Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN MƯỜI MỘT
 

Bồ Tát Phổ Hiền dạy: Bồ Tát có mười việc như đêm tối có ánh sáng.

Những gì là mười?

1. Tâm lượng của Bồ Tát ấy biến khắp vô số Cõi Phật, tâm như hư không. Gặp chư Như Lai thì liền đảnh lễ, quy y, chỗ bước đi của Bồ Tát lúc đó, cũng như đầu đêm sắp thành Chánh Giác.

2. Lại nữa, Bồ Tát ấy theo vô lượng Phật, được nghe Kinh Điển, đọc tụng thọ trì, chuyên tâm tư duy, kiến giải rộng lớn và ngày càng tăng thêm sự chuyển hóa. Tâm Bồ Tát ấy biến khắp mười phương không có ngằn mé.

3. Lại nữa, Bồ Tát ấy đối với Cõi Phật này thì chưa từng biến mất. Sinh ra ở cõi khác mà vẫn thị hiện thân ấy, thường biết Phật Pháp, chưa từng quên bỏ.

4. Lại nữa, Bồ Tát ấy dùng một pháp hành mà rõ tất cả pháp. Vì mọi người, dần dần ban tuyên kinh đạo, dùng tất cả nghĩa mà đi vào một nghĩa.

5. Lại nữa, Bồ Tát ấy dứt sạch mọi phiền não, cũng có thể cởi bỏ mọi ái dục, cũng có thể biết dục nhiều, dục ít. Tu hạnh Bồ Tát, việc làm kiên cố, không ở nơi bản tế mà tạo tà chứng. Xem các Độ vô cực là tối bậc nhất. Bồ Tát ấy ở nơi bản tế mà hiểu rõ chân đế và phương tiện thiện quyền xảo, đầy đủ bản nguyện, chỗ hành rốt ráo, thân không mệt mỏi.

6. Lại nữa, Bồ Tát ấy tâm vào các tưởng, không xứ trú chẳng phải không xứ mà giả thuyết việc xứ phi xứ, cũng không chốn hành. Nẻo hành ấy cũng không có chỗ tư niệm mà khai hóa chúng sinh.

7. Lại nữa, Bồ Tát ấy dùng một sự tự nhiên mà kiến giải tất cả các pháp không có tự nhiên, cũng chẳng nhiều, chẳng ít, chẳng tính chẳng lường, vô sắc vô tướng còn không có một huống nữa là nhiều.

8. Bồ Tát ấy hiểu rõ pháp Chư Phật, pháp Bồ Tát, pháp Duyên Giác, pháp Thanh Văn, pháp phàm phu, pháp thiện ác là pháp thế gian, pháp độ thế, pháp tội, pháp vô tội, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi.

9. Bồ Tát ấy cũng như Chư Phật Thế Tôn đắc đạo mà chẳng đắc đạo, vì thực không có pháp chúng sinh, không bỏ sở nguyện, khai hóa chúng sinh, hiểu rõ các pháp.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đều biết tha nhân, thấu rõ tâm niệm, nhân duyên, việc làm của trăm họ. Lại cũng biết rõ nên trao truyền, dạy dỗ, khiến cho mọi người đều đến diệt độ, sở nguyện đủ đầy.

10. Lại nữa, Bồ Tát ấy lại hiểu rõ việc có thể nhìn thấy tâm niệm chúng sinh, biết rõ chỗ về và phương tiện quyền biến tùy thời mà hiện. Thuyết pháp dạy luật, không rời chân chánh, không theo điên đảo.

Bồ Tát hiểu rõ các pháp nên đều trú bình đẳng ở ba đời, vốn chẳng bất động, đứng nơi bản tế không thấy chúng sinh đã được khai hóa, không khai hóa cũng chẳng phải không khai hóa. Không theo luật giáo cũng không hành dụng, phân biệt chỗ về, pháp không thủ đắc, sinh đó diệt đó. Chỗ thệ nguyện ấy không hề hư vọng, ở nơi tất cả pháp vĩnh viễn không còn chấp trước.

Lại nữa, Bồ Tát ấy gặp vô số Chư Phật Thế Tôn, mỗi một Như Lai diễn thuyết Kinh Điển thì liền nghe nhận và thọ trì vô số nẻo hành hóa, tên gọi khác nhau, chỗ tư niệm bất đồng. Ở nơi các kiếp ấy Bồ Tát đều biết rõ mỗi một gốc ngọn các kiếp đến vô số kiếp, mà luôn được nghe pháp và nhớ biết không hề quên mất, cũng không mê lầm.

