Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Thập Pháp

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA THẬP PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Bà La, Đời Lương
 

PHẦN HAI
 

Này thiện nam tử! Nếu Đại Bồ Tát quán sắc là vô thường, nhưng không nhàm lìa sắc, mà muốn chứng pháp thì dùng chánh trí trợ giúp pháp giới, đồng dùng pháp bình đẳng, khéo tự quán nhập, khéo giữ gìn các tướng ấy, khéo tư duy, khéo ghi nhớ. Vị ấy ghi nhớ tướng này rồi khéo giữ gìn, khéo tu tập, khéo ghi nhớ xong, tự nhiên thực hành các hạnh ngang với pháp giới.

Cũng quán thọ, tưởng, hành, thức vô thường nhưng chẳng nhàm lìa thức. Sau khi nhập vào pháp giới xong, cũng dùng chánh trí trợ giúp như thế, khéo tự quán thông suốt pháp giới bình đẳng, cũng khéo ghi nhớ tướng kia, khéo giữ gìn, khéo tu tập, khéo ghi nhớ xong, tự nhiên nhập vào các hạnh ngang đồng pháp giới.

Như vô thường, khổ, không, vô ngã cũng như thế. Vị ấy quán sắc vô thường xong, ngay trong sắc chẳng sanh các sự sợ hãi, khủng khiếp.

Vì sao?

Vì sắc là do vọng tưởng điên đảo khởi lên, nhưng vị ấy biết như thật, quán thọ  tưởng  hành thức vô thường, cho đến ngay trong thức cũng chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng hãi.

Vì sao?

Vì thức là do vọng tưởng điên đảo khởi lên, nhưng vị ấy đã biết như thật.

Này thiện nam tử! Giống như nhà ảo thuật thiện xảo hoặc là đệ tử của ông ta hóa làm ra vô số việc huyễn, như là: Binh voi, binh ngựa, binh xe, binh bộ. Người có trí thấy chẳng sanh kinh sợ, khủng khiếp.

Vì sao?

Vì người đó biết đúng như thật: Đây là do thầy huyễn làm ra, chứ chẳng phải có thật, chỉ luống dối tạo ra chứ chưa từng có thật. Bồ Tát cũng như thế, quán sắc vô thường xong, ngay trong sắc chẳng sanh sợ hãi, khủng khiếp.

Vì sao?

Vì sắc là do vọng tưởng điên đảo khởi lên và vị kia biết như thật, quán thọ tưởng hành thức là vô thường. Cho đến ngay trong thức cũng chẳng sanh sợ hãi, khiếp đảm.

Vì sao?

Vì thức là do vọng tưởng điên đảo khởi lên và vị kia đã biết đúng như thật.

Bấy giờ, Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn, thế nào là Bồ Tát quán các sắc là vô thường, nhưng không nhàm lìa sắc.

Và khi chứng pháp giới xong, dùng chánh trí quán nhập giúp cho các pháp trong pháp giới?

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang: Này thiện nam tử!

Ta sẽ vì ông phân biệt nói ví dụ: Này thiện nam tử! Ví như có kẻ nam tử có trí, thường sử dụng các thứ độc, khéo giữ, khéo che, khéo tiếc, khởi lên tướng ngã, để đổi lấy các thứ dụng cụ đẹp đẽ, nhưng người này chẳng nếm độc đó, vì nghĩ rằng: Chớ khiến cho ta nhân nơi việc này mà dứt mất chánh mạng. Bồ Tát cũng như thế, tâm hướng Niết Bàn, thấm nhuận hướng Niết Bàn, thuận hướng Niết Bàn, nhưng chẳng chứng Niết Bàn.

Vì sao?

Vì nghĩ là: Chớ để cho mình nhân việc này mà thối lui hạnh bồ đề.

Này thiện nam tử! Ví như có người thờ thần lửa, người đó ngày đêm cúng dường hương hoa, cung kính cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, gần gũi hầu hạ, nhưng người đó chẳng nghĩ thế này: Ta thờ phụng, cúng dường, cung kính, tôn trọng khen ngợi lửa. Gần gũi xong, ta sẽ dùng hai tay để đón nhận lửa.

Vì sao?

Vì chớ khiến cho ta nhân nơi việc này mà thân tâm có sự buồn phiền khổ não. Bồ Tát cũng như thế, tâm hướng Niết Bàn, thấm nhuận hướng Niết Bàn, thuận hướng Niết Bàn và thủ đắc Niết Bàn, nhưng chẳng chứng Niết Bàn.

Vì sao?

Vì nghĩ là: Chớ để cho mình nhân việc này mà thối lui hạnh Bồ Đề.

Bấy giờ, Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn, như con biết về ý thú của Như Lai đã dạy là: Bồ Tát nên trụ ở thế gian.

Phật dạy: Đúng như vậy! Đúng như vậy!

Này thiện nam tử! Bồ Tát nên trụ ở thế gian.

Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát trụ thế gian, nhưng chẳng bị các họa hoạn ở thế gian làm ô nhiễm?

Phật dạy: Này thiện nam tử!

