Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Tùy Chuyển Tuyên Thuyết Chư Pháp

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA TÙY CHUYỂN

TUYÊN THUYẾT CHƯ PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thiệu Đức, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Giáo Biện Tài, Đời Tống Minh
 

PHẦN BỐN
 

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Như vậy thế nào là bí mật cú của Tăng?

Phật đáp: Vô số cõi pháp khéo trụ kia, đối với Tam Ma Địa, trì giới bình đẳng, tu bình đẳng, tuệ bình đẳng, giải thoát. Ở trong pháp bình đẳng đấy, khéo léo an trụ, hoàn toàn không có chỗ để học. Gọi là bí mật cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là cảnh giới hư không của quyết cú?

Phật đáp: Không thể nắm bắt, không thể buông bỏ, không thể trụ, không có chỗ để trụ. Đối với tất cả cảnh giới, như là cảnh giới của tất cả pháp, cảnh giới hư không, cảnh giới không thể nghĩ bàn. Gọi đó là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tất cả pháp trụ hư không của quyết cú?

Phật đáp: Tất cả pháp, không lìa hư không, trụ nơi không sinh phiền não, trụ nơi vắng lặng. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tâm không phân biệt, đối với tất cả pháp của quyết cú?

Phật đáp: Tất cả pháp không học, không hỏi, không khởi tác, không gần kề, không phát nguyện, không sinh yêu thích, vắng lặng như hư không. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là sự mầu nhiệm của tất cả pháp quyết cú?

Phật đáp: Tất cả pháp đều lìa nhơ bẩn, an ổn ở nơi vắng lặng, tỏa sáng tự tại, rất đẹp và tròn đầy, trong sáng, như hư không cũng trong sáng tròn đầy, phát sinh thân tốt đẹp an ổn ở nơi pháp. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tất cả pháp an trụ nơi hư không của quyết cú?

Phật đáp: Tất cả pháp an trụ nơi hư không, thì không thể thấy được, tất cả pháp đã lìa nhơ bẩn, an trụ, cũng không thể thấy được. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là học tất cả pháp dạy dỗ của quyết cú?

Phật đáp: Tất cả pháp dạy bảo cho những chúng sinh: Không chịu siêng học, không học quán tưởng, không chịu suy nghĩ, trọn ngày đêm sáu thời không học, lại không hỏi bạn bè, không cùng nhau giải thích, không thể trình bày, không có trí tuệ, không thể phân biệt, cũng không ưa thích, không gần bạn lành, lại ngã mạn cống cao, xa rời lời dạy bảo, không sao được giải thoát. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là xa lìa tất cả pháp cao tột của quyết cú?

Phật đáp: Tất cả chúng sinh, không chịu học pháp lành, chỉ tạo tội ác, không gần bậc thiện hiền, không có trí tuệ. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là chúng sinh khó dạy bảo của quyết cú?

Phật đáp: Nếu chúng sinh nào, tâm không tán loạn, chỉ siêng học pháp, gần gũi cúng dường. Thì tự nhiên tìm cầu pháp dạy dỗ, phước tuệ mới sinh. Còn nếu chúng sinh nào, không học tất cả pháp, mà chỉ gây nghiệp ác, lại muốn cầu phước tuệ, thì hoàn toàn không có. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là chúng sinh đạt được tất cả trí của quyết cú?

Phật đáp: Tất cả chúng sinh, siêng cầu học pháp, sẽ đạt tất cả trí. Phát tâm vui vẻ, sinh hạnh Đại Thừa, tỏ rõ tự tánh, đạt tất cả trí. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là chúng sinh đạt được đầy đủ trí của tất cả trí quyết cú?

Phật đáp: Tự tánh của tất cả chúng sinh ở ngay trong tự tánh, tất cả trí tuệ đều bình đẳng với Như Lai, đều hiểu rõ tánh tướng là một thể. Đấy là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đạo Tràng Bồ Đề của tất cả chúng sinh là quyết cú?

Phật đáp: Đạo Tràng Bồ Đề chỉ để cầu Phật, Pháp, sự vắng lặng của tất cả pháp là Đạo Tràng, tánh của tất cả pháp là Đạo Tràng, tất cả pháp cầu là Đạo Tràng.

Văn Thù Sư Lợi! Nói Đạo Tràng Bồ Đề ta một lòng cầu pháp, không cầu tướng khác. Tất cả chúng sinh, tất cả nhân dân, thường ưa đến cầu Đạo Tràng Bồ Đề này. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tất cả chúng sinh, đạt được nhẫn nhục là quyết cú?

