Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN MƯỜI BẢY
 

Bồ Tát vắng lặng có mười việc.

Những gì là mười?

1. Thường siêng tu trí độ vô cực.

2. Quán sát chúng sinh, diệt trừ các thứ điên đảo.

3. Vượt thoát tất cả sự ràng buộc của tà kiến, chưa từng khởi ý cầu tìm vọng tưởng, khai hóa những kẻ tham chấp theo vọng tưởng.

4. Đi qua ba cõi, du hành đến tất cả mười phương Thế Giới.

5. Đi lại trong đó có thể cải hóa các chúng sinh, tham đắm theo phiền não, quen thói phóng dật.

6. Lìa cõi pháp ái dục, hưng khởi đại bi, tâm thương xót muôn loài.

7. Trừ bỏ các sở hữu mà lại thị hiện gây tạo tất cả quyến thuộc.

8. Làm chấn động các Thế Giới, thị hiện có đầu cuối, là hiển bày sự tu hành.

9. Đi vào các pháp thế tục, tâm không đắm vướng mà còn tùy thời để dạy bảo.

10. Thấy trọn Phật Đạo, chẳng đoạn dứt đại hạnh, chẳng sợ bản nguyện.

Đó là mười việc vắng lặng của Bồ Tát, Hiền thánh độ đời, giáo hóa chúng sinh thì siêu việt các việc của hàng Thanh Văn và Duyên Giác.

Bồ Tát có mười việc đắc pháp cứu cánh.

Những gì là mười?

1. Vừa sinh ra đã là Như Lai tự tại.

2. Đạt đến sự thông suốt rốt ráo cảnh giới Chư Phật.

3. Thành tựu được các việc Bồ Tát.

4. Đầy đủ tất cả các Độ vô cực.

5. Hưng thịnh và tròn đủ tánh Phật.

6. Siêu vượt các Đức Như Lai cùng hàng.

7. Thường được kiến lập mười lực của Chư Phật.

8. Hoàn toàn thông suốt đại đạo của Như Lai.

9. Biết rõ Chư Phật đều là một Pháp thân.

10. Rõ hạnh của Như Lai chánh chân không có hai.

Đó là mười pháp cứu cánh của Bồ Tát.

Bồ Tát có mười việc sinh ra nơi pháp của Chư Phật.

Những gì là mười?

1. Nhất tâm tự quy y, phụng sự bạn lành là hưng khởi pháp của Chư Phật.

2. Cùng đến một gốc đức, tin chắc nơi pháp Phật thì khơi được nguồn đạo.

3. Khi phát tâm thì có thể hiện bày khắp các hạnh của Như Lai.

4. Nhờ công đức nên mang lại đại nguyện vô cực, phát tâm quảng đại.

5. Vui với gốc đức của mình đã tạo lập, không hề quên mất, chưa từng lo lắng, chán nản về công hạnh đã tích lũy ở vô số kiếp, nhiếp lấy tất cả vị lai không bờ mé.

6. Đi lại, sinh sống nơi vô lượng Cõi Phật để khai hóa chúng sinh.

7. Thường tùy theo hoàn cảnh mà hưng khởi hạnh Bồ Tát, việc đã làm chẳng bị đoạn mất, thường phát khởi đại bi hiển hiện tâm vô lượng.

8. Khi phát tâm thì thấy khắp hư không, hội nhập vào đại hạnh thù thắng vi diệu, sinh ra chân nguyện, chẳng mất bản tâm.

9. Phụng trì tất cả lời dạy bảo của Như Lai để soi sáng chúng sinh.

10. Vì phát tâm đạo nên tròn đủ các pháp công đức. Đó là mười pháp đạo mà Bồ Tát hưng phát.

Có mười sự nêu rõ về Bậc Chánh Sĩ.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát hiểu rõ về tuệ Phật là cùng một Pháp thân, nên gọi là Khai sĩ.

2. Trụ vững nơi đại thừa nên gọi là Đại Sĩ.

3. Phụng hành pháp tôn quý nên gọi là Tôn Nhân.

4. Biết rõ sự thành tựu diệu pháp nên gọi là Thánh Sĩ.

5. Nhập tuệ thù thắng nên gọi là Siêu sĩ.

6. Khuyên người khác tinh tấn nên gọi là Thượng Nhân.

7. Tuyên thuyết và hoằng truyền pháp thù thắng nên gọi là vô thượng.

8. Hiểu rõ đầy đủ mười thứ tuệ lực nên gọi là lực sĩ.

9. Trừ tất cả các che chướng và tối tăm nên gọi là vô song sĩ tức là khó ai sánh cùng.

10. Làm chủ được tâm, liền thành tựu Phật Đạo nên gọi là vô tư nghị.

Đó là mười hiệu Chánh Sĩ của Bồ Tát.

