Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Diệu Tý Bồ Tát Sở Vấn
PHẬT THUYẾT
KINH DIỆU TÝ BỒ TÁT SỞ VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Thiên, Đời Tống
PHẦN SÁU
PHÂN BIỆT TƯỚNG TẤT ĐỊA
Bây giờ người trì tụng kia bị các ma chướng, chịu đủ các thứ não loạn khiến cho thoái tâm. Khi biết bị ma hại, nên tác pháp giải trừ ngay. Trừ giải được rồi, thân tâm sẽ an tịnh không có não loạn nhơ bẩn nữa, ví như trăng sáng bị mây che, khi mây gió bị đẩy tan rồi thì ánh trăng xa lìa được các chướng nên lại tỏa sáng trên bầu trời một cách vô ngại. Những người hành trì tụng tu hành được lìa ma chướng cũng giống như thế.
Lại nữa, vì sao sự trì tụng chẳng được thành tựu?
Ví như hạt giống duyên theo đất đai, thời tiết, mưa gió thuận hòa rải thấm ướt không thiếu thì có thể sinh mầm cho đến thành quả chín.
Nếu hạt giống dùng chẳng đúng thời, chẳng gieo đúng đất thì mầm mống kia không thể dựa vào đâu mà sinh trưởng được huống chi mọc lá và kết trái được sao?
Người hành trì tụng nếu chẳng y theo pháp, lại chẳng thanh tịnh, đối với các sự cúng dường không được chân thành trong sạch, đối với Văn Tự chân ngôn niệm tụng hoặc có thừa thiếu cho đến hít thở lung tung chẳng đúng quy cách. Do đấy các loại Tất Địa Siddhi chẳng thể hiện tiền. Sự trì tụng chẳng thành tựu cũng như thế.
Lại như mây dồn tuôn những cơn mưa thì tùy theo Phước của chúng sinh mà hưởng được nhiều hay ít. Cũng giống như thế, tùy theo công sức chuyên cần thực hành mà người trì tụng được sự thành tựu nhiều hay ít.
Nếu hành nhân ấy có được Thắng Địa kèm theo sự y theo phép tắc cho đến không bị lỗi phạm cấm giới thì nghiệp đen sẽ bị tiêu diệt, nghiệp trắng dần dần tăng thêm, do đó điều mong ước của pháp trì tụng liền được thành tựu. Nếu mỗi mỗi việc đều y theo pháp như thế và không bị sai phạm thì chắc chắn sẽ được thành tựu.
Lại nữa, trong lúc trì tụng, hành nhân có sự khuyết phạm hoặc gián đoạn bản tụng, chỉ trì riêng chân ngôn, hoặc đem chân ngôn đang tụng trao cho kẻ không cùng chí hướng để họ trì tụng. Như thế, dù cho hành nhân có trì tụng đủ biến số vẫn không được thành tựu.
Khi ấy, hành nhân nên thành tâm chuyên chú gấp bội lần trì tụng lúc trước. Mỗi ngày ba thời cúng dường như pháp, cần phải trong sạch tinh khiết cả trong lẫn ngoài không được sai nghi tắc, trì tụng đủ một Lạc Xoa Lakṣa: một trăm ngàn biến Chú.
Khi đủ số rồi, liền có thể làm pháp Hộ Ma để cúng dường. Trong pháp Hộ Ma này, Hành Giả nên lấy Đại Mạch hoặc bông lúa, mè vừng, hạt cải trắng, hoa sen. Tuỳ dùng một vật hoà chung với bơ Tô quấy đủ bốn ngàn lần hoặc bảy ngàn lần, tám ngàn lần cho đến mười ngàn lần.
Lại lấy cây Ưu Đàm Bát La, cây Bồ Đề, cây Bạch Xích A Ly Ca, cây Long Thọ, cây Vô Ưu, cây Cát Tường, cây Nhĩ Ngu Lỗ Đàn Đà Một, cây Khư Nễ La Xá Di, cây Bát La Xoa, cây A Ma Mạt Lý Na Mạt Độ, cây Diêm Phù Tùy dùng một loại gỗ của các cây trên làm củi, không được dùng cây bị ẩm ướt, cây bị héo khô, cây bị sâu trùng đục, hoặc cây bị thiêu đốt dang dở.
Chặt gỗ làm củi, dài bằng mười hai ngón tay, lấy Tô Mật Ghṛta: Dùng Tinh của Lạc để tạo ra bôi ở hai đầu cây củi tùy lấy một loại trong các thứ: Bông lúa, mè vừng, hạt cải trắng đem đốt chung với củi mà làm pháp Hộ Ma. Đủ số trên rồi thì các sự khuyết phạm lúc trước được trở lại trong sạch. Sau đó mới có thể cầu chân ngôn Tất Địa được sự không chướng nạn.
