Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Tùy Chuyển Tuyên Thuyết Chư Pháp

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA TÙY CHUYỂN

TUYÊN THUYẾT CHƯ PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thiệu Đức, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Giáo Biện Tài, Đời Tống Minh
 

PHẦN BA
 

Bấy giờ, Bồ Tát Đồng chân Văn Thù Sư Lợi, lại thưa: Bạch Thế Tôn! Bốn Thánh đế là gì?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Bốn Thánh đế, đó là khổ, tập, diệt, đạo. Đấy gọi là bốn Thánh đế.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Nên học như thế nào?

Phật đáp: Nên học tất cả pháp, sẽ đạt được trí hiện tiền của pháp này, không còn sinh khởi sự phân biệt, tốt cùng với không tốt, quán tưởng tự tánh là trong sạch, thấu rõ tất cả đều là giả dối.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Tại sao tất cả chúng sinh không học?

Phật đáp: Vì chê bai giáo pháp, nên hàng phàm phu ngu si, sinh ra sự khác biệt, không sinh tâm lành, không tu phạm hạnh, không đọc tụng Kinh Điển, không thọ nhận lời răn dạy, cũng không học một mảy may giáo pháp của Phật, lại thường gây ra ác hạnh, lang bạt trong ba cõi, mà sinh lòng ưa thích. Tức là họ không biết, tất cả pháp là như huyễn, như mộng, như bóng nắng, là giả dối, không thật.

Nếu chúng sinh nào, học tất cả pháp lành, tu tập Xa Ma Tha định, quán tưởng sự trong sạch của tự tánh, thấu rõ tham, sân, si đều là giả dối thì sẽ được an ổn ở trong giáo pháp, được sức định kia, thân tâm được vui vẻ.

Trong khi đó, do không học pháp lành, hàng phàm phu ngu si, không biết có Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng, giả dối bao trùm khó thấy được những điều mầu nhiệm.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Tại sao chúng sinh khó thấy được sự mầu nhiệm của pháp này?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Pháp này như gió gây ra sóng nước, chỉ thấy sóng nổi, không thấy gió sinh, chỉ có ông và Tu Bồ Đề có thể biết được, ngoài ra không ai có thể hiểu được.

Khi đó, Văn Thù Sư Lợi lại thưa: Bạch Thế Tôn! Bốn niệm xứ là gì?

Phật đáp: Này Văn Thù Sư Lợi!

Bốn Niệm xứ có nghĩa là:

1. Quán thân bất tịnh.

2. Quán thọ là khổ.

3. Quán tâm vô thường.

4. Quán pháp vô ngã.

Đó gọi là bốn Niệm xứ.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Vậy nên học như thế nào?

Phật đáp: Tất cả chúng sinh nên quán tưởng năm thứ không sạch nơi thân mình.

Quán thọ có: Khổ thọ, lạc thọ và xả thọ cả ba đều là khổ cả.

Quán tâm vô thường: Trong từng ý niệm đều là vô thường, sự sinh diệt trong từng sát na.

Quán pháp vô ngã: Bốn đại, năm ấm của thân thể ta là không thật. Đấy chính là bốn nơi nhớ nghĩ, tất cả chúng sinh nên học như vậy.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Năm căn là gì?

Đáp: Đó là tín, tấn, niệm, định, tuệ.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Nên học như thế nào?

Phật đáp: Khi học giáo pháp, hàng chúng sinh đối với tất cả pháp, nên quán tưởng sự sâu xa của pháp này, nên sinh lòng tin tưởng, đấy gọi là tín căn.

Thấu rõ pháp này rồi liền siêng năng tu hành, diệt trừ nghiệp chướng để được sự giải thoát. Gọi là tinh tấn căn.

Tuy nhiên, phải một lòng luôn tưởng nhớ pháp này, không cho xao lãng, thì gọi là niệm căn.

Thấu rõ tất cả pháp, biết thiền định để sinh tâm, gọi là định căn.

Dùng trí tuệ lựa chọn, biết tất cả pháp đều là không, gọi là tuệ căn.

Đấy chính là năm căn vậy.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Bảy giác chi là gì?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Đó là niệm giác chi, trạch giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi. Đó gọi là bảy giác chi.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Nên học như thế nào?

Phật đáp: Khi học Phật Pháp đối với tự tánh, hàng chúng sinh, nên thấu rõ tất cả pháp tốt và xấu, vứt bỏ sự ràng buộc ở đời, chuyên nhớ nghĩ pháp chân chánh. Gọi là niệm giác chi.

Lựa chọn có nghĩa là dùng trí tự tánh chọn những gì trong ba cõi, nên gọi là trạch giác chi.

Tinh tấn có nghĩa là thấu tỏ tất cả pháp và siêng hành không bỏ, gọi là tinh tấn giác chi.

