Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Tùy Chuyển Tuyên Thuyết Chư Pháp

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA TÙY CHUYỂN

TUYÊN THUYẾT CHƯ PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thiệu Đức, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Giáo Biện Tài, Đời Tống Minh
 

PHẦN NĂM
 

Khi Đức Thế Tôn nói như vậy, nghe được pháp âm như thế, Thiên Tử Liên Hoa Du Hý, liền hiểu rõ thể tánh của màu sắc, thâm nhập vào trí tuệ của Phật. Nếu chúng sinh nào, không học Phật Pháp, không tu thiền định, không ưa, không hỏi tất cả pháp, thì chẳng phải hạnh Bồ Tát, thường khởi tư tưởng ác, không học chánh trí, nghe tiếng người nữ thì ưa thích, dính mắc vào không sợ nghiệp tội.

Đức Thế Tôn nói xong, Thiên Tử Liên Hoa Du Hý nói: Này các Thiên Tử Bồ Tát! Thân tâm tán loạn, không theo lời dạy của Thế Tôn. Ba nghiệp không tốt lành, chê bai sự nghe pháp. Trụ nơi âm thanh tham, trụ nơi âm thanh sân, trụ nơi âm thanh si.

Không gần gũi bạn lành, không chịu học Phật Pháp, mê đắm người nữ, không biết nhàm chán, không học âm thanh vui vẻ, ưa thích âm thanh sướng khoái, thích nghe âm thanh người ác, không học âm thanh người tốt, không học âm thanh biên chép, không học âm thanh Phật, tham đắm nữ sắc, thường giống như kẻ say. Không học âm thanh an vui. Không học âm thanh xuất gia. Yêu thích âm thanh không trí tuệ Phật, thích nghe âm thanh ngoại đạo.

Tham luyến âm thanh người nữ. Không học âm thanh về pháp bố thí của Phật. Không học âm thanh về pháp giữ giới của Phật. Không học âm thanh về pháp nhẫn nhục của Phật. Không học âm thanh về pháp tinh tấn của Phật.

Không học âm thanh về pháp thiền định của Phật. Không học âm thanh về pháp trí tuệ của Phật. Tham luyến âm thanh người nữ, xa tìm sự buông thả, gần tìm bạn ác, không học âm thanh người lành, tham luyến âm thanh thế gian, ngày đêm không buông bỏ, không đạt được Niết Bàn.

Tham luyến đắm chìm vào người nữ, không học Phật Pháp, không đạt được giải thoát, tìm đến nơi xóm làng tụ lạc, mê đắm ở đó, thường cùng vui cười với người nữ, không gần gũi với người tốt, không thực hành hạnh đại thừa, không thực hành hạnh Tỳ Kheo, không thực hành hạnh chân chánh của tại gia mà chỉ hành tà đạo, chỉ đi theo con đường của người nữ, nghe âm thanh người nữ, tâm sinh vui mừng.

Nghe âm thanh Phật, không sinh tâm kính ngưỡng, không tu phạm hạnh, lại ở yên nơi phiền não, quấy rối mọi người, tu hạnh ngoại đạo, không có quả báo của phước, không học hạnh giữ giới, đắm trong hạnh phá giới, thể tánh thấp kém, lại tham mê thể tánh thấp kém ấy, không kết thân với bạn lành.

Không chịu học Phật Pháp, chìm đắm trong tham dục, không chịu học Phật Pháp, ngu muội, không biết, không nhận lời răn dạy, tâm tư bị bít lấp, không thể cảm nhận, hiểu rõ, không học hạnh của Chư Phật, không học hạnh của Bồ Tát, không học hạnh của Thanh Văn.

Không học, không hỏi pháp của Chư Phật, Bồ Tát. Nghiệp chướng sâu nặng không xa lìa mà đi tạo nghiệp ác, tham mê nữ sắc, tâm tiều tụy vì mê tạo các phiền não, không tin bồ đề chân thật, lần lượt xa lìa, bị mọi người hiềm ghét.

Người như vậy, tham mê đắm chìm nơi nữ sắc, sẽ không được sự an vui cũng không được sự yên lặng, không được lễ bái, cũng không được cung kính, tự mình không hiểu biết, cũng không đạt được bồ đề. Nếu Bồ Tát Thiên Tử nào, siêng tu mười điều lành, chân thật viên mãn, tích chứa căn lành, thì tâm tư được vui vẻ.