Phật đáp: Chúng sinh học pháp, chuyên tâm quán tưởng, tịnh tuệ phát sinh, không sinh sự phân biệt đối với các danh tướng, đạt được nhẫn nhục bình đẳng. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tất cả chúng sinh, cùng bạn lành nói pháp là quyết cú?

Phật đáp: Tất cả chúng sinh, cùng hàng Trời, người trong mười phương. Các tiểu Trời, người trong mười phương. Tất cả đều cùng nhau thuyết pháp, mong cầu bồ đề, sinh tâm vui vẻ, cung kính cúng dường, diệt trừ chướng ngại, bình đẳng an vui ở nơi tướng vô thể. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tất cả chúng sinh đạt được Đà La Ni là quyết cú?

Phật đáp: Tất cả chúng sinh học, quán tưởng về sắc, thanh, hương, vị, xúc, nhận lấy sự sâu xa, tròn đầy sự phân biệt và không phân biệt. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tất cả chúng sinh, đầy đủ lòng từ là quyết cú?

Phật đáp: Tất cả chúng sinh ưa tu từ tâm, rõ biết tất cả pháp, đạt lòng từ bình đẳng. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào tất cả chúng sinh, đầy đủ lòng bi là quyết cú?

Phật đáp: Tất cả chúng sinh chăm học lòng đại bi bình đẳng của Như Lai, đầy đủ thể đại bi. Đấy gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào tất cả chúng sinh, không đạt Tam Ma Địa là quyết cú?

Phật đáp: Tất cả chúng sinh không tu thiền, không ưa thích, không vui vẻ, nói dối, điên đảo, tánh ác, hung bạo, nhiều các chướng ngại, chẳng có trí tuệ, chẳng có một mảy may ưa thích thiền định. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tất cả chúng sinh, đầy đủ tham dục là quyết cú?

Phật đáp: Tất cả chúng sinh đầy đủ tham ái, sinh nhiều phiền não, nên không có tâm vui vẻ, không ưa vắng lặng, không thực hành bình đẳng. Thế mà chẳng hề giác ngộ, tánh tham không đạt được Bồ Đề. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào tất cả chúng sinh, đầy đủ sân hận là quyết cú?

Phật đáp: Tất cả chúng sinh có đầy đủ những sự an trụ. An trụ đầy đủ trong sân hận, an trụ trong thể tánh sân hận. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào tất cả chúng sinh, đầy đủ si mê là quyết cú?

Phật đáp: Tất cả chúng sinh không cầu Phật Pháp, tất cả những kiêu mạn, tất cả hành động chẳng phạm hạnh, trụ nơi si bình đẳng, trụ nơi thể tánh si, không học bồ đề. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào tất cả chúng sinh, đầy đủ thân si là quyết cú?

Phật đáp: Tất cả chúng sinh, thân ở trong tất cả pháp si, nên không tụng Kinh Điển, không tin, không đọc, tánh ác, ganh ghét, không ưa đại thừa, an ổn ở nơi không chút tốt đẹp nào. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào tất cả chúng sinh, đầy đủ tà kiến là quyết cú?

Phật đáp: Do tà kiến. Cho nên đối với sự quay về nương nơi mười thân Phật. Tất cả chúng sinh không có sự chân thật quay về, thường gây ra mười hạnh ác, mười tà kiến, không rõ tà kiến mà thể tánh lại ưa thích, ở yên trong năm dục, ở yên trong tham, sân, si, ở yên nơi chướng ngại, không đạt được bồ đề. Gọi là quyết cú.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thế nào tất cả chúng sinh, trụ xứ nghe pháp là quyết cú?

Phật đáp: Tất cả chúng sinh, đều có một lòng cung kính nghe nhận.

Ta nói cho ông rõ: Tất cả chúng sinh đều chân thật cầu pháp, một lòng không lay động, không sinh sợ hãi. Phước Phật rộng lớn, mà hàng phàm phu ngu si thì không biết được.

