Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN HAI MƯƠI NĂM
 

Bồ Tát đi bảy bước có mười việc.

Những gì là mười?

1. Lúc ấy, Bồ Tát tự thị hiện trẻ thơ.

2. Bước đi bảy bước để biểu thị có bảy thánh tài, hiển bày sự thù thắng.

3. Muốn làm cho sở nguyện của Địa Thần được đầy đủ.

4. Tự thị hiện công đức ấy siêu việt ba cõi, một mình bước đi không ai sánh cùng.

5. Bồ Tát đi như Long Vương, đứng như Tượng Vương, cử động tiến dừng như Sư Tử cất bước.

6. Các chỗ đi đến, qua lại, bước đi của Bồ Tát chuyển động cùng khắp và đều vượt hơn tất cả, khi ấy thì đất Trời biến thành Kim Cương.

7. Hàng phàm phu không đủ sức nhận lãnh công việc nâng đỡ, giữ gìn nên Bồ Tát an ủi chỉ dẫn cho tất cả chúng sinh bằng bước đi bảy bước.

8. Lại nữa, tất cả mọi người chẳng lý giải được nghĩa đạo nên Bồ Tát bước đi bảy bước ứng với bảy giác ý.

9. Bước đi bảy bước để giác ngộ những người chưa được giác ngộ, khiến họ đạt đến chánh pháp, không chỗ dựa nương.

10. Ta ở đời là bậc tôn quý, trì tuệ không ai hơn và miệng tự nói lên: Trên Trời, dưới đất ta sẽ hóa độ tất cả.

Đó là mười việc đi bảy bước của Bồ Tát.

Bồ Tát hiện bày trẻ thơ lại có mười việc.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát đều biết chú giải sách vở, toán số kỹ thuật, biết chỗ cần tùy nghi ứng phó, ngôn tư đối đáp, không có gì là không thông đạt nên lấy việc này hiển bày với mọi người.

2. Lại nữa, Bồ Tát thị hiện sự lên ngựa, cỡi voi, cỡi xe đi lại, hiện chú thuật thần tiên… so với mọi người thì siêu việt khác thường.

3. Kỹ nhạc, ca múa vui chơi, tranh tài, Bồ Tát cũng đều siêu quần bạt chúng.

4. Thân, miệng, ý của Bồ Tát thị hiện có tội phước mà không có tai ương.

5. Bồ Tát dùng tam muội Chánh thọ vô kiêu mạn hiện bày khắp các Thế Giới của Chư Phật nhiều vô lượng để khai hóa chúng sinh hiện ở đó.

6. Bồ Tát hiển hiện công đức trí tuệ vượt hẳn các hàng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hầu Lặc, Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương và tất cả đều đến quy mạng Bồtát.

7. Lại nữa, Bồ Tát tự thị hiện sắc mạo, hình tướng của Đế Thích, Phạm Vương và Tứ Thiên Vương, lại dùng dung mạo của Bồ Tát để tự thị hiện, hiển bày đạo nghiệp của mình.

8. Bồ Tát thị hiện ở chúng sinh mỗi mỗi đều khác. Như có các chúng sinh tham tắm ái dục, thích vui đùa hoặc lại có chúng sinh sầu lo, loạn động thì Bồ Tát sẽ vì họ thị hiện sự hoan hỷ thuận hợp khiến họ yêu thích pháp.

9. Bồ Tát thường dùng pháp hội tạo lợi ích lớn tăng thêm sự phụng kính Như Lai. Nhìn thấy khắp mười phương bằng ánh sáng của pháp, dùng uy thần của Như Lai để thị hiện sự an lành, hòa hợp, vắng lặng.

10. Vì hóa độ chúng sinh nên Bồ Tát thị hiện hình tướng trẻ thơ ở tại hậu cung để cứu giúp được nhiều.

Bồ Tát thị hiện nơi hoàng cung, ở chỗ các thể nữ lại có mười việc.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát với họ từ đời trước vốn là chỗ đồng học, nên Bồ Tát muốn hóa độ những chúng sinh này.

