Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Thập Pháp

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA THẬP PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Bà La, Đời Lương
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ngự tại núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành Vương Xá, cùng với đông đủ các Đại Tỳ Kheo năm ngàn người và vô lượng chúng Bồ Tát.

Bấy giờ, cùng tập họp trong chúng Đại Bồ Tát đó có Bồ Tát tên là Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang.

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang từ chỗ ngồi đứng dậy, rời tòa hoa sen, đi đến chỗ Phật, bày vai bên phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay bạch Phật:

Kính bạch Thế Tôn, như Thế Tôn dạy: Tỳ Kheo Đại Thừa trụ Tỳ Kheo Đại Thừa.

Vì lẽ gì gọi là Tỳ Kheo Đại Thừa?

Lại do nghĩa nào mà Đại Thừa này được gọi là Đại Thừa?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang: Lành thay! Lành thay! Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang, ông có thể thưa hỏi Như Lai diệu nghĩa sâu xa này. 

Này Thiện Nam Tử, hãy suy nghĩ kỹ, ta sẽ phân biệt, giảng thuyết cho ông.

Lúc ấy, Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Xin vâng lời Thế Tôn dạy.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Bồ Tát Tịnh Vô Cấu Diệu Tịnh Bảo Nguyệt Vương Quang: Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát thành tựu mười pháp, nên gọi là trụ Đại Thừa.

Mười pháp đó là:

Thành tựu chánh tín.

Thành tựu hạnh.

Thành tựu tánh.

Ưa thích tâm bồ đề.

Ưa thích pháp.

Ưa thích quán chánh pháp.

Thực hành chánh pháp và tùy thuận theo chánh pháp.

Xa lìa các việc mạn, ngã mạn…

Thông suốt hoàn toàn các mật ngữ vi diệu.

Chẳng ưa thích hạnh Thanh Văn và Duyên Giác.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát thành tựu mười pháp như thế thì gọi là trụ Đại Thừa.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát thành tựu hạnh nhu hòa, chẳng dua nịnh, quanh co. Nhờ hạnh nhu hòa nên có thể tin Chư Phật Như Lai Chánh Chân Chánh Giác Vô Thượng Bồ Đề, có thể tin đúng đắn trí tuệ của Chư Phật ba đời trong một niệm.

Tin Như Lai tạng chẳng đoạn thường, chẳng lão tử, chẳng cùng tận. Cũng tin thật tế pháp giới, cũng tin nhất thiết chủng trí, nhất thiết chủng trí tướng, chư lực, vô úy, Pháp Phật bất cộng.

Lại tin Chư Phật Như Lai bất khả quán đảnh, cũng tin ba mươi hai tướng Đại Nhân, tám mươi vẻ đẹp và các pháp viên quang.

Lại tin những điều Thanh Văn nói, hoặc những điều Duyên Giác nói và những điều Bồ Tát nói, cùng những điều người khác nói.

Cũng tin thế gian và xuất thế gian nói. Lại tin những hành giả chánh hạnh và những Sa Môn, Bà La Môn thuận hạnh. Cũng tin các thiện căn nghiệp báo tối thắng, tối thượng. Yêu thích quả báo, hoặc Thiên, Thiên Vương, hoặc Nhân, Nhân Vương.

Lại tin nghiệp báo bất thiện quá xấu ác, tội lỗi quá nặng nề, chẳng thể ưa nghe, chẳng thể yêu thích, hoặc những chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Bồ Tát tin như vậy xong, xa lìa ba pháp.

Những gì là ba?

Đó là: Những việc nghi ngờ không quyết định.

Này thiện nam tử! Bồ Tát thành tựu được các pháp như thế nên gọi là chánh tín.

Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này, Ngài thuyết kệ:

Tín là thừa tối thượng

Do đây thành Chánh Giác

Thế nên những việc tín

Người trí kính, gần gũi

Thế gian, tín đứng đầu

Người tín không nghèo thiếu

Thế nên các pháp tín

Người trí đáng gần gũi

Thiện nam tử bất tín

Chẳng sanh các bạch pháp

Giống như hạt giống cháy

Chẳng thể sanh mầm non.

