Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN HAI MƯƠI SÁU
 

Bồ Tát thành Tối Chánh Giác thị hiện uy lực của Như Lai cũng có mười việc.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát có thể hàng phục các nghiệp ma, phiền não cấu uế.

2. Đầy đủ hạnh Bồ Tát, ưa thích tất cả định ý của các Bồ Tát luôn tự lấy làm vui.

3. Vượt lên trên cảnh giới Thánh tuệ của các bậc khai sĩ, nên Bồ Tát thành tựu rốt ráo các pháp thanh tịnh cùng tất cả các hạnh nghĩa.

4. Vì các thế gian nên Bồ Tát khéo hành tư duy.

5. Thân Bồ Tát biến khắp mười phương Thế Giới, diễn ra âm hưởng giác ngộ.

6. Tâm bình đẳng đối với chúng sinh, đều hiện rõ uy thần mà kiến lập cho họ.

7. Các Đức Phật Như Lai chí chân quá khứ, vị lai và hiện tại với thân, miệng, ý… đều không vọng tưởng, nên trong một lúc cùng đạt thấu tỏ cả ba đời.

8. Bồ Tát có Tam Muội tên là Thiện Giác Giác Ý.

9. Khi được Định ấy thì nhập vào mười lực của Đức Phật.

10. Bồ Tát có thể hưng khởi lực này thì nơi nơi đều có lực, đến được Tuệ lậu tận.

Đó là mười lực của Như Lai tạo thành đạo quả Tối Chánh Giác của Bồ Tát.

Khi Bồ Tát an trú nơi lực này thì Chư Phật khắp các cõi cùng nói: Như Lai đã thành Chánh Giác.

Đức Như Lai Chí chân dùng mười phẩm để chuyển bánh xe pháp.

Những gì là mười?

1. Đạt đến bốn vô sở úy, vào tuệ thanh tịnh.

2. Thông suốt âm thanh của tuệ và bốn biện tài.

3. Lại khéo biết rõ nên vượt qua bốn đế.

4. Hành hóa ở cửa giải thoát Chánh Giác vô ngại.

5. Tâm quảng đại, thương nghĩ về tất cả chúng sinh.

6. Tiêu trừ những thứ khổ nạn bức bách mọi lo âu, sầu não, các oan uổng bất như ý.

7. Bồ Tát chẳng trái với tâm từ bi vô hạn nơi thuở xưa.

8. Hiện bày ngôn từ thanh tịnh, hòa ái khắp mười phương Thế Giới.

9. Ở trong vô số kiếp, Bồ Tát đã ban tuyên Kinh Pháp không hề cho là mệt nhọc.

10. Bồ Tát khéo phân biệt, biết rõ các căn, lực, giác ý, nhất tâm, môn giải thoát, thiền định chánh thọ.

Đó là mười phẩm lúc Bồ Tát thành Chánh Giác dùng vô lượng nghĩa để chuyển bánh xe pháp.

Đã thành tựu Đấng Như Lai Chánh Chân Đẳng Chánh Giác, chuyển bánh xe pháp thì dùng mười pháp thanh tịnh, quán thấy tâm chúng sinh luôn lo an động không tĩnh nên làm cho tâm họ thường được hỷ lạc.

Những gì là mười pháp?

1. Đạt đến uy lực theo sở nguyện của túc mạng từ đời trước, chẳng trái với bản thệ.

2. Uy thần được kiến lập, hiện rõ đại bi vô cực, chẳng bỏ chúng sinh nên luôn cứu độ họ.

3. Hưng hiển Thánh tuệ, vì chúng sinh mà thuyết pháp.

4. Tùy lúc kiến lập để dẫn dạy.

5. Đúng thời khiến chúng sinh trừ bỏ kết sử.

6. Có được trí tuệ vô lậu, thông tỏ ba đời.

7. Nẻo hành hóa của thân vĩnh viễn không chỗ tạo tác.

8. Chỗ giảng nói của ý không có hình ảnh của tưởng chấp.

9. Đã hoàn toàn thông suốt.

10. Tùy theo âm thanh liền được thấu hiểu.

Đó là mười việc về pháp thanh tịnh, chuyển pháp luân.

Đức Như Lai Chí Chân vì hành hóa Phật Sự, Bồ Tát quán thấy mười nghĩa thị hiện đại diệt độ.

Những gì là mười?

