Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đại Tịnh Pháp Môn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TỊNH PHÁP MÔN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thuở nọ, Đức Phật cùng chúng Đại Tỳ Kheo năm trăm vị, và tám ngàn Bồ Tát ở núi Thứu Phong thuộc thành Vương Xá. Tất cả Đại Thánh đều đã đắc pháp môn tổng trì, với biện tài vô lượng.

Các vị đã kiến lập và phân biệt thánh tuệ, thông suốt ba môn giải thoát, có trí tuệ thông suốt cả ba đời không bị chướng ngại, đắc định tam muội, không chuyển đổi, có mười lực, vô úy. Tất cả đều được đầy đủ.

Bấy giờ trong thành Vương Xá có dâm nữ tên Thượng Kim Quang Thủ đoan trang đẹp đẽ, ai thấy cũng đều thích, hình dáng thong thả, điệu bộ sáng rỡ như hoa. Nhờ quả báo đã tu đức thuở trước nên thân cô ta tự nhiên có màu vàng rực.

Nơi nào cô ta đi dạo, ở, nằm, ngủ, đứng, ngồi, kinh hành thì đất nơi ấy cũng đều biến thành màu giống như thân cô ta, lụa vải mặc trên thân thì tự nhiên chuyển thành màu vàng ròng được vô số người kính trọng.

Ai nhìn cô cũng ngây ngất không biết chán. Cô ta nói năng không cộc cằn thô tháo mà rất nhã nhặn dịu dàng, dung mạo sáng rỡ không tiều tụy.

Trong Đại Thành Vương Xá ấy dù Quốc Vương, Thái Tử, Đại Thần, Trưởng Giả, Cư Sĩ, thanh niên… đều yêu thương cô.

Họ quyết chí muốn được nhìn thấy cô ta, dù đi đến đâu nơi công viên, bờ sông, ngõ hẻm, giữa rừng họ cũng đi theo. Vô số nam nữ lớn nhỏ đều đi theo sau cô ta để ngắm nhìn.

Một ngày nọ, Thượng Kim Quang Thủ cùng với Úy Gian con ông trưởng giả mua quà đẹp để tặng nhau, làm những thức ăn ngon mang đến vườn Du Quán, có xe tứ mã, cờ lộng, trân bảo, châu minh nguyệt vàng ròng để trang hoàng, trải tọa cụ tốt đẹp, chở đủ loại hương của hoa Tu Di, theo các kỹ nhạc đến vườn Du Quán để cùng nhau vui chơi.

Dẫn đầu đi trước là trống nhạc âm thanh xướng hát, còn đồ cúng dường thì chở theo phía sau. Người đi theo nhìn nhiều không thể kể.

Khi ra khỏi tịnh thất, Văn Thù Sư Lợi sanh lòng đại bi thương xót quần sanh, xem người nào có thể chuyển hóa hướng về đại thừa mà dùng ba phẩm pháp để làm sáng rỡ đạo, huệ, đó là thần túc biến hóa, thuyết pháp biến hóa, giáo thọ biến hóa rồi hướng dẫn họ vào giới luật.

Thấy Thượng Kim Quang Thủ kết bạn với Úy Gian con trưởng giả và cùng ngồi chung một xe đến vườn Du quán và biết căn nguyện bổn hạnh của cô gái có nhiều phước đức, Văn Thù Sư Lợi nghĩ: Ta nên hóa độ và giảng pháp chắc chắn cô ta sẽ hiểu rõ thông suốt. Lập tức Văn Thù Sư Lợi biến thân hóa làm một thiếu niên cực kỳ đẹp đẽ đi trước.

Ai thấy cũng vui thích hân hoan, kính chuộng. Dáng vẻ oai vệ rực rỡ choáng cả ánh sáng mặt trời, mặt trăng, dáng kiểu y phục hơn thế gian.

Y phục của thiếu niên sáng chiếu cả bốn mươi dặm, từ nơi thân biểu hiện ra các vẻ đẹp theo ý muốn. Sửa soạn y phục xong, Văn Thù theo dõi con đường dâm nữ đi rồi đứng đợi phía trước con đường ấy.

Vừa mới đứng ở trước thì xa mã của con trưởng giả và Thượng Kim Quang Thủ lập tức bị ánh sáng y phục của Văn Thù che lấp không hiện nữa. Ánh sáng của họ tắt mất hẳn giống như khối mực đen ở bên viên minh châu.

