Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN HAI MƯƠI BỐN
 

Khi ở tại Cõi Trời Đâu Thuật, Bồ Tát biết các chúng người, Trời chán lìa Dục Giới, chí cầu pháp hội, nên khiến cho các cung điện ở trong Dục Giới tự nhiên phát ra âm thanh nói rõ: Hôm nay đức Bồ Tát sẽ hiện làm người trong cung. Như có ai nhìn thấy thì tự sinh ý muốn mà cùng chung lĩnh hội.

Vừa nghe được âm thanh ấy thì có vô số ức trăm ngàn Chư Thiên đều đến tập hợp. Lúc đó, Bồ Tát hiện ra các cung nhân xinh đẹp khác thường, thế gian ít có. Các Thiên tử này từ xưa đến nay chưa từng nghe, thấy. Họ thấy rồi thì rất vui mừng, nhìn không biết chán, không cảm thấy đủ. Họ đều tấu lên kỹ nhạc.

Nhân nơi kỹ nhạc này mà có âm thanh pháp diễn nói: Tất cả vạn vật đều trở về vô thường. Điều nhìn thấy của mắt đều là gốc khổ. Các pháp vô ngã, không thân, không thọ mạng, đều sẽ về với không. Vô vi là an lành, phụng hạnh Bồ Tát sẽ được đến với Phật, đủ các thông tuệ. Chư Thiên đến hội, nghe được pháp âm này đều khởi tâm suy xét chẳng ưa tham dục, đều phát tâm đạo. Đó là việc thứ bảy.

Như khi ở tại Cõi Trời Đâu Thuật, Bồ Tát chẳng biến mất hình tướng của mình mà còn hiện ra nơi vô số Cõi Phật trong khắp mười phương, nhiều không kể xiết. Các Bồ Tát đi đến chỗ các Đức Như Lai, cúi đầu làm lễ, nghe giảng nói pháp, nhìn thấy các Đức Phật.

Các Đức Phật liền vì các Bồ Tát ban tuyên quả vị Nhất sinh bổ xứ. Vì từ bản tế, Bồ Tát đi đến cảnh giới thông tuệ, trụ vào đạo Bồ Tát, khiến nhập vào tất cả nghĩa đạo, đầy đủ Phổ trí vô cực. Trong lúc phát tâm thì Chư Thiên đều được hiểu rõ. Đó là việc thứ tám.

Lúc Bồ Tát ở Cõi Trời Đâu Thuật, do từ oai thần mà có sự phụng trì pháp Phật, gọi là Hảo Thù Đặc, Bồ Tát dùng oai thần ấy mà đi đến khắp cõi nước của Chư Phật trong mười phương, cúng dường các Như Lai vô lượng thanh tịnh, giảng nói không thể kể xiết, hiện ra các pháp giới, quy về cõi hư không. Chư Thiên, muôn dân thấy sự cúng dường này thì số người nhiều không thể kể hết đều phát ý đạo Vô Thượng chánh chân. Đó là việc thứ chín.

Lúc ở tại Cõi Trời Đâu Thuật, Bồ Tát nhập vào vô lượng các pháp đạo thuận hợp, phát ra ánh sáng trí tuệ, hiện ra ngần ấy hình sắc ở Thế Giới của Chư Phật trong mười phương, nhiều không thể lường tính. Bồ tát hiện ra các uy nghi, lễ tiết vô hạn, nhưng mỗi mỗi đều khác biệt.

Tùy lúc hành dụng, vì chúng sinh mà phân biệt, giảng nói ngần ấy thứ pháp, phân tách, dạy bảo tùy theo tâm niệm của chúng sinh, đều khiến họ thấu đạt được bản hạnh và chí nguyện. Đó là việc thứ mười. Như vậy là Bồ Tát ở tại Cõi Trời Đâu Thuật hiện bày mười việc, sau đó mới thị hiện sinh ở nhân gian.

Bồ Tát biến mất ở Trời Đâu Thuật cũng có mười việc.

Những gì là mười?

