Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA MẬT NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Địa Bà Ha La, Đời Đường
 

PHẨM TÁM

PHẨM A LẠI DA VI MẬT
 

TẬP HAI
 

Sắc tướng tuy không đồng

Tánh đều chẳng chắc thật

Thế gian đều như vậy

Các thứ đều không thật

Do vọng tình chấp trước

biến kế chẳng có khác

Ví như ngọc Ma ni

Tùy sắc mà hiện hình

Thế gian cũng như vậy

Chỉ do phân biệt có

Thể dụng không tồn tại

Vì tánh biến kế này

Như thành Càn Thát Bà

Không thành mà giống thành

Cũng chẳng phải không nhân

Có thể thấy như vậy

Thế gian vô số vật

Nên biết cũng như vậy

Mặt trời và các núi

Nhà cửa và khói mây

Mỗi thể tướng khác nhau

Chưa từng có xen lẫn

Không cùng không tự, tha

Thể tánh đều không thành

Chỉ là chỗ phân biệt

Tự tánh của biến kế

Các vật ngoài nhân sinh

Chẳng phải không có nhân

Hoặc có hoặc không có

Đây đều là vọng chấp

Danh nương tướng sinh khởi

Hai thứ phân biệt sinh

Chánh trí và như như

Xa lìa sự phân biệt

Tướng tâm như hiện rõ

Ý cùng làm sở y

Ý và năm tâm sinh

Cũng giống như sóng biển

Tập khí không bắt đầu

Cảnh giới cũng như vậy

Do tâm tập khí sinh

Cảnh khiến tâm mê loạn

Nương theo thức Lại da

Tất cả các chủng tử

Cảnh giới tâm như hiện

Vì thế gian mà thuyết

Bảy thức, A lại da

Lần lượt sinh ra tướng

Tám loại thức như vậy

Không thường cũng không đoạn

Tất cả các thế gian

Tợ có sự sắp đặt

Chấp có các chúng sinh

Ngã và ba hòa hợp

Phát sinh các thứ thức

Phân biệt các cảnh giới

Hoặc vọng chấp là có

Do người tạo nghiệp nhân

Sinh ở cõi Phạm Thiên

Trong ngoài các thế gian

Thế gian chẳng ai tạo

Nghiệp và vi trần nghiệp

Chỉ là A lại da

Biến hiện giống với cảnh

Tạng thức không duyên tạo

Thức cũng không tạo duyên

Các thức tuy lưu chuyển

Không có ba hòa hợp

Thể Lại da thường trụ

Các thức cùng sinh khởi

Như bánh xe, thủy tinh

Cũng như trăng và sao

Từ đây sinh tập khí

Mỗi loại tự tăng trưởng

Lại tăng trưởng thức khác

Các thức khác cũng vậy

Thường lưu chuyển như vậy

Người ngộ tâm mới biết

Ví như lửa đốt cây

Lần lượt mà lan khắp

Cây này đốt cháy rồi

Lại đốt sang cây khác

Nương theo thức Lại da

Tâm vô lậu cũng vậy

Trừ dần các hữu lậu

Đoạn dứt pháp luân hồi

Đây là hiện pháp lạc

Nơi cảnh giới tam muội

Con đường của Bậc Thánh

Truyền khắp mười phương nước

Như vàng ở trong quặng

Không thể thấy được vàng

Người trí khéo nung luyện

Vàng ấy mới sáng ra

Tạng thức cũng như vậy

Bị tập khí trói buộc

Tam muội đã tịnh trừ

Người hành định thấy sáng

Như lạc chưa đong váng

Hoàn toàn không thấy tô

Cho nên các bậc trí

Nấu lạc mà được tô

Tạng thức cũng như vậy

Bị che bởi các thức

Những người định mật nghiêm

Siêng quán mới chứng được

Ánh sáng lớn mật nghiêm

Đáng xưng trí vi diệu

Phật Tử siêng tu tập

Thường sinh trong nước này

Cõi Sắc và Vô Sắc

Không, thức, phi phi tưởng

Ở đó thường siêng tu

Mà sinh đến chỗ này

Các Phật Tử trong đây

Oai quang giống mặt trời

Ở nơi chỗ tu hành

Giảng ý nghĩa tương ứng

Pháp chứng của Như Lai

Theo thấy mà chuyển y

Tất cả Phật Thế Tôn

Thọ quả vị Quán Đảnh

Tuy trụ cõi mật nghiêm

Tùy nghi hợp với vật

Hoặc thấy, hoặc nghe pháp

Giữa không mà biến hóa.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng lại bảo đại chúng: Các nhân giả! Thức A lại da từ vô thủy đến nay huân tập các tập khí hý luận, lại bị các nghiệp trói buộc luân hồi không dừng.