Thượng Kim Quang Thủ thấy Văn Thù Sư Lợi với dung mạo tuấn tú, ánh sáng trên thân rực rỡ giống như vị Trời khó sánh nổi, sắc mặt tươi tắn, y phục khác lạ. Vừa thấy vậy, cô nhìn lại mình không lấy làm lạ.

Vì tham y phục của Văn Thù, cô suy nghĩ: Nên xuống khỏi xe của con trưởng giả này, đến cùng chung vui với người kia. Và lại muốn thân mình có ánh sáng và kiểu y phục ấy.

Cô vừa nghĩ xong, Văn Thù Sư Lợi thâu nhiếp oai thần bảo Tức Ý Thiên Vương hóa thành nam tử nói với cô gái: Thôi! Thôi! Ðừng có tâm phóng đãng ấy nữa.

Vì sao?

Vì người kia không để tâm vào sắc dục.

Cô ta hỏi: Vì sao?

Tức Ý Thiên Vương trả lời: Vì vị ấy là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.

Cô gái lại hỏi: Vì sao đặt tên là Bồ Tát?

Ðó có phải là Thiên Tử, Rồng, Quỷ Thần, Càn Đạp Hòa, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, Thích Phạm hay Tứ Thiên Vương không?

Tức Ý trả lời: Người mà cô muốn biết đó chẳng phải Trời, Rồng, thần, cũng chẳng phải Thích Phạm. Vị đó gọi là Bồ Tát, vì vị ấy làm thỏa mãn tất cả lời nguyện cầu cho mọi người. Thấy chúng sanh mong cầu điều gì, đều không làm trái ý họ, nên gọi là Bồ Tát.

Cô gái suy nghĩ: Theo những gì ta được nghe, chắc chắn vị ấy sẽ cho ta y phục tốt đẹp.

Nghĩ thế rồi cô liền xuống xe đến chỗ Văn Thù Sư Lợi thưa: Thưa Nhân Giả! Hãy cho tôi y phục này.

Văn Thù Sư Lợi trả lời: Thưa Đại Tỷ! Nếu Đại Tỷ phát tâm đạo vô thượng chánh chân thì tôi mới lấy y phục cho cô.

Cô gái nói: Xin vâng! Sao gọi là đạo?

Văn Thù trả lời: Muốn biết thì chính cô là đạo.

Cô hỏi: Thế nào thưa Văn Thù Sư Lợi! Nếu Ngài không giảng rộng và phân biệt nghĩa lý thì tôi không sao hiểu được.

Vì sao nói rằng thân của tôi là đạo?

Bấy giờ, Thượng Kim Quang Thủ nói kệ:

Cúi đầu xin Ngài

Cho tôi y phục

Mới biết rõ Ngài

Thấu sâu Ðạo Phật

Như Trời không mưa

Hạn hán kéo dài

Nếu người tham tiếc

Chẳng đúng Bồ Tát.

Văn Thù Sư Lợi nói kệ:

Nếu cô có thể

Phát tâm đạo Phật

Thì ta sẽ lấy

Y phục cho cô

Nếu tâm kiên cố

Trụ vào ý đạo

Trên Trời thế gian

Sẽ đều lễ lạy.

Thượng Kim Quang Thủ nói kệ:

Như nói về đạo

Lời lẽ thế nào

Ai là người nói

Ai được đắc đạo

Chí hướng đến nghiệp

Phải tập thế nào

Ðể thành Phật Đạo

Dạy người chưa ngộ.

Văn Thù Sư Lợi trả lời: Ðại Tỷ! Nếu muốn biết thì có Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác hiệu Thích Ca Văn hiện đang thuyết pháp, diễn bày sự bình đẳng của thân, đều phụng hành theo đạo.

Ðại Tỷ nghĩ thế nào?

Chẳng lẽ chính ta sanh các ấm chủng và các nhập sao?

Nhờ hạnh lành đức sẵn có đã chứa nhóm kiếp trước, nên vừa nghe Văn Thù Sư Lợi nói vậy cô ta đạt được ánh sáng của pháp, và thưa Văn Thù: Ðúng vậy! Ðúng vậy! Ðúng như Ngài đã nói, nhờ thân của tôi mà đạt đến các nhập và ấm chủng.

Văn Thù hỏi: Ý của Đại Tỷ thế nào?

Sắc có đối tượng để niệm, có đối tượng để biết không?

Cô gái trả lời: Không.

Văn Thù Sư Lợi nói: Ðại tỷ nên biết! Ðạo không có đối tượng để niệm, không có đối tượng để phân biệt.

Vì sao?

Vì Sắc bình đẳng nên đạo cũng bình đẳng. Do đó mà tôi nói Đại Tỷ là đạo.

