Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN MƯỜI BA
 

Bồ Tát có mười việc kiến lập sở nguyện.

Những gì là mười?

1. Lấy nguyện chư Bồ Tát làm sở nguyện của mình.

2. Lấy Chánh Giác Chư Phật làm sở nguyện đạo lực của mình.

3. Tùy căn tánh chúng sinh mà hiển bày hạnh Bồ Tát, thuần thục nơi đó khiến họ thành đạo vô thượng chánh chân, làm Tối Chánh Giác.

4. Trừ sạch ý niệm tham cầu trong vô lượng kiếp.

5. Ra khỏi thức thân, kiến lập tuệ thân. Sở nguyện tự tại mà hiện các thân.

6. Bỏ hình tướng của mình mà thị hiện thân đầy đủ, thân đầy đủ ấy khai hóa chúng sinh khuyến tấn các nguyện.

7. Dùng thân Bồ Tát hiện bày khắp tất cả niệm, số kiếp các hành mà chẳng đoạn dứt.

8. Dấu tích công đức còn lưu lại là việc hành Tối Chánh Giác. Vì nguyện lực hiện hữu khắp vô số Cõi Phật.

9. Thị hiện thân ấy với hình tướng. Diễn thuyết một câu pháp mà hiện bày khắp tất cả pháp giới vô biên, hưng khởi mây đại pháp và mưa cam lồ.

10. Dùng tuệ giải soi thấu pháp chân đế, dùng tiếng sấm vang khiến chúng sinh no đủ, thành tựu nguyện vô cực và đủ đầy pháp lạc.

Đó là sự kiến lập sở nguyện của Bồ Tát.

Bồ Tát hóa hiện lại có mười việc.

Những gì là mười?

1. Tuân tu Pháp Giới là để thị hiện.

2. Tại cõi chúng sinh vui hành Phật Sự mà thị hiện khắp các ma cung.

3. Bồ Tát hành cõi vô vi mà đoạn dứt hành sinh tử.

4. Hành trì nhất thiết trí mà chẳng xả sự khởi dụng của Bồ Tát.

5. Lại nữa, Bồ Tát luôn vắng lặng, an nhiên, chỉ bày chúng sinh, khẩn thiết tu học, chẳng hề loạn động, không tinh tấn cũng không biếng trễ, không đôi không chiếc, không nói không tưởng, không có sở hữu, không có dấy khởi, hình như hư không.

6. Bồ Tát như vậy mà lại thị hiện ở các tưởng điên đảo của chúng sinh, khởi các chốn hành, chẳng cùng trần tục, tịnh tu công hạnh.

7. Cũng đều thị hiện các chỗ hành hóa.

8. Hiểu rõ chúng sinh, biết rõ vốn không có chúng sinh và chúng sinh hiện tại mà khai hóa họ.

9. Tu trí ba đạt thần thông của thiền giải thoát.

10. Hiện tại sống ở mười phương cõi nước Phật, thành tựu hạnh Như Lai, đầy đủ sự nghiêm tịnh của Phật, hiển bày các thừa Thanh Văn và Duyên Giác, hành oai nghi, lễ tiết vô niệm.

Đó là mười việc hóa biến của Bồ Tát.

Có mười việc dùng tuệ biến hóa của Bồ Tát.

Những gì là mười?

1. Ban tuyên đạo tuệ, biện tài vô tận, thành tựu các môn Tổng trì.

2. Diễn thuyết vô lượng ánh sáng, biện tài khéo giải.

3. Giảng thuyết khắp nơi, thâu phục căn tánh chúng sinh và dùng Thánh tuệ biến hóa mà độ thoát họ.

4. Dùng tâm vô vi quán thấy ý tha nhân, tức dùng nhất tâm thấy biết chí tánh của chúng sinh và chỗ hành tâm niệm.

5. Biết rõ chí tánh, sự ràng buộc, các bệnh trần lao của cõi chúng sinh mà tùy bệnh cho thuốc, khiến bệnh chóng thuyên giảm.