Như biển nhân nơi gió mà khởi lên các sóng thức thường sinh diệt không ngừng. Chúng sinh không tự biết được, theo thức của mình hiện ra các cảnh giới. Nếu tự biết rõ như lửa đốt củi, thì tập khí đều dứt trừ, đi vào quả vị vô lậu gọi là Thánh Nhân.

Các nhân giả! Thức A lại da biến hóa tựa như các cảnh, hoàn toàn đối với thế gian ý nhiễm ô, duyên chấp theo ngã và ngã sở, các thức đối với cảnh, mỗi mỗi đều phân biệt.

Các nhân giả! Tâm tích tập ý nghiệp cũng vậy, ý thức biết rõ tất cả các pháp, năm thức phân biệt cảnh giới hiện tiền, như người bệnh nhặm mắt thấy tựa như vầng quáng, ở trong tâm tựa như có sắc, chẳng phải sắc chấp là sắc.

Các nhân giả! Như ngọc báu Ma ni thể tánh thanh tịnh, nếu đặt giữa ánh sáng Mặt Trời, tùy theo chỗ thích ứng của viên ngọc mà mưa xuống các vật báu. Thức A lại da cũng vậy, là kho tàng thanh tịnh của các Như Lai cùng với tập khí hòa hợp biến chuyển giống như các sắc trong khắp thế gian, nếu hợp với tướng vô lậu thì mưa xuống các pháp công đức.

Như sữa biến thành ván sữa cho đến thành sữa đặc, thức A lại da cũng vậy, biến đổi giống như các sắc của thế gian, như người bị đau mắt, do bệnh nhặm mắt nên thấy giống như vầng quáng, tất cả chúng sinh cũng như vậy, do tập khí che lấp, ở trong tạng thức, mắt sinh ra các sắc cũng vậy. Sự thấy sắc này giống như sóng nắng xa lìa có, không đều là sự biến hiện của A lại da.

Này các nhân giả! Nương theo nhãn sắc tựa có thức sắc, như việc huyễn sinh ở trong mắt, tướng ấy dao động như khi đốt ngọn lửa.

Các nhân giả! Tất cả các sắc đều là A lại da cùng với sắc huân tập tương ưng biến hóa tựa như tướng của nó chẳng có thể khác biệt, đồng với sự phân biệt của phàm phu.

Các nhân giả! Tất cả chúng sinh hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc đi, hoặc đứng, say sưa, ngủ nghỉ cho đến chạy tán loạn đều do thức Alại da.

Ví như ánh sáng nắng gay gắt của mặt trời chiếu xuống mặt đất làm lay động giống như dòng nước làm cho những con thú đang khát mê lầm chạy theo. Thức A lại da cũng như vậy, thể tánh chẳng phải sắc mà hiện giống như sắc. Người phân biệt vọng sinh chấp trước như sức hút của nam châm khiến sắt di chuyển, tuy không có tâm tựa như có tâm.

Thức A lại da cũng như vậy. Vì chấp giữa pháp sinh tử qua lại trong các nẻo, chẳng phải ngã mà giống ngã. Như trong nước có vật, tuy không có sự hiểu biết mà theo dòng nước chuyển động không dừng, thức A lại da cũng vậy, tuy không phân biệt mà nương thân vận hành.

Như có hai con voi mạnh khoẻ đấu nhau. Nếu một con bị thương nó liền rút lui. Nên biết thức A lại da cũng như vậy. Thức này đoạn các phần tập nhiễm, nhưng không bị lưu chuyển.

Ví như hoa sen ra khỏi bùn sáng suốt thanh tịnh lìa khỏi phiền não, Chư Thiên quý nhân thấy đều kính trọng, thức A lại da cũng vậy, ra khỏi bùn tập khí trong sáng, được Chư Phật, Bồ Tát và bậc Đại nhân quý trọng. Như thế gian mong cầu có ngọc báu, đối với kẻ ngu thường bị nhiễm ô, bậc Trí được rồi liền dâng lên Vua, dùng để trang sức làm mũ báu đội cho Vua.

Thức A lại da cũng vậy, là chủng tánh thanh tịnh của các Như Lai, đối với hàng phàm phu thường bị tạp nhiễm. Bồ Tát chứng đắc, đã đoạn dứt các tập khí cho đến thành Phật thường giữ gìn vật báu đó. Như ngọc quý ở trong nước bị vỏ ốc bao chung quanh, thức A lại da cũng vậy, ở trong biển sinh tử bị các tập khí ác ngăn che nên không hiện ra.

Các nhân giả! Thức A lại da có năng thủ, sở thủ, sinh ra hai tướng giống như rắn hai đầu muốn đến chỗ ưa thích. Cũng vậy thức này cùng với sắc tướng sinh khởi, người thế gian chấp làm sắc, hoặc chấp ngã, ngã sở hoặc có hoặc không, có thể tạo ra thế gian mà đối với thế gian được tự tại.