Lại nữa, Chủ của chân ngôn Minh mà Hành Giả đang trì. Hoặc có Bộ khác ngăn cấm trói buộc, hoặc cắt đứt, hoặc phá hoại khiến sự mong cầu chẳng được thành tựu. Liền làm hình tượng Bản Tôn, đặt dưới chân Bản Bộ Tôn rồi cùng đối mặt, trì tụng Phẫn Nộ Đại Uy chân ngôn của các Bộ.
Lại dùng Tô Mật, Lạc váng sữa rưới rửa Bản Tôn, mỗi ngày ba thời, mười ngày như thế thì tự nhiên giải thoát sự ngăn cấm trói buộc kia.
Lại nữa, hành nhân đối với chân ngôn đang trì, hành pháp đang tu. Tự biết rõ mình không có thiếu sót mà Tất Địa mong cầu chẳng được thành tựu, ắt nơi pháp đó có chỗ thiếu sót nhưng tự mình không biết chắc đó là cảnh giới nào. Lúc ấy, nên tinh tiến hơn nữa, ngày đêm chẳng được trễ nãi, tự nhiên Bản Tôn hiện ở trong mộng nói cho người bị chướng ấy cảm được kỳ hạn như nước biển dâng lên đúng thời khắc.
Ví như hai người bạn thân hẹn với nhau là: Từ nay trở đi đừng đến nhà nọ, cũng đừng nói với kẻ đó. Hai người bạn cùng tôn trọng lời giao ước, không hề qua lại và nói chuyện với kẻ kia, pháp trì tụng cũng lại như vậy. Chính vì thế cho nên hành nhân chẳng được dùng chân ngôn Minh mà đem phá hoại, cũng chẳng nên hỗ trợ sự ngăn cấm trói buộc cho đến Hộ Ma làm nghiệp bất thiện Akuśala karma.
Lại nữa, hành nhân chẳng nên thêm bớt chân ngôn Mantra, Man Noa La Maṇṇala để truyền thụ, cũng chẳng lấy pháp này pháp kia trao đổi cho nhau. Lại cũng chẳng nên vô cớ đánh trói hữu tình, chẳng nên Hộ Ma làm tổn hại thân thể của kẻ đó cho đến giết chết, làm hại các hữu tình.
Lại cũng chẳng nên tồi diệt Quỷ Tộc với trị phạt loài Rồng. Cũng lại chẳng nên vọng làm các việc ngăn cấm trói buộc tất cả hàng Tinh Tú, Quỷ Thần. Lại chẳng nên dùng Chú Pháp chữa trị bệnh trẻ con mà làm hại việc lớn.
Lại nữa hàng Trời Trì Minh với các Tông Trì Minh nói về Pháp đầy đủ của nghĩa được thành tựu chẳng giống nhau.
Hoặc nói cần đủ mười pháp liền được Tất Địa là: Người hành, bạn giúp đỡ, vật được thành tựu, tinh cần, nơi chốn, Thắng Địa, thời tiết, Bản Tôn, chân ngôn, tài lực. Đủ mười pháp này thì Tất Địa liền thành.
Hoặc Tông khác nói đủ ba loại pháp thì Tất Địa được thành là: chân ngôn, người hành, bạn giúp đỡ.
Hoặc một Tông nói bốn pháp được thành là: Tinh cần, ngày tốt, giờ tốt cùng với xứ sở tốt.
Lại một Tông nói đủ năm pháp được là: Bản Tôn, chân ngôn, nơi chốn, tiền tài sắc lực hoặc vật được thành tựu.
Lại một Tông nói cần đủ mười pháp.
Lại một Tông nói cần đủ tám pháp cho đến hoặc nói năm pháp, bốn pháp, ba pháp, hai pháp đều ở Bản Tông mà nói định lượng.
Riêng Kim Cương Tộc Vajra kulāya của Ta thuộc Bản Tông Phật Giáo chỉ cần đủ hai pháp thì Tất Địa liền thành: Một là người hành, hai là chân ngôn.
1. Người hành: Cần đầy đủ giới đức, chính cần, tinh tiến, chẳng sinh lòng tham lam ganh ghét với danh lợi của người khác, chẳng hề luyến tiếc tài vật và mạng sống của mình.
2. chân ngôn: Khi trì tụng chân ngôn Bản Bộ của mình. Cần khiến cho đầy đủ văn cú, âm thanh, hình tướng rõ ràng, tất cả pháp muốn cầu thành tựu thảy đều đầy đủ chẳng thiếu sót. Lại nên tìm được nơi cư ngụ lúc trước của Chư Phật Bồ Tát. Được nơi này rồi, như pháp trì tụng thì quyết định sẽ được đầy đủ ý nguyện.
