Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN HAI MƯƠI BA
 

Bồ Tát có mười việc hành hóa Phật Sự.

Những gì là mười?

1. Tùy thời khuyên người làm Phật Sự, tu tập bình đẳng nên được tùy ý sinh ra.

2. Ở trong giấc ngủ mơ thấy Bậc Chánh Giác là sự dẫn dụ tiến lên của gốc đức nơi đời trước. Chưa nghe được kinh mà niệm luôn nhớ nghĩ nên chẳng nghi Phật Sự.

3. Bỏ tâm tham lam keo kiệt, xa lìa tâm Thanh Văn, Duyên Giác. Lại cũng trừ bỏ các hành vi phạm giới, sân hận, loạn ý, ác trí, các tâm chấp trước, do dự, chìm đắm, đùa cợt, tự đại.

4. Tướng tốt trang nghiêm của Như Lai là nhờ sự tu tập hành trì từ đời trước nên trừ sạch các nghi ngờ và các pháp tưởng ngăn che. Đối với Phật Sự chẳng mang tâm do dự.

5. Nghe giảng nói Kinh Điển, tu theo pháp đã lãnh hội nên có thể thọ trì, có thể chứng được Thánh tuệ.

6. Hưng hiển thần thông khuyến hóa chúng sinh tạo lợi ích không lường. Đó là đạo nghiệp thứ sáu của Chư Phật hoàn toàn thanh tịnh.

7. Giả sử việc ma dấy khởi thì dùng phương tiện thiện xảo tu trì hạnh chánh. Nếu lo ngại việc ma thì nương nơi âm thanh diễn nói pháp để khai hóa, liền kiến giải được đạo pháp. Giả sử người nghe tăng thêm tinh tấn, đó là Phật Sự thứ bảy, vì tâm ý rộng lớn.

8. Lại nữa, sự hộ trì tâm nghịch, cũng hộ trì việc chẳng theo pháp Thanh Văn, Duyên Giác. Chế ngự các căn chưa thuần thục nên chẳng trao pháp giải thoát. Đời trước đã tạo đạo nguyện nơi Chư Phật nên nay phụng hành. Tùy thuận sinh tử để dứt trừ các lậu. Nếu ở các hạnh tập hợp, nắm giữ thì hiển bày đại bi, thành tựu các hạnh ấy, khiến hợp với vô vi. Đó là Phật Sự thứ tám, chẳng theo hạnh đoạn.

9. Này Phật Tử! Muốn biết chỗ lìa diệt độ ấy thì mình và chúng sinh phải đạt rõ về lý không người mà chẳng sợ hãi, cầu đạt gốc của trí đức. Lúc mới phát tâm, luôn đối với tuệ không chán, tạo mọi hưng phát cho thân mình và muôn vật nên tất cả các tướng không lìa điều này.

Thấy sắc tướng các hạnh đã lìa tham chấp của Phật nên chẳng dựa chấp vào các pháp chí cầu vô vị. Làm thanh tịnh Cõi Phật, hiểu rõ các tướng như cõi hư không, khai hóa chúng sinh, chẳng cho nhọc nhằn, cũng không lìa bỏ tướng vô ngã.

10. Thần thông biến hóa nơi pháp giới chẳng hề lay động, cũng lại không lìa việc hưng hiển của Bồ Tát. Dùng các ánh sáng của thông tuệ chiếu soi, chuyển pháp luân đem lại an lạc cho chúng sinh. Bồ Tát cũng không vượt ngoài lý vô sở hữu, thị hiện sự kiến lập, biến hóa của Như Lai, không lìa sự thị hiện đại diệt độ của Bồ Tát. Dứt bỏ các ác, nơi sinh ra đều hiện khắp năm đường.

Này Phật Tử! Như vậy dùng cái hạnh tịch nhiên ấy là phụng tu các pháp.

Đó là mười việc hưng hiển các Phật Sự của Bồ Tát.

Bồ Tát tự đại có mười việc.

Những gì là mười?

1. Khinh mạn nơi Thánh Giáo, Thánh chúng cao tuổi, những hiền Thánh tôn trưởng. Chẳng hiếu với cha mẹ, với Sa Môn, Phạm Chí tu hạnh bình đẳng, chẳng hành cung kính theo điều dạy bảo chân chánh.

2. Hành nghiệp, chỗ tư niệm của tâm không thuận theo Pháp Sư là người hành tôn pháp, giảng nói diệu pháp, hành theo đại thừa đi theo dấu đạo. Biết cách khiêm tốn mà chẳng khiêm tốn, cúi đầu lễ kính mà lại kiêu mạn buông lung, chẳng vâng lời dạy của thầy, chẳng chịu lắng nghe, cũng chẳng chịu tư duy.