1. Thường vì chúng sinh thị hiện luôn xét kỹ về vô thường.

2. Tất cả Thế Giới hữu vi chỉ rõ như sự hô hấp.

3. Đạt đến chốn vô vi yên ổn đích thực, trừ hết mọi lo sợ.

4. Chư Thiên và muôn dân đều mang sắc thân nên thị hiện sắc thân vô thường như vậy.

5. Pháp thân thường còn, nhưng vì phân biệt nên có hợp, có tan.

6. Thế Giới hữu vi phút chốc qua đi, không cố định.

7. Tất cả nơi ba cõi giống như huyễn hóa, các tưởng mong manh.

8. Chỉ có pháp vô vi là bền chắc, là biểu hiện đạo của pháp, không có hủy hoại.

9. Các tập biệt ly đều không chỗ thành, là biểu hiện sự hư nát, pháp tự ứng hiện như vậy.

10. Sự hành Phật Sự của các Đức Phật, Thế Tôn đều đã đầy đủ, các vị khéo chuyển pháp luân, giải trừ nghi hoặc khiến cho chúng sinh tuân theo luật, giáo, thọ ký cho Bồ Tát, không có tiến thoái, tu Đại diệt độ.

Đó là mười nghĩa quán về Như Lai chí chân chọn lấy diệt độ, không có biến mất.

Bồ Tát Phổ Hiền lại nói: Này Phật Tử! Đó là Bồ Tát hành đại pháp môn của đạo thanh tịnh. Tôi nay đã giảng nói ý nghĩa chính yếu của pháp môn, tạm nêu một cách sơ lược. Thật ra, nghĩa lý nơi sự ban tuyên của Đức Như Lai chí chân thì không thể hạn lượng, luôn tạo an vui cho những người minh trí.

Các hạnh Bồ Tát, đều luôn hành theo đại nguyện, chưa từng đoạn tuyệt. Giả sử có người nghe, hoan hỷ tin theo, rồi theo tâm tin chắc này tu tập, phụng hành thì thành tựu nghĩa ấy và đều sẽ mau chóng đạt đến đạo vô thượng chánh chân, làm đấng Tối Chánh Giác.

Vì sao?

Vì nói đến đạo Bồ Tát thì lấy sự hành trì làm cốt yếu, chưa từng lìa khỏi sự hành hóa. Vậy nên Bồ Tát Đại Sĩ phải trụ ở hạnh của mình có thể hành trì theo công đức này của Bồ Tát, hội nhập vào nghĩa phân biệt thanh tịnh đẹp như hoa sen, liền có thể được vào tất cả pháp môn của cõi Thánh vô cực của tất cả pháp môn, đi vào con đường độ thế, lìa khỏi con đường của hàng Thanh Văn, Duyên Giác vậy.

Bồ Tát hóa độ các chúng sinh không mang tâm nhỏ hẹp, chiếu soi tất cả pháp môn của Kinh Pháp, khuyến khích chúng sinh khiến họ có thêm lợi lạc lớn.

Pháp Môn độ thế phải chí tâm nghe lãnh hội pháp phẩm độ thế, thọ trì đọc tụng, nhất tâm tư duy, tu môn đạo nhãn, tuân theo sở nguyện. Đã tu tập hành trì như thế thì sở cầu của Bồ Tát nhất định sẽ dễ thành tựu, mau chóng thành đạo vô thượng chánh chân.

Khi giảng nói kinh này xong, giảng nói pháp môn, diễn nêu pháp phẩm Độ thế thì mười phương vô lượng, Thế Giới của Chư Phật không thể tính kể đều chấn động lớn, đều là sự hưng khởi hóa hiện nơi uy thần của Chư Phật. Giảng nói đến pháp này, được Kinh Điển này thì tất cả Cõi Phật tự nhiên lay động và đại ánh sáng hiện ra không đâu là không chiếu tỏa.

Nơi các Đức Phật mười phương đều hiện thân, từ xa khen ngợi Bồ Tát Phổ Hiền: Hay thay! Hay thay! Này Tối Thắng Tử! Ông đã tùy thời giảng nói về công đức lớn của Bồ Tát Đại Sĩ, phân biệt nghĩa lý chân chánh, thật đáng mừng thay! Vì ông đã mở bày và ban tuyên pháp phẩm độ thế ấy.

Này Phật Tử! Như ông vốn tu học nơi chân đế, thấu giải được pháp này, hôm nay khéo kế thừa uy đức ánh sáng thanh tịnh của kinh, thuyết giảng những điều cốt yếu của Kinh Điển, chúng ta đều được hiểu rõ và Chư Phật cũng vậy.