2. Vì hiển bày gốc đức nên Bồ Tát hiện ở hậu cung.

3. Bồ Tát lại vì những người muốn vun trồng gốc đức nên phải ra sức cứu tế vì thế đã hiện ra ở hậu cung.

4. Vì Chư Thiên, người đời kiêu mạn buông lung, hạng giàu sang quyền quý mà hàng phục, Bồ Tát nhân đấy cũng thị hiện sinh nơi vương cung cao quý đề hàng phục hóa độ họ.

5. Tại đời năm ô trược, tùy lúc dẫn dắt tiến lên, hóa độ đưa đến Cõi Phật.

6. Tuy ở trong cung nhưng chẳng phế bỏ tam muội, uy lực vô song.

7. Chúng sinh từ thuở xưa đã hưng lập thệ nguyện, Bồ Tát muốn làm cho được như ý nên hiện ra ở hậu cung.

8. Nhằm khiến cho cha mẹ, gia thất, thân thuộc, bản nguyện được tròn đủ, nên Bồ Tát dùng đại pháp âm, các thứ kỹ nhạc ca vịnh, đàn địch… phụng kính cúng dường Đức Như Lai chí chân để làm cho họ được thành tựu.

9. Lúc đó, Bồ Tát ở tại hậu cung đã tỏ ngộ và thành tựu Phật Đạo, định ý chẳng lay động.

10. Từ đầu đến cuối là Bồ Tát thành Tối Chánh Giác, chuyển pháp luân vào đại diệt độ, vì vậy Bồ Tát thị hiện, dùng pháp để hộ trì, cứu vớt bao nhiêu khổ ách, khiến chúng sinh vào với đại đạo.

Đó là Bồ Tát thị hiện ở tại hậu cung tối hậu rốt ráo sau cùng, bỏ nước nhường ngôi, vào núi đắc đạo.

Bồ Tát xả bỏ cõi nước lại có mười việc.

Những gì là mười?

1. Biểu thị việc chán bỏ trần dục nên hiện bày sự xuất gia.

2. Thấy ở thế tục nhiều sự cấu nhiễm tham chấp, nhằm khiến mọi người không bị đắm chìm nơi uế trược, nên hiển hiện đạo lý nhu hòa thuận hợp của Hiền Thánh chánh chân.

3. Bồ Tát vào trong hành nghiệp để nhằm thông suốt đạo hóa độ, khen ngợi đức xuất gia.

4. Dùng phương tiện quyền xảo, thị hiện ở cõi nhị biên, đi vào các nghi và sáu mươi hai thứ tà kiến để cứu vớt những chúng sinh ở đấy.

5. Chúng sinh tham dục, thiết tha muốn được an lạc, Bồ Tát vì họ thị hiện các nạn để họ từ bỏ tư tưởng ỷ lại vào an ổn.

6. Vì những kẻ đắm chấp ở ba cõi và các loài mãi lưu chuyển, trôi nổi trong sáu đường, nên trước hết Bồ Tát thị hiện sự xuất gia.

7. Tâm của cá chúng sinh kia luôn dấy động, không có chỗ nương dựa quy ngưỡng, luôn duyên nơi cảnh trần nên Bồ Tát thị hịện xuất gia.

8. Lại thị hiện chứng đắc mười lực, bốn vô sở uý của Như Lai.

9. Tùy lúc giáo hóa, rốt ráo tối hậu.

10. Sẽ được thành Phật, ấy là điều hẳn nhiên.

Đó là mười việc bỏ nước, nhường ngôi của Bồ Tát.

Bồ Tát hiện hạnh cần khổ lại có mười việc.

Những gì là mười?

1. Muốn khai hóa hàng tiểu thừa nên Bồ Tát thị hiện sáu năm chuyên tu khổ hạnh, ngày chỉ ăn một hạt mè hạt gạo.

2. Bồ Tát lại muốn chuyển hóa sáu mươi hai thứ tà kiến để vì những hàng chúng sinh thất đức, chỉ bày về nghiệp báo, tội phước cho họ.

3. Bồ Tát cũng nhằm hóa độ Thế Giới tạp uế, mê lầm.

4. Tùy thời khuyên bảo, dẫn dắt, nên thị hiện sự lao khổ hoạn nạn của mình.

5. Có thể chế ngự tham dục nơi các căn mà hiển bày hai thứ nghiệp duyên.

6. Nhờ đó nên nhận được pháp chân đế, các pháp tham chấp ái dục được chuyển hóa tạo sự an lạc cho bản thân.

7. Đối với những chúng sinh rong ruổi theo trần cảnh thì Bồ Tát khiến họ tịnh tâm.

