Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN HAI MƯƠI
 

Bồ Tát Phổ Trí lại hỏi Bồ Tát Phổ Hiền:

Sao gọi là quán?

Sao gọi là quán sát rộng khắp?

Sao gọi là quyền biến?

Sao gọi là Sư Tử hống?

Sao gọi là thí tịnh?

Sao gọi là giới tịnh?

Sao gọi là nhẫn tịnh?

Sao gọi là tấn tịnh?

Sao gọi là thiền tịnh?

Sao gọi là trí tịnh?

Sao gọi là từ tịnh?

Sao gọi là bi tịnh?

Sao gọi là hộ xả tịnh?

Sao gọi là hộ tịnh?

Sao gọi là nghĩa?

Sao gọi là pháp?

Sao gọi là tích đức?

Sao gọi là tuệ nghiệp?

Sao gọi là thấu rõ?

Sao gọi là cầu pháp?

Sao gọi là hành pháp?

Sao gọi là phụng pháp?

Sao gọi là ma?

Sao gọi là ma nghiệp?

Sao gọi là thấy Phật?

Sao gọi là Phật Sự?

Sao gọi là tự đại?

Sao gọi là Thánh nghiệp?

Sao gọi là Bồ Tát bị ma mà giữ chặt?

Sao gọi là Phật kiến lập?

Sao gọi là pháp kiến lập?

Sao gọi là Cõi Trời Đâu thuật?

Sao gọi là trụ thai?

Sao gọi là Bồ Tát hiện bày sự an tường ấy?

Sao gọi là tu sinh?

Sao gọi là vui cười?

Sao gọi là đi bảy bước?

Sao gọi là hiện trẻ thơ?

Sao gọi là ở trong cung?

Sao gọi là bỏ nước lìa ngôi?

Sao gọi là siêng khổ hạnh?

Sao gọi là đi đến Đạo Tràng?

Sao gọi là ngồi dưới gốc cây?

Sao gọi là ngồi nơi gốc cây đạt đến pháp chưa từng có?

Sao gọi là hàng phục quân ma?

Sao gọi là thành Phật Đạo?

Sao gọi là chuyển pháp luân?

Sao gọi là chuyển pháp thanh bạch?

Sao gọi là Như Lai Chí Chân thủ đại diệt độ?

Bồ Tát Phổ Hiền đáp lời Bồ Tát Phổ Trí: Những câu hỏi thật có nghĩa! Tôi vì tất cả chúng hội một lần nữa trình bày về những nghĩa ấy.

Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe và khéo ghi nhớ.

Bồ Tát Phổ Trí cùng với đại chúng lắng nghe và thọ giáo.

Bồ Tát Phổ Hiền nói: Bồ Tát quán có mười việc.

Những gì là mười?

1. Quán chân đế, tạo lập thiện nghiệp.

2. Thấy sắc vi diệu thì đều thông đạt nguồn gốc của chúng.

3. Như xét về việc chết đi và thấy sự sinh ra cũng chẳng tham lam, dựa chấp.

4. Quán khắp chúng hội, thấy được các căn, phân biệt được các chúng để giáo hóa hàng độn căn.

5. Quán xét các pháp nhưng chẳng hủy hoại pháp giới.

6. Thấy các pháp, chứng được Phật nhãn, chứng được trí tuệ Thánh.

7. Tùy lúc thích hợp mà thuyết pháp nhẫn vô sở tùng sinh rốt ráo, thành tựu các pháp của Phật, được địa Không thoái chuyển.

8. Quán trừ các phiền não, những hoạn nạn của ba cõi, và tất cả con đường Thanh Văn, Duyên Giác.

9. Quán bậc Nhất sinh bổ xứ, ở trong pháp của Đức Phật luôn được tự tại.

10. Hiện pháp an vui khéo giải đạo ý, có thể thị hiện khắp tất cả mười phương.

Đó là mười việc quán của Bồ Tát.

Bồ Tát quán sát rộng khắp lại có mười việc.

Những gì là mười?

1. Thấy người đến cầu xin, không khởi tâm độc hại, tùy theo sở nguyện đều nhằm khiến họ vui lòng.

2. Nhìn thấy người phạm giới cấm thì nên kiến lập giới nơi nhất thiết trí.

3. Thấy các chúng sinh mang ý sân hận thì hiện bày sự nhẫn nhục, đem lòng từ bi của Phật mà khuyên bảo, sách tấn.

4. Thấy kẻ biếng nhác thì dùng hạnh chẳng lìa mà khuyến trợ, khiến họ học theo Đại Thừa.

5. Nhìn thấy kẻ lạc tâm thì giáo hóa, kiến lập, chẳng cho bỏ quên giác địa và các thông tuệ sáng suốt.

6. Quán sát người ác, trí chưa từng hủy bỏ các tà kiến thì khiến họ diệt trừ không còn ác kiến.

7. Đem sự quán sát chân chánh của thiện hữu và sở học nơi Như Lai, kiến lập pháp Phật đúng như kinh đã nghe.