Vui vẻ có nghĩa là đối với tất cả các hạnh, vui thích phát sinh cả ngày đêm, để thực hành diệu tánh với tất cả sự vui vẻ sướng khoái, nên gọi là hỷ giác chi.

Khinh an nghĩa là an ổn ở trong tất cả pháp, tâm được tự tại, không bị ma quỷ gây rối loạn, nên gọi là khinh an giác chi.

An định có nghĩa là thấu rõ tất cả pháp, vốn không tự tánh, phải tu tập Tam Ma Địa, gọi là định giác chi.

Xả nghĩa là tâm an ổn ở tại tất cả pháp, không trụ nơi trí, không trụ nơi Phật, lìa bỏ các duyên, nên gọi là xả giác chi.

Đấy chính là bảy giác chi vậy.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Tám chánh đạo là gì?

Phật đáp: Tám chánh đạo là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ấy gọi là tám chánh đạo.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Nên học như thế nào?

Phật đáp:

Đối với tất cả pháp, tất cả chúng sinh thấu rõ, ba nghiệp cung kính. Gọi là thấy chân chánh.

Đối với tất cả pháp, hàng chúng sinh ấy phân biệt lại không phân biệt, vui lại không vui. Gọi là suy nghĩ chân chánh.

Đối với tất cả pháp, chúng sinh ấy thấu rõ đó là những lời nói chân thật. Gọi là nói chân chánh.

Đối với tất cả pháp, chúng sinh ấy biết rõ, là chỉ nên tạo nghiệp lành. Gọi là nghiệp chân chánh.

Đối với tất cả pháp, hàng chúng sinh ấy an ổn ở đó, tâm bình đẳng chân thật. Gọi là mạng chân chánh.

Đối với tất cả pháp, chúng sinh ấy, siêng năng tu đại thừa. Gọi là chánh tinh tấn.

Đối với tất cả pháp, chúng sinh ấy, không sinh nghiệp ác. Gọi là niệm chân chánh.

Đối với tất cả pháp, chúng sinh ấy, không tiêu tán, không rối loạn. Gọi là định chân chánh. Đây chính là tám chánh đạo vậy.

Chúng sinh nào, học Phật Pháp, phải một lòng, thấu rõ bốn Thánh đế, bốn niệm xứ, năm căn, bảy giác chi, tám chánh đạo. Như vậy, với mọi pháp này, nhất nhất căn cứ vào đó mà tu học, chắc chắn sẽ đạt đến bờ giải thoát, sinh vào các cõi Phật, không còn sự sợ hãi, đạt được tâm Kim Cang vững chắc. Nghe Phật nói pháp môn cao tột và tốt đẹp, có thần lực lớn, có khả năng diệt trừ mọi sự phiền muộn như thế.

Tất cả hàng La hán, Thanh Văn, Sa Môn, Bà La Môn, cùng hàng tiểu Bà La Môn đều đạt được tâm địa trong sáng, mát mẻ. Các Tỳ Kheo nào có thể lần lượt siêng năng hành trì, tâm không thay đổi như ta đây, thì sẽ được thọ nhận sự cúng dường về đồ ăn, thức uống, những trân châu quý giá, các loại hoa kỳ lạ, những hương thơm nổi tiếng và được nghe những âm nhạc, cất lên suốt ngày đêm từ các hàng trời, người.

Văn Thù Sư Lợi! Nếu không đoạn trừ sân hận, mà lại mang bát vào vương thành, tuần tự khất thực, bị sự quấy rối của ma, dính mắc vào tham dục thì những Tỳ Kheo ấy, chẳng phải là đệ tử của ta, chẳng khác gì với kẻ thế tục.

Còn nếu Tỳ Kheo nào tâm không còn sân hận, thấu rõ từng lời từng câu, từng nghĩa của pháp hạnh mầu nhiệm Đại Thừa, thì sẽ đạt được sự giải thoát đối với chánh hạnh chân thật. Lúc đó, ba ngàn hai trăm Thiên Tử hết sức vui mừng, cung kính, đem hoa Trời Mạn Đà La, các loại hương thơm nổi tiếng, những đồ ăn thức uống hảo hạng mà cúng dường, rồi cùng nhau ca ngợi công đức xuất gia, chẳng khác nào ở cõi Phật Như Lai.

Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Con nghe Phật nói về bí mật Đà La Ni, vậy chương cú như thế nào?

Phật nói: Ta sẽ nói cho ông rõ về bí mật cú, quyết cú, Kim Cang cú, Tuệ cú, đây là pháp môn chương cú của Đà La Ni. Đối với pháp môn này, hàng Bồ Tát được tất cả pháp cú phát sinh, trong từng sát na đạt được pháp nhẫn nhục.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Vì sao gọi là pháp môn bí mật cú?