6. Trong một lúc mà sáng rõ, thấu đạt đầy đủ mười lực của Như Lai có thể vào chỗ hành ba đời của chúng sinh.

7. Kiếp số có hạn, vô hạn thì đều thị hiện và khai hóa họ.

8. Tâm ấy rỗng lặng không hề ngăn ngại, thành Tối Chánh Giác độ khắp chúng sinh.

9. Dùng trí tuệ của một hóa thân mà luôn tự tại, quán sát chúng sinh biết rõ chỗ tạo nghiệp thiện ác, tội phước của họ.

10. Dùng một âm thanh, thông suốt tất cả âm hưởng nơi muôn loài.

Đó là mười việc về tuệ biến hóa của Bồ Tát.

Có mười việc thần thông biến của Bồ Tát.

Những gì là mười?

1. Dùng một thân biến hiện tất cả Cõi Phật.

2. Một hội Như Lai đều có thể cùng tuyên giảng các Đạo Tràng Chư Phật, Bồ Tát.

3. Dùng một tâm hạnh mà khai hóa tất cả các đạo hạnh tu tập.

4. Dùng một âm thanh mà nói khắp mười phương Thế Giới của Chư Phật, khiến cho tất cả tâm niệm chúng sinh đều được nghe biết.

5. Dùng một tâm định mà điều có thể thấy được chốn hành, thiện ác, họa phước của chúng sinh trong vô số kiếp của đời trước để độ thoát họ.

6. Dùng thần thông trang nghiêm tất cả cõi nước Chư Phật.

7. Cũng dùng thần thông rõ thấy ba đời bình đẳng không sai biệt, biết tất cả chỗ kiến lập hạnh của Chư Phật, Bồ Tát.

8. Diễn thuyết ánh sáng mà soi sáng họ.

9. Cũng dùng thần thông thấy biết tất cả Chư Thiên long. Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương, Thanh Văn, Duyên Giác, chư hạnh Bồ Tát, mười Lực Như Lai.

10. Gốc đức của Bồ Tát, không đâu mà không hộ trì. Bồ Tát bình đẳng, làm vắng lặng các âm hưởng, tức dùng bình đẳng thu phục chúng sinh.

Đó là mười việc thần thông biến của Bồ Tát.

Có mười việc về thần túc biến hóa của Bồ Tát.

Những gì là mười?

1. Đem vô số Thế Giới vào nơi một vị trần, lại dùng một vi trần mà biến khắp các pháp giới, đó là thần túc biến.

2. Hiện một Cõi Phật, khiến tất cả nước biển vào trong một lỗ chân lông.

3. Các Pháp Giới rộng lớn nhập vào các Cõi Phật, khiến các chúng sinh không bị nhiễu hại.

4. Đem vô lượng Thế Giới nhập nơi thân mình.

5. Dùng thần thông tuệ hiện khắp chỗ hành trì và đem các Thiết Vi Sơn, Đại Thiết Vi Sơn không thể nghĩ bàn vào trong một lỗ chân lông.

6. Dạo quán các Cõi Phật khiến khắp chúng sinh chẳng phải lo sợ.

7. Dùng vô số kiếp thị hiện làm một kiếp, hoặc một ngày, hoặc dùng một kiếp hiện vô số kiếp. Tiến thoái hợp thành, hiển bày sự hóa độ chúng sinh không chỗ nhiễu hại.

8. Hiện các Thế Giới bị thủy tai, hoặc gặp thủy hỏa tai biến để khiến chúng sinh quán biết sự vô thường. Thần túc biến hiện mà không nhiễu hại tất cả Thế Giới.

9. Không, thủy, hỏa, phong hợp thành tai biến thì biến hóa chúng thành tất cả tài sản, sự nghiệp, cung điện, nhà cửa đủ đầy sung mãn. Tức dùng thần thông hóa hiện ra vô số chúng sinh không thể nghĩ bàn. Đem các Cõi Phật đặt vào tâm bàn tay phải, dời đến đặt vào vô lượng Thế Giới Phật mà không hề hao tổn.