3. Pháp Sư giảng thuyết pháp mầu nơi chúng hội thì không khen ngợi bằng lời hay thay khiến mọi người không khởi tâm ác kính. Người đó tâm khởi tự đại, tự hiển bày công lao của mình, che lấp đức người khác và chỉ kể về mình, sinh ra nhiều ý niệm khinh miệt.

4. Đã mang tâm tự đại là ta biết, ta hiểu, chê bai người có đức. Đối với người tu hành thanh tịnh, luôn nói đến lỗi lầm của họ, chưa từng khen ngợi đạo nghĩa công đức, nếu thấy có người ngợi khen họ thì khởi tâm sầu não.

5. Đã biết nghĩa pháp, luật giáo như thế, lời Phật dạy chí thành đáng tôn kính, nhưng lại chẳng vui mừng, ghét bỏ kẻ học, hủy hoại Kinh Pháp, chê bai điển tịch chân chánh, thọ nhận lấy nghĩa khác.

6. Cầu đạt chỗ ngồi cao, tìm kiếm sở đoản nơi Kinh Pháp, muốn được ái mộ nên tìm sự tôn kính của người khác. Thấy những bậc tôn trưởng, những người tu phạm hạnh thì không đứng dậy nghênh đón, cúi đầu làm lễ.

7. Nếu thấy người sáng suốt thì sắc mặt sầu thảm, dung mạo chẳng vui, chẳng diễn nói lời đẹp đẽ, thường mang tâm xấu ác, buông thả kiêu mạn, chẳng chịu đi đến với chánh nghĩa.

8. Nếu đến chỗ bậc minh trí thì chẳng chịu thuận theo, không khiêm cung, kính thuận, chẳng chịu thăm hỏi mà thọ nhận nghĩa kinh. Chẳng biết thiện bất thiện là gì, phải tu theo nghĩa lý nào để được an ổn lâu dài và chẳng gặp các hoạn nạn. Cùng với hàng ngu muội ngày càng hướng vào chỗ tối tăm thì sự che khuất của ngu si ngày càng thêm nhiều. Do lẩn thẩn nên bày ra thái độ chẳng kính thuận và tự hại mình, vì lẩn thẩn ngu mê nên mang tâm tự đại.

9. Do cao ngạo nên lìa khỏi lời dạy, làm hao tổn hết những gốc đức nơi đời trước, chẳng tạo thêm được phước mới. Tuổi trẻ cang muốn khiến mọi người phải khuất phục, nói điều chẳng nên nói, cử động hung, hèn, rất ưa tranh cãi, hủy báng kẻ trí. Bị đuổi ra khỏi Tinh Xá mà tự phóng túng nên rơi vào chốn hiểm ác.

10. Lại nữa, đối với đạo tâm, với năng lực chân chánh thì kiêu mạn tự hào, cho mình là ở phần vị tôn quý. Do đó, trong trăm ngàn kiếp chẳng gặp Phật, huống là được gặp để nghe Kinh Pháp.

Đó là mười việc tự đại của Bồ Tát. Bồ Tát dứt trừ hết các thứ tự đại đó thì liền chứng đắc mười tuệ.

Tuệ nghiệp của Bồ Tát lại có mười việc.

Những gì là mười?

1. Chỗ tạo sự nghiệp thì nắm giữ nghĩa Thánh.

2. Biết rõ phước quả không hề hủy hoại, tâm quen niệm đạo, thường biết niệm Phật.

3. Học theo bạn tốt, khiêm cung, tùy thuận, phụng kính với họ. Thừa sự bậc tôn trưởng, tinh tấn tu tuệ.

4. Chí cầu đạo pháp, không lúc nào là không dốc cầu pháp, ưa thích học rộng, không biết chán đủ, tư duy tùy thuận. Luôn nghĩ đến việc siêng năng tu hành, không nên có ý niệm từ bỏ sự tinh tấn ấy.

5. Thấy các chúng sinh chẳng khởi tâm khinh mạn. Thấy các Bồ Tát thì xem họ như Đức Phật. Yêu pháp như yêu mình, phụng kính Như Lai như yêu thân mạng mình. Dốc tâm quy ngưỡng các Đức Phật.

6. Thân, miệng, ý luôn cẩn thận không để cho sai phạm. Miệng giảng nói điều gì, trước tiên thì chớ gây lỗi lầm nơi khẩu nghiệp. Quy mạng với Thánh minh, chẳng xa Phật Đạo. Tinh tu tuệ nghiệp, mười hai duyên khởi chưa từng tranh loạn.

