà tánh vẫn thường sáng tỏ, tạng thức cũng vậy, thức lưu chuyển trong cảnh giới tập khí nhưng vẫn thường thanh tịnh.

Như cây ở trong sông theo dòng trôi, nhưng cây cùng với dòng thể tướng khác nhau, tạng thức cũng vậy, các tập khí khác thường sinh khởi mà thức không bị nhiễm ô.

Các nhân giả! Thức A lại da thường làm chỗ y cứ của các pháp nhiễm tịnh, là cảnh giới thiền định hiện pháp lạc trú của các Thánh Nhân và các Cõi Trời người. Các cõi nước Chư Phật đều lấy đó làm nhân, thường làm chủng tánh cho các thừa. Nếu ai giác ngộ đựơc tức thành Phật đạo.

Các nhân giả! Tất cả chúng sinh có đủ công đức oai lực tự tại cho đến sinh chỗ hiểm nạn, thức A lại da thường ở trong đó làm chỗ y cứ. Chúng sinh từ vô thủy ở trong cảnh giới này, tự mình làm tăng trưởng tập khí các nghiệp, cũng có thể tăng trưỏng bảy thức khác, do hàng phàm phu chấp có chủ thể và đối tượng ở trong ngã.

Các nhân giả! Ý ở trong thân như gió thổi nhanh, gió nghiệp thổi làm các căn chuyển biến, bảy thức đồng thời chuyển như sóng dậy. Tánh vi trần thù thắng, thời gian tự tại, thế gian của ngoại đạo chấp đều là thức A lại da thanh tịnh.

Các nhân giả! Thức A lại da do nghiệp lực cũ và ái làm nhân, tạo thành thế gian bao nhiêu phẩm loại, người vọng chấp cho mình tạo ra, thể tướng của thức này vi tế khó biết, người mê chưa thấy rõ tâm chân thật, đối với căn, cảnh ý sinh tham ái.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng lại nói kệ:

Này Phật Tử các ông

Vì sao chẳng nghe thấy

Tánh tạng thức thanh tịnh

Chỗ nương tựa các thân.

Hoặc đủ ba mươi hai

Tướng Phật và Luân Vương

Hoặc vô số thân hình

Thế gian đều thấy được.

Như trăng sáng giữa không

Các sao cùng vây quanh

Các thức, A lại da

Ở trong thân cũng vậy.

Như Thiên Chủ Cõi Dục

Người hầu trong cung báu

Các thần ở sông biển

Trong nước được tự tại.

Tạng thức ở thế gian

Nên biết cũng như vậy

Như đất sinh các vật

Tâm này hiện nhiều nơi.

Ví như Vua mặt trời

Rực sáng ngự cung báu

Đi quanh núi Tu Di

Chiếu sáng khắp trời, người.

Chư Thiên và thế gian

Thấy rồi liền kính lễ

Phật trong cõi tạng thức

Tướng ấy cũng như vậy.

Hành các hạnh mười Địa

Hiển bày pháp Đại Thừa

Ban vui khắp chúng sinh

Thường tán thán Như Lai.

Ở nơi thân Bồ Tát

Đây gọi là Bồ Tát

Phật cùng các Bồ Tát

Đều là A lại da.

Phật và các Phật Tử

Đã thọ, sẽ thọ ký

A lại da rộng lớn

Sẽ được thành Chánh Giác.

Các định ở mật nghiêm

Cùng định diệu tương ứng

Ở nơi A lại da

Quán sát thấy rõ ràng

Phật và Bích Chi Phật

Thanh Văn, các ngoại đạo

Người thấy lý không sợ

Quán sát nơi thức này

Vô số các cảnh thức

Đều từ tâm biến hiện

Bình, vỏ và các vật

Như vậy tánh đều không

Đều nương A lại da

Chúng sinh thấy mê mờ

Do vì các tập khí

Chấp và đối tượng chấp

Tánh này chẳng như huyễn

Sóng nắng và quáng mắt

Chẳng sinh, chẳng không sinh

Chẳng không cũng chẳng có

Ví như tướng dài ngắn

Lìa một tức là không

Người trí quán việc huyễn

Đấy chỉ là huyễn thuật

Chưa từng có một vật

Mà đồng sinh cùng huyễn

Sóng nắng và quáng mắt

Hòa hợp có thể thấy

Lìa một, không hòa hợp

Quá khứ, vị lai không

Những việc huyễn như thế

Mỗi mỗi tướng các vật

Đều do tâm biến hiện

Không thể cũng không danh

Người mê hoặc trong đời

Tâm họ không giải thoát

Vọng thuyết có việc huyễn

Huyễn thành vô số vật

Huyễn sư dùng ngói gạch

Tạo ra các đồ vật

Chuyên cần hoặc đến đi

Thấy việc này chẳng thật

Như sắt nhờ nam châm

Mà di chuyển vị trí

Tạng thức cũng như vậy

Tùy chỗ phân biệt chuyển

Tất cả các thế gian

Đều hiện khắp mọi nơi

Như mặt trời, ngọc báu

Không tư duy phân biệt

Thức này hiện khắp nơi

Thấy cho là lưu chuyển

Không sinh cũng không chết

Pháp vốn chẳng lưu chuyển

Người định thường quán sát

Sinh tử vốn như mộng

Khi ấy liền chuyển y

Gọi là được giải thoát

Đây tức là giáo lý

Tối thượng của Chư Phật

Tư duy tất cả pháp

Như cân, như gương sáng

Lại như đèn sáng lớn

Cũng như thử đá vàng

Xa lìa nơi đoạn diệt

Nêu lên tướng chánh đạo

Người tu hành diệu định

Đạt được nhânh giải thoát

Xa lìa các tạp nhiễm

Mà hiện rõ chuyển y.

***