8. Lại nữa, Bồ Tát thị hiện về chí đạo tinh tấn cần khổ.

9. Sẽ được thành Phật nơi chân tướng sau cùng, nên hiển bày sự không thọ sinh trở lại.

10. Vì nhờ tinh tấn nên khiến cho Chư Thiên, loài người căn tánh chưa thuần thục và những kẻ ngoại đạo, dị học phải tuân theo sự chỉ giáo. Đó là Bồ Tát thị hiện khổ hạnh có mười việc.

Bồ Tát đi đến Đạo Tràng lại có mười việc.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát phát ra ánh sáng lớn soi khắp mười phương khiến mọi người biết được nên đi đến gốc cây Bồ Đề.

2. Bồ Tát muốn tạo sự cảm ứng nơi các cõi nước Phật nên hiển bày thân mình, làm cho khắp các Cõi Phật cũng đều thấy biết.

3. Lại nữa, Bồ Tát thị hiện thông suốt những chỗ hành hóa từ đời trước khiến cho các Bồ Tát và chúng sinh đều đến chỗ ấy đảnh lễ, thọ học.

4. Bồ Tát thị hiện ngồi nơi gốc cây ở Đạo Tràng ấy.

5. Tạo sự trang nghiêm thanh tịnh, tùy theo căn cơ của mọi người.

6. Tùy thời hiện thân, uy nghi, lễ tiết đầy đủ nơi Đạo Tràng vắng lặng.

7. Khiến cho mỗi mỗi Như Lai chí chân trong các Thế Giới đều tự hiện thân.

8. Hiện rõ Chư Phật khi kinh hành, cất bước hạ chân, thường tu tam muội, chẳng rời định ý, thấu tỏ Thánh đạo.

9. Bồ Tát đi đến Đạo Tràng trong chốc lát thì tất cả Chư Thiên, Long Vương, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hầu Lặc, Đế Thích, Phạm Thiên và Tứ Thiên Vương đều hiện đến phụng kính, mọi người thấy thế nên thảy đều phát tâm cầu đạt đại tuệ vô ngại.

10. Chốn hành của Bồ Tát quán sát mười phương, nghĩ đến các Đức Như Lai, hiểu hết mọi phương diện, ở tại các cõi nước hiện thành Chánh Giác.

Đó là Bồ Tát tát hiện đến Đạo Tràng.

Bồ Tát ngồi nơi gốc cây Phật lại có mười việc.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát dùng vô số việc tạo sự cảm ứng nơi các Cõi Phật nên ngồi nơi cội cây.

2. Bồ Tát muốn soi sáng khắp mười phương Thế Giới.

3. Nhằm tiêu trừ hết tất cả các đường ác.

4. Bồ Tát cũng muốn kiến lập tất cả các cảnh giới đều là Kim Cang.

5. Quán sát các Đức Như Lai ngồi trên tòa Sư Tử.

6. Hiện bày chỗ tư niệm của tâm bình đẳng như hư không.

7. Hiện thân uy nghi đều phải tùy lúc.

8. Hướng về Đạo Tràng Kim Cang Tam Muội.

9. Là chỗ dừng bước của các Đức Như Lai, thọ nhận sự thanh tịnh và tự thừa kế oai lực của Chư Phật.

10. Lấy gốc đức làm mục đích để an lập cho tất cả chúng sinh. Đó là mười việc ngồi nơi cội cây của Bồ Tát.

Bồ Tát ngồi ở Đạo Tràng có mười điều đạt đến sự chưa từng có.

Những gì là mười?

Khi ngồi dưới cây Phật, Bồ Tát đạt đến pháp an nhiên chưa từng có. Các Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác trong mười phương Thế Giới đều hiện bày hình tướng nơi trước mặt, đưa bàn tay phải, đều tự khen ngợi, tức khiến cho bậc Đại Sư có được sự thù thắng chính là pháp bậc nhất chưa từng có. Đó là việc thứ nhất.

