Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA MẬT NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Địa Bà Ha La, Đời Đường
 

PHẨM TÁM

PHẨM A LẠI DA VI MẬT
 

TẬP SÁU
 

Nếu có các Bồ Tát

Trụ ở tam muội này

Tức trụ trong cảnh giới

Chư Phật khó nghĩ bàn

Tự chứng cảnh trí tuệ

Và thấy các Đức Phật

Biến hóa trăm ngàn ức

Cho đến như vi trần

Tự chứng được diệu lý

Chư Phật đã an trú

Pháp không có các tướng

Xa lìa các thanh sắc

Danh từ nơi tướng sinh

Tướng từ nhân duyên khởi

Đây sinh hai phân biệt

Các pháp tánh như như

Ở đây khéo quán sát

Đây gọi là chánh trí

Gọi là tánh biến kế

Là tướng y tha khởi

Hai danh, tướng đều chuyển

Đây là đệ nhất nghĩa

Tạng thức ở trong thân

Tùy chỗ mà lưu chuyển

Tập khí chất như núi

Ý nhiễm bị ràng buộc

Mạt na có hai cửa

Ý thức đồng thời khởi

Năm cảnh hiện tại chuyển

Các thức thân hòa hợp

Giống như có ngã, nhân

Đang trụ ở trong thân

Dòng nước của tạng thức

Bị gió cảnh giới thổi

Sinh các làn sóng thức

Liên tục không gián đoạn

Phật và các Bồ Tát

Biết pháp đều vô ngã

Đã được thành Phật rồi

Lại vì người giảng nói

Phân tích nơi các uẩn

Thấy không tánh ngã, nhân

Biết pháp chẳng có không

Đây vì Thanh Văn thuyết

Bồ Tát khéo quán sát

Nhân pháp nhị vô ngã

Quán rồi liền xa lìa

Không trụ nơi thật tế

Nếu trụ vào Niết Bàn

Thì bỏ tâm đại bi

Công đức không thành tựu

Chẳng đắc thành Chánh Giác

Trí hy hữu khó bàn

Lợi khắp các chúng sinh

Như sen ra khỏi bùn

Sắc tướng rất trang nghiêm

Chư Thiên và Thánh Nhân

Thấy đều sinh cung kính

Như vậy Phật, Bồ Tát

Ra khỏi bùn sinh tử

Thành Phật tánh thanh tịnh

Được Chư Thiên kính ngưỡng.

Từ Bồ Tát Sơ Địa

Hoặc Chuyển Luân Thánh Vương

Thiên Chủ, A tu la

Và Vua Càn Thát Bà

Người liễu ngộ Đại Thừa

Đều được thân như vậy

Dần dần mà tu hành

Quyết định sẽ thành Phật

Vì thế các Phật Tử

Phải nên nhất tâm học

Các thế gian chúng sinh

Cùng các pháp nhiễm tịnh

Đều nương vào thức này

Làm nhân mà được sinh

Nhân này hơn tất cả

Bậc thật chứng nêu bày

Chẳng phải do ai tạo

Giải thoát cũng như thế

Thế Tôn thuyết thức này

Vì trừ các tập khí

Hiểu biết giải thoát rồi

Thức này cũng chẳng có

Lại da có thể được

Giải thoát chẳng phải thường

Tạng Như Lai thanh tịnh

Cũng gọi vô cấu trí

Thường trụ không đầu, cuối

Lìa tứ cú ngôn từ

Phật thuyết Như Lai tạng

Dụng là A lại da

Ác tuệ không thể biết

Tạng thức tức Lại da

Tạng Như Lai thanh tịnh

A lại da thế gian

Như vàng ròng và nhẫn

Tương đương không sai khác

Ví như người thợ vàng

Đem vàng ròng sạch, đẹp

Làm những đồ trang sức

Dùng để đeo ở tay

Các vật tướng khác nhau

Gọi tên là vòng, nhẫn

Các Thánh Nhân hiện tại

Tự chứng được trí cảnh

Công đức dần tăng trưởng

Tự biết không thể nói

Người tu các pháp định

Biết cảnh chỉ là thức

Chứng đắc địa thứ bảy

Chuyển diệt không còn sinh

Sở hành của tâm thức

Tất cả các cảnh giới

Sự thấy tuy khác nhau

Chỉ là thức không cảnh

Bình, vỏ và các vật

Cảnh giới đều là không

Tâm biến hiện cảnh sinh

Có năng chấp sở chấp

Ví như Trăng và Sao

Nương Tu Di vận hành

Các thức cũng như vậy

Thường nương Lại da chuyển

Nên biết thức lại da

Tức gọi là mật nghiêm

Ví như vàng ròng quý

Đủ ánh sáng, màu sắc

Tự chứng cảnh thanh tịnh

Ngoài cảnh giới phân biệt

Tánh xa lìa phân biệt

Phân biệt không thể có

Thể tánh chân thật thường

Người định có thể thấy

Cảnh hành của ý thức

Chỉ trói buộc phàm phu

Bậc Thánh thanh tịnh thấy

Giống như những sóng nắng.

Lúc Thế Tôn nói Kinh này rồi, Bồ Tát Kim Cang Tạng cùng vô lượng Bồ Tát và vô số chúng từ các phương khác đến trong hội này nghe lời Phật dạy đều rất vui mừng, tín thọ phụng hành.

***