Thành hai pháp này thì chắc chắn được Tất Địa.
Lại nữa, pháp trì tụng của hành nhân ví như con sư tử bị sự đói áp bức, cần phải bắt được con voi để ăn. Tư thế đầu tiên là phải phấn tấn sức mạnh toàn thân. Hoặc bắt các loài thú nhỏ, dê, nai thì tư thế phát huy sức lực cũng giống như bắt con voi. Lại cũng như thế, người hành trì tụng cầu thành tựu việc thượng, trung, hạ cần phải tinh cần dũng mãnh như Sư Tử Vương, không có hai tướng.
Người hành trì tụng, vào lúc trì tụng. Nếu trú ở miếu Thành Hoàng, nơi cửa chợ sẽ có chấy rận, bọ muỗi cắn đốt thân thể. Hoặc nhìn thấy người nữ mặc quần áo tốt đẹp, trang điểm vòng xuyến anh lạc và nghe đủ loại âm thanh.
Nếu trú ở núi sâu, rừng rậm liền có nóng lạnh bất thường, hoặc phát bệnh khổ bức não thâm tâm. Lại nữa, hoặc có thú mạnh ác muốn đến hại người khiến khởi sự sợ hãi.
Nếu trú ở bờ biển liền thấy gió thổi lay động nước biển tạo sóng to lớn, tiếng vang dữ dội kinh người khiến sinh nỗi sợ sệt.
Nếu trú bên bờ sông, hồ, ao, đầm liền có rắn trùng, loài độc đốt cắn hại người.
Người Hành trì tụng nếu ở các nơi như vậy mà muốn trì tụng. Trước hết phải biết rõ các việc như thế đều là Ma nạn. Nếu gặp việc này, cần phải kham nhẫn, đừng khiến tâm duyên theo mà bị tán loạn.
Hoặc có thể cầu riêng thắng xứ để khởi công tu hành. Chẳng nên vì gặp cảnh này mà sinh tâm co lùi, tức nên khởi ý dũng mãnh vững chắc. Nếu như thoái tâm, sợ hãi, khởi tà niệm sẽ bị ác ma được dịp hãm hại. Phương tiện của người trí là ban vui cho hữu tình đừng khiến cho tất cả loài hữu tình nhân vào đấy vướng tội mà nhận hậu quả khổ.
Lại nữa, người trì tụng chẳng được gấp rút cũng đừng chậm chạp. Tiếng phải xướng hòa, đừng cao đừng thấp. Lại chẳng để tâm duyên theo cảnh khác, hoặc cùng người nói chuyện phiếm mà gián đoạn sự trì tụng.
Lại nơi văn cú của chân ngôn đừng để thiếu sót. Văn cú bị thiếu sót thì nghĩa lý sẽ ngang trái, do đấy mà Tất Địa khó thành. Ví như người đi đường, cứ đi ngược lối mà cầu đến đích thì làm sao đến được. Nếu xa lìa được sự sai lầm này ắt mau chóng được linh nghiệm.
Lại như dòng sông trôi chảy ngày đêm chẳng dừng. Người hành trì tụng cũng lại như thế, ngày đêm chẳng gián đoạn thì công đức tăng trưởng. Nếu khởi tưởng dính mắc thì thành trễ nãi. Hiểu được việc Ma đó, mau chóng hồi tâm.
Nên nhắm hai mắt lại để quán tưởng. Hoặc duyên theo văn cú của chân ngôn, hoặc quán Bản Tôn, buộc chặt tâm đó chẳng cho tán loạn. Sau đó gặp lại cảnh này, nếu tâm chẳng động thì hành nhân này được thành tựu quán hạnh.
Lại người Hành trì tụng muốn cầu Tất Địa thì điều cần yếu là nhiếp tâm trụ vàp một cảnh của định. Nếu tâm được điều phục thì thân tự an trụ, thân đã không rối loạn thì tâm sẽ biến thành khoái lạc. Tâm Tâm nhất như gọi là được Tam Muội Samādhi.
Người Hành trì tụng được định niệm này thì tội lỗi quá khứ, hiện tại thảy đều tiêu diệt. Tội đã diệt rồi thì thâm tâm chuyển tịnh, mọi sự nghiệp tạo tác đều được thành tựu không còn nghi hoặc.
Chư Phật nói rằng: Trong tất cả các pháp thì tâm Citta là căn bản. Tâm chẳng thanh tịnh sẽ chiêu cảm quả xấu xí nghèo hèn, hoặc bị đọa vào địa ngục súc sinh. Nếu tâm thanh tịnh sẽ được sinh vào Cõi Trời, cõi Người thọ nhận sự khoái lạc cho đến xa lìa đất, nước, gió, lửa, sinh, già, bệnh, chết, vô thường, vô ngã, niềm vui bại hoại sau cùng được an vui nơi Niết Bàn Tịch diệt giải thoát.