Ngay khi Bồ Tát ở tại cung Trời Đâu Thuật, có ánh sáng tên là An Ổn thanh tịnh. Ánh sáng ấy phát ra từ dưới bàn chân của Bồ Tát đều là đại ánh sáng tỏa chiếu đến cả tam thiên Thế Giới. Nơi đường ác, những kẻ gặp nạn ở ba đường dữ những chúng sinh gặp nguy ách ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh qua lại liên tục, nhưng vừa thấy ánh sáng này thì đều nhận được an lành, dứt các khổ hoạn.

Vừa được an ổn thì tâm họ tự nghĩ: Này các Hiền Giả! Có bậc dị nhân đến Thế Giới này, ở trong tối tăm nhìn thấy ánh sáng. Họ nhìn thấy nhau vừa mừng, vừa sợ. Đây là Bồ Tát thị hiện việc xả bỏ Cõi Trời Đâu Thuật. Đó là việc thứ nhất.

Lại nữa, ở tại Cõi Trời Đâu Thuật Bồ Tát có ánh sáng tên là Khuyến Trợ, từ khoảng giữa chân mày của Bồ Tát phóng ra soi khắp cả tam thiên Thế Giới, chiếu sáng các chốn hành hóa từ đời trước của Bồ Tát. Vừa diễn ra ánh sáng này, soi chiếu một ngàn cõi, thì việc thỉnh cầu Bồ Tát vừa xong.

Lúc đó, đức hạnh của Bồ Tát đã tròn đủ, xả bỏ Cõi Trời Đâu Thuật. Chư Thiên, long, thần tất cả cùng đến cúng dường Bồ Tát, thảy đều vui mừng và đều phát ý đạo. Đó là việc thứ hai.

Khi Bồ Tát ở tại Cõi Trời Đâu Thuật có ánh sáng tên là Tịnh Giới, phát xuất từ tay phải của Bồ Tát. Ánh sáng này lại diễn ra soi khắp cả tam thiên Thế Giới khiến các hàng Duyên Giác ở các cõi ấy đều thành tựu nghiêm tịnh, không cón các lậu. Tức thời ánh sáng ấy dời sang nước khác, những vị ở đó nếu chẳng dời theo thì liền xả bỏ thọ mạng và vào Bát Niết Bàn.

Các ngoại đạo dị học, phái lõa hình lộ thể mê hoặc nơi kiến chấp điên đảo cùng các loài chúng sinh cũng đều thấy ánh sáng kia dời đi, đặt ở phương khác. Thấy có sự dời đi ấy, là do thánh chỉ của Như Lai, cũng là khiến cho chúng sinh nhờ vào nhân duyên này nên thấy có sự khai hóa. Đó là việc thứ ba.

Lúc ở Cõi Trời Đâu Thuật, Bồ Tát có ánh sáng tên là Ly cấu hiển diệu, phát xuất từ thân của Bồ Tát, phóng ra ánh sáng ấy, soi xuống các Cõi Trời, rồi mới lên đến Trời hai mươi tư là A Ca Nị Trá.

Ở cung Trời Đâu Thuật, các Thiên Tử… mỗi mỗi đều tâm niệm: Hôm nay đức Bồ Tát bỏ Cõi Trời Đâu Thuật. Họ đều lo rầu, mỗi người đều cầm lấy hương hoa, hương đủ mùi, bột thơm, long báu lụa năm màu, cờ phướn… tấu lên âm nhạc, ca tụng công đức của Bồ Tát. Họ vừa tấu kỹ nhạc, vừa đi đến chỗ của Bồ Tát mà cúng dường, đều cúi đầu lễ kính, nguyện hết lòng phụng sự chẳng nghỉ ngơi, cho đến khi thành Phật Đạo, thị hiện đại diệt độ. Đó là việc thứ tư.

Lại nữa, này Tộc tánh tử! Khi ở tại Cõi Trời Đâu Thuật, Bồ Tát có ánh sáng tên là Mạc Năng Thắng Tràng. Vì trên đầu có mão khăn quấn thân thể đeo chuỗi ngọc, nên ở tâm tạng phát ra ánh sáng này. Ánh sáng từ trong đó hiện ra, soi khắp các vị Thần Kim Cang ở mười phương khiến họ đều đến tụ hội, nguyện hầu hạ sau lưng Bồ Tát, từ khi ngài thành Phật cho đến khi vào đại diệt độ. Đó là việc thứ năm.