Đường đi của Bồ Tát có mười việc.

Những gì là mười?

Các Bồ Tát hưng khởi đường nhất thừa, hơn hẳn không gì sánh bằng, chẳng xả nhất tâm là con đường thứ nhất. Bồ Tát có hạnh, có trí tuệ, phương tiện là đường thứ hai. Lại có đường thứ ba là phụng tu hạnh không, gốc của vô tướng tức không đầu cội, chẳng dựa vào vô nguyện, đi vào ba cõi không chỗ nhiễm ô.

Lại có đường thứ bốn là tu hạnh Khai Sĩ, giảng thuyết nghiệp vô tận, có thể khuyến trợ tất cả công đức, lễ lạy và phụng kính Đức Như Lai không lười nhác, tùy hỷ Thánh tuệ, khéo tuyên giảng đạo giáo. Thêm đường thứ năm, kiến lập kỹ nơi tín căn đại tinh tấn, trú nơi các hạnh không thoái chuyển, nhất tâm chẳng loạn, khéo biết rõ theo định ý, thường hiểu rõ trí tuệ hành.

Tu lục thông lấy làm đường thứ sáu. Vì thiên nhãn thì thấy các sắc tượng, nhìn thấy Thế Giới các loài chúng sinh. Nếu có sinh ra và chết đi thì dùng Thiên nhĩ nghe được Kinh Điển đã giảng nói của Chư Phật và liền thọ trì. Tha tâm thông khi thấy các chúng sinh khác là có thể phân biệt, tự rõ tâm mình, cũng nhìn thấy được ý kẻ khác. Gốc ngọn các niệm không thể kể xiết mà được tự tại.

Túc mạng thông nghĩ về vô số kiếp xa xưa, gốc đức đã tạo, tùy nghi tấn ích, đều hiểu biết chúng. Đắc đại thần túc thông thì tùy theo gốc chúng sinh mà ứng hóa, thị hiện ngần ấy biến hóa để đem chánh pháp dạy bảo muôn loài.

Lậu tận thông là trí tuệ làm tiêu hết các lậu, tự nhìn thấy bản tế, chẳng đoạn tuyệt sự kiến lập hạnh của Bồ Tát. Hành bảy tư niệm là đường thứ bảy của Bồ Tát. Đó là thường nghĩ đến Phật, vì Phật dẫn đường cho tất cả chúng sinh không có bờ bến, Ngài dùng tất cả Kinh Pháp, khiến họ thấy được liền thọ trì và khuyến hóa người khác tự quy y Phật.

Nhớ rõ Kinh Pháp của Phật, Như Lai Chánh Chân, ở trong một Đạo Tràng mà chưa từng dời chuyển, có mặt khắp tất cả các chúng hội của Chư Phật, thị hiện sự thuyết pháp của mình, âm thanh thấu suốt mười phương.

Biết được tâm thức và căn cơ của những chúng sinh theo đấy để khai hóa họ. Ý ấy nhớ nghĩ, đã từng ở nơi vô số các Bồ Tát không thoái chuyển, chưa từng xa lìa, đều thấy chúng sinh và thân các Bồ Tát.

Thường nghĩ sự bố thí, các Bồ Tát bố thí với tâm bình đẳng, nghĩ đến đại thí, khiến đức thêm lớn. Thường nghĩ đến giới cấm, chẳng bỏ tâm Bồ Tát, đem các gốc đức bố thí cho các chúng sinh. Thường nghĩ đến Chư Thiên.

Bồ Tát sinh ra tại Cõi Trời Đâu Suất sẽ là vị nhất sinh bổ xứ. Nghĩ suy về đức, thường niệm chúng sinh, không gián đoạn. Bồ Tát ấy vào tám chánh lộ tám chánh đạo là con đường thứ tám. Đó là phụng thờ chánh kiến, bỏ các tà kiến, bỏ các vọng tưởng, các tham cầu. Chánh tư duy xả bỏ phân biệt, thuận theo nhất thiết trí và các chủng tánh đạo đức. Xả bỏ bốn lỗi của miệng, tuân tu chủng tử Hiền thánh, giảng nói bằng chánh ngữ.

Các chốn hành hóa của bản thân là vì chúng sinh mà bố thí, dạy bảo mọi người, không có nghỉ ngơi, lười nhác, chẳng bỏ giới luật chân chánh. Chính nghiệp ấy là giữ vững tự tại, biết đủ chỗ nhàn tịnh. Tu theo đạo đức ấy là trụ nơi uy nghi, lễ tiết, trụ nơi chánh pháp đều không lầm lỗi.