Bồ Tát Thiên Tử này, đi đến chỗ của Bồ Tát học rộng nghe nhiều, để tu tất cả căn lành được trọn vẹn đầy đủ, lìa trừ nghiệp chướng, tâm được trong sạch. Khi trừ bỏ nghiệp chướng rồi, thân tâm liền nhẹ nhàng, xa lìa mọi ham muốn, ngày đêm không còn tơ tưởng đến người nữ, an ổn ở nơi pháp tánh.

Bấy giờ, Đồng chân Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch: Bạch Thế Tôn! Bể pháp của Chư Phật không có ngằn mé, không thể xem xét thấy được sắc tướng tốt đẹp, không thể nghe được âm thanh tốt đẹp, âm thanh vui vẻ tốt đẹp, âm thanh rất là vui vẻ tốt đẹp.

Một lòng chuyên trụ, tu Phật tánh tốt đẹp, xa lìa sự chướng ngại của các nhiễm, đến bờ giải thoát, an trụ nơi pháp, không trụ Niết Bàn, không trụ nơi xóm làng, không tới, không lui, không có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, không có phẫn nộ, không tham, sân, si, tất cả đều bình đẳng.

Bạch Thế Tôn! Đó là theo như nghĩa mà nói, về pháp môn chân thật tốt đẹp.

Phật nói: Liên Hoa Du Hý là vị Thiên Tử đầy đủ trí tuệ lớn, cùng với Đồng chân Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là hai vị Đại Sĩ, khi xưa đã gieo trồng căn lành.

Tại các cõi Phật, trong vô lượng vô số A tăng kỳ kiếp thời quá khứ, hai vị này đã từng nghe nhận giáo pháp tu hạnh Đại Thừa, dứt lìa các nghiệp chướng, tích chứa phước sâu dày, công đức chứa nhóm vô lượng vô biên. Nhờ nguyên nhân khi xưa mà đạt được quả báo này đây. Ngay trong hội này, thật không có gì sánh được.

Như vậy, là Thiên Tử Liên Hoa Du Hý đã xa lìa âm thanh sắc, dùng tâm chân thật, đem cúng dường các loại hương hoa, đèn đuốc, châu báu tốt nhất, những đồ ăn, thức uống hảo hạng, không ai bì kịp để gần gũi âm thanh Phật.

Bấy giờ, khi nghe Văn Thù Sư Lợi, diễn nói pháp môn chân thật sâu xa bình đẳng như vậy, Phật mới bảo Đồng chân Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Khi xưa, trong giáo pháp của ta, ông đã thấu rõ sắc tướng cao tột của âm thanh sắc như vậy, tất cả nghiệp chướng thảy đều xa lìa, an ổn ở nơi phước nghiệp vạn đức tròn đủ, chẳng gì bì kịp. Thậm chí, những Bồ Tát ở quá khứ, cũng không thể sánh bằng.

Văn Thù Sư Lợi nói: Như vậy là con đã thấu rõ, nghiệp chướng của sắc, nghiệp chướng của sân, nghiệp chướng của tất cả ác, thảy đều xa lìa mọi quyết định bảo vệ, gần gũi Đức Thế Tôn.

Nói như vậy là lìa tất cả pháp nhiễm, đạt được phước nghiệp trong sạch, tâm không phiền não. Đấy chính là do vào đời trước, trong vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, con đã phát tâm rộng lớn, tu tạo tròn đầy các phước nghiệp, suy nghĩ đầy đủ các hạnh lành.

Đó là khi xưa tu tập, nên ngày nay nhận kết quả, được gặp Đức Sư Tử Cổ Âm Tự Tại Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Đức Phật này, thọ mạng vô lượng, cả trăm ngàn na dữu đa năm. Những chúng sinh trong ba cõi, đều hiểu rõ trọn vẹn. Thế Giới tên Đại Quang. Trong cõi nước Phật ấy, có rất nhiều các cây báu. Dây vàng làm ranh giới đường đi, cây báu mọc thành hàng, gió thơm thổi lay động, cành lá chuyển lay va chạm, phát ra những âm thanh êm dịu.

