Kinh Đại thừa
Bộ Bảo Tích
PHẬT THUYẾT
KINH DIỆU CÁT TƯỜNG
BỒ TÁT NHẬP NIẾT BÀN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nhiếp Đạo Chơn, Đời Tây Tấn
Tôi nghe như vậy!
Một thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc trong thành Xá Vệ, cùng với tám ngàn vị đại Tỳ Kheo Tăng.
Trưởng Lão Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, và những vị khác như thế làm thượng thủ.
Lại có mười sáu vị Bồ Tát Ma Ha Tát và một ngàn vị Bồ Tát ở hiền kiếp, với Ngài Di Lặc làm thượng thủ.
Lại có một ngàn hai trăm vị Bồ Tát ở phương khác, với Quán Thế Âm Bồ Tát làm thượng thủ.
Bấy giờ là lúc cuối đêm, Thế Tôn nhập tam muội.
Tam muội đó tên là Nhất Thiết Quang. Sau khi đã nhập định, toàn thân của Phật đều phóng ra hào quang sắc vàng.
Ánh sáng đó chiếu khắp vườn Kỳ Đà trở thành màu vàng, rồi xoay vòng uyển chuyển chiếu đến phòng của Ngài Văn Thù và hóa làm kim đài bảy tầng. Ở trên mỗi tầng có năm trăm hóa Phật đang kinh hành ở trong ấy.
Khi đó ở trước phòng của Ngài Văn Thù Sư Lợi tự nhiên hóa sanh năm trăm hoa sen bảy báu. Chúng viên tròn như bánh xe, bạc trắng làm cọng, mã não thơm diệu làm cuống, và tạp sắc trân châu làm nhụy.
Những bông hoa ấy có ánh sáng và chiếu đến tinh xá của Phật, rồi từ tinh xá trở vào lại phòng của Ngài Văn Thù Sư Lợi.
Lúc đó trong chúng hội có một vị Bồ Tát tên là Hiền Hộ.
Khi thấy điềm tướng này xuất hiện, Ngài Hiền Hộ liền rời khỏi phòng của mình.
Sau đó, Ngài xoay về hướng tinh xá của Phật mà hành lễ, rồi đến phòng của Ngài A Nan và bảo Ngài A Nan rằng: Thầy nên biết bây giờ chính là lúc.
Đêm nay Thế Tôn đã hiện tướng thần thông này, là vì muốn thuyết diệu pháp để lợi ích chúng sanh. Thầy hãy đánh kiền chùy để triệu tập đại chúng.
Lúc bấy giờ Ngài A Nan thưa rằng: Thưa Đại Sĩ! Bây giờ Thế Tôn đang nhập sâu thiền định. Tôi chưa có sắc chỉ của Ngài.
Làm sao tôi có thể triệu tập đại chúng?
Khi vừa nói lời ấy, Ngài Xá Lợi Phất liền đến chỗ của A Nan và bảo rằng: Pháp Đệ! Bây giờ chính là lúc, hãy triệu tập đại chúng! Lúc bấy giờ Ngài A Nan vào tinh xá của Phật và đảnh lễ Đức Phật.
Khi Ngài còn chưa ngẩng đầu lên thì trong hư không có tiếng bảo Ngài A Nan rằng: Hãy mau triệu tập đại chúng! Khi nghe xong, Ngài A Nan liền rất vui mừng và đánh kiền chùy để triệu tập đại chúng. Âm thanh đó vang khắp thành Xá Vệ và vang đến tận Trời Hữu Đảnh.
Bấy giờ Đế Thích, Phạm Vương, Hộ Thế Thiên Vương, với vô số thiên tử mang theo hương hoa Cõi Trời và đi đến vườn Kỳ Đà.
Lúc ấy Thế Tôn từ tam muội dậy và liền mỉm cười.
Từ trong miệng của Đức Phật có ánh sáng năm màu phóng ra. Khi ánh sáng đó phóng ra, Tinh Xá Kỳ Hoàn biến thành Lưu ly.
Bấy giờ Ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử vào Tinh Xá của Phật và đảnh lễ Đức Phật. Ở trên mỗi đầu gối của Ngài hóa sanh năm hoa sen.
Khi Ngài Văn Thù chắp tay ở trước Phật, nơi mười đầu ngón tay và chỉ tay của Ngài phóng ra mười ngàn kim sắc Liên Hoa.
Ngài rải những hoa sen ấy lên Đức Phật. Sau đó, chúng hóa thành một lọng che bảy báu rất lớn và những tràng phan treo lơ lửng.
Khi ấy có vô lượng Chư Phật và Bồ Tát ở mười phương đều ánh hiện trong lọng che. Họ đi nhiễu Phật ba vòng, rồi đứng qua một bên.