Phật đáp: Ta sẽ vì ông mà nói. Bí mật cú là chương cú chân thật, tâm ưa thích tất cả các pháp. Bí mật cú là bậc nhất. Giống như ông. Trong tất cả hàng Bồ Tát, ông là bậc nhất. Bí mật cú cũng như vậy đấy.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! bí mật cú giống như hư không, thân ta đầy khắp cả hư không. Tất cả pháp cũng lại như vậy, đầy khắp cả hư không. Các hàng Bồ Tát hiện tiền hay không hiện tiền, đều là một cả. Gọi là bí mật cú chân thật.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là quyết cú?

Phật đáp: Ta sẽ nói cho ông rõ. Quyết cú là không động cõi pháp tham, trụ tất cả pháp động, ta không động Đại Thừa, không gây ra các việc thế tục. Đấy gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Kim Cang cú?

Phật đáp: Ta sẽ nói cho ông rõ.

Kim Cang cú: Chúng sinh sân giận luôn luôn có sân giận. Kim Cang có khả năng đoạn dứt tất cả pháp. Đấy gọi là Kim Cang cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Tuệ cú?

Phật đáp: Ta sẽ nói cho ông rõ Tuệ cú: Ngu si thì cần học trí Phật, tất cả chúng sinh nếu chẳng học trí Phật, thì không thể đến được bờ giải thoát. Nếu chúng sinh học trí Phật thì sẽ đầy đủ tất cả tuệ, có tuệ hoặc không tuệ thảy đều thấu rõ. Nó rất là sâu xa.

Văn Thù Sư Lợi! Nếu biết rõ rằng, tất cả chúng sinh, do không trí, chỉ ưa vui với các việc ác, nên không thể xa lìa đối với tất cả pháp. Thì gọi là bí mật cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là sự nhận thức của bí mật cú?

Phật đáp: Sự nhận thức, nó như huyễn hóa, vọng sinh tất cả pháp. Nó là không, không tự tánh, không tự tướng. Cũng như, ngũ uẩn, như năm ngón tay, không thật như hư không, thảy đều là giả danh. Bởi do hôn mê mờ mịt, chúng sinh không thể nào hiểu rõ được. Thế nên gọi là bí mật cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là màu sắc của bí mật cú?

Phật đáp: Màu sắc của tất cả pháp là do tâm si, nhãn si, chúng sinh chê bai chánh pháp không chịu siêng học, lại ưa thích sắc trần mà không biết nó là giả dối.

Văn Thù Sư Lợi, vì ông có thể thấu rõ được sắc trần. Nên gọi là bí mật cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là âm thanh của bí mật cú?

Phật đáp: Khoảng không gian của âm thanh phát ra, không thể thấy được, mọi âm thanh của âm hưởng lời nói, nhĩ thức nhận biết được. Nên gọi là bí mật cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là hương của bí mật cú?

Phật đáp: Mùi hương phát ra từ các trần, không thể thấy được. Chỉ biết rằng, sự nghe và sự nhận thức cũng không có, đều là giả dối. Nên gọi là bí mật cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là vị của bí mật cú?

Phật đáp: Vị, nó không có tự tánh, chẳng qua chỉ là vọng sinh nơi lưỡi mà thôi. Bởi phân biệt, chúng sinh mới có sự ưa thích dính mắc. Nên gọi là bí mật cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là xúc bí mật cú?

Phật đáp: Xúc vốn không có, quán tưởng tất cả pháp đều như hư không. Do ngu mê nơi cảnh nơi thân, nên chúng sinh dính mắc vào mọi thứ, cho là diệu xúc. Gọi đó là bí mật cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là đất của bí mật cú?

Phật đáp: Tánh chất thật của địa đối với pháp suy nghĩ thì không tánh, không tự thể, cũng không tự tướng. Do điên đảo, chúng sinh vọng chấp cho là có, rồi quyến luyến chìm đắm mọi thứ. Gọi là bí mật cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là nước của bí mật cú?

Phật đáp: Quán các tánh của nước giống như bóng nắng của ánh sáng mặt trời, giả dối, không thật có. Nên gọi là bí mật cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là lửa của bí mật cú?

Phật đáp: Tánh lửa mạnh mẽ, làm khổ não chúng sinh. Hễ pháp này diệt mất, tự tánh sẽ vắng lặng, sự phân biệt không sinh, an vui hết sức. Gọi là bí mật cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là gió của bí mật cú?

Phật đáp.

Không thể thấy được mọi pháp của gió. Chúng sinh do tham đắm, mọi cử động qua lại đều bị sức gió lay chuyển. Nên gọi là bí mật cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Như vậy thế nào là bí mật cú của Phật?

Phật đáp: Chư Phật trong mười phương đều trình bày, giảng giải rõ, cho chúng sinh, về tất cả pháp không tốt. Gọi là bí mật cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Như vậy thế nào là bí mật cú của pháp?

Phật đáp: Tất cả pháp, không thể nắm bắt, không thể buông bỏ. Quán tưởng nó là không ngã, không tự tướng, không tự tánh, tâm không tán loạn. Nên gọi là bí mật cú.

***