Ta có những lời dạy chân thật như vậy: Không sinh cung kính, không ở yên nơi nghe nhận, bình đẳng trụ nơi tham, bình đẳng trụ nơi sân, bình đẳng trụ nơi si, bình đẳng trụ trong năm dục, bình đẳng trụ nơi chướng nạn, bình đẳng trụ nơi yêu thích và không ca ngợi Phật. Có như vậy mới là Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Như vậy mới ở yên nơi tánh thể tham, ở yên nơi tánh thể sân, ở yên nơi tánh thể si, ở yên nơi tánh thể năm dục, ở yên nơi tánh thể chướng nạn, ở yên nơi tánh thể ưa thích và không ca ngợi Phật. Có như thế, chính là sự giải thoát, là Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Phật tiếp: Nếu ông không hỏi, ta chẳng thể vì ông mà nói.

Còn như nay, ông đã hỏi, ta sẽ nói cho ông rõ: Nên học tất cả pháp lành, nên học đầy đủ tánh bình đẳng của tất cả pháp lành ở nơi Như Lai Chánh Đẳng, Chánh Giác. Như vậy, thầy Chúng Tăng, bạn lành sẽ vui mừng.

Nên học giáo lý đại thừa, hành hạnh đại thừa, có thế lực mạnh mẽ, lìa bỏ được việc này thì hoàn toàn không còn chuyện gì khác. Chuyên tâm phát nguyện, cầu pháp cao tột, chăm chỉ, chuyên tâm quán tưởng năm trí của cảnh giới Như Lai. Cảnh giới của Như Lai là cảnh giới không phân biệt, tất cả cảnh giới của Như Lai đều là cảnh giới bình đẳng. Cứ như vậy, trọn ngày đêm học pháp, một lòng cúng dường.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu cầu pháp được như vậy, các chúng sinh ấy, sẽ đạt được Bồ Đề Phật, thấu rõ pháp lành. Tất cả pháp lành đầy đủ như thế, nếu không học Phật Pháp, thì chẳng khác nào là gia cầm súc vật.

Bấy giờ, Thiên Tử Liên hoa Du Hý cùng mười ngàn Thiên Tử khác, đem các loại hoa nổi tiếng thơm tốt nhất như: Hoa Ưu Đàm Bát La, hoa Sen Xanh, hoa Sen Trắng, hoa Mạn Đà La, hoa Ma Ha Mạn Đà La, hoa Mạn Thù Sa, hoa Ma Ha Mạn Thù Sa đến cúng dường Đức Thế Tôn và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.

Rồi phát tâm cung kính, dùng mọi lời lẽ vui mừng mà ca ngợi Đức Thế Tôn cùng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Là bậc không ưa sự vui thú ở đời, đã vượt ra khỏi ba cõi, tâm không phiền não, cũng không hề có ác, lời nói chân thật sâu xa, cõi pháp giới an lành, sự chân thật an lành, sự mầu nhiệm an lành, vô số những việc cao tột, tất cả đều an lành bậc nhất.

Thiên Tử ca ngợi Đức Thế Tôn cùng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi xong, Phật mới bảo Thiên Tử Long Hoa Du Hý: Trong hàng Thiên Tử, ông là bậc nhất. Đối với bản thân, tâm ông không có sự phân biệt trong ngoài, đạt được pháp cao tột bậc nhất. Ở trong chúng, ông là cao cả bậc nhất, rất tốt bậc nhất, rất toàn diện bậc nhất. Ở giữa đại chúng tâm luôn chân thật, ông có khả năng cúng dường cao cả nên đạt được là bậc nhất.

Phật tiếp: Này Thiên Tử! Ông không có tham, sân, si, không sinh phiền não. Nếu là như vậy, ông không thể nào, như những kẻ phàm phu ngu si. Nếu Thiên Tử nào không chịu học, lại tranh đua, làm mất nẻo bồ đề, nếu ưa thích tất cả pháp Bồ Đề tát đỏa, pháp của Phật, ưa tu hạnh mười Địa.

Như vậy, này Thiên Tử! Căn lành khi xưa gieo trồng, cung kính, cúng dường Chư Phật, Bồ Tát, xa lìa các ác, tâm hồn bừng sáng, chăm học Phật Pháp, ở yên trong hạnh đẹp của mười địa, hiện ra ánh quang minh, ưa thích học giáo pháp Phật một cách mạnh mẽ. Nếu không được như vậy, ưa thích pháp Phật mà lại vướng nhiều nơi sự tranh đua, không sinh tâm cúng dường, trí tuệ sẽ bị giảm mỏng.

Như vậy, này Thiên Tử! Tâm cống cao, ngã mạn, không ưa thích tất cả pháp, không gần gũi bạn lành. Thiên Tử này, hiềm khích với chúng, không hòa hợp với bồ đề, không có lòng cung kính, xem thường Tam Bảo, không học giáo pháp, chẳng khác nào kẻ phàm phu ngu si.

