Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN MƯỜI
 

Dùng vô số pháp mà việc làm không lầm lỗi. Dùng trí tuệ không hai mà hiểu rõ cái hai. Dùng tuệ vô tưởng mà hiểu rõ cái hữu tưởng. Dùng tuệ vô niệm mà tỏ rõ các niệm. Dùng bao nhiêu tuệ thì tỏ rõ bấy nhiêu. Dùng vô hạn trí để tỏ rõ một số điều hữu hạn. Dùng độ thế trí để tỏ rõ thế tục và tất cả chỗ hành. Dùng Thánh trí để khai hóa phương tục và sự tối tăm bế tắc.

Trí vô quá khứ có thể phân biệt các đời quá khứ, trở về với cõi vô nhân thì có thể biết rõ cảnh giới của chúng sinh, siêu vượt sự chấp trước. Du hành tạo tác, huân tập các hạnh, biết rõ tất cả các tuệ cứu cánh. Tỏ bày các sự thông suốt và các sự không thông suốt. Dùng tuệ thuần thục giải trừ phiền não, cấu uế trí phân biệt bản tế vô tận và khai hóa sự hữu tận, tỏ rõ pháp giới là trí bậc nhất.

8. Thân ấy hiện khắp mười phương Thế Giới, vào nơi âm thanh ngôn giáo vô lượng, từ sự vô lượng ấy mà tuyên dạy.

9. Một tuệ tự nhiên vào chỗ vô tự nhiên, một hạnh Thánh minh mà bày rõ chỗ tu, hiện vô số hạnh, tất cả các pháp đều không thể thủ đắc, hiểu rõ nghĩa này thì đến chỗ vô cực, thị hiện biến hóa.

10. Thị hiện biến hóa thành Tối Chánh Giác, đến chỗ đại tuệ, hiển đại thần thông. Nghĩa là dùng phổ trí cảm ứng và hưng khởi hành dụng hóa độ quần sinh không hề khiếp nhược.

Đó là mười việc không khiếp nhược của Bồ Tát.

Bồ Tát có mười việc tâm như núi lớn.

Những gì là mười?

1. Đó là lúc Bồ Tát thường tu tinh tấn, chuyên chí tư duy về các thông mẫn tuệ.

2. Lại nữa, Bồ Tát ấy quán sát tất cả các pháp vốn thanh tịnh như hư không, nhưng cũng hiểu rõ các pháp đều do điên đảo mà có. Trong vô số kiếp tu hành hạnh Bồ Tát, phát khởi tâm ấy nên hưng thịnh tất cả bạch pháp.

3. Bồ Tát hưng khởi, Bồ Tát biết rõ vô lượng tuệ nghĩa của Như Lai để có thể phụng hành các pháp thanh tịnh.

4. Bồ Tát hưng phát kinh đạo Chư Phật, thanh tịnh bình đẳng, thuận với bạn lành. Vì chỗ phát tâm không tâm nghi kết, tôn kính Kinh Điển, tâm không nghĩ khác về pháp của hành nghiệp khác chỉ cung kính, khiêm tốn và tùy thuận.

5. Tất cả sở hữu bố thí không tiếc, thân gần đạo pháp. Bồ Tát thương xót tất cả chúng sinh mà chẳng chịu nhiều ưu sầu khổ não. Giả sử có gặp việc nguy hiểm đến tánh mạng, bị hủy báng, nhục mạ, gậy gộc đánh đập thì đều có thể nhẫn chịu mà không mang tâm lo lắng, định tâm không loạn, không khởi sân hận, từ bi vô lượng thương xót muôn loài.

6. Bồ Tát mặc áo giáp đại công đức mà không hề thoái chuyển, đạo ý không bỏ, càng thêm ân cần hưng khởi từ bi vô lượng. Sự lợi ích của tâm từ bi ấy là rộng lớn.

Vì sao?

Này Phật Tử! Ông phải nên biết! Chỗ về nơi tất cả các pháp của Bồ Tát đều do nhân duyên sinh ra, đầy đủ sự gia trì của Như Lai Chánh chân. Biết rõ các pháp, nhẫn nhục từ hòa, đó là ngôi vị cao ngời của Bồ Tát.

Bồ Tát Đại Sĩ tu đại công đức, oai thần lồng lộng. Nếu ở Cõi Trời thì có ngôi vị tôn quý với Chư Thiên, nếu ở cõi người cũng có ngôi vị cao quý nhất. Các vị luôn có dáng vẻ đoan nghiêm, oai lực bậc nhất, quyến thuộc hùng mạnh, chỗ mong muốn tự tại.