Vì việc này nên ta lược nói một ví dụ: Này thiện nam tử! Thí như người có chú thuật, nhờ có sức chú thuật lớn nên đùa giỡn với các thứ rắn rết độc hại, nhưng người kia chẳng vì việc này mà bị mất mạng.

Vì sao?

Vì do người đó khéo thông suốt năng lực chú thuật vậy. Bồ Tát cũng như thế, đi trong thế gian, an trú trong thế gian, nhưng nhờ năng lực chú thuật đại trí phương tiện nên cùng với các rắn độc phiền não ở chung, đùa giỡn, cùng đi đứng nằm ngồi đùa giỡn. Nhưng Bồ Tát chẳng vì việc này mà đối với bồ đề có sự thối lui.

Vì sao?

Vì Bồ Tát thành tựu năng lực chú thuật với đại trí phương tiện vậy.

Bấy giờ, Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay! Thật hy hữu thay! Các Bồ Tát kia luôn chẳng chứng Niết Bàn mà lại chẳng bị phiền não độc hại ở thế gian làm ô nhiễm.

Kính bạch Thế Tôn! Con nay xin quy y các Đại Bồ Tát.

Kính bạch Thế Tôn! Các chúng sanh này thành tựu các căn lành, nghe pháp này xong, sanh một lòng hoan hỷ.

Kính bạch Thế Tôn! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân kia được Chư Phật thọ ký rồi, ai là người có thể nghe pháp môn này?

Phật dạy: Này thiện nam tử! Khi thuyết pháp này có năm trăm Tỳ Kheo chưa chứng vô lậu, nhưng được giải thoát.

Các vị đó được giải thoát xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên hữu, gối hữu quỳ sát đất, chấp tay hướng về Phật bạch: Kính bạch Thế Tôn! Các Bồ Tát là những bậc đáng cung kính, đáng lễ bái.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Đúng như vậy, đúng như vậy! Đúng như lời ông nói.

Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này.

Ngài thuyết kệ:

Đảnh lễ bậc Đại Trí

Kính lễ bậc Vô Úy

Và bậc Tịnh Chư Mục

Cùng bậc gần quả Phật

Với phương tiện thiện xảo

Và dùng trí thắng diệu

Bồ Tát danh xưng lớn

Vượt qua bậc nhị thừa

Như thật biết các ấm

Sanh, diệt, thức…

Thấy thế gian khát ngưỡng

Nên chẳng chứng Niết Bàn.

Này thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát lìa mạn và tăng thượng mạn?

Này thiện nam tử! Mạn là tự ngã, hoặc là gia đình, hoặc là dòng họ, hoặc sắc đẹp, hoặc là những việc khác như: Vàng bạc, các đồ dùng, của cải và binh voi, binh ngựa, binh bộ, binh xe, như vậy tâm có sự cao thấp nên gọi là mạn.

Ngã mạn: Phát sanh ý tưởng cho rằng thân ta là cao quý, hoặc là gia đình, dòng họ, sắc đẹp, hoặc vàng bạc, của cải, kho tàng. Hoặc binh voi, binh ngựa, binh bộ, binh xe. Như vậy tâm ưa cao ngạo, ý chẳng khiêm tốn đối với những người khác, nên đó gọi là tăng thượng mạn.

Bồ Tát xả ly các pháp như thế nên gọi là lìa mạn và tăng thượng mạn. Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này.

Ngài thuyết kệ:

Lìa mạn, tăng thượng mạn

Thường dùng tâm niệm từ

Và ôm ấp lòng bi

Thường sợ chốn thế gian

Thường dùng hạnh khất thực

Khéo thuyết lợi Trời người.

Này thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát thiện xảo lời bí mật?

Này thiện nam tử! Nếu Đại Bồ Tát nào đối với những lời bí mật Như Lai đã giảng dạy trong các Kinh Điển thậm thâm, vị đó không chấp theo lời dạy, thì cái gì là lời dạy bí mật Như Lai thọ ký cho các Thanh Văn đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì chẳng phải là như những điều đã nói?

Như Phật bảo A Nan: Ta bị bệnh đau lưng, chẳng nên chấp vào lời nói đó. Ta già cả, suy yếu, bệnh hoạn, Hãy tìm cho ta một thị giả, chẳng nên chấp vào lời nói đó. Mục Liên, ông hãy đi đến chỗ của Y vương Kỳ Bà, lấy các thứ thuốc tốt, chẳng nên chấp vào lời nói đó.

Như Lai cùng các ngoại đạo Ni Kiền Tử, tranh luận về các tài nghệ của họ, chẳng nên chấp vào lời nói đó. Như Lai bị Khư Đà La dùng gai nhọn châm vào chân, chẳng nên chấp vào lời nói đó.

Đề Bà Đạt Đa là oan gia, từ lâu theo hại Như Lai, chẳng nên chấp vào lời nói đó. Như Lai vào thôn Bà La Môn Xá Lê Gia với bát không trở ra, chẳng nên chấp vào lời nói đó. Chiên Già và Tôn Đà Lợi hủy báng Phật, chẳng nên chấp vào lời nói đó.

Bà La Môn Tu Na Quốc Tỳ La Nhã thỉnh Phật đến rồi để dùng lúa ngựa, cũng chẳng nên chấp vào lời nói như thế.