Này thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát thành tựu các hạnh?

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát cạo bỏ râu tóc, mặc áo chánh pháp, với lòng tin sâu sắc, bỏ nhà xuất gia. Sau khi xuất gia, học tập các hạnh oai nghi, giới của Bồ Tát. Hoặc học các hạnh oai nghi, giới của Thanh Văn. Cũng học các hạnh oai nghi, của Duyên Giác. Như vậy, vị ấy hoặc đem thân khẩu ý của mình đồng tập phiền não.

Nếu tất cả những thứ đó đồng diệt, thì trong đó cái gì là thuộc về thân đồng với tập phiền não?

Đó là sát sanh, trộm cướp, ác dục, tà dâm, nắm cầm các thứ dao gậy, ngói đá đánh ném người khác, khua động chân tay, cùng các việc qua lại, trốn tránh. Đó gọi là có đồng tập phiền não.

Trong đó những gì thuộc về miệng đồng tập phiền não?

Đó là vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, thường nói lời hung ác, hủy báng, chê bai các Kinh Điển sâu xa. Đối với các bậc Tôn Trưởng tu hành phạm hạnh thì đi nói xấu cùng khắp. Đó gọi là miệng đồng tập phiền não.

Trong đó những gì thuộc về ý đồng tập phiền não?

Đó là keo kiệt, tham lam, tà kiến, ganh ghét, ưa đắm danh dự, lợi dưỡng, kiêu mạn về thân tộc, dòng họ, kiêu mạn về sắc đẹp, kiêu mạn về tuổi trẻ, kiêu mạn về không bệnh hoạn, kiêu mạn về sống lâu, học rộng, nghe nhiều, kiêu mạn về tư duy.

Biết dục, biết vọng tưởng, biết ác, biết thân gần, biết đất đai, biết ăn uống, y phục, đồ nằm, thuốc men, đồ dùng đắm trước chỗ ở, đắm trước xe cộ, đắm trước giường nằm, đắm trước các sự ăn uống, vợ con, nam nữ, kinh doanh, ruộng vườn, nô tỳ và các việc tích chứa tiền tài, thóc lúa, kho tàng, cho đến đắm trước các thứ đồ dùng, của cải.

Vị ấy vì tham đắm như thế đối với những việc đã kể, nếu thiếu mất một việc liền sanh các sự buồn rầu, khổ não, vọng tưởng. Vị ấy xa lìa các sự yêu thích như thế xong, tâm được thấm nhuần, phát sanh tư duy.

Này thiện nam tử! Nói lược về nghiệp của ý cũng giống như sự luân chuyển của thế gian, cho nên nói nghiệp của ý đồng với tập phiền não.

Vị ấy lìa thân, khẩu, ý đồng tập phiền não như thế xong, nên đối với các bậc Hòa Thượng phát khởi ý tưởng là bậc Tôn Trưởng, đối với bậc A Xà Lê thì phát khởi tưởng như Hòa Thượng, đối với các bạn đồng phạm hạnh hoặc già hoặc trẻ, phát khởi tâm tôn trọng, cung kính.

Vị ấy một mình ở chỗ vắng vẻ, phát sanh tư duy thế này: Ta chẳng nên làm như thế. Ta vì cứu giúp tất cả chúng sanh, vì giải thoát cho tất cả chúng sanh, vì muốn làm cho tất cả chúng sanh được an ổn, được điều phục, tịch tịnh, nên phát sanh các hạnh. Nhưng ta chẳng điều phục được chính mình, chẳng thu nhiếp các căn, chưa được vắng lặng.

Ta quyết tu chánh hạnh, làm cho người nào được thấy ta, chắc chắn được thành tựu sự điều phục, cũng thuận theo những lời dạy bảo vi diệu của Chư Phật. Lại làm cho Chư Thiên Thần, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà đều hoan hỷ.