Âm thanh ấy diễn nói gồm các: Âm thanh không, âm thanh không tướng, âm thanh không nguyện, âm thanh không sinh, âm thanh không diệt, âm thanh không sắc, âm thanh không tự tánh.

Với những âm thanh ấy chúng sinh trong cõi nước nghe được, thảy đều được giải thoát. Như Lai ấy, có hai mươi bảy câu chi chúng Thanh Văn đều đến nghe pháp. Chúng đại Tỳ Kheo này đã dứt sạch các phiền não, vứt bỏ các gánh nặng, đạt được tuệ giải thoát, tâm giải thoát.

Có các Tỳ Kheo, tâm không tán loạn, cũng đến nghe pháp, cầu Phật bồ đề. Như Lai lại có hai mươi bảy câu chi chúng, cùng chúng đại Tỳ Kheo cũng đến nghe, nhận gánh vác giáo pháp quý trọng của Như Lai và đạt được tuệ giải thoát, tâm giải thoát. Như vậy, những Bồ Tát ở phương khác, đến nghe pháp, cũng đều đạt được tất cả pháp nhẫn nhục, đạt đầy đủ sự an vui.

Như thế, vô số trăm ngàn câu chi Phật, ở các Cõi Phật, trong mười phương đều đến nghe pháp, vô số trăm ngàn na dữu đa chúng sinh, nghe A Nan Đa Mục Khư Đà La Ni Tam Ma Địa, liền đạt được sự vắng lặng an lạc, tâm sinh vui vẻ cùng nhau bàn luận, cho đến đời trước đời này, không cầu gì khác, quyết định an vui ở nơi Đại Bồ Tát.

Lúc đó, tại cõi nước kia, Đức Như Lai đã nói tất cả pháp mầu nhiệm xong, chánh pháp trụ ở đời được sáu mươi trăm ngàn năm. Khi đó, Đức Như Lai ấy lại vì vị Bồ Tát có các căn vắng lặng, mà nói tất cả pháp Bồ Tát.

Mọi người nghe được đều ngợi khen, tâm không còn theo ngoại duyên. Vị Bồ Tát này, ở trong kiếp trước, đã tu pháp Bồ Tát, ở nơi đạo hạnh trong sạch, không ưa tất cả pháp của thế gian, các căn không tán loạn, đạt được sự giải thoát sâu xa, thấu rõ được pháp mầu nhiệm cao tột, chân thật, trình bày sắc tướng rất hớn hở vui mừng, chuyên tâm biên chép, cùng bàn luận với bậc thiện tri thức. Đối với hạng phi nhân, không ưa nói năng, sợ sinh chê bai.

Tuy nhiên, với các chúng sinh kia đã đắm sâu trong tất cả pháp của thể tánh tham, đắm sâu trong tất cả pháp của thể tánh sân, đắm sâu trong tất cả pháp của thể tánh si.

Bồ Tát này, chỉ ưa thích tất cả pháp của Phật, không ưa thích tất cả pháp của thế gian, ưa thích phương tiện chẳng phải của chúng sinh, chỉ ưa hạnh bồ đề, gieo các hạnh lành, không tâm phân biệt, thường thực hành nhẫn nhục, không tham, không sân, không đúng, không sai, an trụ nơi pháp giới sâu dày của Như Lai.

Bấy giờ, lại có một Tỳ Kheo, tên là Thắng Ý, ưa thích bồ đề. Khi ấy, Đức Thế Tôn vì Tỳ Kheo này, mà thuyết tất cả pháp mầu nhiệm, khiến đạt được bốn Thiền định, bốn Vô sắc định, mười hai công đức Đầu đà và thường thực hành hạnh này.

Lúc đó, Phật bảo Tỳ Kheo Thắng Ý: Bồ Tát các căn vắng lặng, hãy thấu rõ tất cả hạnh cao tột!

Nghe Phật nói vậy, Tỳ Kheo Thắng Ý bèn chắp tay nghe nhận, xa lìa nơi xa xôi, ở yên nơi vắng lặng, tu tất cả hạnh cao tột.

Bấy giờ, Bồ Tát các căn vắng lặng, phát tâm rộng lớn, vô biên: Ôm bát vào vương thành, dẫn dắt mọi người, đến từng nhà mà giáo hóa.