Ý Đại Tỷ thế nào?

Thọ, tưởng, hành, thức có đối tượng để niệm, có đối tượng để phân biệt không?

Cô gái trả lời: Không.

Văn Thù Sư Lợi nói: Ðạo không niệm cũng không phân biệt. Thọ, tưởng, hành, thức bình đẳng nên đạo cũng bình đẳng. Cho nên tôi nói rằng Đại Tỷ là đạo.

Ý Đại Tỷ thế nào?

Há có thể thấy sắc ở trong, ngoài, chặng giữa, xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, tía, hồng, ở chỗ kia và phương kia không?

Cô gái trả lời: Không.

Văn Thù Sư Lợi nói: Ðạo cũng không thấy, không ở trong không ở ngoài, không ở chặng giữa, không ở trong tướng hồng tía, không ở chỗ kia, phương kia. Vì sắc đã bình đẳng nên Ðạo cũng bình đẳng. Nên tôi nói rằng Đại Tỷ là đạo.

Ý Đại Tỷ thế nào?

Thọ, tưởng, hành, thức có thể thấy ở trong, ngoài, chặng giữa, trong tướng năm màu, phương kia không?

Cô gái trả lời: Không.

Văn Thù Sư Lợi nói: Ðạo cũng như vậy không ở trong, ở ngoài, chặng giữa và trong năm màu, không kia, không đây cũng không có phương hướng.

Vì thọ, tưởng, hành, thức bình đẳng nên đạo cũng bình đẳng. Nên tôi nói rằng Đại Tỷ là đạo. Năm ấm như huyễn, hư ngụy, điên đảo, do nhân duyên sanh. Nên đạo cũng như huyễn, là âm thanh giả mượn mà thôi. Huyễn là bình đẳng năm ấm bình đẳng.

Huyễn đã bình đẳng thì đạo cũng bình đẳng. Nên tôi nói rằng Đại Tỷ là đạo. Năm ấm như mộng, không có đầu cuối, đạo cũng như mộng vốn không có xứ sở. Vì mộng bình đẳng nên đạo cũng bình đẳng. Nên tôi nói rằng Đại Tỷ là đạo.

Năm ấm giống như sóng nắng do hư dối mà phát sanh nghiệp mê hoặc. Ðạo như sóng nắng nên nó là như vậy, không có người tạo tác cũng không có báo ứng. Cho nên năm ấm sóng nắng bình đẳng. Sóng nắng đã bình đẳng thì đạo cũng bình đẳng. Nên tôi nói rằng Đại Tỷ là đạo.

Năm ấm như bóng trong gương. Gương không có sở hữu. Ðạo cũng như ảnh trong gương không có sở hữu. Do đó mà bóng năm ấm trong gương bình đẳng. Bóng trong gương bình đẳng nên đạo cũng bình đẳng. Nên tôi nói Đại Tỷ là đạo.

Văn Thù Sư Lợi nói: Hãy lắng nghe! Năm ấm không tạo tác, đạo cũng không tạo tác. Ấm không tự nhiên, đạo cũng không tự nhiên. Ấm không sở hữu, đạo không có chỗ sanh. Năm ấm vô thường, hiểu đạo là vô thường.

Năm ấm không an, hiểu đạo là khổ. Năm ấm trống không, không thật, hiểu đạo là trống không. Năm ấm vô ngã, nếu hiểu rõ nghĩa vô ngã thì đó là đạo. Các ấm tịch nhiên đạm bạc thì đó là đạo. Các ấm không có người thọ, không có sự thọ đó là đạo.

Các ấm không trụ, cũng không có đối tượng để chấp lấy. Không trụ không chấp ấy là đạo. Các ấm không đến cũng không đi, không đến không đi là đạo. Vì có năm ấm nên chấp vào thánh pháp dựa vào âm thanh giả mà nói là Hiền Thánh. Nhưng đối với đạo pháp thì nói ngược lại.

Họ đã nói năng nhưng không có gì để nói năng. Năm ấm đều không vì vốn là thanh tịnh. Như Lai hiểu rõ vốn thanh tịnh như vậy mà đắc thành Chánh Giác. Nên tôi nói rằng đại tỷ là đạo.

Vì vậy năm ấm vốn thanh tịnh, đạo cũng vốn thanh tịnh. Vì đạo thanh tịnh nên các pháp thanh tịnh.