Bấy giờ, Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Vì lẽ gì Thế Tôn thọ ký cho các Thanh Văn sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?

Phật dạy: Này thiện nam tử! Ta thọ ký cho các Thanh Văn đắc đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề là vì do có tánh vậy.

Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn, thế nào là các Thanh Văn vô lậu, đoạn các tập khí phiền não, dầu có tánh mà vẫn thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác?

Phật dạy: Này thiện nam tử! Ta nay nói ví dụ: Thí như có người con của Chuyển Luân Thánh Vương dòng quán đảnh, người con đó muốn học tất cả các công việc về kỹ nghệ, nhưng người đó căn tánh bậc trung, chẳng phải căn tánh nhậm lẹ. Người đó đối với những việc nên học sau lại học trước, và những việc cần học trước lại học sau.

Này thiện nam tử! Ý ông thế nào?

Người đó do việc như vậy, có thể nói người đó chẳng phải là con của vua chăng?

Đáp:  Kính bạch Thế Tôn, chẳng phải vậy. Người đó chính là con Vua.

Thiện Nam Tử! Bồ Tát cũng như thế, đã thành tựu căn tánh bậc trung nên tu pháp môn: Trước hết dẹp trừ các phiền não chướng, sau sẽ thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này thiện nam tử! Ý ông thế nào?

Người đó do việc như vậy có thể nói là chẳng thành Chánh Giác được chăng?

Đáp:  Kính bạch Thế Tôn, con không thấy có chúng sanh nào trong chúng Trời, hoặc Ma, hoặc Phạm, Sa Môn, Bà La Môn, Người, Trời, A Tu La mà có thể nói rằng những vị đó chẳng thành Chánh Giác, trừ hạng nhất xiển đề.

Phật dạy: Này thiện nam tử!

Hãy nghe thêm một thí dụ nữa: Này thiện nam tử! Bồ Tát Thập Địa vì đã đoạn trừ các phiền não mà ngồi nơi Đạo Tràng hay là vì không đoạn?

Đáp: Kính bạch Thế Tôn, vì đã đoạn.

Này thiện nam tử! Ý ông thế nào?

Bồ Tát đó do việc như thế, lẽ nào chẳng thành Chánh Giác?

Đáp: Kính bạch Thế Tôn, như vậy gọi là thành.

Phật dạy: Này thiện nam tử! Việc này cũng như vậy.

Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Vì lẽ gì Thế Tôn bảo với Tỳ Kheo A Nan rằng: Ta bị bệnh đau lưng?

Phật dạy: Này thiện nam tử! Ta thương xót nghĩ đến chúng sanh đời sau cho nên nói như thế. Chư Phật là thân Kim Cang còn bị bệnh đau lưng, huống nữa là những người khác. Nhưng chúng sanh ngu si kia chấp vào lời dạy này, người đó tự phá hoại mình, cũng phá hoại người khác. Ta già cả, bệnh hoạn. Hãy tìm cho ta một thị giả.

Này thiện nam tử, ta nói như vậy cũng là vì đời sau mà nói. Sau khi ta diệt độ, ở đời sau các Sa Môn, Bà La Môn không có đệ tử, nên khi già cả suy yếu, bệnh hoạn như vậy thì sẽ nhờ thị giả giúp đỡ, vì người kia biết đã được Phật chấp thuận nên chẳng bận tâm.

Vì việc như vậy nên nói: Như Lai già cả yếu đuối, bệnh hoạn vậy.

Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là chấp vào lời nói: Mục Liên, ông nên đi đến chỗ Đại Y Vương Kỳ Bà lấy thuốc tốt?

Này thiện nam tử! Ta nói lời này cũng là vì đời sau. Các đệ tử Thanh Văn của ta chắc chắn phải cần các loại thuốc, biết Phật đã chấp thuận nên không bị thiếu thốn.

Vì biết việc này Như Lai đã có dạy, nhưng các chúng sanh ngu si kia chấp theo lời dạy nên cho rằng thân của Như Lai bị bệnh, Tỳ Kheo Mục Liên đi đến chỗ Kỳ Bà nhưng chẳng chào hỏi, cũng chẳng giữ lễ, tỏ bày ý vội vã.

Nghe xong, Kỳ Bà nói vị thuốc ngay.

Này thiện nam tử! Ở đây cũng nói về các họa hoạn dục.

Người chứng pháp, thấy pháp còn vọng, huống là phàm phu!

Kính bạch Thế Tôn!

Thế nào là chấp vào lời nói: Như Lai cùng các ngoại đạo Ni Kiền Tử, tranh luận về các tài nghệ?

Ta vì các chúng sanh đời sau nên nói lời này để họ nghĩ rằng: Như Lai còn có oan gia, huống là bọn chúng ta.

Nhưng chúng sanh ngu si kia chấp cho là đúng như thật rằng: Như Lai có oan gia. Chuyển Luân Thánh Vương thiện căn ít ỏi, còn không có các bệnh hoạn, huống là Như Lai thành tựu các công đức tạng.

Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là chấp vào việc Khư Đà La lấy kim châm chân như Lai?