Bồ Tát nghe các Đức Như Lai không thể nghĩ bàn thì liền một tâm thọ trì. Nẻo hành trì của họ có nguyện lực siêu vượt, khai hóa chúng sinh khiến đều thành tựu đạo Tối Chánh Giác Vô Thượng chánh chân, sở nguyện đạt thành, hiểu rõ pháp giới.

Đó là mười việc vâng tu và du hành như đêm có ánh sáng của Bồ Tát.

Bồ Tát có mười việc tâm như kim cương, chí đại thừa như áo giáp.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát phát tâm chẳng trụ ở đây, cũng không bờ cõi, rõ tất cả pháp, với việc trong ba đời không một gì mà không thông đạt. Đó là tâm như kim cương mặc áo giáp đại đức.

2. Mỗi một lỗ chân lông không thể tính đếm mà Bồ Tát có thể trang nghiêm tất cả, huống nữa là đối với tất cả pháp giới chúng sinh.

Bồ Tát mặc áo giáp công đức, miệng tự nói: Ta sẽ giáo hóa, dẫn dắt tất cả chúng sinh đến nơi đạo Vô Thượng chánh chân.

3. Lại nữa, Thế Giới Chư Phật không bờ mé, không thể lường tính.

Các Bồ Tát phát nguyện: Ta sẽ tịnh trị đạo pháp vô thượng chánh chân ở nơi các Cõi Phật, cho nên làm thanh tịnh các Cõi Phật.

4. Lại nữa các chúng sinh không bờ đáy, không số lượng. Nếu có Bồ Tát khuyến trồng gốc đức rộng lớn như vậy thì chiếu soi tất cả chúng sinh đến vô thượng đại thừa.

Chư Phật Thế Tôn không có hạn lượng, việc trồng gốc đức của chư Bồ Tát cũng là như vậy, thường gặp Chư Phật, khuyến chúng sinh bố thí mà có thể đạt được đạo vô thượng chánh chân, làm Tối Chánh Giác.

Nếu có Bồ Tát được gặp Chư Phật, nghe thuyết Kinh Điển, tâm được hoan hỷ không cậy nơi ta người, không dựa Như Lai, không gần cũng không xa với Như Lai, không có cũng chẳng không, không chấp sở hữu, cũng không có sở hữu, không có thân tướng, không có vẻ đẹp nơi sắc tướng.

Biết rõ thể của Như Lai thì không sinh khởi cũng chẳng phải không sinh khởi, không hình tướng cũng chẳng phải không hình tướng, không xứ sở cũng không phải không xứ sở, không khởi thân Như Lai cũng không chỗ hủy hoại. Dùng thân Như Lai thể nhập vô sở hữu, ở nơi chỗ hành mà không chốn hành.

Vì sao?

Vì đều nhận lãnh tất cả pháp số như nhiên.

5. Lại nữa, chư Bồ Tát luôn luôn thương xót chúng sinh. Bị chặt đầu, tay chân, xẻ tai mũi, móc hai mắt, bị mắng chửi, hủy báng, bị đả thương bằng gạch đá, cây gậy, chê trách trêu chọc… mà Bồ Tát đều có thể nhẫn chịu, không hề khởi nóng giận, cũng không ôm thù hận, mặt chẳng biến sắc. Các vị tu hạnh Bồ Tát trong vô số kiếp mà chưa từng dấy tâm xả bỏ tất cả chúng sinh.

6. Lại nữa, Bồ Tát đối với tất cả các pháp luôn thấy bất nhị. Dùng các kiến giải này nên không hề sân hận, siêng giúp chúng sinh, nhẫn chịu tất cả khổ não hoạn nạn, thân gặp sự đau đớn, tổn hại cũng đều nhẫn chịu. Các việc sắp đến không có bờ mé mà cũng không ngăn ngại, trú ở tín lạc.

Như vậy mà nói thì Bồ Tát phát tâm từ hôm nay cho đến vị lai, rốt ráo pháp giới, trú ở hư không giới, Bồ Tát đều ở nơi mỗi một Thế Giới Chư Phật, khai hóa chúng sinh. Như đã hành dụng ở một Thế Giới thì mười phương Cõi Phật cũng lại như vậy.

7. Độ khắp pháp giới, tận hư không giới mà đầy đủ sự không sở hữu, chẳng hoảng sợ, cũng chẳng lo lắng, làm việc như vậy khắp cả ba đời.