Ðại tỷ! Nay các ấm vốn thanh tịnh. Chư Phật Thế Tôn cũng vốn thanh tịnh. Tất cả vốn thanh tịnh là như vậy. Cũng vậy năm ấm của chúng sanh vốn thanh tịnh. Nên tôi nói rằng Đại Tỷ là đạo.

Ðã hiểu rõ năm ấm thì hiểu rõ đạo là đạo của Chư Phật. Lại nữa, Chư Phật không lìa năm ấm mới thành Phật Đạo. Ðạo không lìa năm ấm, nhưng biết rõ năm ấm nên mới có hiệu là Phật.

Cho nên này Đại Tỷ! Nên quán như vậy: Tất cả chúng sanh đều ở trong đạo. Ðạo cũng ở trong tất cả chúng sanh. Ðạo không duyên vào lời nói. Cho nên tôi nói rằng Đại Tỷ là đạo. Năm ấm do ngã mà sanh bốn chủng.

Thế nào là bốn?

Ðó là Ðịa, Thủy, Hỏa, Phong. Ðịa chủng là không ngã, không người, không thọ, không mạng. Vì Ðịa chủng bình đẳng nên đạo cũng bình đẳng. Vì vốn nó không có đối tượng để thọ nên gọi là bình đẳng.

Thủy chủng bình đẳng, đạo cũng cứu cánh, đầu cuối là như vậy. Hỏa chủng bình đẳng vì đạo là cứu cánh đầu cuối không có tỳ vết. Phong chủng bình đẳng vì đầu cuối của đạo không chỗ thấy.

Ðại tỷ nên biết! Nhờ địa chủng này mà Như Lai thành đạo. Thủy, Hỏa, Phong chủng là Chủng của Như Lai. Cũng vậy, Như Lai nhờ đây mà thành đạo. Nếu hiểu rõ địa chủng và nhờ thủy hỏa phong mà được thành Phật. Nên nói rằng Đại Tỷ là đạo.

Các chủng địa thủy hỏa phong không có tưởng. Vì không có tư tưởng về bốn đại này, cho nên gọi là đạo. Vì thế tôi nói rằng Đại Tỷ là đạo.

Bốn đại chủng nương nơi ngã mà có nhãn, nhĩ, tỷ, khẩu, ý. Nhãn ấy là không, nên hiểu Nhãn như vậy. Ai phân biệt được cái không đó thì là đạo. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, khẩu, ý cũng thế. Ý là không, nếu hiểu rõ cái không như vậy thì đó là đạo. Vì Nhãn trống không nên không biết tìm cầu sắc.

Vì sắc là tự nhiên không nên đó là đạo. Nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý cũng thế. Vì ý trống không nên không biết tìm cầu. Các pháp không chấp trước, pháp tự nhiên không, đó là đạo.

Nhãn không tiếp nhận sắc, thì đạo cũng vậy. Vì nhãn không có sắc, lục tình cũng thế tất cả không được tiếp nhận. Lại cho rằng đạo không có tâm pháp.

Như vậy này Đại Tỷ! Nhãn thức giới đối với sắc giới không có chỗ trụ, với nhãn thức giới và sắc giới thì đạo không có chỗ trụ. Nhĩ thức giới, tỷ thức giới, khẩu thức giới, thân thức giới, ý thức giới không trụ vào pháp giới, đạo cũng không trụ.

Ðối với tâm pháp thức giới thì đạo không tiếp nhận. Do đó đạo và nhãn thức giới là một. Cũng vậy nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý thức giới… thì đạo và ý thức là một. Nên tôi nói rằng Đại Tỷ là đạo.

Lại nữa này Đại Tỷ! Nếu phân biệt tường tận về nhãn, đó là đạo. Nhãn vốn trống không, thanh tịnh. Nếu hiểu rõ tự nhiên không thì đó là đạo. Nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý cũng vậy, vốn tự nhiên không. Nếu phân biệt giác ngộ rõ ràng nó vốn thanh tịnh, tự nhiên không, đó là đạo.

Vì nhãn tự nhiên không nên không bị nhiễm không kết hận, không xâm hại, khinh khi, trừ bỏ dâm nộ si, đó là đạo. Nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý cũng thế. Ý là tự nhiên, tự nhiên ấy không nhiễm cũng không kết hận, không bị xâm hại, khinh khi, trừ dâm nộ si, đó là đạo.

Nhãn không có chủ tể, không có ngã cũng không tiếp nhận. Nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý cũng vậy không có chủ tể, không có ngã và không tiếp nhận. Ðạo cũng không có chủ tể, không có ngã và không tiếp nhận.

