Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA MẬT NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Địa Bà Ha La, Đời Đường
 

PHẨM TÁM

PHẨM A LẠI DA VI MẬT
 

TẬP BỐN
 

Lúc đầu ở thai tạng

Sắc sinh thường hoại diệt

Lìa không chẳng có sắc

Lìa sắc chẳng có không

Như trăng cùng ánh sáng

Trước sau thường không khác

Các pháp cũng như vậy

Tánh không vẫn đồng nhất

Lưu chuyển không khác nhau

Chỗ làm được thành tựu

Thân này như tử thi

Xưa nay không tự tánh

Luôn bị ái ràng buộc

Bị cảnh động dẫn dắt

Phật thuyết giảng lý không

Vì muốn đoạn các kiến

Các ông người có trí

Phải nên nhất tâm học

Ví như nhà huyễn thuật

Dùng lực các chú thuật

Cỏ cây và các duyên

Tùy ý tạo các vật

Nương theo mắt và ái

Ý theo sắc, ánh sáng

Như vậy, nhãn thức sinh

Như huyễn, như sóng nắng

Thức này không chỗ đến

Cũng không có chỗ đi

Tánh các thức như vậy

Không nên chấp có, không

Như Thạch Nữ có con

Như sừng thỏ, lông rùa

Xưa nay không có tánh

Vọng lập nên tên gọi

Loài sư, tử, gấu, bi

Đều là không có sừng

Vì sao chẳng phân biệt

Chỉ bảo thỏ không sừng

Người đàm luận khéo léo

Sao không thể tuyên thuyết

Những bậc trí đời trước

Chỉ nói thỏ không sừng

Người mê vọng phân biệt

Như câm và điếc mù

Người này không có trí

Không thể tự chứng pháp.

Chỉ theo lời khác chuyển

Đâu cần phải phân biệt

Nếu xa lìa phân biệt

Nên sinh cõi mật nghiêm

Trong chánh định nhất tâm

Hiện khắp mười phương cõi

Ví như cung điện trời

Các sao và mặt trăng

Nương ở núi Tu Di

Nhờ sức gió chuyển động

Bảy thức cũng vậy

Nương vào A lại da

Giữ gìn các tập khí

Mỗi mỗi thường lưu chuyển

Ví như nương nơi đất

Sinh trưởng tất cả vật

Tất cả loài hữu tình

Cho đến những ngọc quý

Tạng thức cũng như vậy

Chỗ nương của các thức

Ví như con chim công

Lông cánh nhiều màu sắc

Trống, mái ưa thích nhau

Cùng vui vẻ náo nức

Người định quán lại da

Nên biết cũng như vậy

Chủng tử và các pháp

Cùng lần lượt nương nhau

Ví như trăm dòng sông

Ngày đêm chảy ra biển

Dòng sông vẫn không cạn

Biển thì cũng chẳng khác

Tạng thức cũng như vậy

Thâm sâu không có bờ

Tập khí của các thức

Ngày đêm thường lưu chuyển

Như đất có nhiều báu

Và các loài vật khác

Ban cho các chúng sinh

Tùy theo người lấy dùng

Tạng thức cũng như vậy

Cùng khởi các phân biệt

Tăng trưởng ở sinh tử

Chuyển y thành Chánh Giác

Hành thiện, hành thanh tịnh

Ra khỏi cả mười địa

Vào trong địa Như Lai

Mười lực đều viên mãn

Chánh trụ nơi thực tế

Thường hằng không ngoại diệt

Như đất không phân biệt

Ứng hóa không tận cùng

Như mùa xuân hoa nở

Chim, người đều vui thích

Thức chấp trì cũng vậy

Người định nhiều mê chấp

Như vậy các Phật Tử

Không tuệ lìa chân thật

Không hoàn toàn biết nghĩa

Vọng nói sinh quyết định

Lời phi pháp, lý gian

Mê hoặc các chúng sinh

Trụ ở các pháp khác

Sinh lời nói khác nhau

Ví như nhà huyễn thuật

Khéo dùng các chú thuật

Ở chỗ không hoa quả

Hiện đủ thứ hoa quả

Trí phương tiện thiện xảo

Phật, Bồ Tát cũng vậy

Trụ thế gian khác nhau

Mà an lập riêng biệt

Thuyết vô số pháp môn

Dẫn dắt không cùng tận

Pháp chân thật quyết định

Trong mật nghiêm hiện rõ

Sáu giới và mười tám

Mười hai xứ thù thắng

Dây ý bị dẫn dắt

Nên chúng sinh lưu chuyển

Tám thức các giới, xứ

Cùng hòa hợp sinh khởi

Thân trước và thân sau

Từ nơi ý mà chuyển

Phật thuyết tạng thức này

Nhân biến thiên lưu chuyển

Sinh ra tất cả thân

Liên tục không đoạn dứt.