Lại nữa, có ánh sáng tên là Giải Chúng Sinh. Lúc ấy, Bồ Tát từ các sợi lông nơi thân diễn ra ánh sáng này, soi tỏ khắp tam thiên Thế Giới.

Thân tướng sáng ngời của Bồ Tát chiếu soi tất cả cung điện nơi cõi người, Trời ngay khi ấy họ đều nghĩ: Bậc khai sĩ của chúng ta sẽ hóa độ chúng sinh, phụng kính Như Lai. Đó là việc thứ sáu.

Lại nữa, có ánh sáng tên là Tích Thiện Trụ, từ Đại Bảo Châu Tạng của Bồ Tát phát ra ánh sáng vô cực. Ngọc ánh sáng này hóa ra tòa điện lớn, đi đến cõi nước, nhà cửa, nơi sinh sống của Bồ Tát. Ánh sáng ở trong tòa nhà ấy chiếu tỏa đến các nhà cửa nơi các cõi, quận quốc, huyện ấp, châu thành, bang vực. Những kẻ đáng được hóa độ ở những nơi ấy cùng đến tụ hội, đều sinh ra ở các cõi ấy. Đó là việc thứ bảy.

Lại nữa, có ánh sáng tên là Phổ Nghiêm Cung. Ánh sáng này hiện ra thì Bồ Tát tức thời hiện ra đại bảo các điện cùng đại bảo điện Phổ Nghiêm Tịnh trụ ở thai mẹ, gần hông phải của người. Ánh sáng chiếu soi đến thì ngay khi ấy người mẹ kia được yên ổn khắp cả. Bồ Tát hộ trì thai mẹ là trụ nơi tất cả công đức huân tu. Bồ Tát ở trong cung đại bảo cung điện này mà du hóa. Đó là việc thứ tám.

Lại nữa, có ánh sáng tên là Đình Trụ, phát ra từ dưới lòng bàn chân của Bồ Tát. Các Thiên tử ở tại Dục Giới và các Phạm Thiên thường khởi tâm cung kính, phụng thờ Bồ Tát. Vì lúc mạng họ sắp hết đã thỉnh cầu Bồ Tát tiếp tục ở lại chỗ cũ.

Ánh sáng chiếu đến, tuy ở trên Cõi Trời đủ sức phụng thờ Như Lai, nhưng ánh sáng vừa soi đến thì các Thiên Tử đều được an trụ, không còn mạng chung nữa. Từ đó họ nguyện cúng dường Bồ Tát cho đến khi thành Phật, thị hiện đại diệt độ. Đó là việc thứ chín.

Lại nữa, có ánh sáng tên là Ngần Ấy Mắt, từ trong các tướng tốt của Bồ Tát phát ra. Khi phóng ra ánh sáng này thì hiện ra vô lượng công đức của chư vị trong chúng Bồ Tát mỗi mỗi đều biến hiện khác nhau. Chư Thiên, người kia từ xa thấy Bồ Tát trụ ở Trời Đâu Thuật, hoặc hiện xuống nhân gian vào thai mẹ, hoặc thấy mới sinh ra, hoặc thấy xuất gia, hoặc thấy thành phật, hoặc thấy chuyển pháp luân, hoặc thấy diệt độ…

Đó là mười việc. Bồ Tát ở tại Cõi Trời Đâu Thuật biến mất và sinh nơi thế gian.

Đó là mười thứ ánh sáng của Bồ Tát, hiển hiện đầy đủ vô số ức trăm ngàn ánh sáng phát ra từ giường nằm, tòa ngồi, lầu các, cung điện. Thị hiện vô số chủng loại hành nghiệp có thể hưng khởi của Bồ Tát, lồng lộng như thế làm cho đạo pháp luôn tròn đầy.

Bồ Tát nơi thai có mười việc.

Những gì là mười?

Nhằm khai hóa những chúng sinh chí trụ nơi Tiểu Thừa, mang tâm sợ hãi, kém cõi. Bồ Tát đều biết tâm niệm của hạng người này nên thị hiện nhập thai.

Hoặc sợ hạng người này phát ý nghĩ: Bồ Tát hóa sinh, gốc đức tự nhiên, chúng ta không thể học theo được! Do đó, Bồ Tát thị hiện nhập thai. Đó là việc thứ nhất.