10. Thị hiện các Cõi Phật tự nhiên như hư không để khai thị chúng sinh.

Đó là mười thần túc biến của Bồ Tát.

Các lực biến hóa của Bồ Tát có mười việc.

Những gì là mười?

1. Lực cảm động chúng sinh mà khai hóa họ, chưa từng trái bỏ.

2. Cảm động các cõi nước, dùng vô số việc trang nghiêm, thị hiện nơi ấy.

3. Pháp lực biến hóa có các thân mà nhập vào nơi vô thân.

4. Lực biến hóa với các kiếp số không dứt.

5. Sự biến hóa của Phật lực làm tỉnh ngộ kẻ ngủ say.

6. Sự cảm hóa của hành lực thu giữ lấy tất cả các hạnh của chúng sinh.

7. Lực giáo hóa của Như Lai có thể cứu độ mọi cảnh giới chúng sinh.

8. Sức giáo hóa của tự tại làm cho các pháp đạt đến tự nhiên, thành Tối Chánh Giác.

9. Lực nhất thiết trí thì dùng các tuệ thông Thánh trọn vẹn để đạt đến đạo bình đẳng.

10. Lực biến hóa của đại bi thì không bỏ chúng sinh.

Đó là mười lực biến hóa để hóa độ chúng sinh của Bồ Tát. Bồ Tát nếu có mười Lực biến động này thì không bị ngăn ngại, mau chóng thành tựu đạo vô thượng chánh chân làm bậc Tối Chánh Giác. Lúc phát tâm thì đắc Phật Đạo, sở hành không mất.

Vì sao?

Vì tuyên dương đại thệ nguyện nên Bồ Tát thành tựu vô lượng pháp môn, hiện khắp các gốc đức.

Có mười pháp lạc của Bồ Tát.

Những gì là mười?

Bồ Tát dùng thân chúng sinh kiến lập quốc thể, phân biệt chỗ hướng về của muôn người, đó là pháp lạc thứ nhất. Lại nữa, Bồ Tát dùng thân tứ đại kiến lập chúng sinh, không làm cho đất nước bị hao tổn, đó là pháp lạc thứ hai.

Bồ Tát tùy thời biến hiện thân Phật Chánh Giác, hiện thân Thanh Văn, Duyên Giác thì thị hiện việc phi thường của Như Lai, đó là pháp lạc thứ ba. Bồ Tát ấy thị hiện thân Thanh Văn, Duyên Giác, thân Phật, lồng lộng, vi diệu, không chấp vào ba phẩm pháp huấn, đó là pháp lạc thứ tư.

Lại nữa, Bồ Tát ấy thị hiện thân hành dụng, thân Tối Chánh Giác. Không chấp trụ vào thân hành dụng và cũng không đoạn lìa, đó là pháp lạc thứ năm. Bồ Tát ấy thị hiện nẻo hành thân đạo Chánh Giác, không chấp dựa vào Chánh Giác, đó là pháp lạc thứ sáu. Bồ Tát ấy hiện cõi Niết Bàn, nương vào sinh tử mà không chấp trước ở Niết Bàn, đó là pháp lạc thứ bảy.

Bồ Tát ấy thường hiện nơi sinh tử và lại hiện sự diệt độ, không ở nơi Niết Bàn mà vĩnh viễn diệt độ, đó là pháp lạc thứ tám. Bồ Tát ấy dùng định vĩnh hằng, thị hiện khắp các hành, qua lại khắp vòng, đi đứng, kinh hành mà không xả tam muội, đó là pháp lạc thứ chín.

Lại nữa, Bồ Tát ấy nghe thuyết chánh pháp từ một Như Lai mà không thấy thân biến mất, hộ trì định tam muội và mỗi một Phật Sự đều phân biệt rõ ở Đạo Tràng Như Lai.

Các thân từ trú xứ ấy không chỗ hoại diệt, không loạn tam muội. Theo chư Như Lai nghe thuyết pháp, vừa nghe xong thì tin nhận phụng hành tam muội chánh thọ, không đoạn mất tâm tôn kính nơi chỗ cốt yếu của Kinh Điển và chẳng thấy thân diệt cùng chư Như Lai.