Như lúc Bồ Tát ngồi nơi cội cây Bồ Đề thì tất cả Chư Phật đều nghĩ đến và đều hiện uy thần đi đến. Đó là việc thứ hai.

Khi ngồi nơi cội cây Bồ Đề, các Bồ Tát đồng học từ thuở xưa đều cùng đến vây quanh hộ vệ, trụ vào cửa định ý đem vô số vật cúng dường Bồ Tát. Đó là việc thứ ba.

Khi ngồi nơi cội cây Bồ Đề thì cỏ cây, hoa trái và các thảo dược của mười phương Thế Giới, tuy không có thần thức nhưng đều tự nhiên cúi mình. Chúng đều cùng cúi mình hướng về cây Bồ Đề mà đảnh lễ. Đó là việc thứ tư.

Bồ Tát có định ý lớn tên là Tích Pháp Giới, siêu việt tất cả các hạnh Bồ Tát. Giả sử khi chứng được định ý này thì ánh sáng của công đức ấy vượt tất cả các bậc Khai sĩ. Đó là việc thứ năm.

Vào lúc Bồ Tát kiến lập Đạo Tràng Tổng trì thân hải tạng ly cấu quang diệu thì khiến các Đức Như Lai xiển dương mưa pháp lớn. Đó là việc thứ sáu, tức dùng pháp độ của đỉnh nhu hòa thuận hợp.

Bồ Tát ngồi nơi Đạo Tràng cúng dường các Đức Như Lai, đi khắp các cõi nước, không trụ xứ nào mà chẳng đến. Đó là việc thứ bảy.

Khi Bồ Tát ngồi nơi cội cây Bồ Đề thì hành nghiệp ấy cũng như trí tuệ của bậc Khai sĩ đã thấy khắp cội rễ việc làm và tâm niệm của tất cả chúng sinh. Đó là việc thứ tám.

Khi ngồi nơi cội cây Bồ Đề, Bồ Tát tự nhiên khéo đạt đến định giác của Phật thánh. Vừa được định ấy tức biết được vô lượng sự việc cùng khắp nơi ba đời, giống như hư không. Đó là việc thứ chín.

Khi ngồi nơi cội cây Bồ Đề, Bồ Tát dùng thân mình biết rõ được ba đời. Đại thánh tuệ không ai sánh bằng ấy phóng ra ánh sáng lìa cấu uế.

Đó là mười sự kiện pháp chưa từng có.

Bồ Tát hàng phục cung ma, hàng phục quyến thuộc ma có mười việc.

Những gì là mười?

1. Chúng sinh đồng cảnh trần, buộc vào chốn hoạn nạn sinh tử của thế tục, không ưa chiến đấu để diệt trừ phiền não nên Bồ Tát thị hiện đại uy lực hàng phục quân ma và quyến thuộc của chúng.

2. Đới với Chư Thiên và người đời thuộc loại cao ngạo, cầu danh, Bồ Tát muốn vì họ đoạn trừ nạn tự đại.

3. Đức Phật muốn hàng phục khai hóa quân ma và binh chúng khiến Chư Thiên, muôn dân, cùng nhau vui vẻ đều đến tụ hội, nhân đấy Bồ Tát hóa độ họ.

4. Uy lực của Bồ Tát thật là vô thượng.

5. Cũng nhằm hiển hiện, khiến cho mọi người nhận biết, cũng nhằm khuyến khích, tạo an vui cho tất cả chúng sinh.

6. Hiển bày lợi lạc ấy cũng là nhằm thể hiện sự thương xót đến thế nhân trong đời vị lai.

7. Ở nơi cội cây Bồ Đề, khi hàng phục quân ma, Bồ Tát đều vượt qua các cảnh giới ma, không có trần dục, không có lực mà chẳng phải không có lực.

8. Nhìn thấy các lực yếu kém nên Bồ Tát thị hiện gốc đức, hiển bày diệu lực của tâm Từ.

9. Hàng phục quân ma và quyến thuộc, tùy lúc khuyến khích tạo sự an lạc.

10. Ái dục, phiền não, tham sân nơi thế gian thì dùng đạo pháp để chuyển hóa. Quán được mười nghĩa này nên Bồ Tát đã hàng phục quân ma và quyến thuộc của chúng.

***