Lại nữa, các pháp đều theo tâm sinh khởi. Chẳng phải tự nhiên có cũng chẳng phải thời tiết hay Trời Đại Tự Tại sinh ra. Chẳng phải không có nhân duyên. Xong duyên theo vô minh avidyā sinh tử luân hồi, bốn đại hòa hợp mà giả gọi là sắc rūpa, sắc chẳng phải có ngã ātman, ngã chẳng phải có sắc. Sắc không có ngã sở, ngã không có sắc sở.
Như vậy năm uẩn pañca skandha rốt ráo đều không śūnya: Trống rỗng. Sắc như bọt nước tụ, thọ vedanā như bong bóng nổi, tưởng saṃjñā với hành saṃskāra, thức vijñāna đều như bóng ảnh của ánh nắng Mặt Trời. Nếu hay ở Pháp được thấy như vậy gọi là chính kiến samyag dṛṣṭi nếu khởi sự thấy khác thì gọi là tà kiến mithyā darśana.
Lại nữa, người hành trì tụng nếu trì tụng đủ túc số chân ngôn sở tu thì làm sao biết được mình đã gần với Tất Địa?
Như lúc nằm ngủ thấy được mộng tốt. Nếu trong mộng thấy tự thân được phan, phướng, lọng báu dẫn vào cung điện thượng diệu hoặc lên lầu gác, hoặc lên núi cao, hoặc lên cây lớn.
Lại, hoặc mộng thấy cỡi sư tử, voi trắng, ngựa trắng, bò trắng, tê ngưu, bò vàng, Xá Ni Noa…
Hoặc nghe trong hư không nổ tiếng sấm lớn.
Hoặc trong mộng được người vui vẻ trao cho hương thơm, hoa man, quần áo mới sạch.
Hoặc được trái mọc dưới nước, hoặc hoa sen năm màu, hoặc được Tượng Phật, hoặc được Xá Lợi của Phật, hoặc được Kinh Điển Đại Thừa.
Hoặc thấy mình ngồi dự trong Đại Hội, được ăn chung với Chư Phật Bồ Tát.
Hoặc thấy mình tự đi vào chùa tháp, hoặc vào tăng phòng.
Hoặc thấy Đức Như Lai ngồi ở toà báu vì tám Bộ Trời Rồng nói pháp, tự mình vào trong hôi cũng ngồi nghe pháp.
Hoặc thấy Đấng Bích Chi Phật nói pháp mười hai nhân duyên Pratītya samutpāda.
Hoặc thấy Bậc Thanh Văn nói pháp chứng bốn quả.
Hoặc thấy hàng Bồ Tát nói pháp sáu Ba La Mật Ṣaḍ pāramitā.
Hoặc thấy Chư Thiên nói sự khoái lạc trên Cõi Trời.
Hoặc thấy Ưu Bà Tắc Upāsaka: Cận Sư Nam nói pháp chán lìa gia đình.
Hoặc thấy Ưu Bà Di Upāsikā: Cận Sự Nữ nói pháp chán bỏ người nữ.
Hoặc thấy Quốc Vương, hoặc thấy Bà La Môn Tịnh Hạnh, hoặc thấy bậc Trượng Phu đặc biệt lạ kỳ, hoặc thấy người nữ đoan nghiêm, hoặc thấy trưởng giả giàu có, hoặc thấy Tiên Nhân khổ hạnh, hoặc thấy các Trì Minh Tiên Vidyadhaara ṛṣi hoặc thấy người trì tụng thắng diệu.
Hoặc thấy mình tự nuốt mặt trời, mặt trăng.
Hoặc thấy mình vượt qua biển lớn, sông, suối, ao, hồ. Hoặc liền uống nước như trên, không hết không còn.
Hoặc thấy trên đầu phóng ra ánh lửa lớn.
Lại, hoặc mộng thấy xe lớn chở đầy đồ vật có bò với nghé cùng dắt cỡi.
Hoặc thấy được cây phất trắng, hoặc được dép da, hoặc được đao kiếm, hoặc được cây quạt thù diệu. Hoặc được vàng, báu, xà cừ, trân châu, anh lạc …
Lại nữa, hoặc thấy cha mẹ của mình, hoặc thấy đồng nam đồng nữ trên thân có mọi báu trang điểm cho đến hoặc được thức ăn uống thượng diệu.
Nếu hoặc được mộng tốt an lành như trên thì cần phải chuyên cần, tinh tiến, vui vẻ, dũng mãnh.
Tại sao thế?
Nên biết hoặc ở một tháng, nửa tháng, hoặc một ngày hoặc khoảng một Sát Na, quyết định đạt được Tất Địa rộng lớn.
***