7. Bỏ các tà kiến, bứng rễ cây vô minh, diệt trừ ám muội, chứng đắc ánh sáng trí tuệ của các pháp.

8. Khuyến thuận mười môn hồi hướng, dẫn dụ tiến lên. Trí độ vô cực thì xem như mẹ, phương tiện thiện xảo thì xem như cha. Nhập vào đạo nghiệp của Phật, chí tính tuệ giải.

9. Học rộng, trì giới, thích vắng lặng, chí chứa tuệ đức, chẳng lấy làm nhọc nhằn.

10. Chỗ giảng nói của Đức Phật trừ bỏ các ma, các tội lỗi của phiền não, đoạn trừ ấm cái, tất cả ngăn ngại, khai hóa chúng sinh, thuận theo giáo pháp, tinh chuyên hành pháp, làm thanh tịnh các Cõi Phật, thần thông tam đạt hiện ở trước mặt.

Đó là mười tuệ nghiệp của Bồ Tát.

Bồ Tát có mười việc bị ma trói buộc.

Những gì là mười?

1. Nếu Bồ Tát tâm ý khiếp nhược thì ma được thuận lợi.

2. Tâm ấy nhiều niệm, bối rối vội vàng, tính chẳng an hòa nên bị ma vây chặt.

3. Nhiều vọng cầu không chán là sự loạn động của ma.

4. Tự chuyên trì một pháp cứ cho là đúng tức bị ma vây chặt.

5. Chẳng thể ân cần hưng hiển chánh nguyện.

6. Là sự mê hoặc của dục, sự ràng buộc của phiền não.

7. Chí chẳng vắng lặng, chán lìa cùng khắp.

8. Muốn đoạn sinh tử thì bị ma kéo lại, chẳng thể tinh tấn tu đạo mà còn bị thoái lui.

9. Chẳng chịu khai hóa tất cả chúng sinh chỉ tự hộ trì mình, chẳng nghĩ đến chúng sinh khổ nạn.

10. Hồ nghi Kinh Điển, hủy báng chánh pháp, chẳng chịu tuân theo.

Đó là mười việc kiến lập của ma.

Bồ Tát có mười việc kiến lập của Phật.

Những gì là mười?

1. Từ lúc mới phát tâm là được sự hộ trì của Phật.

2. Đời đời sinh ra chẳng quên ý đạo.

3. Biết rõ ma sự nên có thể hàng phục chúng, khiến chúng phải lùi bước.

4. Giả sử được nghe các pháp độ vô cực, thì tâm ý được sáng suốt, nghe rồi liền phụng hành.

5. Biết rõ các khổ của sinh tử, tuy biết là khổ nhưng chẳng cho là mệt nhọc.

6. Quán pháp sâu mầu, chẳng cầu chứng quả.

7. Vì hàng Thanh Văn, Duyên Giác giảng nói Kinh Pháp, chẳng theo điều khéo nói của hàng hữu học.

8. Quán sát tự nhiên theo nghĩa không sở hữu, chẳng trụ vô vi, đối với hữu vi và vô vi chẳng nghĩ có hai.

9. Chỗ Phật hộ trì, vì chẳng xa vời mà mang tâm lo lắng nên đi vào các thông tuệ của bậc nhất thiết trí.

10. Theo hạnh Bồ Tát hiển bày tự tại, cũng không khiến đoạn mất.

Đó là mười chỗ kiến lập của Phật cho Bồ Tát.

Bồ Tát lại có mười việc kiến lập pháp.

Những gì là mười?

1. Nhằm nhận biết tất cả vạn vật vô thường là kiến lập pháp.

2. Tất cả các pháp đều là khổ não.

3. Lại nữa, các pháp đều là không ta, người.

4. Niết Bàn vắng lặng, vĩnh viễn không xứ sở.

5. Đối với các pháp đều theo duyên mà chuyển đổi. Nhận nơi hư giả mà thoái thất, chẳng thuận theo sự huân tập thì hợp với mười hai duyên khởi, từ vô minh đến lão bệnh tử.

6. Trừ niệm bất thuận thì trừ được vô minh. Vô minh đã trừ thì sinh, lão, bệnh, tử đều trừ diệt vĩnh viễn vậy.

7. Đủ ba cửa giải thoát thì thành tựu quả vị Thanh Văn, dựa vào chốn tĩnh lặng thì sinh pháp Duyên Giác.

8. Có sáu độ vô cực, bốn đẳng tâm, bốn ân thì hưng phát Đại Thừa.

9. Tỏ được mười phương cõi, phân biệt các pháp, rõ được chúng sinh, đi vào các tuệ minh, không gì là chẳng thông suốt đó là cảnh giới của pháp.