Chúng ta cũng cùng khen ngợi kinh này. Hôm nay, Chư Phật nơi mười phương hiện tại vì mọi người và Chư Bồ Tát đời vị lai, những người chưa được nghe, học mà ban ân lành rộng lớn như vậy!

Bấy giờ, Bồ Tát Đại Sĩ Phổ Hiền nương theo Thánh chỉ của Đức Phật làm chỗ tiếp hộ cho Thánh chúng mười phương.

Bồ Tát quán khắp mười phương, xét các chúng hội, nhìn khắp pháp giới mà nói kệ tụng:

Tu ngàn ức triệu kiếp

Siêng hành khó hạn lượng

Quy y vô số Phật

Nên sinh Pháp Vương Tử

Khai hóa nơi chúng sinh

Lập đạo không ngằn mé

Một lòng cùng chung nghe

Khen Phật: Không gì sánh

Cúng Phật không số hạn

Đã hết chấp Phật Đạo

Rõ trần dục quần sinh

Chẳng nghĩ tưởng có người

Thấy công đức của Phật

Chẳng nương danh xưng ấy.

Rộng nói hạnh quý đó

Đời vui mừng lồng lộng

Tội trần ma đã diệt

Ba đời hiện khắp cùng

Đức ấy vượt các Thánh

Sức hành hiện thù thắng

Đốt hết hành si ái

Chí tánh nơi vắng lặng

Thị hiện hạnh đầy đủ

Nay khen ngợi công đức

Tối Thánh đã độ qua

Cõi chúng sinh như huyễn

Thị hiện ngần ấy biến

Khiến tự đại tiêu tan.

Vừa lúc tâm phát khởi

Có thể hiểu khắp cùng

Nay khen công đức đó

Chỗ chúng sinh phụng kính

Nhìn chúng sinh khổ não

Sinh, già, bệnh năm đường

Tiêu hết nỗi sầu lo

Ái dục làm tổn thương

Xót xa muốn độ họ

Nên hiện tuệ rộng lớn

Nên khen công đức ấy

Vừa một lòng lắng nghe

Thí, giới, nhẫn, tinh tấn

Nhất tâm vì tự vui

Quyền tuệ độ vô hạn

Bố thí từ vô cùng

Bi hỷ vui nơi pháp

Hộ hành trăm ngàn kiếp.

Nay khen ngợi hạnh ấy

Nghe chỗ nói công đức

Vì ngưỡng cầu Phật Đạo

Dùng hơn ngàn ức thân

Chẳng tham tiếc thân mạng

Đó là đạo thù thắng

Tinh cần vì chúng sinh

Cũng lại muốn mình an.

Khen siêu hạnh Năng Nhân

Chí mang tâm thương xót

Trải vô số ngàn kiếp

Khen ngợi tiếng vang xa

Dùng sợi lông lấy nước

Biển có thể cạn cùng

Đức tinh tấn nẻo hành

Hơn vậy, khó ví dụ

Nên nghe cảnh giới Phật

Thị hiện thương muôn loài

Là vì các chúng sinh

Nuôi lớn đức thanh tịnh

Chí tính chẳng ẩn mất

Không chán vui đạo pháp

Kiến lập cõi chúng sinh

Sông tuệ sâu, cây trí

Thế Tôn như đại thiên

Chúng sinh thường kính ngưỡng

Từ, nhu, mẫn là căn

Hộ cấm nhân là cành

Hoa lá tuệ huân tu

Giới hương rất thanh tịnh

Ngộ bất giác vọng ý

Hạnh ái kính chúng sinh.

Không nhiễm như hoa sen

Chúng sinh thấy quy mạng

Vì gieo trồng giải thoát

Từ bi vốn bản tính

Trí tuệ quyền phương tiện

Năm cành đến bờ kia

Hoa thần thông, lá thiền

Quả tuệ nhất thiết trí

Cây pháp thần túc tôn

Rộng che khắp ba cõi

Vốn tu đạt thanh tịnh

Nuôi lớn nghĩa tuệ rộng

Miệng cổ Sư Tử niệm

Đầu trí tuệ thanh tịnh

Đệ nhất nghĩa tuệ không

Từ bi rõ độ thế

Vô ngã như Sư Tử

Tiếng gầm hàng phục ma

Vượt được đồng sinh tử

Mọi trần dục tà vạy.

***