Lúc ấy Ngài Hiền Hộ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh y phục, đảnh lễ Đức Phật, hai gối quỳ, chắp tay và bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử đã từng thân cận trăm ngàn Chư Phật, rộng làm Phật Sự ở Thế Giới Ta Bà, và biến hiện tự tại ở các cõi nước khắp mười phương.
Khoảng bao lâu xa về sau thì Ngài sẽ nhập Bát Niết Bàn?
Phật bảo Ngài Hiền Hộ: Văn Thù Sư Lợi này đây có lòng từ bi rộng lớn.
Thuở xưa ông ấy sanh ra trong nhà của dòng Bà La Môn Phạm Đức, tại thôn Đa La của quốc gia này. Khi Văn Thù chào đời, phòng ốc trong nhà hóa thành các hoa sen. Ông ấy sanh ra từ hông bên phải của mẹ mình.
Thân có màu vàng tím. Khi bước chân xuống đất, Văn Thù liền có thể nói chuyện như đồng tử Cõi Trời, và có lọng bảy báu bay theo che ở phía trên.
Một thời gian sau, Văn Thù đi tham vấn với những vị Tiên Nhân để cầu pháp xuất gia. Các Bà La Môn và hàng luận nghị sư thuộc chín mươi sáu nhóm khác nhau đều chẳng thể đối đáp.
Duy chỉ ở nơi ta, ông ấy mới xuất gia học đạo, và trụ trong Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội.
Do sức tam muội này, Văn Thù thị hiện sanh ra, xuất gia, diệt độ, nhập Bát Niết Bàn, và phân chia Xá Lợi ở các cõi nước khắp mười phương để làm lợi ích chúng sanh. Vị Đại Sĩ đó đã từ lâu trụ trong Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội.
Bốn trăm năm mươi năm sau khi Phật nhập Niết Bàn, ông ấy sẽ đến Tuyết Sơn để rộng tuyên dương Mười Hai Bộ Kinh cho năm trăm vị Tiên Nhân và khiến họ được bất thối chuyển.
Sau khi đã giáo hóa cho các vị Thần Tiên trở thành Tỳ Kheo xong, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát phi hành trong hư không và trở về nơi sinh quán.
Ông ấy ngồi kiết già và nhập Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội ở dưới gốc cây Ni Câu Đà gần một cái đầm hoang dã.
Do sức tam muội này, những lỗ chân lông nơi thân đều phóng quang minh sắc vàng.
Ánh sáng đó chiếu khắp mười phương thế giới để hóa độ những người hữu duyên. Khi đó, tất cả năm trăm vị Tiên Nhân đều thấy lửa từ trong những lỗ chân lông của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát phun ra.
Lúc bấy giờ, thân hình của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát như núi vàng tím, cao một trượng sáu. Xung quanh có hào quang trang nghiêm và chiếu soi một tầm.
Ở trong vầng hào quang có năm trăm hóa Phật. Mỗi hóa Phật có năm trăm hóa Bồ Tát để làm thị giả.
Ở trên mũ của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát được trang nghiêm bằng ngọc báu năng thắng. Chúng có năm trăm loại màu sắc.
Ở trong mỗi màu sắc đều hiện mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cung điện của Chư Thiên, Long Cung, và những việc hy hữu của chúng sanh trên thế gian.
Lông mày trắng ở giữa đôi chân mày uốn quăn về bên phải, uyển chuyển vọt ra hóa Phật, rồi chư hóa Phật vào trong lưới ánh sáng. Toàn thân chiếu sáng với những ánh lửa cháy rực nối tiếp.
Ở trong mỗi ánh lửa có năm ngọc ma ni. Mỗi ngọc ma ni có những tia sáng và màu sắc khác nhau rõ ràng.
Ở trong những màu sắc ấy có hóa Phật và Bồ Tát, uy nghiêm không thể kể xiết.
Ở tay bên trái của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cầm bình bát, còn tay bên phải cầm Kinh Điển đại thừa.
Sau khi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đã hiện tướng này, tia sáng và ánh lửa đều tắt và hóa thành một tượng lưu ly.
Ở trên tay trái của tượng lưu ly có mười Phật ấn.
Ở trong mỗi Phật ấn có mười hình Tượng Phật với dòng chữ ghi danh hiệu của mười Chư Phật rất trong sáng và rõ rệt.
Ở trên tay phải của tượng lưu ly có bảy Phật ấn.
Ở trong mỗi Phật ấn có bảy hình tượng Phật với dòng chữ ghi danh hiệu của bảy Chư Phật rất trong sáng và rõ rệt.
Ở bên trong nơi trái tim của tượng lưu ly có một Pho Tượng vàng ròng với độ cao sáu thước, ngồi kiết già trên hoa sen, và ở khắp mọi phía đều trông thấy rõ.
Phật bảo Ngài Hiền Hộ: Văn Thù Sư Lợi này đây có thần thông vô lượng và sự biến hóa vô lượng, không thể nào kể cho xuể. Ta bây giờ sẽ nói sơ về việc ấy cho những chúng sanh mù lòa ở vào đời vị lai.