Này thiện nam tử! Đây gọi là sự tàm của Bồ Tát.

Vị ấy tư duy thế này: Chớ có người nào làm cho ta đối với các hạnh oai nghi hoặc đạo, hoặc tục bị các lỗi lầm, nghĩa là thực hành giới hạnh không đúng.

Hoặc thấy hình tướng, hoặc hạnh kiểm, oai nghi, hoặc đồ dùng nuôi sống không đúng. Vị ấy tàm quý như vậy xong, trong một ngày đêm sáu thời quán các pháp trì giới.

Vị ấy sau khi trì giới đầy đủ, không còn nghi ngờ, lo buồn, làm cho trụ vào trong Phật pháp của Như Lai, không có lúc nào dừng nghỉ.

Này thiện nam tử! Như vậy gọi là sự quý của Bồ Tát.

Này thiện nam tử! Như vậy gọi là Bồ Tát thành tựu các hạnh.

Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này, Ngài thuyết kệ:

Phật, đệ tử Thanh Văn

Đều lấy hạnh làm gốc

Thế nên người trí tu

Thực hành hạnh bền vững

Các Bồ Tát đại trí

Hành các hạnh vô úy

Khiến chứng đạo ly cấu

Được Chư Phật khen ngợi.

Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát thành tựu tánh?

Phật Tử thành tựu tánh Bồ Tát thì ít tham dục, sân giận, ngu si. Chẳng ganh ghét, chẳng keo kiệt, chẳng não hại, chẳng nói lời thô ác, chẳng ưa đùa giỡn, chẳng khinh suất, điều hòa, dịu dàng.

Khi đã dịu dàng thì gần gũi tánh khả ái, có thể thành tựu đồ cúng dường thượng diệu để cúng dường Chư Phật, đó là các thứ của cải, đồ dùng đem bố thí cho người, thì được thành tựu đầy đủ tay, chân, đầu, mắt hoặc thấy Đức Như Lai, hoặc là đệ tử của Như Lai. Thấy xong, liền sanh tâm hoan hỷ, cung kính.

Này thiện nam tử! Bồ Tát như thế gọi là thành tựu tánh.

Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên, Ngài thuyết kệ:

Thấy khói, biết có lửa

Uyên ương biết có nước

Nhờ tướng, biết được tánh

Bồ Tát danh xưng lớn

Nhu hòa, chẳng dua nịnh

Xả bỏ tham, ganh ghét

Thương nghĩ khắp chúng sanh

Gọi đó là Bồ Tát.

Này thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát ưa thích tâm bồ đề?

Nếu có Đại Bồ Tát nào thể tánh mầu nhiệm, khi phát tâm bồ đề, được gặp Phật, Bồ Tát hoặc Thanh Văn, Duyên Giác, dạy bảo, giáo hóa mà phát sanh tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì đó gọi là tướng ban đầu ưa thích phát tâm bồ đề.

Bồ Tát nghe về bồ đề và công đức của bồ đề xong, liền phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì đó gọi là lần thứ hai ưa thích tướng bồ đề.

Bồ Tát kia thấy các chúng sanh không có người cứu hộ, không có nơi quay về nương tựa, cô độc, không có người cứu giúp, không có người che chở, không có nhà cửa, không có nơi nương náu, liền phát khởi tâm từ bi thương xót.

Bồ Tát sau khi phát tâm xong, nghĩ thế này: Ta nay làm người cứu hộ, làm chỗ quay về nương tựa, cứu giúp, che chở, giúp đỡ, làm nhà cửa, thuyền bè. Vì nhân duyên kia nên phát tâm Vô Thượng Bồ Đề. Đó gọi là lần thứ ba ưa thích phát tâm bồ đề.

Vị đó hoặc thấy Như Lai, hoặc thấy Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác đầy đủ các hạnh. Thấy xong, tâm sanh hoan hỷ, kính mến, tâm an ổn. Do nhân duyên này nên phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Đây gọi là lần thứ tư phát tâm bồ đề.