Lại cho rằng Nhãn không phải pháp nam, không phải pháp nữ. Nếu đã hiểu rõ về đạo không có pháp nam nữ, không nam không nữ, đó là đạo. Nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý cũng không có pháp nam, không có pháp nữ. Ðạo cũng vậy không có pháp nam nữ.

Như Lai đã giác ngộ rõ về Nhãn sắc không có nguồn gốc. Nếu hiểu rõ không nguồn gốc thì đó là đạo. Nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý cũng vậy. Như Lai đã giác ngộ rõ về ý không có nguồn gốc. Nếu giác ngộ rõ như thế thì đó là đạo. Nên tôi nói rằng Đại Tỷ là đạo.

Lại nữa, này Đại Tỷ! Chính thân mình không có ngã, không ngã, không nhân, không thọ, không mạng, không hình, không ý, không tạo tác, không thọ nhận, không thấy, không nghe, không nắm bắt, không buông xả, không đắc, không biết, thì đạo cũng không ngã, không nhân, không thọ, không mạng, không nam, không nữ, không thân, không tạo tác và cũng không chỗ thấy. Lại không có ý thức về sắc thanh hương vị xúc. Dừng chỉ tất cả pháp đó gọi là đạo.

Nay Đại Tỷ mờ mịt không trí, thân tà ở hiện tại. Giống như cây cỏ tường vách gạch ngói. Với địa chủng bên trong và địa chủng bên ngoài, Như Lai dùng trí huệ thông đạt rốt ráo. Nếu hiểu địa chủng ấy thì đạt thành Chánh Giác. Cho nên tôi nói Đại Tỷ là đạo.

Này Đại Tỷ! Các tưởng niệm của tâm ý thức ấy do tâm sai sử ý mà có pháp này. Nhưng pháp này không đến không đi. Thân không chỗ đến, giáo pháp không có chỗ đạt, không có nước dãi, không có gân mạch, không xương cốt lông tóc, không ở não, không ở tủy, không ở trong, không ở ngoài.

Vì nhãn không chỗ trụ nên nhĩ, tỷ, khẩu, thân, ý cũng không trụ, không có chỗ trụ, chẳng phải không trụ, không kiến lập cũng không lìa sự kiến lập, không có xứ sở, không có đất đai, không có phương hướng, không sắc không thấy, không trao không nhận, không sai sử, không dạy bảo, không bỏ ra, không nắm vào, thanh tịnh, lắng trong đó là hiển bày.

Tâm thức ấy cũng không tham trước, không thanh tịnh, không dính bụi trần, bổn tế thanh tịnh. Vì thế không tham trước không thanh tịnh. Còn như hiển bày thì liền có thân, vì thế cũng không tham trước, không thanh tịnh.

Này Đại Tỷ! Các nhập và ấm chủng tự nhiên là đạo. Ðạo cũng tự nhiên hiểu rõ phân biệt các nhập và ấm chủng. Nếu chính mình có thể diệt trừ các nhập và ấm chủng thì đó là đạo.

Vì sao?

Vì đạo không lo buồn, không bị nguy hại. Nếu hiểu rõ như vậy thì gọi là đạo. Giác ngộ rõ ràng tất cả các pháp bình đẳng thì đó gọi là đạo.

Khi Văn Thù Sư Lợi nói pháp này ở vườn Du quán thì ở giữa hư không có năm trăm Thiên Tử đều phát tâm Vô Thượng Chánh Giác. Ði theo Thượng Kim Quang Thủ có nam nữ lớn nhỏ. Trong đó có hai trăm người phát tâm đại đạo. Sáu mươi vị Trời và người xa lìa trần cấu chứng pháp nhãn tịnh.

Bấy giờ, Thượng Kim Quang Thủ rất vui mừng, đặt năm vóc lạy sát đất cúi đầu dưới chân Văn Thù Sư Lợi quy y Phật Pháp Tăng, tịnh tu phạm hạnh, giữ gìn năm giới, tâm ngay thẳng phát tâm đạo vô thượng chánh chân và nói rằng: Con xin vâng làm theo những gì Ngài dạy. Xin Văn Thù Sư Lợi thương xót tất cả chúng sanh, không làm đứt đoạn giáo pháp của Phật. Nếu ai phát tâm đạo lớn thì cũng nên biết như vậy.

Ðạo được kiến lập ra là để thi hành pháp thí, giáo hóa dân chúng. Lại giảng pháp để rửa sạch nghiệp tội cấu ác, khiến họ được thanh tịnh, thì tất cả pháp mới được tịch nhiên đạm bạc. Mặc dầu theo sự suy nghĩ nhưng vốn nó không khác.