Như Lai cũng nói nghiệp báo quá khứ. Như Lai còn chịu nghiệp báo quá khứ, huống là các chúng sanh phàm phu khác bị việc này.

Ta vì nhân kia, duyên kia nên chỉ dạy cho biết việc quả báo của nghiệp đó, nhưng chúng sanh ngu si kia chấp lấy đó cho là đúng sự thật, rằng Khư Đà La lấy kim châm chân như Lai.

Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là chấp vào việc Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức, là người từ lâu gần gũi Như Lai, lại là kẻ oan gia?

Này thiện nam tử! Nếu không có thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa thì chẳng thể hiển bày được công đức của Chư Phật Như Lai.

Này thiện nam tử! Thế nên nhờ thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa tranh tài nghệ, đạo đức với Như Lai để chỉ dạy rõ những việc oan gia, nhưng chính là chỉ bày rõ các công đức đại trí của Như Lai.

Này thiện nam tử! Như Đề Bà Đạt Đa vâng lời vua truyền, ở giữa đại chúng thả voi lớn hộ tài, voi này nếu đi đến thì có thể làm hại Như Lai, nhưng nhờ thần lực của Như Lai hàng phục, khiến nó trở thành hiền lành, ngoan ngoãn.

Bấy giờ vô lượng dân chúng thấy voi kia đã được điều phục, sanh lòng vui mừng hy hữu, liền quy y Tam Bảo, đó là: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo. Đó gọi là tướng của thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa. Nhưng có người ngu si chấp lấy lời nói mà cho rằng Đề Bà Đạt Đa là oan gia của Như Lai.

Đề Bà Đạt Đa hiện hạnh Bồ Tát như vậy trong năm trăm đời. Đây là Đề Bà Đạt Đa đã thị hiện để chỉ rõ đạo đức của Như Lai, nhưng chúng sanh ngu si chấp theo lời nói, cho rằng Đề Bà Đạt Đa là kẻ oan gia hại Như Lai.

Do nhân duyên này, sau khi xả thân bị đọa ở chỗ ngạ quỷ, súc sanh, trong địa ngục A tỳ.

Vì sao?

Này thiện nam tử! Vì Đề Bà Đạt Đa khéo tu tập các căn lành, do từng cúng dường vô lượng Chư Phật, đã trồng các căn lành và hạnh đại thừa nơi các Đức Phật, học đúng theo đại bồ đề, thuận theo đại bồ đề, chẳng thối lui đại bồ đề, gần gũi Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Các chúng sanh này thiên về khởi ác nên sau khi chết đọa trong ngạ quỷ, súc sanh, ngục A tỳ, chịu các sự khổ.

Này thiện nam tử! Thế nào là chấp sự kiện Như Lai vào thôn Bà La Môn Xá Lê Da?

Này thiện nam tử! Ta vì thương xót đời sau nên chỉ dạy lời này.

Vì lẽ gì?

Vì đối với Như Lai không còn có nghiệp báo nào, nhưng ta vì muốn giúp đời sau, nếu có Tỳ Kheo vào làng xóm, thôn ấp, thành phố đô thị khất thực, do phước lực mỏng manh nên chẳng được thức ăn.

Tỳ Kheo ấy bấy giờ nhớ nghĩ đến ta: Phật Thế Tôn đầy đủ tất cả công đức mà còn mang bát không trở về, huống là bọn chúng ta căn lành mỏng manh. Chúng ta do vậy nên chẳng nên sanh tâm thối lui. Vì việc này nên Như Lai vào thôn với bát không trở ra, nhưng lại nói rằng Ma Ba Tuần trừng trị các Bà La Môn, làm cho họ chẳng cúng dường thức ăn cho Như Lai. Chẳng nên chấp theo lời ấy.

Vì sao?

Vì ma không có thần lực để có thể làm chướng ngại việc cúng dường thức ăn cho Như Lai như thế. Bấy giờ do thần lực của Chư Phật nên làm cho ma ở khắp mọi nơi trừng trị các Bà La Môn và cư sĩ, nhưng Như Lai không có lỗi, chỉ vì chỉ dạy rõ cho các chúng sanh kia nên Như Lai thị hiện phương tiện thiện xảo với các việc như thế.

Bấy giờ Như Lai và các Thanh Văn sau khi bữa ăn chấm dứt thì ma và các dân ma cùng với Chư Thiên khác quán sát tâm Như Lai xem Sa Môn Cù Đàm và các đệ tử Thanh Văn có bị phiền não không?

Ngày đó, quán sát Như Lai và các đệ tử không có tâm ý ân hận buồn phiền, cũng chẳng cao chẳng thấp, trước sau cũng đều như vậy.

Bấy giờ, trong chúng có bảy ngàn Thiên Tử, đem tâm hoan hỷ quy y Phật. Như Lai vì họ khéo giáo hóa, thuyết pháp vi diệu.

Những người đó nghe pháp xong, ngay trong pháp của Như Lai được đắc pháp nhãn tịnh. Như vậy là Như Lai quán sát việc đời sau chứ Phật không có nghiệp báo.

Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là chấp vào sự kiện Chiên Già Tôn Đà Lợi dùng vật dụng bằng gỗ để nơi bụng để hủy báng Như Lai?