Vì sao?

Bồ Tát Đại Sĩ vì dùng tất cả chỗ có thể đi đến mà phụng trì hạnh Bồ Tát, nương vào tâm Bồ Tát, tin chắc vào đạo Vô Thượng chánh chân. Chí tánh thanh tịnh, tích lũy gốc đức, đầy đủ thệ nguyện mà được tự tại ở nơi Phật Đạo.

Theo sở nguyện ấy cũng được tự chủ nên muốn thành Chánh Giác thì liền được thành như ý, sở hành vô lượng mà luôn rốt ráo. Đoạn trừ tất cả không còn mảy may các thọ, năm ấm. Chốn hành ấy mà ỷ lại vào Chư Phật thì không thành Chánh Giác.

Vì sao?

Vì sở nguyện đầy đủ, hạnh Bồ Tát tròn đầy mà khai hóa chúng sinh, hộ trì các Cõi Phật.

8. Lại nữa, Bồ Tát ấy không thủ đắc nơi Chư Phật, không thủ đắc nơi đạo, cũng không thủ đắc các xứ sở của Bồ Tát và tất cả xứ sở của chúng sinh. Cũng chẳng thủ đắc tâm ý, các hạnh. Cũng chẳng thủ đắc tất cả chúng sinh hữu vi, vô vi trong quá khứ, hiện tại và vị lai.

Chốn hành hóa của Bồ Tát an nhiên như vậy mà thâm diệu lồng lộng, tịch định sáng trong và đều vô sở đắc. Hành ấy bất nhị, không sự tranh tụng, thanh tịnh giải thoát, tự nhiên như vậy, diệt độ như vậy. Tu như bản tế, tâm không hư vọng, đã lập thệ nguyện thì không hề biếng nhác.

9. Tâm nhất thiết trí, các hạnh Bồ Tát khai hóa chúng sinh. Các Độ vô cực dạy chúng sinh tuân theo luật đạo, phụng kính Chư Phật, thuyết pháp giải nghĩa. Trang nghiêm Thế Giới với sự tinh tấn chưa từng lười nhác.

Vì sao?

Các việc như vậy và sự đạt đến của đại nguyện thì đều biết rõ tất cả các pháp và pháp tướng như vậy.

10. Nuôi lớn Từ bi, công đức vô lượng, hiểu rõ tuệ nghĩa, thương xót chúng sinh, thường hiểu tất cả danh tự các pháp. Phàm phu ngu tối không hiểu rõ điều này nên không thể biết rõ các pháp như nhiên thì ta sẽ khai ngộ khiến họ đạt được sự hiểu biết đó.

Vì sao?

Vì tất cả chúng sinh đều không hành vắng lặng, do đó Chư Phật vì họ mà thuyết giảng Kinh Điển, dấy lên tình thương vô cực, không hề bỏ tâm Từ mà khai hóa họ.

Cớ sao chúng ta lại chán ghét đại bi mà bỏ chúng sinh?

Giả như chẳng được thành Phật, Kinh Điển không đủ, đại nguyện không thành mà bố thí chúng sinh bằng pháp thí vô thượng thì từ gốc sơ phát tâm đã lập thệ nguyện chân thành để làm thanh tịnh chúng sinh.

Giá như không thể học đại nguyện chánh yếu, phát tâm vào đạo thì đó là dối trá Chư Phật. Phải vì tất cả mà phát tâm đạo, trồng các gốc đức để khuyến giúp họ vào chỗ trí tuệ thâm diệu. Vào khắp tất cả nơi chốn chúng sinh mà tâm luôn bình đẳng, do vậy mà đại nguyện được tròn đủ.

Đó là mười việc tâm như kim cương, mặc áo giáp đại thừa của Bồ Tát. Bồ Tát trú ở đây thì mau chóng thành tựu thần thông Như Lai vô cực bền chắc như kim cương.

Bồ Tát đại tinh tấn có mười việc.

Những gì là mười?

1. Ta phải phụng kính, cúng dường, quy y Chư Phật, tích lũy và huân tu các gốc đức của Chư Phật.

2. Ta vì các Như Lai sau khi nhập Bát Niết Bàn mà trang nghiêm chùa chiền, cúng dường các loại hương hoa, danh hương, bột hương, tạp hương, hương xoa, y phục, cờ phướn, lọng báu… ta sẽ nắm giữ chánh pháp để hộ trì, dạy dỗ và khai hóa tất cả chúng sinh, khiến họ phát đạo tâm Vô Thượng chánh chân, không hề trái luật đạo. Trang nghiêm tất cả cõi nước của Chư Phật và an ổn cõi giới vô thượng.