Tự tham đắm lấy thân mà làm những việc điên đảo, không hiểu rõ sự bình đẳng để rồi tập theo sắc dục. Dục từ thân phát sanh. Vì dục mà chúng sanh có trần lao.

Thưa Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp và phi pháp vốn thanh tịnh, vì mê hoặc giả hợp, do nhân duyên hội họp mà có tham dục. Tôi có thể thâu nhiếp tất cả pháp kiến lập vào đạo Vô thượng chánh chơn.

Vì sao?

Vì tất cả trần lao do tư tưởng hư ngụy mà có. Ai có thể hiểu biết rõ về hư ngụy thì có thể diệt trừ sự hư ngụy. Lại nghe Văn Thù Sư Lợi giảng nói phân biệt vấn đề phát sanh trần dục. Nó ví như mây, sương móc tự nhiên không thật. Dục như điện chớp xẹt đó rồi biến mất.

Dục như gió xét đầu đến cuối không dính vào đâu. Dục như hư không dung nạp tất cả cõi. Dục như bọt nước không đứng lâu dài. Dục như quỉ biến hóa với niệm bất chánh. Dục như bệnh sốt bị hoảng hốt nói bậy bạ.

Dục không thật, nó duyên vào vọng tưởng mà sanh. Vì dục như sợi dây trói buộc chấp có ngã. Vì dục không có hình thể nên chấp trước thân. Vì dục như khaùch đến, không có chỗ xuất phát. Dục như huyễn, nó chỉ theo ý tưởng nhớ nghĩ của chúng sanh.

Dục như tấm gương do nhiều loại phát sanh ra. Dục không có chỗ sanh chỉ do tham muốn sanh ra. Dục không có sự biết, từ đó mà ngã sanh. Dục được phát sanh là nhờ các ấm. Dục giới như bụi lửa do ý cảnh mà có. Dục như các ấm vì nhờ các nhập. Dục như bóng vì là sắc giả danh. Dục không hiểu biết vì trái chánh niệm.

Thưa Văn Thù Sư Lợi! Xét dục như vậy, nếu hiểu rõ sự nhàm chán ấy thì có thể biết đạo.

Vì sao?

Vì đạo không động chuyển trần lao của chúng sanh. Vì dục như bị phá hoại nên phân biệt rõ về đạo. Vì dục là tâm, nên hiểu rõ. Vì dục như đàn cầm nên hiểu rõ.

Vì sao?

Vì đạo không hoại dục trần không hoại tức là thuận với đạo. Ai thấy được dục thì đó là đạo.

Vì sao?

Vì dục đi vào các cõi, không chỗ nào mà nó không đến. Giả sử Phật thừa không có sở hữu, không có hình tướng thì dục trần lao cũng vậy không có hình tướng. Ðối với các hữu dục không có sở hữu, trụ mà không có chỗ trụ. Vừa phát sanh thì diệt ngay. Tâm như vậy nên trần lao cũng vậy.

Vì sao?

Vì tâm không thể quán sát. Nếu nói ra tức là tâm bị kết chặt vào nhiễm si. Nếu tâm ấy không có thể thấy thì dục trần lao cũng không thể thấy. Vì không có chỗ chứa giữ, không có phương hướng.

Bồ Tát Đại Sĩ! Nếu đã hiểu rõ pháp trần lao thì nên vì người tham dục mà giảng giải pháp để họ không nhàm chán. Nếu giáo hóa cho những kẻ ngu si và mọi tầng lớp người thì nên hướng dẫn khuyến khích, giảng pháp không mệt mỏi uể oải.

Thưa Văn Thù Sư Lợi! Như thân tôi tham muốn các dục cũng như thế. Nếu tôi sân giận và ngu si thì tất cả việc sân giận và ngu si cũng như vậy. Tôi có trần lao thì chúng sanh cũng có trần lao. Như lửa dữ thiêu trụi cây cỏ, thì lửa trí huệ của Hiền Thánh cũng thiêu cháy trụi trần lao. Ví như ánh sáng mặt trời chiếu sáng chỗ tối tăm nhưng không hợp với tối tăm.

Cũng vậy, huệ của bậc Thánh đẩy lùi trần lao nhưng không hợp với trần lao. Ví như ngọn gió đi qua không bị vướng víu bởi núi non cây cỏ. Cũng vậy, trí hạnh của Bồ Tát không vướng mắc vào tất cả dục của trần lao. Ví như kiếp tận thiêu cháy các hình thể nhưng không thể đốt cháy hư không. Cũng vậy, huệ hạnh của Bồ Tát thiêu cháy các ái dục, không hòa hợp với tất cả trần lao.