Khi vị Bồ Tát này, khất thực đến nhà vị trưởng giả cư sĩ Thiện Hữu, gặp người có trí tuệ tâm sinh vui vẻ, cúng dường khen ngợi, hoặc gặp cư sĩ Thiện Hữu, có lời ác chê bai, vẫn không sinh niệm ác, ít nói, biết đủ, lời nói việc làm chân thật, tâm không giận người, nét mặt hiền hòa. Cư sĩ Thiện Hữu kia ca ngợi, Bồ Tát các căn vắng lặng nói pháp về các sắc.

Các Tỳ Kheo Tăng, phần nhiều không hiểu rõ, nhập vào các tà kiến, lánh ở trong phòng hẹp, ở yên nơi sự chướng ngại của tham mạn, ở yên nơi sự chướng ngại của sân mạn, ở yên nơi sự chướng ngại của si mạn, ưa thích sự chướng ngại của tất cả pháp, không chấp nhận những lời nói, những hành vi chân thật. Bồ Tát các căn vắng lặng lại khuyên cư sĩ tại gia Thiện Hữu, là không được tham phiền não, không được tạo các ác nghiệp.

Cư Sĩ Thiện Hữu không thể thực hành để đạt được hạnh nhẫn nhục, tự tìm đến nơi tham, tự tìm đến nơi có nhiều tham dục, đến cả các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn góc, Trên, Dưới, sinh khởi năm loại chê bai.

Thế nào gọi là ưa thích tham, sân, si?

Là vì tâm có nhiều phiền não.

Lúc bấy giờ, đang du hành giáo hóa trong vương thành, Bồ Tát các căn vắng lặng, nói với cư sĩ Thiện Hữu: Tỳ Kheo Thắng Ý là vị Tăng chân thật, được mọi người ca ngợi, cúng dường, nay không chịu ở nơi vương thành mà lại quay về ở yên nơi vắng vẻ, lại không thích nhận những đồ cúng dường như hương hoa ở nơi tự viện.

Các Tỳ Kheo Tăng, phần đông không ai muốn gặp. Tỳ Kheo Thắng Ý này là chân thiện tri thức. Các Tỳ Kheo Tăng thâm nhập nơi tà kiến, bị chướng ngại bởi tâm tham lam, sân hận, si mê. Không thể xa lìa sự ngăn trở của các nghiệp ác.

Bồ Tát các căn vắng lặng lại tiếp tục nói: Các Tỳ Kheo Tăng, lại không học pháp lành, không tu tập tất cả quán tưởng, không học diệu pháp sâu xa, không cầu bồ đề.

Khi đó, Bồ Tát các căn vắng lặng vì các Tỳ Kheo Tăng này mà nói bài cú tụng:

Nếu có tham sân si

Không tu hạnh bồ đề

Bồ đề không tánh tham

Nên xa lìa tất cả.

Kẻ ngu không biết rõ

Chìm đắm vào ham thích

Chẳng phải định vắng lặng

Không thể đến cõi Phật.

Cao ngạo với buông thả

Chẳng mảy may công đức

Giới thanh tịnh của Phật

Lại sinh tâm nghi ngờ!

Tham luyến tạo các ác

Không có Phật, Pháp, Tăng

Nếu như học văn tự

Trong tâm nhiều quanh co,

Với bồ đề chân thật

Làm sao được giải thoát!

Trượng phu học bồ đề

Không phân biệt, phiền não

Gần gũi, quán tưởng Phật

Đạt đầy đủ chánh kiến

Không thể hiểu rõ pháp

Chúng sinh đọa tà kiến

Xa lìa giáo pháp Phật

An trụ tham, sân, si

Không cung kính, lễ bái

Không gần gũi Pháp Sư

Khổ não sinh phân biệt

Không có tâm nhẫn nhục

Mê hoặc không tự biết

Ngu si tạo các ác

Cách Phật Đạo rất xa

Không nghe người nhắc nhở

Mau chóng đạt bồ đề

Nếu người có nhẫn nhục

Bình đẳng cõi giải thoát

Vượt thoát khỏi thế gian

Tất cả đều trí kiến

Quán tưởng pháp nhẫn nhục

Mà đạt Phật bồ đề

Bởi an trụ nơi đây

Nhất định không việc ma

Sức thiền định trước mắt.

***