Nếu là Đế Vương thì ở trong dòng họ tôn quý vô cực, công huân vô hạn, trí tuệ rộng lớn, không thích ái dục, không dùng của cải, quyến thuộc tự đại lấy làm an ổn, chí thích đạo pháp, mến mộ đạo pháp, lấy pháp làm nhà. Vì pháp mà được hộ trì, tự quy y pháp, vì pháp mà được độ. Thường cầu nghĩa pháp, lấy pháp làm vui, tư duy Kinh Điển, do đó mà được an cư, không theo lời ma.

Vì sao?

Nếu có Bồ Tát lúc phát tâm hiền dứt trừ sạch ý tưởng về chúng sinh, ta người, ma giới, khiến trú nơi Phật cảnh.

7. Bồ Tát ấy tinh tấn như vậy trong vô số kiếp tu hạnh Bồ Tát tự biết như vậy: Ngày nay ta tu học đạo Vô Thượng chánh chân, không hoảng sợ, cũng chẳng lo lắng tu hạnh Bồ Tát, có hạnh ấy rồi nay ta sẽ thành đạo Tối Chánh Giác. Nhưng tại vô số kiếp ở trong vị lai, tu hạnh Bồ Tát thì tự thấy biết điều đó.

Ta lại thấy kẻ ngoại đạo khó hóa độ, khó trị liệu, không có tâm phục thiện, chẳng biết báo ân. Muốn giáo hóa những kẻ này nên ta phải mặc áo giáp công, đi trong chúng sinh mà được tự tại. Thấy bọn hung ác mà chẳng sinh tâm chán nản, chẳng ghét kẻ ác và trần dục mà thoái lui vậy.

8. Lại nữa, Bồ Tát ấy không chấp trụ vào cõi người mà phát đạo tâm: Ta dùng hạnh này, tập hợp Bồ Tát, chỉ làm một mình không cần người khác, ở trong kiếp vị lai phụng hành pháp Khai sĩ. Dùng hạnh của mình với đầy đủ pháp Chư Phật, hưng tâm gần gũi đại đạo vô thượng.

Bồ Tát chỉ nguyện muốn khai hóa chúng sinh, do thích hóa độ chúng sinh nên tin hạnh Bồ Tát, tự làm thanh tịnh chí tánh, cũng có thể trở lại làm thanh tịnh tánh hạnh của tha nhân. Hiểu rõ các cảnh giới, cũng lại phân biệt được cảnh giới của tha nhân. Quá khứ, hiện tại, vị lai Chư Phật đều hợp làm một cõi.

9. Lại nữa Bồ Tát ấy không thấy các pháp, cũng chẳng thấy các hạnh Bồ Tát, chẳng quán các nghĩa đầy đủ của bậc Khai sĩ. Cũng chẳng thấy nghĩa lý giáo hóa chúng sinh. Cũng chẳng chấp trước vào việc phụng sự pháp của Chư Phật. Cũng chẳng thấy sẽ thành, đã thành, nay thành đạo vô thượng chánh chân. Cũng chẳng thấy ban tuyên Kinh Đạo không được nói, cũng không thể giảng dạy. Bồ Tát Đại Sĩ theo đại đạo mà không hề thoái lui.

Vì sao?

Này Phật Tử! Ông nên biết: Bồ Tát đời này vì cầu các pháp thành Tối Chánh Giác mà hành tất cả pháp, không theo kiến chấp điên đảo, càng thêm tinh tấn, tuân hành công đức, chốn hành thanh tịnh, đầy đủ trí tuệ. Mỗi khi phát tâm thì công đức ngày càng tăng trưởng, không hoảng sợ, cũng chẳng lo lắng. Vì đó mà mau chóng thành tựu đạo Vô Thượng chánh chân.

Đó là việc tâm như núi lớn của Bồ Tát.

Có mười việc tuệ như sông biển, thể nhập đạo vô thượng của Bồ Tát.

Những gì là mười?

1. Vào nơi vô lượng cảnh giới của chúng sinh.

Này Phật Tử! Bồ Tát ấy dạo khắp mười phương Thế Giới của Chư Phật, dùng đại cung điện nhập vào Thánh thất, huân tập đến chỗ không tư tưởng.

2. Lại nữa, Bồ Tát ấy tu trị vô lượng tâm giới, dạo ở hư không mà không hề ngăn ngại. Mười phương vắng lặng như nước như lưới, bình đẳng cùng khắp.

3. Bồ Tát ấy lại khéo nhập pháp giới, dạo cõi vô vi, chỗ nhập không cùng, chẳng kể hữu thường, chỗ nhập không bờ, không tạo không diệt, hiểu rõ chỗ nhập, không nơi nào mà chẳng đến.