Ví như nước trong sạch không hòa với ô uế. Cũng vậy Bồ Tát không hòa hợp với trần lao. Ví như hư không giữ gìn trái đất. Cũng vậy, trí huệ không hòa hợp xen tạp với dục. Ví như gió lớn phá hoại núi Thiết vi. Cũng vậy, Bồ Tát dùng gió trí huệ thổi tan các dục.

Ví như có con tượng tên Cứu Diệm Khí dùng sữa và nước hòa nhau thành một. Cũng vậy, Bồ Tát dùng trí huệ của Bậc Thánh diệt trần lao, giáo hóa họ cho sáng suốt để hợp thành một huệ.

Ví như thiên hạ và người thân quen ở phía Bắc núi Tu Di không phóng dật, ngồi dưới gốc cây suy nghĩ. Cũng vậy, Bồ Tát dùng sự sáng suốt của trí huệ thấy và phân biệt căn cơ của chúng sanh.

Thưa Văn Thù Sư Lợi! Tôi nay không sợ dục trần và cũng không bị trở ngại.

Vì sao?

Vì tôi hiểu dục trần vốn thanh tịnh. Lại mặc áo giáp đức lớn của Bồ Tát dũng mãnh tinh tấn, không bị chướng ngại. Ví như người khiếp sợ mong có ai cứu giúp. Hạng người này không cho là dõng mãnh. Bồ Tát Đại Sĩ cũng vậy, nếu lìa dục không phải là Bồ Tát. Ví như người bị giặc phá hoại, không cho đó là dõng tướng.

Cũng vậy, Bồ Tát phá hoại ái dục không phải là Bồ Tát. Ví như người muốn lấy nước trong sạch, thì bỏ viên minh châu vào trong sông dục dơ, nước liền trong ngay, không bị bùn dơ làm ô nhiễm. Cũng vậy, Bồ Tát ở trong trần lao ái dục mà không bị ô nhiễm một tỳ vết nào cả.

Sau khi nói vậy, Thượng Kim Quang Thủ xoay lại hỏi Văn Thù Sư Lợi: Sao gọi là Bồ Tát không có trần lao?

Văn Thù Sư Lợi trả lời: Nếu Bồ Tát còn thấy ý sanh hay ý diệt thì không gọi là Bồ Tát. Ví như người hữu hạn mà xem bao quát thì không gọi là đạt vô lượng. Cũng vậy, nếu Bồ Tát thấy trần lao mà tâm có sanh diệt thì chẳng phải là Bồ Tát vô trần.

Vô trần dục là không thấy hữu trần, không thấy kết hận, không thấy chẳng thấy, xa lìa tưởng niệm mới gọi là vô trần. Nếu tâm ý thức của hành giả được tự tại thì tất cả không có ý tưởng về Nê Hoàn.

Vì sao?

Vì không có sự duyên vào tưởng niệm của dục trần thì mới được tự tại. Cũng vậy, đối với những thiện ác, sở hành vô hành, hữu vi vô vi, hữu hình vô hình... tất cả đều biết rất rõ.

Sanh tử trần lao là cấu hữu dư. Mắt quán sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc vật, tâm tiếp pháp. Nếu ý chí được định trong tĩnh lặng thì đối với ái dục không cấu uế. Như thế mới gọi là không phóng dật, hiệu là vô nghiệp. Vì không có gì để tu tập nên nói như vậy. Vô trần lao là lìa hữu vi và vô vi, chính là không bị tỳ vết.

Này Đại Tỷ! Nếu Bồ Tát không có trần lao thì có thể làm thoát khỏi những cấu dục cho người. Như Lai nói như vậy là không có trần lao, cứu vớt dục trần cho người khác, tu tập theo Bồ Tát, đó mới là tinh tấn.

Cô gái là hỏi: Sao gọi là Bồ Tát hiện tại tinh tấn?

Văn Thù Sư Lợi trả lời: Quán không không thối chuyển, nên sanh lòng thương xót những chúng sanh tà kiến. Quán vô tướng không thối chuyển nên thương xót cứu giúp những chúng sanh hữu tướng.

Quán vô nguyện không thối chuyển nên thương xót cứu giúp những chúng sanh tham nguyện. Quán vô sở hành không thối chuyển nên thương xót cứu giúp những chúng sanh chấp vào việc làm.

