Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN BỐN
 

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Hưng phát tâm đại bi

Đem giúp khắp chúng sinh

Thấy ở trong khổ não

Thương xót như thân mình

Tư duy nhất thiết trí

Được chí nguyện trang nghiêm

Tâm ấy như kim cương

Trí tuệ như sông biển.

Bồ Tát có mười việc hành pháp Phổ Hiền.

Đó là:

1. Ở trong kiếp đương lai đều cùng tất cả hành tập đại nguyện, phụng kính những người chưa đến.

2. Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác ở nơi sắc pháp mà khai hóa chúng sinh lập hạnh Bồ Tát.

3. Tích lũy các gốc đức với thệ nguyện Phổ Hiền.

4. Đều có thể vào trọn các độ vô cực.

5. Tâm nguyện hòa nhã, tròn đủ hạnh Bồ Tát.

6. Tuân tu các pháp vì muốn trang nghiêm cõi nước.

7. Thế Giới Chư Phật các nghĩa bình đẳng.

8. Thọ sinh tất cả mười phương Cõi Phật.

9. Hiểu rõ phương tiện, cầu các Kinh Điển.

10. Hiện tại an lạc ở các Cõi Phật và thành tựu chánh đạo vô thượng.

Đó là mười việc hành pháp của Bồ Tát.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Đều biết kiếp đương lai

Phụng kính chư Như Lai

Bồ Tát cùng chúng sinh

Thệ nguyện hạnh Phổ Hiền

Tích lũy nhiều gốc đức

Vào các độ vô cực

Trang nghiêm các Cõi Phật

Chóng thành Vô Thượng Giác.

Bồ Tát có mười việc thường hành đại bi.

Những gì là mười?

1. Quán khắp chúng sinh cô độc, không có thiện chủng vô lậu nên vì họ mà hưng khởi đại bi.

2. Quán thấy kẻ vô đạo thì dùng đại bi hóa độ.

3. Thấy những kẻ nghèo cùng, khổ nạn thì khiến họ trồng gốc đức.

4. Thức tỉnh những kẻ mê ngủ lâu ngày tỉnh dậy.

5. Thấy cõi chúng sinh không có phương tiện thì tùy lúc mà hóa độ họ.

6. Vì những kẻ tham dục, ràng buộc mà khuyến giúp.

7. Nhìn thấy chúng sinh gặp ách nạn thì thương xót và cứu tế.

8. Thấy bệnh lâu ngày thì dùng thuốc từ bi mà chữa lành.

9. Nếu người nào rời bỏ pháp thiện thì tỏ bày nghĩa đạo cho họ.

10. Nếu thấy chúng sinh đánh mất pháp Phật thì thương xót họ trong sự hoan hỷ.

Đó là mười việc đại bi của Bồ Tát.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Tại thế hành đại bi

Quán sát khắp chúng sinh

Gặp tật ách lâu ngày

Do đoạn các gốc đức

Nên khởi bi vô tận

Kiến lập nơi pháp Phật

Bồ Tát hành đại từ

Để khai hóa chúng sinh.

Bồ Tát có mười duyên phát đạo tâm.

Những gì là mười?

1. Dạy dỗ chúng sinh khiến thuận theo luật đạo mà phát đạo tâm.

2. Muốn trừ tất cả các khổ não, hoạn nạn.

3. Kiến lập sự an lạc lâu dài cho chúng sinh.

4. Thấy chúng sinh ở nơi vô minh thì giúp họ phát đạo tâm.

5. Thích khuyến chúng sinh khiến vào Phật tuệ.

6. Thuận theo Chánh Giác, phụng kính tất cả Chư Phật tối thắng.

7. Đều muốn được gặp Như Lai chánh chân.

8. Cũng lại muốn thấy uy dung tướng tốt của Chư Phật.

9. Cũng lại vui thích vào nơi Phật Đạo nên phát đại tâm.

10. Cũng lại kính ái mười lực, vô úy. Đó là mười duyên sự phát đạo tâm.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Thấy chỗ diệt chúng sinh

Vì phiền não trói buộc

Muốn họ an lạc lâu

Nên phát tâm Bồ Tát

Chúng sinh nào vô trí

Dùng Phật tuệ khuyến bày

Khiến vâng tướng ba cõi

Thường gặp chư Như Lai.

Bồ Tát gặp thiện hữu phát tâm kính trọng. Bồ Tát sơ phát đạo tâm chân chánh thì với thiện hữu luôn khiêm tốn và cung thuận. Muốn được thành tựu nhất thiết trí của Phật thì nên tìm bạn lành, nhờ họ mà vọng ý được khuất phục.

Có mười việc gặp thiện hữu mà phát đạo tâm.

Những gì là mười?

1. Phụng kính và tự quay về với bạn lành.

2. Tâm không ái dục.

3. Có thể phụng hành như chỗ nghe biết.

4. Tâm vui thích những điều đó.

5. Chí không vết nhơ.

6. Tâm thường nhất tâm.

7. Dùng các gốc đức để hợp làm một việc.

8. Hoài bão một nguyện.

9. Phát tâm về với Thế Tôn.

10. Chí ấy bình đẳng, nẻo hành đầy đủ.

Đó là mười việc gặp thiện hữu phát tâm cung thuận của Bồ Tát.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Thường mang tâm cung kính

Phụng hành như chỗ nghe

Hoan hỷ không vết nhơ

Ý ấy thường chuyên nhất

Hợp lại các gốc đức

Tự quay về Thế Tôn

Thường quý hạnh bình đẳng

Mới thành tựu tâm đạo.

Bồ Tát có mười việc thanh tịnh.

Những gì là mười?