Lúc Bồ Tát Kim Cang Tạng thuyết về nghĩa tối thắng của các giới, xứ rồi, các Đại Bồ Tát ở trong cung điện Ma ni bảo tạng thanh tịnh được sự không sợ hãi liền đến trước đảnh lễ.

Lại có vô lượng Chư Phật, Bồ Tát từ cõi nước đến đồng tán thán: Lành thay! Lành thay!

Trong chúng lại có vô lượng Bồ Tát, Chư Thiên và các Thiên Nữ đều đứng dậy chắp tay cùng nhau chiêm ngưỡng và nói kệ:

Trong tất cả người định

Nhân Giả là Thượng Thủ

Nay vì các Bồ Tát

Thuyết pháp diệu tối thắng

Xa lìa các ngoại đạo

Và các luận chấp ngã

Nhân giả đã chỉ rõ

Sáu giới tịnh tối thắng

Chỉ các giới hợp lại

Theo nhân để duy chuyển

Ví như trong hư không

Có dấu chim hiện rõ

Cũng như lìa nơi cây

Lửa được cháy hừng hực

Dấu chim hiện trong không

Lìa cây mà có lửa

Ta và các thế gian

Chưa từng thấy việc này

Chim bay nhờ lông cánh

Không có vết trong không

Nhân giả thuyết tối thắng

Cùng giống tướng dấu chim

Vì sao nơi các cõi

Có được nghĩa luân hồi

Mà thuyết giới tối thắng

Thường lưu chuyển sinh tử

Thọ các quả khổ vui

Nghiệp đã tạo không mất

Như nông phu trồng trọt

Chưa từng gặt được quả

Thân người cũng như vậy

Trú thân tu hạnh lành

Đời nay và đời sau

Hưởng quả vui trời, người

Hoặc thường tu phước đức

Tích tập nhân làm Phật

Trí tuệ và giải thoát

Mau thành Bậc Chánh Giác

Sinh Cõi Trời Tự Tại

Quán hành thấy nghĩa thật

Nếu lìa cõi tối thắng

Tất cả đều không có

Bậc trượng phu lưu chuyển

Ở trong chốn sinh tử

Dưới từ ngục A tỳ

Trên đến các Cõi Trời

Nghiệp này phải chịu quả

Sự tạo tác không mất

Hoặc trong ngoài thế gian

Hỗ tương mà sinh khởi

Pháp này giống pháp kia

Pháp kia từ đây sinh

Tuy lìa cõi tối thắng

Làm người cõi luân hồi

Như nói con Thạch Nữ

Uy nghi đi tới lui

Thỏ có sừng bén nhọn

Trong cát sinh ra dầu.

Lúc ấy, các Bồ Tát, Chư Thiên và Thiên Nữ nói lời này rồi, cùng nhau cúng dường Bồ Tát Kim Cang Tạng và các Bồ Tát.

Cúng dường xong, họ lại đồng tâm mà nói kệ:

Pháp nhãn đủ không khuyết

Nhân, dụ đều trang nghiêm

Bao gồm luận thuyết khác

Tự hiển bày công đức.

Nên bậc đại tinh tấn

Ứng hợp mau khai diễn

Trời, người trong hội này

Đều nhất tâm lắng nghe.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng dùng kệ đáp:

Pháp này sâu khó bàn

Không thể phân biệt được

Lý quán hành thanh tịnh

Nhân, dụ đã mở bày.

Ta ở cõi mật nghiêm

Tu định rồi tuyên thuyết

Hàng trời, người các ông

Nên nhất tâm lắng nghe.

Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng nói lời này rồi, hướng về đại thọ Khẩn Na La Vương nói kệ:

Đại Thọ Khẩn Na La

Ông nên biết pháp tánh

Các pháp làm sao trụ

Tánh không không thật có.

Thấy tương ưng như vậy

Thiền định không mê hoặc

Như ăn một hạt cơm

Có thể biết hạt khác.

Các pháp cũng như vậy

Biết một tức biết nhiều

Như váng sữa đông lại

Dùng đầu lóng tay biết.

Các pháp tánh như vậy

Đem một pháp quán sát

Pháp tánh chẳng phải có

Cũng chẳng phải là không.

Biến đổi của tạng thức

Lấy tạng không làm tướng.

Lúc ấy, Đại Thọ Khẩn Na La Vương nói kệ:

Vì sao trong tâm lượng

Mà có cõi và người

Vì sao sinh các cõi

Cứng ướt và nóng động.

***