8. Quán xét nguồn gốc ấy để tu theo nghĩa vô thượng.

9. Nhìn thấy chúng sinh khổ não, hiển thị đại bi.

10. Lãnh hội pháp của Chư Phật, chứng đạt các thông tuệ sáng tỏ của Bậc Chánh Giác.

Đó là mười việc quán sát rộng khắp của Bồ Tát.

Bồ Tát quyền biến có mười việc.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát như voi quý co duỗi, Chư Thiên, Long, Thần, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hầu Lặc… tất cả chúng hội không ai bì kịp.

2. Như Long tượng có sức chở lớn, tâm muốn thay cho chúng sinh nên đảm nhận gánh nặng.

3. Như Long vương đùn mây tuôn mưa, bùng chớp sáng lòa, phát ra tiếng sấm chân chánh: Năm căn, năm lực, bảy giác ý, thiền duyệt tam muội, tưới nước cam lộ, mưa pháp rải khắp.

4. Như Phượng hoàng vương ẩn hiện, Bồ Tát dứt trừ sạch các thứ vô minh, ngu tối, vào sâu tận cội nguồn, tát khô suối ái dục, cứu độ chúng sinh ra khỏi các chốn uế tạp, đôc hại của phiền não, xóa bỏ các tì vết của tâm dục.

5. Như Sư Tử tiến lui đúng cách. Bồ Tát dùng lưỡi kiếm lìa sợ hãi, lưỡi kiếm đại tuệ… ở trong đại chúng, hàng phục các học thuyết ngoại đạo.

6. Dũng mãnh quyền biến trừ bỏ các oán địch, ái dục cấu nhiễm, những tối tăm uế tạp như vị đại tướng hàng phục kẻ địch hung dữ.

7. Thánh tuệ quyền biến dứt bỏ năm uẩn, bốn đại, các nhập, mười hai nhân duyên, làm cho chúng chẳng còn hiện hành nêu trí tuệ hiển hiện pháp tôn quý…

8. Tổng trì quyền biến nên tâm ý hội nhập mạnh mẽ. Tất cả đều được nghe liền có thể thọ trì và vì người khác thuyết giảng.

9. Biện tài quyền biến nên ứng cơ luôn thuận hợp, diễn nói vô lượng chương câu, phân biệt, ban tuyên, không hề bị ngăn ngại, có thể tạo mọi an vui cho chúng sinh, không tổn hại gốc ngọn rốt ráo.

10. Như Đức Phật quyền biến ngồi nơi tòa Sư Tử thù thắng, hàng phục bọn ma, đầy đủ Phổ Trí và các thông tuệ sáng tỏ. Trong giây lát, nhất tâm ứng bình đẳng, thành tựu trí tuệ, làm Đấng Tối Chánh Giác. Thảy đều sáng rõ, hộ trì và thành tựu đúng như ý nguyện, đạt đến đạo Vô Thượng chánh chân.

Đó là mười việc quyền biến của Bồ Tát.

Tiếng Sư Tử gầm của Bồ Tát có mười việc.

Những gì là mười?

1. Ta sẽ thành Phật, thành tựu Thánh đạo để gầm vang tiếng Đại Sư Tử.

2. Độ kẻ chưa độ, cứu người chưa được cứu, làm an ổn những kẻ chưa an ổn, đối với bậc vô vi thì khuyến thủ Niết Bàn, thương xót chúng sinh.

3. Lời dạy của Phật, điều ngăn cấm của giới pháp, lời giáo huấn của Thánh chúng thuận theo, chẳng hề trái phạm.

4. Ở chỗ Đức Như Lai luôn dùng thệ nguyện kiên cố làm thanh tịnh các Cõi Phật, thông đạt hết thảy.

5. Cẩn thận nơi giới cấm, trừ các đường ác, khiến tất cả đều tiêu sạch. Đó là tiếng gầm Sư Tử.

6. Ba nghiệp trọn đủ hướng tướng tốt trang nghiêm của Phật, cầu các công đức không cảm thấy chán đủ.

7. Đầy đủ Phật tuệ, mến mộ Thánh minh mà chẳng hề lười nhác, mệt mỏi.

8. Hàng phục quân ma khiến không có việc tổn hại, phụng hạnh chánh chân, trừ bỏ các nghiệp phiền não.

9. Kiến giải các pháp là không ngã, không nhân, không thọ mạng với ba ấn tâm là không, vô tướng, vô nguyện nên tâm như hư không. Thanh tịnh không cấu uế, tức thời hiểu rõ các Kinh Điển, có thể chứng được pháp nhẫn vô sở tùng sinh. Đó là tiếng gầm Sư Tử.