Quán vô sở sanh không thối chuyển nên thương xót cứu giúp chúng sanh trong sanh tử. Quán vô sở khởi không thối chuyển nên thương xót cứu giúp chúng sanh khởi diệt. Quán Thanh Văn thừa đạt quả Thanh Văn khiến không thối chuyển.

Quán Duyên Giác thừa đạt quả Duyên Giác không thối chuyển. Quán Bồ Tát thừa thì thương xót tất cả quần sanh. Ðó là sự tinh tấn mà Bồ Tát tu tập hạnh bình đẳng. Ví như người vào đại hải, phải đi rất xa rất xa mới lấy được châu báu.

Cũng vậy, này Đại Tỷ! Hãy quán sát cho thật kỹ là quán cho đúng về không, vô tướng, vô nguyện, vô sở hành, không sanh, không khởi, thừa Thanh Văn, thừa Duyên Giác để cho người khó tiến làm cho tiến lên đạt Bất thối chuyển, đó mới lìa nhân duyên. Lại như có người vào giữa trận chiến khốc liệt khiến khó tiến lên, nhưng lại cố gắng phấn chấn hăng hái xông lên không bị hại, đó mới là khó.

Cũng vậy, này Đại Tỷ! Quán sát đúng đắn ba môn giải thoát, không mất thiện quyền thì cái khó ấy cũng thế.

Cô gái hỏi: Sao gọi Bồ Tát là quyền phương tiện?

Văn Thù Sư Lợi trả lời: Quyền phương tiện là biết thời tiết không lo sợ bộ phận sanh tử, kết bạn Nê Hoàn, quyền phương tiện là môn sanh tử, môn Nê Hoàn, môn không vô, môn sở kiến, môn vô tướng, môn vô nguyện.

Môn sở tưởng, môn vô sở hành, môn đạo hạnh, bổn đức tinh tấn, môn vô sở xuất, môn đời hiện tại, môn vô sở lập, môn ấm chủng các nhập không chỗ phát sanh, môn không chỗ diệt, môn vô sở hành, môn đạm bạc, môn giáo hóa chỉ dạy chúng sanh, môn pháp giới, môn hộ trì chánh pháp, môn Thanh Văn, môn Duyên Giác, môn nói đạo Phật, môn độ đạo Phật.

Nếu ai làm cho Bồ Tát thấy môn sợ hãi mà không chấp trước vào các môn, đó gọi là thiện quyền phương tiện. Nói tóm lại, môn tham dục lìa các ái. Môn sân giận là lìa kết hận. Môn ngu si là lìa si mê không sáng suốt.

Môn trần lao lìa uế trược. Môn các nẽo là không qua lại. Ðó là quyền phương tiện của Bồ Tát. Cho đến tất cả hành môn của phàm phu ngu si, môn học, vô học, Duyên Giác, Bồ Tát, Như Lai, nếu ai có thể hiểu rõ các môn đó thì gọi là thiện quyền phương tiện.

Bấy giờ Đức Thế Tôn tản bộ đi kinh hành bên bờ suối của núi Linh Thứu, lúc đó có thị giả là hiền giả A Nan đi theo.

Thế rồi Thế Tôn bèn khen ngợi: Lành thay! Lành thay! Văn Thù Sư Lợi! Ðó là Bồ Tát tu tập hạnh tinh tấn bình đẳng, ngay hiện tại có thiện quyền phương tiện. Ðúng như những gì thầy ấy đã nói. Lúc đó tiếng lành thay này được vang khắp ba ngàn thế giới. Âm thanh ấy chấn động sáu cách.

Nghe âm thanh này có vô số Trời Rồng Quỷ Thần, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân Phi Nhân, Thích Phạm, Tứ Thiên Vương đều nhận sắc lệnh đến chỗ Phật, cúi đầu lạy sát chân Phật và lùi đứng qua một bên, rồi bạch Phật: Vừa rồi Ðại Thánh đã khen ngợi ai vậy, làm cho cả tam thiên đều được nghe và Đại Thiên chấn động sáu cách?

Thế Tôn dạy: Thiên Tử muốn biết ư?

Ðó là Ta khen ngợi sự giáo hóa của Văn Thù Sư Lợi đấy.

Thiên Tử hỏi: Bây giờ Văn Thù Sư Lợi đang giáo hóa ở đâu?

Phật dạy: Ở ngã tư trong cửa Ðông thành Vương Xá, ông ta đang giảng nói Kinh pháp và bàn luận những hướng đi cho Thượng Kim Quang Thủ. Các Thiên Tử hãy đến đó để nghe pháp.

***