10. Trừ bỏ các niệm, đoạn dứt các thọ, vào với tự nhiên thì từ quá khứ đến vị lai đều là nghĩa giải thoát. Đó là chỗ pháp kiến lập của Bồ Tát.

Bồ Tát ở Cõi Trời Đâu Thuật lại có mười việc.

Những gì là mười?

Bồ Tát ở Cõi Dục, vì các Thiên Tử nói về sự bức bách của các ái dục. Đối với kẻ tự buông lung thì thị hiện các việc vô thường. Đối với những người có những thành tựu nơi hội hợp thì nói về pháp biệt ly, khuyên phát tâm đạo. Đó là lời dạy bảo đầu tiên ở Cõi Trời Đâu Thuật.

Bồ Tát ở tại Cõi Sắc, vì các Thiên Tử giảng nói các môn giải thoát môn Tam Muội Chánh thọ, không chỗ hưng khởi. Nếu họ tu thiền định có ngăn ngại vì phát sinh ái niệm, phân biệt về phiền não, lý giải đúng như chân đế, rồi sau đó tiêu trừ tất cả các sắc, trụ nơi điên đảo.

Những người chẳng hiểu biết, suy niệm về phần tịnh cho là thường tồn, thì đều không tham đắm, vì chúng sẽ về với nghiệp vô thường biệt ly, nhân đây khuyên họ phát tâm đạo. Đó là việc thứ hai.

Lại nữa, này Tộc tánh tử! Khi Bồ Tát ở tại Cõi Trời Đâu Thuật dùng Tam Muội Tịnh quang tự hành chính họ, thân phát ra ánh sáng tỏa khắp cả tam thiên Thế Giới. Tùy theo căn tánh của chúng sinh mà hóa độ, diễn nói bao nhiêu giáo pháp với hàng trăm loại âm thanh khác nhau.

Nếu chúng sinh được nghe âm thanh Kinh Pháp ấy thì tâm họ an nhiên nên được thông hiểu, nên đều được sinh lên Cõi Trời Đâu Thuật. Vừa được sinh lên Cõi Trời, tức thời Bồ Tát khuyên họ phát khởi tâm đạo. Đó là việc thứ ba.

Khi ở Cõi Trời Đâu Thuật, Bồ Tát dùng đạo nhãn của hàng Bồ Tát không bị ngăn ngại, nhìn thấy hết các Bồ Tát trong mười phương cõi nước Phật, đều ở tại cõi Đâu Thuật. Thấy họ rồi liền triệu tập đại pháp hội, hiển bày sự biến hóa vô cực, hiện rõ việc nhập thai, lại thị hiện các việc sinh ra, bỏ nước, lìa ngôi Vua, tu hành đi đến bên gốc cây Bồ Đề, trang nghiêm Đạo Tràng, giảng nói về sự tạo lập hạnh của đời trước.

Nhờ bản hạnh từ đời trước khiến được vào đại tuệ vô cực. Bồ Tát chẳng rời khỏi chỗ hiện tại mà lại hiện khắp với vô số hóa thân để khai hóa quần sinh. Đó là việc thứ tư.

Khi Bồ Tát ở tại Cõi Trời Đâu Thuật thì các Bồ Tát ở Cõi Trời Đâu Thuật trong mười phương đều đến diện kiến, khiêm cung, thuận hợp.

Lúc ấy, Bồ Tát đều làm cho họ vui mừng, khiến sở nguyện của họ đều được trọn đủ. Diễn nói đại pháp, tùy theo chỗ hành trì đã an lập của các Bồ Tát đáng phải trừ bỏ, hoặc cần phải phụng hành hay nên làm sáng tỏ mà vì họ giảng nói pháp. Nghe được những điều thuyết giảng chư vị đều hết sức vui mừng rồi đều trở về Cõi Trời Đâu Thuật của mình. Đó là việc thứ năm.

Khi ở tại Cõi Trời Đâu Thuật, Bồ Tát thấy Ma Ba Tuần, buông thả nơi tham dục, với rất đông kẻ tùy tùng, cùng đến vây quanh, muốn làm loạn Bồ Tát. Bồ Tát liền trụ ở Đạo Tràng Kim cương lý tích, với trí độ vô cực, nắm lấy phương tiện quyền xảo dùng đầu mặt đạo tuệ để hàng phục các ma, tâm đầy nhân hòa, giới cấm vắng lặng.

Dùng uy thần ấy để kiến lập, hợp đúng tình huống mà giảng nói pháp, khiến cho Ma Ba Tuần chẳng được thuận lợi mà nhiễu loạn. Thấy được sự hiển hiện của Bồ Tát, chúng đều phát ý đạo Vô Thượng chánh chân. Đó là việc thứ sáu.

***