Bồ Tát kia vì lợi ích an vui cho các chúng sanh nên thực hành bố thí, trì giới, tu nhẫn, phát tâm tinh tấn thực hành thiền định tư duy, tu tập trí tuệ chân chánh.

Thế nào là Bồ Tát thực hành bố thí?

Nghĩa là: Đối với người cần ăn thì cho ăn, cần uống thì cho uống, cần xe cộ thì cung cấp xe cộ, cần giường chiếu, Ca Sa thì cung cấp giường chiếu, Ca Sa.

Cần y phục, cho y phục. Cần các thứ đồ trang sức như vàng, bạc, châu báu, khăn, mũ, vòng, xuyến cho đến da thịt, thân thể của mình cũng đều cung cấp để thêm phần lợi ích cho chúng sanh.

Bồ Tát hành bố thí như vậy xong, rồi đem bố thí đó hồi hướng Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Tuy bố thí nhưng chẳng sanh tâm ngã mạn.

Thế nào là trì giới thành tựu nghiệp thân khẩu ý?

Bồ Tát sau khi xả ly nghiệp thân khẩu ý xong, khéo xa lìa những việc có thể làm trở ngại, vô ngại, vô lậu, phụng trì giới cấm thuần tịnh không xen tạp, rồi Bồ Tát đem trì giới hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Tuy thực hành trì giới nhưng chẳng phát sanh tâm ngã mạn.

Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu nhẫn?

Nghĩa là nếu có người hoặc là đạo, hoặc là tục, sân giận nói lời mắng nhiếc, hoặc gông cùm, xiềng xích, hoặc trói, giam, cắt, lóc.

Bồ Tát đều có thể nhẫn, có thể chịu đựng, chẳng khởi lên các tập khí phiền não. Tu nhẫn như vậy xong rồi, Bồ Tát đem hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Tuy tu nhẫn nhưng chẳng khởi tâm ngã mạn.

Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát phát tâm tinh tấn?

Bồ Tát nghĩ thế này: Giống như cõi hư không vô lượng vô biên, cõi chúng sanh cũng vô lượng vô biên. Nhưng cõi chúng sanh này, ta là độc nhất, không có hai, có thể làm cho an ổn nhập vào cảnh giới Vô Dư Niết Bàn. Vì nhân duyên đó nên phát khởi tinh tấn, quán niệm thọ thân chẳng lìa thân.

Bồ Tát quán thọ xong, quán tâm tâm hành. Bồ Tát quán tâm tâm hành xong, tùy thuận quán các pháp. Bồ Tát theo quán niệm, nhớ nghĩ và quán như thế xong, vì người chưa phát sanh các pháp ác bất thiện làm cho không phát sanh và phát khởi sự ưa thích tu hành, siêng năng tinh tấn, giữ tâm đồng với hạnh chân chánh.

Vì người chưa phát sanh các pháp lành, làm cho phát sanh và phát khởi ưa thích tu hành, siêng năng tinh tấn, giữ tâm ngay thẳng, đồng với hạnh chân chánh.

Vì người đã phát sanh các pháp bất thiện, làm cho tiêu diệt và phát khởi ưa thích tu hành, siêng năng tinh tấn, giữ tâm đồng với hạnh chân chánh.

Vì người đã phát sanh các pháp lành, làm cho được tồn tại lâu dài, lại làm cho tăng trưởng tư duy và phát sanh ưa thích tu hành, siêng năng tinh tấn, giữ tâm đồng với hạnh chân chánh.

Vị ấy sau khi phát sanh tinh tấn xong, làm cho thành tựu phần đầu của Như Ý Túc. Như thế cho đến thành tựu phần thứ hai, phần thứ ba, cho đến phần thứ tư của Như Ý Túc.

Vị ấy thành tựu phần Như Ý Túc, có thể làm cho trụ một kiếp, hoặc giảm một kiếp, hoặc làm cho đầy đủ, viên mãn hạnh tinh tấn Ba la mật.