Đáp: Này thiện nam tử! Như Lai không có nghiệp hoạn quả báo. Như Lai thành tựu các năng lực thần thông, khiến cho bọn Chiên Già Tôn Đà Lợi trải qua vô lượng hằng hà sa các Thế Giới, làm cho người kia được an ổn. Nhưng đó là năng lực phương tiện của Như Lai thị hiện nghiệp báo bị các việc hủy báng.

Người xuất gia ở trong giáo pháp của ta, nếu bị hủy báng mà sanh lo buồn, hối hận thì vị đó nói thế này: Chính Đức Như Lai thành tựu tất cả các bạch pháp, còn bị hủy báng trước mặt, huống là bọn chúng ta mà không bị hủy báng hay sao?

Vị đó khi ấy nhẫn nhịn được những sự hủy báng kia, thực hành phạm hạnh thanh tịnh và không thối lui. Chiên Già Tôn Đà Lợi do nghiệp ác trói buộc nên cho đến trong giấc mộng cũng hủy báng Như Lai. Sau khi hủy báng xong, xả thân đọa vào nẻo ác. Nếu Như Lai biết đó là kẻ có thể cứu thì liền cứu vớt.

Vì sao?

Vì không có một chúng sanh nào mà Như Lai có thể bỏ.

Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là chấp vào sự kiện Như Lai ở chỗ Tỳ Lan Nhã Bà La Môn, nước Tu La Bà, được thỉnh an cư ba tháng và chỉ ăn lúa ngựa?

Đáp: Như Lai biết các Bà La Môn, cư sĩ, thỉnh xong nhưng chẳng cúng dường. Như Lai biết nhưng vẫn đến chỗ đó.

Vì sao?

Vì hiện có năm trăm con ngựa ở đó, Như Lai và các chúng Tỳ Kheo sẽ dùng lúa ngựa vì tất cả những con ngựa kia hết lòng tu hạnh Bồ Tát, gần gũi Chư Phật quá khứ. Nhưng ngựa này do vì gặp ác tri thức nên tạo các nghiệp ác, do đó nên sanh trong loài súc sanh.

Năm trăm con ngựa kia có thể điều phục, giáo hóa được. Có Bồ Tát tên là Kim Cang Tạng, do nguyện lực nên sinh ở chỗ đó. Các con ngựa này nhờ Bồ Tát Nhật Tạng Giáo hóa nên phát tâm bồ đề, vì muốn giáo hóa những con ngựa kia nên sanh trong chỗ đó. Nhờ năng lực của Mã Sư điều phục nên tất cả ngựa kia nhớ được túc mạng của mình và hiển bày tâm bồ đề của mình.

Này thiện nam tử! Như Lai thương xót năm trăm con ngựa kia nên đi đến chỗ đó để điều phục Mã Sư. Lúa mạch được phân ra cúng dường Phật một nửa, và số lúa còn lại của năm trăm con ngựa cũng được phân ra cúng dường các Tỳ Kheo một nửa.

Mã Sư kia dùng âm thanh của ngựa làm cho năm trăm con ngựa kia đều ăn năn hối hận, đảnh lễ Phật và Tăng. Bấy giờ, Mã Sư kia sau khi nói ba lần, các ngựa kia đều xả thân và sanh trong Cõi Trời Đâu Suất Đà. Ngựa kia sanh trở lại trong Cõi Trời và cúng dường Như Lai.

Như Lai khéo thuyết pháp giáo hóa ngựa kia. Ngựa kia nghe pháp xong, liền không thối lui Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Năm trăm con ngựa kia đã được điều phục, thủ hộ. Như Lai cũng thọ ký cho chúng sẽ thành Bích Chi Phật, hiệu là Thiện Điều Phục Tâm.

Nhưng, lại nữa, này thiện nam tử! Như Lai luôn luôn sẵn đủ lòng từ.

Này thiện nam tử! Giả sử Như Lai ăn đất, cây, ngói, đá thì trong Thế Giới tam thiên đại thiên có những vị và thượng vị như thế, tức là các thứ đất, cây, ngói, đá.

Vì sao?

Vì Như Lai đắc vị trong các vị thượng diệu, vì là tướng đại nhân vậy.

Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên biết như vậy, tất cả các thức ăn của Như Lai đều là vị thượng diệu.

Này thiện nam tử! Tỳ Kheo A Nan sanh lòng thương xót, cho rằng: Như Lai xả bỏ ngôi vị Chuyển Luân Vương, nay lại ăn lúa ngựa.

Như Lai biết tâm niệm của A Nan nên cho ông một hạt lúa ngựa và bảo: Thầy có biết đây là vị gì không?

A Nan dùng xong, sanh tưởng thật đặc biệt kỳ lạ, bạch với ta rằng: Kính bạch Thế Tôn, con sanh trưởng và được nuôi dưỡng trong dòng họ vua chúa, nhưng chưa từng được nếm thượng vị như vậy. Do năng lực của thượng vị này, Tỳ Kheo A Nan trong bảy ngày hưởng khoái lạc thượng diệu mà chẳng cần ăn.

Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên biết như vậy. Như Lai không có các quả báo của nghiệp. Nếu có chúng sanh nào giữ gìn giới thanh tịnh, hoặc Sa Môn và Bà La Môn không theo như lời thỉnh mời trước để dâng cúng mà vì chúng sanh kia nói sự không hư dối, nên Như Lai chỉ dạy về việc quả báo của nghiệp này.

Này thiện nam tử! Ông quán các thân Như Lai đồng với các pháp. Đó là các Bà La Môn kia thỉnh Như Lai nhưng chẳng thiết bày cúng dường. Như Lai cũng nói với người kia làm cho chẳng thối lui. Nhưng thiện nam tử đã nói năm trăm Tỳ Kheo kia được Như Lai thọ ký làm cho không thối lui.

Lại nữa, này thiện nam tử! Có năm trăm Tỳ Kheo kia cùng ở nơi chỗ của Như Lai kiết hạ an cư, có bốn chục Tỳ Kheo phần nhiều nghĩ đến sự trói buộc của dục.

Vị ấy suy nghĩ: Nếu được món ăn ngon thì dục tưởng, dục giác liền sẽ tăng thạnh. Vị ấy do nhân duyên đó nên ăn món ăn dở, nên dục tưởng, dục giác cũng nhẹ. Đã nhẹ rồi thì những vị ấy trong bảy ngày bảy đêm đắc được quả A La Hán.

Này thiện nam tử! Người nào có thể hiểu lời Như Lai đã dạy như vậy thì người đó được gọi là người hiểu đúng.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát thành tựu như vậy thì gọi là người hiểu một cách thiện xảo về lời chỉ dạy bí mật của Như Lai. Bấy giờ, Đức Như Lai muốn tuyên lại nghĩa này.

Ngài thuyết kệ:

Đã dạy nghĩa tiệm giáo

Và nói nghĩa đốn giáo

Các Bồ Tát đại trí

Hiểu rõ nghĩa bí mật

Thông suốt các mật ngữ

Xả ly lời dạy bảo

Thông đạt pháp chân chánh

Của Chư Phật chỉ dạy.

Này thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát chẳng ưa thích thừa Thanh Văn Bích Chi Phật?

Này thiện nam tử! Nếu Đại Bồ Tát nào, hoặc vì khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh mà chịu các sự xấu ác nặng nề, nhưng chẳng ưa thích cầu Niết Bàn của Thanh Văn, lại chẳng nghĩ làm thế nào để đạt được tâm nhàm lìa thế gian, để mau được tự tại, cũng chẳng cầu ít ham muốn, ít tạo tác.

Lại chẳng cầu nhân hạnh ít ham muốn, ít tạo tác. Vị kia thấy các chúng sanh tu các thiện nghiệp, được Bồ Tát giúp đỡ, khiến cho thành tựu và khuyến khích các chúng sanh khen ngợi việc chỉ dạy đúng, giảng thuyết đúng, để hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát thành tựu được các công đức như thế thì chẳng ưa thích thừa Thanh Văn Bích Chi Phật.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này, Ngài thuyết kệ:

Dạy chúng không mỏi mệt

Chẳng lui đạo bồ đề

Giữ tâm như núi chúa

Hành các pháp từ tâm.

Bấy giờ, Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn!

Như Lai đã giảng thuyết các pháp xong. Bồ Tát thành tựu các pháp thì gọi là trụ Đại Thừa. Nhưng Như Lai chẳng thuyết.

Vậy, do nghĩa nào mà gọi là Đại Thừa?

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang: Này thiện nam tử! Nay ta hỏi ông, tùy ý ông trả lời.

Này thiện nam tử! Ý ông thế nào?

Con đường mà Chuyển Luân Thánh Vương và bốn binh chủng đi theo thì gọi là đường gì?

Đáp: Kính bạch Thế Tôn! Đường đó gọi là đường Vua đi, cũng gọi là đường lớn, là đường Vô Úy, là đường không chướng ngại, là đường tịch tịnh.

Phật dạy: Này thiện nam tử! Như Lai cũng như thế, tùy sự nương vào cỗ xe mà thẳng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Xe đó gọi là Đại Thừa, gọi là Thượng thừa, gọi là Diệu thừa, là Vi diệu thừa, là Thắng thừa, là Vô Thượng thừa, là Vô ác thừa, là Vô tỉ thừa, Vô đẳng thừa, Vô đẳng đẳng thừa.

Này thiện nam tử! Do nghĩa như thế nên gọi là Đại Thừa.

Đáp: Lành thay! Đại Thừa! Kính bạch Thế Tôn! Lành thay Đại Thừa!

Bấy giờ Ma Vương Ba Tuần nghĩ: Sa Môn Cù Đàm này vượt khỏi cảnh giới của ta, cũng khiến cho kẻ khác cũng có thể vượt qua cảnh giới của ta. Nếu ta tập hợp bốn binh chúng cùng đi đến quấy nhiễu thì khiến cho không nói được pháp này, nên cùng nhau đi đến chỗ Sa Môn Cù Đàm.