4. Lại nữa, Bồ Tát ấy tích lũy gốc đức, tự về với các Đức Phật Thế Tôn quá khứ, hiện tại, vị lai. Bồ Tát Pháp Sư, Thanh Văn, Duyên Giác, các kẻ phàm phu cũng ở chỗ ấy mà tạo công đức.

Họ lại khuyên mọi người dùng gốc đức ấy mà thành tựu Tối Chánh Giác của Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai Chư Phật đã thành, đang thành và sẽ thành. Ban tuyên Kinh đạo đã nói, đang nói và sẽ nói.

Các loài chúng sinh đó lãnh thọ các pháp đã thành tựu đạo, ý muốn hướng đạo mới về với đạo, giáo hóa chúng sinh. Các gốc đức này hợp với các điều thiện ấy khuyến giúp tất cả chẳng cầu báo đáp, ngay trong đời này không tâm chán mệt.

5. Lại nữa, Bồ Tát ấy khi phát tâm, nhập vào đời quá khứ, dạo trong vô lượng kiếp. Ở trong mỗi một kiếp thấy trăm ngàn vô số ngần ấy Chư Phật không thể tính đếm, chẳng thể nghĩ bàn, trăm ngàn ức kiếp, chỗ thấu triệt ấy chẳng thể ví dụ.

Họ vào đời Phật hưng thịnh, siêu vượt các ví dụ, quán thấy Đạo Tràng chúng hội của Chư Phật, vì chư Bồ Tát, Thanh Văn mà thuyết pháp. Khai hóa chúng sinh với sự kiến lập, thọ mạng ngắn dài mà không trụ chấp. Như ở trong một kiếp khai hóa mọi người thì tất cả các kiếp về sự khai hóa ấy không thể hạn lượng.

Nếu ở kiếp này, lúc đời không có Phật thì Bồ Tát biết: Ở trong kiếp ấy, phải nên tu lập gốc đức đại đạo, không thể khuyến khai đạo giáo. Nhưng giảng thuyết là vì thấy gốc đức thuần thục của Chư Phật quá khứ, vị lai. Nhập vào vô lượng kiếp, quá khứ kiếp mà quán sát nghĩa lý ấy không thấy chán đủ.

6. Lại nữa, Bồ Tát ấy vào trong vị lai, tư duy quán sát về vô lượng kiếp trong vị lai: Ở trong kiếp nào sẽ thành Chánh Giác?

Thời nào không có Phật?

Ở kiếp nào Phật sẽ ra đời?

Số Như Lai Chánh chân là bao nhiêu?

Danh hiệu là thế nào?

Thị hiện Cõi Phật nào?

Danh hiệu Thế Giới ấy là gì?

Khai hóa, độ thoát chúng sinh nào?

Thọ mạng ngắn dài. Các Bồ Tát đã thấy trước vô lượng kiếp không thể tính đếm mà chẳng hề mệt mỏi.

7. Lại nữa, Bồ Tát ấy nhập vào hiện tại, quán mười phương giới, ban tuyên về các cõi nước Phật không bờ cõi, phân biệt các phương diện, số lượng, xa gần… tư duy Chư Phật, quán sát gốc ngọn, thành tựu đạo vô thượng chánh chân, đến gốc cây Phật, tìm thấy rơm cỏ trải xuống mà ngồi, hàng phục ma quân.

Đi vào thành ấp, lên đến Cõi Trời, rộng giảng nói kinh nghĩa. Chuyển bánh xe pháp, dạy dỗ chúng sinh, hiện làm Phật Sự thành Tối Chánh Giác.

Các Đế Thích, Phạm Thiên đều hộ trì. Sau khi xả báo thân thì diệt độ nơi Niết Bàn vô dư. Lưu hành Kinh Điển, hộ trì chánh pháp, làm hưng thịnh giáo pháp và sự hóa độ. Trang nghiêm chùa chiền, cúng dường Phật tượng, sửa sang tháp miếu, niệm các Cõi Phật.

8. Mỗi khi phát tâm thì nhập vào mười phương, vô số Cõi Phật, quán khắp chúng sinh. Thường gặp Chư Phật, nghe giảng nói Kinh Pháp, phúng tụng thọ trì, hằng hữu trong tâm, chọn lựa chí hạnh và tới lui đều lợi lạc. Biến khắp mười phương đều về với Phật, không quên pháp Phật.

Vì sao?

Vì thấy được các pháp đều như mộng ảo. Vì thế, nếu cúng dường Như Lai thì mọi nơi chốn sinh ra đều ở bên Phật, thường thấy thân Phật, phụng kính Như Lai, chẳng tham thân mình, không chấp thân Phật, không dựa vào Đạo Tràng, chúng hội khắp pháp giới, cũng không cầu vọng nghe thuyết Kinh Điển, luôn gặp Chư Phật mà chẳng lấy làm chán. Đi khắp Cõi Phật ấy, thấy mười phương Phật cũng là như thế không chỗ vọng cầu.