Phát khởi tinh tấn như vậy xong, rồi vị ấy hồi hướng tinh tấn lên Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Tuy phát tâm tinh tấn như thế nhưng chẳng sanh kiêu mạn.

Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tư duy thực hành thiền định?

Ly ý dục, ly ý diệt, ly dục tịnh. Chẳng nương bên trong, chẳng nương bên ngoài, chẳng nương sắc, chẳng nương thọ, tưởng, chẳng nương hành, thức.

Chẳng nương Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc.

Chẳng nương không, vô tướng, vô nguyện.

Chẳng nương thế gian, xuất thế gian.

Chẳng nương bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn.

Này thiện nam tử! Lược nói cho đến không nương vào tất cả những hệ phược hữu tưởng thì gọi là Thiền. Tu các Thiền như thế rồi, đem Thiền đó hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Tuy tư duy và tu tập Thiền này, nhưng chẳng phát sanh các tâm ngã mạn.

Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu trí?

Bồ Tát nghĩ thế này: Làm cho vô lượng vô biên cõi chúng sanh đều nhập vào Niết Bàn, nhưng không có một chúng sanh nào có thể nhập Niết Bàn.

Vì sao?

Vì như Phật đã dạy: Tất cả pháp đều là không có ngã, không có chúng sanh, không có mạng, không có thọ, không có chủ thể luân hồi. Tu quán Trí như thế rồi, đem trí đó hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Tuy tu quán bát nhã nhưng chẳng sanh các tâm ngã mạn.

Này thiện nam tử! Đó là Đại Bồ Tát ưa thích tâm bồ đề.

Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này, Ngài thuyết kệ:

Giống như ngọc ma ni

Rực rỡ trong kho báu

Do người thợ dụng công

Sáng hơn sắc sẵn có

Thành tựu tánh như vậy

Tâm cầu chánh bồ đề

Hai bên đã vắng lặng

Khiến ma chẳng tiện lợi.

Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát ưa pháp, thành tựu?

Này thiện nam tử! Nếu Bồ Tát nào có tánh ưa pháp, thích pháp, mến pháp, thì vị đó thấy Sa Môn hoặc Bà La Môn, đem tất cả những gì mình có như: Của cải, đồ dùng, thân mạng, ngọa cụ và những thứ ăn uống có thể dâng lên cúng dường.

Đối với những thứ thọ dụng ở thế gian như: Các loại củ, nhánh, cành, lá, hoa, quả sau khi thu hoạch được, vị đó đều đem bố thí cho các chúng sanh. Đối với người thọ trì các pháp thì dạy bảo đi đến chỗ vị ấy để lễ bái, cung kính, chấp tay nghinh tiếp và ân cần kính nhận.

Trong lòng có điều gì nghi ngờ thì thưa hỏi đúng nghĩa. Do đó, người thọ trì pháp tùy theo nghĩa đã nghe mà có thể giải thích đúng. Vị kia đối với người nghe pháp phát khởi tưởng như Thế Tôn, tưởng như thiện tri thức, khởi tưởng giống như các biển trong thế gian, khởi tưởng như Hòa Thượng, khởi tưởng như A Xà Lê.

Từ lâu mất bậc thầy dẫn đường nên thế gian bị ở trong nạn sanh tử mênh mông. Người hay tìm tòi, khởi tưởng tìm tòi, mở mắt cho kẻ từ lâu bị ngu mê đóng bít tối tăm, khiến khởi tưởng giác ngộ.

Khởi tưởng cứu giúp kẻ bị rơi trong vũng bùn phiền não của thế gian.

Khởi tưởng Đạo Sư, làm bậc thầy dẫn đường cho kẻ từ lâu lạc mất con đường chính.

Khởi tưởng giải thoát, luôn giải thoát cho kẻ từ lâu bị nhốt trong lao ngục thế gian.

Khởi tưởng làm lương y để chữa trị bệnh hoạn mắc phải từ lâu.

Khởi tưởng làm cơn mưa lớn, khiến dập tắt lửa phiền não đốt cháy tiêu tan thân thể.