Chánh Phương tiện là để các huynh đệ đồng môn, kiến giải quyến thuộc của Bồ Tát không có hao tổn, tuân tu hạnh nơi mười thứ lực của Như Lai. Chánh niệm là đã nghe được âm thanh thì có thể chấp trì, thấy khắp mười phương Thế Giới của Chư Phật, định ý xuyên suốt. Chánh định là tịnh của Bồ Tát không thể nghĩ bàn, lấy làm cửa giải thoát vì luôn thông sáng.

Dùng một định ý, phổ biến vô số chính thọ đời trước, chưa từng bỏ định. Đó là con đường của Bồ Tát lìa khỏi dấu vết nguy hại nơi Dục Giới. Pháp đã thuyết giảng, miệng đã giảng nói tất cả chỗ vướng mắc của các tưởng và chỗ nhớ nghĩ đều không bị ngăn ngại.

Bồ Tát khai hóa chúng sinh, nhập vào nhất thiết trí, xả bỏ hy vọng, xả bỏ những tham ái, thường muốn thấy nghĩ về tất cả Như Lai với tâm ý hoan hỷ chưa hề biếng trễ. Bồ Tát xả bỏ những nghiệp vui buồn của thế tục, hiển bày sự độ thế của Bồ Tát Thánh hiền, vĩnh viễn an trụ nơi đạo tuệ, rõ tu vô thường, định ý vô sắc.

Bồ Tát sinh ở Cõi Dục và tại cõi Sắc, chẳng chuyển đổi chỗ nguyên sơ để vượt qua tất cả các tưởng, gặp được âm thanh chính thọ, hạnh Bồ Tát ấy chẳng lấy làm lao nhọc. Phật Tử! Nếu có thể tư duy và làm hưng phát mười lực của Như Lai là con đường hành trì của Bồ Tát.

Thường thường có thể hiểu rõ được hữu xứ vô xứ, hữu hạn vô hạn, thấy được các con đường tội phước báo ứng trong quá khứ, vị lai và hiện tại của chúng sinh, biết được tất cả thần thức, các căn, tỏ rõ một cách phân minh, rồi quán sát bản tâm vì họ giảng nói pháp. Phân biệt ngần ấy chủng loại nơi thân tướng khác nhau không thể kể xiết.

Nguyện ở trên như vậy thì chính giữa, hoặc chí lại ở dưới. Biết được thân ấy là vô hạn, để vì muôn loài ban tuyên pháp. Các cõi chúng sinh tại ba đời nơi tất cả các cõi, trong vô số kiếp, các thân Bồ Tát đều hiện khắp trong đó.

Đức Như Lai chí chân hiện vô tưởng niệm mà không trái bỏ các hạnh Bồ Tát. Các định ý thiền, nhất tâm chánh thọ. Biết được nguyên nhân sinh ra phiền não sân hận, quán sát tới lui, an trú nơi cửa Bồ Tát, nhìn thấy đường sinh tử của các chúng sinh để vì họ nói rõ gốc ngọn.

Biết đến các tưởng niệm ba đời, rồi nhập vào một đời. Tỏ rõ phiền não, ngăn ngại, chí tính buộc mở của các chúng sinh, khiến đều tan mất, mà chẳng xả bỏ sự hiển bày hạnh nguyện của Bồtát. Đó là mười đường. Bồ Tát an trụ ở đấy thì đều đạt được đạo quyền biến vô thượng của Như Lai.

Đường đi của Bồ Tát vô lượng, đường đến vô hạn, hành đạo thanh tịnh là vô số, không thể kể.

Vì sao?

Vì Hành đạo vô lượng của Bồ Tát có mười việc.

Những gì là mười?

1. Quán sát hư không thì không thể lường tính.

2. Khoảng giữa của pháp giới hướng về sự huyền nhiệm của chốn huyền nhiệm đều là vô lượng.

3. Chủng loại chúng sinh rất nhiều, không thể kể xiết.

4. Thế Giới không bờ bến nên gọi là vô hạn.

5. Các tư tưởng ác cũng lại không đáy.

6. Tất cả ngôn từ của dân chúng cũng không bờ mé.

7. Thân của Đức Như Lai là không thể tính đếm, so sánh.

8. Âm thanh nơi ngôn giáo diễn thuyết của Chư Phật cũng không thể tận.

9. Đạo lực của Như Lai là không cùng.

10. Minh tuệ, Thánh đạt của nhất thiết trí cũng không thể tột cùng.

Đó là mười sự vô lượng của Bồ Tát đạo.

Vì sao?