10. Bồ Tát thanh tịnh, rốt ráo tột cùng, hiện uy quang cảm ứng nơi cảnh giới của Chư Phật chỉ dạy cho các Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương, rộng nói về chỗ thấy, về việc sinh mà chưa từng sinh. Dùng đại tuệ vô cực, vô hạn để quán kỹ về giác ý. Đã thành đạo quả vô thượng chánh chân, dứt mọi chỗ nhận nên rất hoan hỷ.

Lại đi bảy bước, nói: Ta xuất hiện nơi thế gian là bậc tôn quý tối thượng, ta phải trừ diệt sinh lão bệnh tử khổ của chúng sinh. Hành như lời nói là tiếng gầm Sư Tử.

Đó là mười tiếng Sư Tử gầm rống của Bồ Tát.

Thí thanh tịnh của Bồ Tát có mười việc.

Những gì là mười?

1. Bình đẳng bố thí cho chúng sinh, tâm không thiên lệch bè nhóm.

2. Tùy theo sự ưa thích của mỗi người mà bố thí cho họ.

3. Đầy đủ các nguyện, bố thí chẳng dứt bỏ tâm bi.

4. Bố thí hợp lúc vì rõ được chỗ gốc ngọn của mọi người.

5. Không cầu nên bố thí tức lìa khỏi sự ngưng trệ.

6. Giỏi thi hành bố thí nên đều xả bỏ chỗ ái kiến trong tâm.

7. Bố thí chẳng tiếc tất cả sở hữu trong ngoài, nên luôn yêu thích.

8. Thanh tịnh rốt ráo đối với vật ban cho.

9. Đã bố thí nên khuyến trợ Phật Đạo, bỏ đi hữu vi mà thí vô vi. Khai hóa những kẻ đó nên chỗ bố thí và người bố thí khiến đều đạt đến chỗ rốt ráo thông suốt, thành tựu Đạo Tràng.

10. Bố thí thanh tịnh ba nghiệp nên nghĩ đến các pháp: Người bố thí, kẻ thọ thí, chỗ bố thí đều bình đẳng như hư không.

Đó là mười việc tịnh thí của Bồ Tát. Nếu an trụ ở đấy thì Bồ Tát chứng được đại thí Vô thượng của Như Lai.

Giới thanh tịnh của Bồ Tát có mười việc.

Những gì là mười?

1. Thân hành thanh tịnh thì hộ trì được cả ba việc của thân.

2. Miệng nói lời thanh tịnh nên trừ bỏ được bốn lỗi lầm của miệng.

3. Xả bỏ ba sự cấu uế của tâm thì không sân hận, si mê.

4. Nuôi dưỡng giới cấm nên tất cả không phạm.

5. Thấy kẻ có lỗi thì tùy thời tạo mọi an tâm cho họ.

6. Tiêu trừ tham dục, dứt bỏ sân hận, ngu si, tối tăm nên đức ấy chiếu sáng từ trên Trời đến thế gian.

7. Giữ gìn tâm đạo, vui nghĩ nơi đại thừa, phụng thờ các Đức Như Lai, dốc học theo Thánh Giáo.

8. Thuận theo luật cấm, giữ giới tĩnh lặng nên trừ được các lỗi lầm, tai ương của chúng sinh.

9. Xa lìa các ác, thuận theo các gốc đức, đoạn tuyệt các tà kiến.

10. Không vì giới cấm mà sinh tâm tự đại, phải an ủi dưỡng dục muôn loài, tuân theo lực đại bi.

Đó là mười giới thanh tịnh của Bồ Tát.

Nhẫn tịnh của Bồ Tát có mười việc.

Những gì là mười?

1. Nếu có người mắng nhiếc còn thêm lời thô ác thì lặng thinh không đáp lại. Đó là nhẫn thanh tịnh, cũng là hộ trì chúng sinh.

2. Nếu họ dùng gạch đá quăng ném, dao gậy đánh thân, nên nhẫn chịu chẳng đáp lại tức đã hộ trì được người và mình vậy.

3. Nếu có kẻ giận dữ đối với mình thì vẫn thương xót họ vì bản tính không hại.

4. Nếu có người khinh chê mà chẳng hề thì chẳng hề khởi tâm ác, đồng thời còn sáng suốt nhận lãnh.

5. Nếu có kẻ thuận theo về nên có thể chấp thuận cho họ.

6. Thà mất thân mạng chứ không trái bỏ pháp nhẫn.

7. Dứt bỏ tự đại, chẳng khinh kẻ chưa học, chẳng tham thân mình, xem như hư không.

8. Quán nhẫn như huyễn, hướng về việc ác nơi các cõi, tâm chẳng mang ác hại, không có tư tưởng ta, người.

9. Thuận theo phiền não để tiêu trừ các độc hại.

10. Các tuệ của Bồ Tát, từ nơi nhẫn nhục nhu hòa, hưng hiển, diệt hết tất cả các pháp xấu ác. Những cảnh giới thông tuệ, phàm nhân không biết ngưỡng mộ.

Đó là mười pháp nhẫn thanh tịnh của Bồ Tát.

***