Mỗi một tam muội đều điều phục các hạnh môn, vào vô số định, vì vậy tam muội Bồ Tát trong kiếp tận hoại chưa từng dứt hết pháp môn định ý, đó là pháp lạc thứ mười. Đó là mười pháp lạc của Bồ Tát. Bồ Tát trú ở đấy thì đạt thành tuệ lạc Như Lai vô thượng.

Có mười việc về cảnh giới Bồ Tát.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát vì các chúng sinh mà thị hiện nhập vào vô lượng môn, tất cả Thế Giới, có vô số sự trang nghiêm để khai dẫn chúng sinh.

2. Điều phục cõi chúng sinh mà không hề tự đại, giảng thuyết những chỗ tạm bày.

3. Như Lai chánh chân vào trong thân Bồ Tát, dùng thân Bồ Tát nhập vào thân Như Lai.

4. Dùng cõi hư không, dẫn vào các Cõi Phật, dùng các Cõi Phật dẫn vào cõi hư không.

5. Dùng gốc sinh tử thị hiện nguồn Niết Bàn, dùng nguồn cội Niết Bàn hiện gốc sinh tử.

6. Dùng tiếng một người mà giảng nói các pháp Phật, khiến mỗi mỗi đều vào cảnh giới ấy.

7. Dùng vô lượng môn mà hiện nơi một thân, tức dùng một thân mà kiến lập vô số thân.

8. Lại dùng một thân biến hiện khắp các pháp giới.

9. Chúng sinh phát tâm thì dùng một trí.

10. Điều ngự vô lượng môn, thành tựu Tối Chánh Giác.

Đó là mười việc mà Bồ Tát trú ở đấy thì được vào nơi đại tuệ vô thượng của Như Lai.

Bồ Tát có mười lực.

Những gì là mười?

1. Lực chí tánh phụng hành, không đồng với trần cảnh nơi thế gian.

2. Lực tu thanh tịnh, an hòa, không chấp nơi pháp Phật.

3. Lực tùy thời thị hiện khắp xứ sở, phương tiện của Bồ Tát.

4. Dùng lực Thánh tuệ thì biết tâm niệm, chốn hành của muôn loài.

5. Lực thệ nguyện, có thể thông đủ lực nơi chốn hành của bản nguyện viên mãn.

6. Lực tu các thừa thì không đoạn bản tế, hiển hiện tất cả thừa mà không xả đại thừa.

7. Các lực biến hóa của tất cả Chư Phật thì thanh tịnh mười phương cõi, mỗi mỗi đều hiển bày chỗ hộ trì hành dụng.

8. Lực nghĩa đạo làm phát khởi tâm chúng sinh, không rời Chánh Giác.

9. Lực chuyển pháp luân tuyên bày một pháp. Âm thanh không một chỗ nào mà không có đầy đủ, không có cái rộng khắp ấy thì ấy mới là âm thanh rộng khắp.

10. Lực điều phục tất cả tâm niệm chúng sinh.

Đó là mười lực, Bồ Tát an trú ở đây thì đạt thành mười lực phổ trí vô thượng.

Có mười việc về sự vô úy của Bồ Tát.

Những gì là mười?

Bồ Tát đều nhận tất cả, được nắm giữ các âm thanh, huống gì là Bồ Tát mà không nghĩ: Ta ở phương Đông, Nam, Tây, Bắc đi đến đây, có người đến hỏi trăm ngàn tập yếu vô cực mà họ không thể nhận lãnh được lời đáp về đại pháp thì Bồ Tát đều biết rõ và không thấy có sự bất cập.

Bồ Tát dùng đại vô úy và pháp độ vô cực để độ tất cả chúng sinh. Những người đến hỏi tùy ý muốn nghe những chỗ cần hỏi thì Bồ Tát dũng mãnh giảng thuyết không hề lười nhác, đó là vô úy thứ nhất. Ở nơi văn tự ngôn từ mà diễn thuyết lần lượt như nước chảy.

***