Còn nếu như, cung kính Đạo Tràng Bồ Đề sâu xa, cầu đầy đủ tất cả trí, đạt được hạnh Thiên Tử, ở yên nơi chúng tốt, thì các Thiên Tử ấy, sẽ không trụ nơi tham, không trụ nơi sân, không trụ nơi si, không tham luyến của cải, không hành tà kiến, cung kính hỏi han Thế Tôn cùng Văn Thù Sư Lợi, lễ bái cúng dường, thảy đều xa lìa tham, sân, si. Đức Thế Tôn như nghĩa mà nói, Thiên Tử ưa thích như nghĩa mà trụ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn ca ngợi Văn Thù Sư Lợi là người ở yên nơi đại thừa, không hành tà hạnh, cũng không tà kiến. Khi nghe Phật nói vậy, các Thiên Tử, bèn tới chỗ ngài Văn Thù Sư Lợi, ca ngợi, cúng dường, học tất cả pháp, đầy đủ không phân biệt, không có hạnh tà vạy.

Lúc bấy giờ, nghe Phật trình bày, về sự ở yên nơi pháp nhẫn vô sinh. Một ngàn Thiên Tử đều một lòng hạnh Văn Thù, đạt được pháp mầu cao tột, đối với Kim Cang cú, bí mật cú, quyết cú, hiểu rõ sắc vốn là không, thể tánh không, tà vạy không, không có sự tranh đua.

Đạt được pháp giải thoát của bồ đề rồi, liền cung kính, cúng dường tu tập thiền định, theo pháp đọc tụng, diễn nói, biên chép. Cứ như vậy mà huân đúc sự tu tập năm pháp, mọi người đều vui mừng ba nghiệp trong sạch, đối với tất cả pháp, tất cả Phật Pháp, tuyên thuyết đầy đủ, đạt được hạnh an vui.

Khi đó, Phật bèn bảo Thiên Tử Liên Hoa Du Hý: Như vậy, đối với thanh sắc, những Bồ Tát vô trí đời này và đời sau, không ưa Phật Pháp, tham luyến ngoại thanh, ngoại sắc, không biết sợ, không biết hãi, đắm nhiễm và mê hoặc với tất cả âm thanh thì hoàn toàn không có phước đức.

Nghe Đức Thế Tôn nói như vậy, qua lại giữa không trung, Thiên Tử Liên Hoa Du Hý đã biến hóa các loại âm thanh thật tốt đẹp để ca ngợi và do căn lành và bởi phước nghiệp tạo ra ở đời trước, nên liền đạt được Bồ Đề Phật, sinh chủng tánh tối thượng, hình dáng đầy đủ, phước nghiệp tròn đầy, tỏ ngộ đầy đủ tất cả màu sắc âm thanh.

Đức Thế Tôn bèn thọ ký: Nay ngươi đang là Thiên Tử, các Đại Bồ Tát chân thật trong hằng hà sa kiếp phải tôn trọng như là Pháp Sư, phải cung kính cúng dường những thứ: Quần áo, đồ nằm, ăn uống, thuốc men, làm cho an lạc tất cả.

Như vậy, trọn ngày đêm nên cúng dường đầy đủ, với tất cả mọi hương hoa tốt đẹp nhất không ngừng nghỉ, ở yên trong giáo pháp, nhất định cầu được phước báo tốt đẹp nhất, không còn lo sợ tức giận.

Như thế, này Thiên Tử! Tỏ ngộ được sắc thanh sẽ mau đạt đến chỗ mong muốn. Đó là tất cả an vui của Bồ Tát trong khắc già sa kiếp.

Trong Khắc già sa kiếp, Thiên Tử ấy, không sinh tâm phiền não, không còn sự khinh mạn, lời lẽ thuyết pháp, trọn vẹn chân thật. Như vậy, Thiên Tử ấy sinh tâm quyết định, nghe pháp âm của Phật, tỏ ngộ âm thanh màu sắc, không còn phiền não, cũng không còn sự chê bai, vui mừng ca ngợi, đạt được tất cả sự an vui cao tột.

Phật tiếp: Này Thiên Tử! Ngày nay có nhiều người không cầu Phật Pháp, lại tham luyến đời sống vật chất, không còn sự sợ hãi, chẳng giống như người đời, Ta La Vương, căn lành thành thục.

***