Bồ Tát đều vì cha mẹ, thân thuộc từ đời trước xa xưa, vì bạn đồng học, môn đệ và các chúng sinh khác mà gieo trồng gốc đức, muốn hóa độ những người này nên thị hiện nhập thai. Hoặc có người từ đời trước đã tích đức, nên lúc ở trong thai ấy nhận được sự khai hóa. Đó là việc thứ hai.

Bồ Tát Đại Sĩ, tâm chưa từng vọng nghĩ về một sự yên ổn tự tại mà ý thường an định. Đó là việc thứ ba.

Như khi thị hiện ở thai mẹ, Bồ Tát giảng pháp cho Thánh chúng chưa từng đoạn mất. Các Bồ Tát, Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương đều đến tụ hội để Bồ Tát thị hiện vô số Thánh tuệ nhiều không thể kể, không bờ cõi. Ở trong thai, Bồ Tát hiển hiện những biện tài kỳ diệu liền độ thoát họ. Đó là việc thứ tư.

Như khi ở trong thai mẹ Bồ Tát đã tập hợp đại chúng cùng các bậc khai sĩ, và họ đều muốn vân tập đến. Vì bản thệ nhằm độ thoát họ nên Bồ Tát vì họ mà giảng nói pháp, khiến cho họ đều được giải thoát. Đó là việc thứ năm.

Lại nữa, muốn khai hóa dân chúng trong thế gian thành tựu quả vị Tối Chánh Giác, đầy đủ các đức, trang nghiêm Đạo Tràng nên Bồ Tát đã thị hiện sinh ra ở nhân gian. Đó là việc thứ sáu.

Bồ Tát tuy ở trong thai mẹ như thân Bồ Tát thị hiện khắp cả tam thiên Thế Giới, giống như trong gương sáng nhìn thấy các hình ảnh.

Chí của Bồ Tát nhiệm mầu nên những bậc học sĩ Đại Thừa, Chư Thiên, Long Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hầu Lặc, Nhân cùng Phi Nhân đều tâm niệm: Ta nên đến đảnh lễ, quy mạng, cúng dường Bồ Tát. Đó là việc thứ bảy.

Khi ở trong thai mẹ, Bồ Tát có đại Pháp Môn tên là Đại tuệ tạng. Pháp Môn ấy đi đến các Cõi Phật khác ở phương khác, rốt ráo đầy đủ, Bồ Tát ở trong thai đều cùng luận giảng. Do đó, nên khiến Bồtát hiện thân nhập vào thai mẹ. Đó là việc thứ tám.

Khi Bồ Tát thị hiện vào trong thai mẹ, có tam muội tên là Ly Cấu Tạng, nhờ nơi định lực mà được thành tựu, chẳng gần thai mẹ, tại Trời Đâu Thuật, vào nơi thanh tịnh nên trụ trong thai mẹ mà cũng không chỗ nhập. Đó là việc thứ chín.

Lại nữa, Như Lai Chí Chân có đại công đức tên là Ly Cấu Tạng Hoa, nên thấy việc phụng kính cúng dường Như Lai là các bậc Giác Phật. Khi ở trong thai mẹ, Thánh chỉ của Bồ Tát đều hiện hữu khắp mười phương. Vì bậc chân Đại Thánh và các chúng Bồ Tát đều có hạnh gọi là pháp giới tạng. Vì giảng giải giáo điển này nên nhập vào tuệ Vô cực. Bồ Tát nhờ đó, thị hiện sự đi ở bằng thập thiện vi diệu, kiến lập được an lạc lớn.

Bồ Tát có mười việc thị hiện an tường.

Những gì là mười?

1. Khi Bồ Tát nhập vào thai mẹ, từ lúc mới phát tâm cho đến khi hiện ở pháp nhất sinh bổ xứ, luôn thành tựu đầy đủ Phật Sự.