9. Lại nữa, các Bồ Tát ấy ở trong vô số kiếp cúng dường phụng sự Chư Phật Thế Tôn, ở mỗi một kiếp, phụng sự và quy y vô số Như Lai. Từ vô thỉ đến kiếp hiện tại cũng đều do ba đời cúng dường mà không chán bỏ. Bồ Tát, Thanh Văn, quyến thuộc các thừa cúng dường Như Lai cho đến diệt độ. Sau khi diệt độ phụng kính xá lợi đến chỗ vô cực.

Bố thí của cải làm cho tất cả Thế Giới chúng sinh được no đủ, tâm ban phát xả bỏ không thể nghĩ bàn, cũng không cầu báo đáp, chẳng thấy kẻ nhận và có chỗ lấy. Do tâm thương xót nên bố thí cho tất cả chúng sinh.

Phụng sự Chư Phật, bố thí chúng sinh mà chẳng hề biếng trễ. Cứ như vậy với số kiếp không cùng tận mà quy y Chư Phật, khai hóa chúng sinh, phụng trì giáo pháp, ban tuyên kinh đạo, khuyến tấn chúng sinh khiến họ phát tâm đạo Vô Thượng chánh chân.

10. Lại nữa, này Phật Tử! Ông nên biết! Các Bồ Tát thay nhau thành tựu sự chỉ dạy giới cấm là phụng trì đạo pháp thanh tịnh, khai hóa chúng sinh vâng theo quy củ Bồ Tát bình đẳng, từ chỗ sở sinh ấy mà tập hợp các môn tổng trì của Bồ Tát. Thường kính Chư Phật, Đại Thánh vô cực, cầu các Pháp Sư mà cung kính đảnh lễ, tham học, đọc tụng chưa từng lười biếng. Sở học rốt ráo, thu giữ chúng sinh.

Vì muôn loài mà ban tuyên kinh đạo. Hóa độ vô số chúng sinh phát tâm nơi đạo Vô Thượng chánh chân, vào quả vị không thoái chuyển, thanh tịnh nơi pháp Phật. Tâm niệm phổ trí và các nghĩa thông tuệ, vâng tu pháp Phật, các hạnh đầy đủ ở nơi vô số kiếp.

Đó là mười việc tâm như biển của Bồ Tát thành Tối Chánh Giác.

Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Trí hỏi Bồ Tát Phổ Hiền: Sao gọi là nẻo hành hóa tạo tác của Bồ Tát như ban đêm có ánh sáng?

Vì sao gọi tâm Bồ Tát như kim cương, chí Đại Thừa như áo giáp?

Sao gọi là Đại Thừa?

Sao gọi là thông suốt sự đại tinh tấn?

Sao gọi là niềm tin không hoại?

Sao gọi là thọ kí?

Sao gọi là khuyến gốc đức?

Sao gọi là nhập Thánh?

Sao gọi là Bồ Tát phát tâm, bên trong tâm ấy rộng lớn không lường?

Sao gọi là Bồ Tát tạng?

Sao gọi là theo hộ trì?

Sao gọi là tự tại?

Sao gọi là cảm ứng?

Sao gọi là các biến hóa?

Sao gọi là nghiêm tịnh cõi nước?

Sao gọi là Kinh Pháp tùy thời?

Sao gọi là nguyện biến?

Sao gọi là biến hóa?

Sao gọi là tuệ biến hóa?

Sao gọi là thần thông biến hóa?

Sao gọi là thần túc biến động?

Sao gọi là các lực biến động?

Sao gọi là pháp lạc?

Sao gọi là cảnh giới?

Sao gọi là mười lực?

Sao gọi là vô úy?

Sao gọi là pháp bất cộng của Chư Phật?

Sao gọi là nghiệp?

Sao gọi là thân Bồ Tát?

Bồ Tát Phổ Hiền đáp: Lành thay, lành thay! Việc hỏi này thật có ý nghĩa! Vì để khai hóa cho tất cả và ban phát cho vị lai, việc hỏi của ông hôm nay như mặt trời soi khắp thiên hạ, như đêm tối có trăng sáng, như vào biển cả nhặt ngọc sáng, như thầy thuốc chế dược liệu, như đói tìm ăn, như khát có uống. Hỡi những người đến pháp hội, hãy lắng nghe, hãy lắng nghe!

Chúng hội đều thưa: Xin thọ giáo.

***