Bấy giờ Ma Vương Ba Tuần thống lãnh bốn bộ binh chủng, đi đến núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá. Khi ấy, Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang từ xa trông thấy Ma Vương Ba Tuần thống lãnh bốn bộ binh chúng đi đến, muốn làm trở ngại pháp này. Thấy xong, Ngài hiện thần lực.

Ngài hiện thần lực xong, Ma Vương Ba Tuần đi đến đại thành Vương Xá, ở chỗ con đường ngã tư, lên tiếng thế này: Các ngươi hãy đi đến đại thành Vương Xá! Này các Nhân Giả! Ai biết Như Lai đang ở tại núi Kỳ Xà Quật vì bốn bộ chúng thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý thiện xảo vi diệu, đầy đủ bạch tịnh, dạy thực hành phạm hạnh, thì nên đi đến chỗ Như Lai. Do đây, các ông được thành tựu lợi ích an vui lâu dài.

Bấy giờ, trong thành Vương Xá, các Bà La Môn, Sát Lợi, trưởng giả, cư sĩ được ma khuyên bảo xong, đem các thứ hương hoa, hương xoa, hương bột, hương đốt, lọng lụa, tràng phan, y phục từ trong đại thành Vương Xá đi ra, để đến núi Kỳ Xà Quật, chỗ của Như Lai, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, tôn trọng, khen ngợi, cung kính cúng dường xong, lui đứng một bên.

Ma Vương Ba Tuần và bốn binh chúng ra khỏi đại thành Vương Xá, đến núi Kỳ Xà Quật, chỗ của Như Lai xong, biến hóa ra hoa Thiên Mạn Đà La để rải lên cúng dường Phật. Rải xong, cùng với bốn bộ binh chúng lui ngồi một bên.

Bấy giờ, Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang thấy Ma Ba Tuần lui ngồi một bên, nói với họ rằng: Này Ba Tuần! Ngươi vì lẽ gì đem bốn bộ chúng đến chỗ Như Lai?

Ma đáp: Tôi đến đây là vì để diệt pháp này và làm não loạn Như Lai.

Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang bảo Ma Ba Tuần: Này Ba Tuần! Ai cho phép ngươi não loạn Như Lai và diệt pháp này?

Này Ba Tuần! Nay ở trước Như Lai, ngươi nên ăn năn tội lỗi, chớ để thành quả báo khổ cho nhiều đời, không lợi ích.

Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang thuyết pháp xong, ma liền từ tòa đứng dậy, bày vai áo bên phải, chấp tay lễ chân Phật xong và ở trước Như Lai tỏ bày sám hối: Cúi xin Thế Tôn nhận cho con được sám hối. Con vì ngu si không có trí tuệ, chẳng thiện xảo, chẳng thể tự biết, nên trước Như Lai khởi tâm xấu ác và muốn phá diệt những Kinh như vậy.

Lành thay, kính bạch Thế Tôn! Xin Ngài hãy vì con chính thức thọ nhận các pháp sám hối.

Phật bảo Ma Ba Tuần: Trong pháp của ta nên tăng trưởng căn lành.

Nghĩa là: Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào vì muốn được pháp thanh tịnh thì nay có thể sám hối.

Bấy giờ, ma Ba Tuần từ chỗ ngồi đứng dậy, đứng ở trước Phật, bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Trước hết con xin chế ngự tất cả các phiền não ác khẩu nghiệp đạo bất thiện.

Phật dạy Ba Tuần: Đúng như vậy! Đúng như vậy!

Ba Tuần thưa: Như Lai là pháp chủ, vì lẽ gì dùng tên Ba Tuần mà gọi con?

Phật bảo Ba Tuần: Ta nay nói thí dụ: Thí như có trưởng giả và cư sĩ rất giàu có, tiền tài của cải nhiều vô hạn, nhưng người đó chỉ có một người con nên rất thương yêu và nhớ nghĩ đến, muốn để người đó kế tục sinh sống. Nhưng người con một của người đó tâm địa quanh co, chẳng khéo điều phục.

Trưởng giả và cư sĩ kia hoặc là bằng tay, bằng gậy, bằng cú đấm để dạy hoặc nói lời hung dữ và lời xấu xa khổ nhục để dạy, vì muốn cho đứa con chấm dứt những việc xấu ác kia.

Này Ba Tuần! Ý ông thế nào?

Trưởng giả và cư sĩ này với lòng sân giận dạy đứa con một của người đó, phải không?

Đáp: Kính bạch Thế Tôn! Người đó chỉ vì muốn thành tựu cho đứa con một của người đó.

Phật dạy: Đúng như vậy! Này Ba Tuần! Như Lai cũng như thế. Biết rõ tâm, tâm sở pháp của chúng sanh.

Người đáng dùng lời khổ não để điều phục họ, thì vì họ nói những lời khổ não.

Người đáng dùng roi vọt để trị, liền dùng roi vọt để trị.

Người đáng dùng nhiếp thủ thì dùng lời nhiếp thủ.

Người đáng dùng sắc thân để độ, liền dùng sắc thân để độ.

Người đáng dùng thanh, hương, vị, xúc, pháp để độ, liền dùng thanh, hương, vị, xúc, pháp để độ.