2. Như lúc vào thai mẹ, Bồ Tát lại tiếp tục thị hiện ở tại Cõi Trời Đâu Thuật.

3. Hoặc lại trở về hiện vào thai mẹ, rồi sinh ra.

4. Hoặc tại thai mẹ thị hiện trẻ thơ, không rời thai mẹ.

5. Thị hiện các thể nữ trong cung, hiển hiện nơi thai mẹ.

6. Lại thị hiện sinh ra, yên ổn nơi thai mẹ.

7. Thị hiện hạnh tinh tấn khổ nhọc. Hiện đi đến Đạo Tràng, ngồi nơi gốc cây, chứng đắc Chánh Giác của Phật.

8. Lại hiện ở thai mẹ mà chuyển pháp luân, ở trong thai mẹ hiện Diệt độ.

9. Vào trong thai mẹ, giảng dạy khuyến tiến hội nhập nơi đại đạo.

10. Tại chỗ dừng trong thai đó thị hiện đầy đủ các hạnh Bồ Tát, kiến lập đại đạo vô cực của Như Lai, làm rõ cửa đạo. Đó là Bồ Tát thị hiện mười hạnh an tường, tự tại.

Bồ Tát thị hiện sinh ra có mười việc.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát thông sáng, ý niệm an nhiên, hiện bày đời sống thanh tịnh hòa hợp.

2. Phát ra ánh sáng lớn chiếu soi khắp cả tam thiên Thế Giới.

3. Tối hậu rốt ráo, chẳng còn thọ sinh nữa, mà chỉ thị hiện sinh ra.

4. Không khởi, chẳng diệt nên gọi là sinh.

5. Suy nghĩ sự thọ sinh trong ba cõi giống như huyễn hóa.

6. Hiện thân sinh ra trong mười phương Thế Giới.

7. Thân ấy thị hiện đạt đến nhất thiết trí.

8. Đấng Như Lai chí chân diễn bày uy thần sáng chói để ban bảo cho tất cả chúng sinh nơi các cõi Bồ Tát đã tích lũy đại tuệ nơi tam muội Chánh thọ, sau đó mới sinh ra.

9. Bồ Tát vừa sinh ra đã làm chấn động nơi các Cõi Phật.

10. Khiến tâm các loài chúng sinh được hoan hỷ, trừ bỏ các đường ác, che lấp các ma sự.

Mỗi mỗi đều kinh ngạc nói: Hôm nay đức Bồ Tát từ cõi nào đến đây.

Đó là mười việc Bồ Tát thị hiện sinh ra.

Bồ Tát vi tiếu có mười việc.

Những gì là mười?

1. Quán sát thế tục do tham dục nên bị ràng buộc nên không thể vượt ra được. Chỉ mỗi sức của thân ta mới có thể làm được việc đó để khắng định điều ấy nên Bồ Tát mỉm cười vậy.

2. Người thế tục bị nhiều thứ phiền não mê hoặc mà tự cho là trí tuệ, nhưng không thể đạt được, nên Bồ Tát mỉm cười.

3. Kẻ tự đại, phóng dật mà tự cho mình là bậc vô thượng. Bồ Tát liền dùng Pháp Thân thị hiển thị điều then chốt lớn, hiện bày cả ba đời khiến họ đều phát sinh ý cầu đạt đến.

4. Mắt của các Bồ Tát không chỗ ngăn ngại, từ mười phương cõi đến cung Trời Phạm Thiên, cho đến Cõi Trời Đại Thần Diệu, đều quán sát được cả gốc ngọn và tự nghĩ: Các chúng sinh này đều bị phiền não cấu nhiễm, trí lực của Bồ Tát đều nhìn thấy rõ cả.

5. Bồ Tát lại thấy chúng sinh đời trước tích chứa gốc đức mà bị đọa lạc trở lại.

6. Thấy chúng sinh gieo trồng phước ít mà mong cầu quả báo vô lượng.

7. Thấy đạo bình đẳng giác chân chánh không hề hư vọng.

8. Quán sát thấy bạn hữu thuở xưa, kẻ đồng học từ trước, chí cầu đạo Bồ Tát, mỗi một đều tịnh tu nhưng chưa tròn Phật Pháp, chỉ riêng mình là đạt được.

9. Quán xét chỗ ở của Chư Thiên, loài người và ở chốn tối tăm, thấy họ chẳng hiểu được chánh pháp nhưng tâm Bồ Tát chẳng hề thoái chuyển, chẳng hề chán mệt.

10. Như Lai chí chân có phóng ra ánh sáng gọi là Đại Diêu An, luôn phát ra ánh sáng lớn tỏa chiếu.

Đó là mười việc vi tiếu của Bồ Tát.

***