Vị kia vì pháp, vì nhân pháp nên có thể nhẫn chịu sự lạnh, nóng, gió, mưa, mòng muỗi. Cũng nhẫn chịu sự đói khát.

Hoặc thấy người khác nhận lãnh quả báo an vui, chẳng khởi tâm mong cầu, ưa thích, mà phát khởi niệm thế này: Chỉ có ta là người vui vẻ độc nhất trong thế gian, nhưng ta có thể nghe chánh pháp. Vị ấy vì việc này, vì nhân kia, vì duyên nọ nên chẳng sanh lo buồn, khổ não, hối hận.

Vị ấy sau khi xa lìa buồn rầu, khổ não như thế xong, phát tâm như vậy: Ta có thể kham nhận, gánh vác một câu pháp của Như Lai đã giảng thuyết, nên tại địa ngục a tỳ có thể trụ một kiếp, hoặc dưới một kiếp. Vị ấy khởi tâm không mỏi mệt như thế xong, tự nhiên chẳng hành các hạnh nhưng vẫn được nhất thiết chủng trí. Chưa đắc pháp của Chư Phật nhưng khiến cho mau được đắc.

Này thiện nam tử! Do nghĩa như thế nên Bồ Tát có tên là Nhạo Trước Chư Pháp. Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này.

Ngài thuyết kệ:

Bậc Đại Trí ưa pháp

Mà thành đệ tử Phật

Gần gũi pháp chánh diệu

Chẳng sanh tâm mỏi mệt

Lòng thành cầu chánh pháp

Các Phật Tử tin sâu

Và có tâm nhớ nghĩ

Hiển bày hạnh chánh diệu.

Này thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát quán đúng các pháp?

Thiện Nam Tử! Nếu Bồ Tát quán như thế này:

Tất cả các pháp đều như huyễn vì phàm phu mê hoặc.

Tất cả pháp như mộng vì chẳng thật.

Tất cả pháp như trăng trong nước vì chẳng phải là sự thật.

Tất cả pháp như tiếng vang vì chẳng phải là chúng sanh.

Tất cả pháp như bóng hình vì vọng tưởng sai lầm.

Tất cả pháp như tiếng vang, vì tiếng thì sanh diệt, tan hoại.

Tất cả các pháp sanh diệt, tan hoại vì duyên giả hợp mà thành.

Tất cả các pháp vốn chẳng sanh diệt, chẳng dời đổi vì thể đồng chân như.

Tất cả các pháp chẳng diệt, vì vốn bất sanh.

Tất cả các pháp không tạo tác vì không người tạo tác.

Tất cả các pháp như hư không vì chẳng thể nhiễm.

Tất cả các pháp yên ổn, vắng lặng vì tánh không nhiễm.

Tất cả các pháp không nhơ nhớp vì lìa tất cả các nhơ nhớp.

Tất cả các pháp tịch diệt vì lìa phiền não.

Tất cả các pháp chẳng phải sắc vì chẳng có thể thấy.

Tất cả các pháp lìa cảnh giới của tâm vì không có thể tánh.

Tất cả các pháp chẳng trụ vì diệt các độc.

Tất cả các pháp chẳng thể tìm cầu vì diệt trừ tâm yêu ghét.

Tất cả các pháp đều không dính mắc vì lìa cảnh giới phiền não.

Tất cả các pháp như rắn độc vì lìa phương tiện thiện xảo.

Tất cả các pháp như cây chuối vì không bền chắc.

Tất cả các pháp như bọt nước vì thể tánh yếu đuối.

Này thiện nam tử! Bồ Tát quán như thế gọi là quán đúng các pháp.

Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này.

Ngài thuyết kệ:

Tất cả pháp như huyễn

Người ngu si mê lầm

Giả dối giống như mộng

Các ông biết như thế

Pháp như trăng trong nước

Cũng như các tiếng vang

Lại cũng như bóng hình

Người trí sao không biết?

Này thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát hành pháp thuận pháp?

***