Bấy giờ, Ma Vương Ba Tuần từ nơi Phật được nghe pháp này, vui mừng hớn hở, lại đảnh lễ chân Phật.

Đảnh lễ xong, bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nếu trong xóm làng, thôn ấp nào có người thuyết pháp này thì con vì nghe pháp này sẽ đi đến chỗ đó và ủng hộ Kinh này. Cũng nghĩ đến việc làm lợi ích cho pháp Sư, trong đó có nhiều tướng tốt lành như thế, mọi người đều tịch tịnh, xa lìa những sự vui đùa, biếng nhác.

Người được nghe pháp thượng thắng, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc thọ trì, hoặc giảng thuyết, thân thể chẳng mỏi mệt, tâm chẳng nghĩ nhàm đủ, tùy theo sự giảng thuyết pháp này, hoặc tự mình nghe, hoặc giảng thuyết rộng rãi cho người khác.

Như vậy, người đó lần lượt sanh tâm vui mừng hớn hở. Bấy giờ, trong chúng kia có các ngoại đạo Ni Kiền Tử. Họ thấy, nghe Ma Vương nói những lời như thế rồi, ở chỗ Như Lai liền sanh tâm vui mừng hớn hở.

Khi ấy, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì các ngoại đạo này nghe thuyết pháp này mà được chứng nhẫn?

Phật bảo A Nan: Thuở quá khứ, trong núi Kỳ Xà Quật, ở thành Vương Xá này có Phật tên là Thiện Thắng Điều Phục Đa Đà A Già Độ A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà thuyết pháp. Đức Phật kia thuyết pháp xong, có các ngoại đạo vì muốn não hại nên đi đến.

Bọn họ đến xong, nghe pháp này liền xướng lên rằng: Lành thay! Nhưng ở nơi chỗ Phật không sanh tâm cung kính. Các ngoại đạo kia do năng lực của nhân duyên này nên sáu vạn kiếp chẳng bị sanh trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chỉ sanh trong chốn Trời, người. Nhưng các ngoại đạo kia do vì chẳng kính Như Lai nên sanh ra ở chỗ chẳng được gặp thiện tri thức.

Này A Nan! Ý ông thế nào?

Bấy giờ các ngoại đạo kia đâu phải người nào khác. A Nan, thầy chớ nên chấp vào ý nghĩ khác.

Vì sao?

Này thiện nam tử! Vì các ngoại đạo Ni Kiền Tử này  này A Nan  nay chính là các ngoại đạo đang ở chỗ Như Lai sanh tâm vui mừng, hớn hở, cung kính. Do nhân duyên này nên nay Như Lai thọ ký cho họ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Bấy giờ, các ngoại đạo Ni Kiền Tử kia nghe được thọ ký xong, trong lòng rất vui mừng, liền được pháp nhẫn vô sanh. Khi thuyết pháp này có một vạn hai ngàn người xa trần lìa cấu, đắc pháp nhãn tịnh, hai vạn chúng sanh chưa từng phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề đều phát đạo ý.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe pháp này, đọc tụng, thọ trì và giảng thuyết rộng rãi cho người thì được bao nhiêu phước đức?

Phật dạy: Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân vì tất cả cõi chúng sanh không chừa một ai đều khiến cho an trụ Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Hoặc lại có thiện nam tử, thiện nữ nhân đọc tụng, thọ trì và giảng thuyết rộng rãi cho người Kinh này, thì người này càng được phước gấp bội người kia.

Vì sao?

Này A Nan, vì pháp này có thể khiến cho đắc nhất thiết trí Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Kính bạch Thế Tôn! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào khởi tâm xấu ác đối với pháp này và Pháp Sư thì, kính bạch Thế Tôn, thiện nam tử thiện nữ nhân ấy bị bao nhiêu điều chẳng lợi ích?

Phật dạy: Này thiện nam tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào móc mắt của tất cả chúng sanh, hoặc lại có người khởi tâm xấu ác đối với pháp này và Pháp Sư thì người này nhân nơi việc này bị xấu ác lại gấp bội kẻ trước.

Vì sao?

Này A Nan! Vì pháp này có thể làm ánh sáng cho tất cả chúng sanh.

A Nan bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Pháp này không nên tuyên nói ở trước thiện nam tử, thiện nữ nhân không có tín tâm.

Vì sao?

Kính bạch Thế Tôn! Vì giúp cho các chúng sanh ở đời sau cho nên chớ nói pháp này. Vì nghiệp báo hủy báng pháp nên họ phải bị đọa trong các địa ngục.

Phật dạy A Nan: Nên nói pháp này.

Vì sao?

Vì các chúng sanh kia đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề đều do việc này làm nhân.

A Nan bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Kinh này đặt tên là gì và thọ trì như thế nào?

Phật bảo A Nan: Kinh này đặt tên là: Thập pháp. Và y như vậy mà thọ trì, hoặc Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang Sở Vấn. Và y như vậy mà thọ trì.

Khi Như Lai thuyết pháp này, Tôn Giả A Nan và Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang cùng các chúng Bồ Tát, chúng Tỳ Kheo và Chư Thiên, Nhân, Long Vương, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già… nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

***