Nếu có chúng sanh nào chỉ nghe được danh hiệu của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, thời họ sẽ diệt trừ hai mươi ức kiếp sanh tử nghiệp tội.
Nếu có ai lễ bái và cúng dường Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, thì ở mọi nơi sanh ra, họ sẽ luôn sinh vào nhà của Chư Phật và được uy thần của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát gia hộ.
Bởi vậy chúng sanh phải ân cần nhất tâm và quán tưởng hình tượng của Ngài.
Phương pháp quán tưởng hình tượng của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là như vậy.
Trước tiên hãy quán tượng lưu ly. Cách thức quán tượng lưu ly như đã giảng ở trên. Mỗi điểm quán đều phải rõ ràng.
Nếu vẫn chưa thấy được, họ phải tụng trì Kinh Thủ Lăng Nghiêm và xưng danh hiệu của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Từ một ngày cho đến bảy ngày, Ngài chắc chắn sẽ đến chỗ của người ấy.
Nếu lại có người do nghiệp chướng đời trước nên chẳng thể thấy, thì ở trong mộng họ sẽ được thấy.
Những ai thấy Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát trong mộng, nếu ở đời hiện tại họ cầu quả Thanh Văn, thì do bởi thấy Ngài nên họ sẽ đắc quả Tu Đà Hoàn và cho đến quả A Na Hàm.
Nếu ai xuất gia mà thấy được Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, thì do bởi thấy Ngài nên sau một ngày một đêm họ sẽ thành A La Hán.
Nếu ai có lòng tin sâu đối với Phương Đẳng Kinh Điển, thì vị Pháp Vương Tử này sẽ ở trong thiền định thuyết pháp thâm sâu cho họ.
Đối với những ai mà tâm còn nhiều rối loạn, Ngài sẽ ở trong mộng thuyết thật nghĩa của các pháp, khiến tâm họ kiên cố nơi vô thượng đạo và được bất thối chuyển.
Phật bảo Ngài Hiền Hộ: Nếu ai tưởng nhớ Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, giả sử họ muốn cúng dường và tu phước nghiệp, thời Ngài sẽ liền tự hóa thân làm một chúng sanh bần cùng, cô độc, hay khổ não mà đi đến trước hành giả.
Nếu có ai tưởng nhớ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, thời họ nên tu tập lòng từ. Người tu hạnh từ tâm sẽ liền thấy được Ngài.
Cho nên, bậc trí giả phải nên quán kỹ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Do oai lực của Thủ Lăng Nghiêm, những hành giả quán tưởng như thế sẽ rất mau thấy được Ngài.
Người khởi quán tưởng này gọi là chánh quán.
Nếu ai quán khác đi gọi làm tà quán.
Sau khi Phật diệt độ, hết thảy chúng sanh nào nghe được danh hiệu của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, hoặc thấy hình tượng của Ngài, thì suốt trăm ngàn kiếp họ sẽ không đọa vào ác đạo.
Nếu có ai thọ trì và đọc tụng danh hiệu của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, dẫu người ấy có trọng chướng thì cũng không đọa vào địa ngục vô gián và bị lửa hừng hực thiêu đốt.
Họ sẽ thường sanh về cõi nước thanh tịnh ở phương khác, thấy Phật nghe Pháp, và đắc vô sanh nhẫn.
Khi nói lời như thế xong, có năm trăm vị Tỳ Kheo xa rời trần cấu và trở thành A La Hán. Có vô lượng Chư Thiên phát bồ đề tâm và nguyện thường tùy tùng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Lúc bấy giờ Ngài Hiền Hộ bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Ai sẽ khởi xây Tháp bảy báu và đặt Xá Lợi của Ngài Văn Thù ở trong đó?
Phật bảo Ngài Hiền Hộ: Ở Hương Sơn có tám đại quỷ thần. Đích thân họ sẽ mang Xá Lợi đi và an trí trên đỉnh Kim Cang của Hương Sơn.
Bấy giờ sẽ có vô lượng Chư Thiên, Long Thần, và Dạ Xoa thường đến nơi ấy để cúng dường. Khi đại chúng hội họp, tượng lưu ly của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát sẽ luôn phóng quang.
Ánh sáng đó diễn nói: Khổ, không, vô thường, và vô ngã.
Này Hiền Hộ! Vị Pháp Vương Tử này đã được thân bất hoại. Những gì ta nói hôm nay với ông, ông hãy khéo thọ trì và rộng thuyết giảng cho hết thảy chúng sanh.
Lúc nói lời ấy xong, Ngài Hiền Hộ, Chư Đại Bồ Tát, Trưởng Lão Xá Lợi Phất, các vị đại Thanh Văn, và Thiên Long Bát Bộ, khi nghe lời Phật dạy, họ đều sanh tâm đại hoan hỷ, đảnh lễ Đức Phật rồi cáo lui.
***