1. Tịnh như hư không, rốt ráo không mất.

2. Tịnh nơi các sắc tùy gốc chúng sinh mà khai hóa họ.

3. Tịnh các âm thanh, diễn bày vô lượng nghĩa.

4. Ngôn từ âm hưởng của biện tài thanh tịnh.

5. Phân biệt rõ vô lượng chỗ thuyết pháp của Phật.

6. Trí tuệ ấy thanh tịnh, trừ bỏ sự vô trí.

7. Hiểu rõ chỗ hành đời trước của chúng sinh mà khai hóa họ.

8. Tịnh các báo ứng, trừ sạch tất cả sự che chướng, ngăn ngại.

9. Sở nguyện sáng rõ, thấu biết chỗ sinh Nhất phẩm của Chư Phật.

10. Sự hành dụng sáng rỡ ấy xuất sinh nơi hạnh nguyện Phổ Hiền.

Đó là mười việc được thanh tịnh.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Bồ Tát thanh tịnh đủ

Công đức như hư không

Tùy căn tánh chúng sinh

Mà mở đạo vô thượng

Tịnh ngôn từ biện tài

Phân biệt rõ pháp tướng

Trí ấy không ngăn ngại

Cứu cánh ở nhất thừa.

Bồ Tát có mười việc đạt đến độ vô cực.

Những gì là mười?

1. Hành độ vô cực thì tất cả sở hữu đều có thể bố thí.

2. Giới độ vô cực thì đầy đủ giới cấm.

3. Nhẫn độ vô cực thì có thể hành từ hòa, đạt được tịnh lực của Phật.

4. Tinh tấn độ vô cực thì chỗ hành khuyến tu không hề thoái chuyển.

5. Thiền độ vô cực thì làm cho ý thuần định.

6. Trí độ vô cực thì quán tất cả pháp vốn là chân lý tự nhiên.

7. Tuệ độ vô cực thì đi vào mười lực của Phật.

8. Nguyện độ vô cực thì đầy đủ hạnh Phổ Hiền.

9. Thần thông độ vô cực thì biến hóa vô lượng, không một chỗ nào không biến khắp.

10. Pháp độ vô cực thì bình đẳng điều phục tất cả gốc ngọn các pháp.

Đó là mười độ vô cực của Bồ Tát. Bồ Tát an trú ở đó thì về với đại tuệ vô cực vô thượng chánh chân của Như Lai và tròn đủ sáu độ.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Bố thí độ vô cực

Ban rải hết sở hữu

Trì giới độ vô cực

Thanh tịnh các hạnh Phật

Nhẫn nhục độ vô cực

Từ hòa không sân hận

Tinh tấn độ vô cực

Siêng tu không thoái chuyển

Nhất tâm độ vô cực

Chánh định không loạn tâm

Trí tuệ độ vô cực

Thấy các pháp như nhiên

Thần thông độ vô cực

Vào khắp đạo lực Phật

Sở nguyện hành bình đẳng

Thần túc dẫn các pháp.

Có mười việc về Phật tuệ của Bồ Tát.

Những gì là mười?

1. Hiểu rõ tất cả mười phương Thế Giới, chủng loại chúng sinh không thể nghĩ bàn.

2. Biết rõ các tông, hiểu rõ các pháp không mất thời tiết.

3. Hoặc dùng vô số loại hình, hoặc dùng nhất phẩm để làm cho chúng sinh thấu biết các pháp giới.

4. Thường ban tuyên tuệ, hiểu rõ tất cả gốc ngọn hư không.

5. Bậc nhất Phật tuệ thông suốt rốt ráo.

6. Mười phương Thế Giới, các việc quá khứ đều có thể biết rõ.

7. Mười phương Cõi Phật, các việc vị lai đều có thể thấy rõ.

8. Mười phương Cõi Phật, những việc hiện tại vào khắp để giáo hóa.

9. Làm sáng tất cả các hạnh Như Lai.

10. Đều vào tất cả tuệ, biết rõ quá khứ, hiện tại, vị lai Chư Phật đều đồng một hạnh.

Đó là mười việc tạo tuệ nghĩa của Bồ Tát. Bồ Tát trú ở đây thì ánh đại quang minh tự tại chiếu sáng, đủ đầy sở nguyện, tin pháp Chư Phật tức dùng một tuệ mà biết rõ Pháp Phật.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Thường biết mười phương cõi

Chúng sinh không kể xiết

Thảy khiến vào Phật tuệ

Tạo nên vô số niệm

Phân biệt rõ các pháp

Bình đẳng như hư không

Phật tuệ là bậc nhất

Thường thấu việc ba đời.

Có mười việc về sự kinh qua của Bồ Tát.

Những gì là mười?

1. Đều rõ các pháp vốn là đệ nhất nghĩa.

2. Tất cả Kinh Điển đều phân minh tường tận.

3. Hiểu rõ các tuệ đều là một tướng.

4. Phân biệt tâm niệm hành tuệ vô vi, vô số của chúng sinh.

5. Thấy các chúng sinh đều cùng một đẳng cấp.

6. Biết rõ chốn hành nơi phiền não của chúng sinh.

7. Chí tánh mỗi người đều bị ràng buộc ở hành nghiệp thì đều biết rõ chỗ hành thiện ác của chúng sinh.

8. Hiểu rõ nẻo hành theo chí nguyện của tất cả Bồ Tát.

9. An vui mà chẳng tự đại nơi mười lực của Như Lai.

10. Kiến lập rốt ráo mà đến Chánh Giác.

Đó là mười việc kinh qua của Bồ Tát.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Biết các pháp là một

Vì hiểu rõ giới hạn

Các tuệ hợp một tướng

Tâm chúng sinh vô số

Thấy rõ khắp muôn dân

Hành phiền não mê tối

Các kết sử ràng buộc

Không được trí rộng lớn.

Bồ Tát có mười sự tạo diệu lực.

***