Như hư không vô lượng, tu đạo vô lượng cũng lại như thế. Như sự huyền diệu của chốn huyền diệu trong pháp giới phụng hợp nơi đạo vô nghĩa vô lượng cũng như thế. Như cõi chúng sinh rất nhiều, vô tận, Bồ Tát phụng đạo vô tận cũng như thế.

Như Thế Giới ấy không có bờ cõi thì con đường tiến đến đạo cũng như thế. Như những tư tưởng xấu ác không thể kể hết thì việc thuận theo đạo lý để giáo hóa muôn người cũng như thế vậy. Như ngôn từ của dân chúng không có ngằn mé thì sự hợp đạo kia cũng như thế. Nếu nẻo hành hóa của Như Lai không thể tính kể, so sánh thì tất cả muôn loài không có hai nhân, chỗ tư niệm cùng khắp thì đạo hạnh cũng như thế.

Nếu âm thanh ngôn giáo của Đức Phật không thể thể kể tận thì việc tu đạo cũng như thế, dùng một lời dạy bảo khắp tất cả loài người trong pháp giới. Nếu diệu lực của Như Lai không thể tận cùng thì sức tinh tấn của Như Lai tu đạo cũng vậy. Như nhất thiết trí không thể kể hết thì Bồ Tát tích chứa công đức tu đạo cũng vậy. Đó là hành đạo vô lượng của Bồ Tát.

Đường đi của Bồ Tát có mười việc.

Những gì là mười?

1. Không hành, chẳng phải không hành, ứng hợp cũng chẳng phải không ứng hợp. Thân, miệng, tâm ấy là không chỗ kết hợp.

2. Không cất lên, không hạ xuống vì gốc của tuệ ấy vốn tịnh nên khiến thân, miệng, ý ấy cũng vậy.

3. Không phụng hành, chẳng phải không phụng hành, tu cũng chẳng tu hội nhập nơi tự nhiên.

4. Giống như huyễn mộng, như bóng, như tiếng vang, như thân cây chuối, như ánh chớp, như sóng nắng, như trăng trong nước… rõ được những điều này để không còn một chút ỷ lại, mong cầu.

5. Đạt được ba ấn tâm: không, vô tướng, vô nguyện đều không xứ sở. Vì tưởng kiến ấy mà có ba xứ. Tích lũy công đức ấy, chẳng bỏ hạnh kia.

6. Tâm không sở hữu, không hề thấy, không nói năng, không dạy bảo, lìa khỏi các pháp, các chỗ đi ở.

7. Phụng tu pháp giới, không chỗ hủy hoại, có thể quán biết nơi tất cả pháp.

8. Chẳng làm mất bản tế nơi chân đế của Như Lai. Chân đế ấy thì cùng khắp cõi hư không.

9. Nhập vào các hạnh lực của trí tuệ Bồ Tát, chưa từng mệt mỏi, lười nhác.

10. An trú nơi mười lực của Như Lai, bốn vô sở úy, nhất thiết trí tạng, xét các thứ bình đẳng, quán tất cả pháp đều bình đẳng, chẳng bị chìm đắm.

Đó là mười việc nói về đường đi của Bồ Tát.

Hành đạo của Bồ Tát có mười thứ nghiêm tịnh.

Những gì là mười?

Này Phật Tử! Bồ Tát ở tại Cõi Dục mà chẳng lay động, lại hiện ra ở Cõi Sắc. Nơi ấy, hành dụng của hóa thân Bồ Tát luôn nhất tâm chánh thọ nơi cửa giải thoát. Chỗ sinh ra của Bồ Tát ấy không có phóng dật. Đó là con đường nghiêm tịnh thứ nhất.

Lại nữa, này Phật Tử! Bồ Tát tự thấy Thanh Văn thừa thì dùng tuệ vượt qua nên chẳng rơi vào đấy. Đó là con đường nghiêm tịnh thứ hai.

Lại nữa, này Phật Tử! Bồ Tát quán biết thừa Duyên Giác, hiểu rõ tùy lúc mà hưng khởi đại bi, đạt được các nguyện lực chẳng hề lười nhác. Đó là con đường nghiêm tịnh thứ ba.

Lại nữa, này Phật Tử! Bồ Tát Đại Sĩ cùng đoàn tháp tùng, các quyến thuộc đông đảo vây quanh, Chư Thiên, dân chúng thanh tịnh uy nghiêm tấu lên trăm ngàn âm nhạc, các Ngọc nữ đánh đàn cầm, đàn sắt cũng không kể xiết.

Những âm thanh ấy cũng rất thanh trong lành, hòa nhã. Bồ Tát cỡi xe ngựa lớn, hành thiền định, tam muội, chính thọ theo ba cửa giải thoát, đúng như đạo không sai trái. Đó là con đường nghiêm tịnh thứ tư.

***