Các nhân giả! Thức A lại da tuy biến hiện nhiều loại mà tánh rất thâm sâu, người vô trí không thể hiểu rõ, ví như huyễn sư giả tạo ra các con vật hoặc đi hoặc chạy cũng như chúng sinh đều không nhất định là thật. Thức A lại da cũng như vậy, tạo ra các thế gian và chúng sinh nhưng không phải thật, kẻ phàm phu không hiểu, vọng sinh chấp trước. Bậc trượng phu khởi tánh thù thắng tự tại mà không thấy.

Các nhân giả! Ý có thể phân biệt tất cả thế gian, cái thấy phân biệt này như tính chất trong tranh, như hình trong gương, như người nằm mộng thấy vật, như cung Thích Đề Hoàn Nhân, như thành Càn Thát Bà, như âm vang trong núi, như sóng nắng, như bóng cây trên dòng, như bóng trăng trong ao, người phân biệt đối với A lại da cũng vọng chấp như vậy.

Hoặc có người đối với thức này có thể chân chánh quán sát, biết các thế gian đều là tự tâm thì sự thấy phân biệt này đều là chuyển diệt.

Các nhân giả! Thức A lại da là sở y và các pháp tập khí, là tâm phân biệt tán loạn, nếu xa lìa tâm phân biệt liền trở thành vô lậu, giống như hư không. Nếu các Bồ Tát ở nơi A lại da đắc tam muội sinh ra thiền định giải thoát vô lậu, được sức phương tiện thần thông tự tại, các pháp công đức, mười nguyện viên mãn thì ý sinh thân, chỗ chuyển sở y của thức thường trụ đồng với tánh của hư không chẳng hoại diệt.

Các nhân giả! Như Lai thấy khắp tất cả thế gian không có hoại diệt. Người nhập Niết Bàn chẳng phải là hoại diệt, cũng chẳng phải không có chúng sinh mà nay mới sinh cõi nước trong mười phương đồng một pháp tánh.

Chư Phật xuất hiện hay không xuất hiện ở thế gian, tất cả các pháp trụ nơi pháp tánh vẫn không thường không đoạn. Nếu người giải thoát cảnh giới sinh diệt của chúng sinh tức là hoại tánh Nhất thiết trí của Như Lai.

Phật biết pháp quá khứ, vị lai, hiện tại không bình đẳng, nếu chúng sinh diệt Niết Bàn thì ai xa lìa khổ, hữu dư, vô dư và những việc hàn phục các ma đều là vọng thuyết. Do đó nên biết những người tu quán hành chứng được thân thường trụ giải thoát, xa lìa các uẩn, diệt các tập khí, ví như thanh sắt nóng bỏ vào nước lạnh, sức nóng tuy không còn nhưng thanh sắt vẫn không hoại diệt.

Các nhân giả! Biển thức A lại da bị hý luận thô trọng va chạm nên năm pháp, ba tánh, sóng các thức tương tục sinh khởi, có cảnh giới và tướng dao động, ở nơi chỗ vô nghĩa mà hiện nghĩa như thật.

Các nhân giả! Thức A lại da đi trong rừng các uẩn, ý thì đi trước, ý thức quyết định sắc và các cảnh. Năm thức nương theo căn hiện rõ cảnh giới, chấp thủ cảnh giới đều là thức A lại da.

Các nhân giả! Thức A lại da cùng mạng sống, hơi ấm, xúc hòa hợp mà trụ. Ý trụ nơi thức này, thức này lại trụ nơi ý, ngoài ra năm thức cũng trụ nơi tự căn.

Các nhân giả! Tâm ý, thức trụ nơi các uẩn bị nghiệp dẫn dắt lưu chuyển không dừng, ái nhân nơi nghiệp mà sinh, do nghiệp thọ thân, thân lại tạo nghiệp, bỏ thân này rồi lại thọ thân khác như trùng bò trong hang, tâm và tâm pháp sinh khởi các nẻo, lại chứa nhóm các uẩn.

Các nhân giả! Mạng sống, hơi ấm và thức nếu xa lìa thân này thì không còn sự hiểu biết giống như gỗ, đá.

Các nhân giả! Tâm chấp ngã tạng thức này gọi là ý, chấp thủ các cảnh giới gọi là thức, tâm có thể nương thân, ý chấp các cõi, ý thức hiện rõ năm thứ phân biệt. Tạng thức là nhân sinh khởi các thức, ý và ý thức lại từ đẳng vô gián duyên mà khởi, năm thức lại nương vào tăng thượng duyên mà sinh, đồng thời do tự căn làm tăng thượng.

Các nhân giả! Thân như thây chết mà đứng dậy, như sóng nắng tùy theo các hành làm nhân duyên mà di chuyển, chẳng phải hư vọng, chẳng phải chân thật, bị tham ái dẫn dắt tánh không, vô ngã.

***