3. Lại nữa, tâm Bồ Tát tự nghĩ: Ở các kiếp vị lai, trong mỗi một Thế Giới, có một người cùng tất cả người chưa được độ thì không thể bỏ sót. Ta vì những người ấy nên tu hạnh Bồ Tát.

4. Cũng lại như vậy, họ hưng khởi đại bi, kiến lập chúng sinh nơi chánh đạo Phật, trải qua vô số khổ nạn mà chưa từng có phút chốc biếng nhác, thường tu Phật Pháp. Đó là Chư Phật Thế Tôn ở trong vô số kiếp hiện tại và vị lai.

5. Người ấy cúng dường mỗi một Như Lai như cúng dường một Đức Phật, phụng thờ chư Như Lai đều bình đẳng không sai khác.

6. Sau khi chư Như Lai diệt độ trong vô số kiếp thì cúng dường xá lợi, tất cả cờ phướn, lọng báu, chuông linh. Vì mỗi một Đức Phật trong vô cõi nước mà hưng lập miếu tự, tu đắp hình tượng. Chỗ tôn tạo hình tướng biến khắp tất cả cõi nước không thể nghĩ bàn. Ngày đêm tinh tấn, không hề xả bỏ dù một giây phút.

7. Họ vì Phật Pháp tạng mà phụng thờ Chư Phật, khai hóa chúng sinh, phụng tuyên giáo pháp, tu theo chánh pháp thì dần dần gần gũi với đại đạo.

8. Do các gốc đức mà Bồ Tát đắc thành đạo vô thượng chánh chân, làm Tối Chánh Giác. Vâng theo sự bình đẳng của tất cả Như Lai mà về nơi Cõi Phật. Thành Chánh Giác rồi thì ở trong vô số kiếp mà ban tuyên kinh đạo, biến khắp Cõi Phật. Chư Phật biến hóa, hiển bày thần thông không thể nghĩ bàn, Bồ Tát chẳng lấy làm chán mệt. Thân, khẩu, ý của Bồ Tát ấy cũng không kể lao nhọc.

9. Lúc phát tâm, Bồ Tát ấy hướng thẳng đến pháp môn, tùy thời phụng kính Chư Phật, hành chí nguyện lớn, hóa độ chúng sinh, lấy đại bi làm đầu. Về nơi đại từ, lễ pháp vô tướng, trú nơi giáo nghĩa thành tín, các pháp tròn đủ lấy làm chỗ chứng đắc, tất cả không mệt, chỗ tạo hành nghiệp không có tranh chấp.

10. Quá khứ, hiện tại, vị lai Chư Phật thể nhập một nghĩa, hướng vào pháp giới, dung thông với cái không, siêu việt pháp vô tướng, không hành mà chẳng phải không hành khiến cho tất cả đến chỗ rốt ráo mà chưa từng chán sợ. Pháp của Chư Phật đến sở nguyện vô cực, thi hành Phật Sự, khuyến hóa chúng sinh.

Đó là mười việc đại cần mẫn của Bồ Tát. Bồ Tát trú ở đó thì thành tựu đạo tuệ vô thượng của Như Lai.

Bồ Tát có mười việc thông suốt đại tinh tấn.

Những gì là mười?

1. Phụng kính tất cả Như Lai chánh chân và tự quy y.

2. Mời gọi các chúng sinh, tùy thời theo hộ.

3. Hướng cầu Phật Pháp, cốt ở tinh chuyên.

4. Tích lũy gốc đức không lấy làm mệt.

5. Hưng long Thánh Điển khiến lưu truyền khắp.

6. Đầy đủ tất cả đại nguyện vô cực.

7. Chí mộ ân cần các hạnh Bồ Tát.

8. Thường gặp thiện hữu, luôn theo học hỏi.

9. Đến khắp mười phương gặp chư Như Lai.

10. Nghe thuyết Kinh Điển, vào Đạo Tràng Phật.

Đó là mười việc thông suốt đại tinh tấn của Bồ Tát.

Bồ Tát có mười niềm tin bất hoại.

Những gì là mười?

1. Tin mười phương Phật không có hai tâm.

2. Ưa thích pháp Phật chưa từng trái bỏ.

3. Ưa thích Thánh chúng không sinh tâm khác.

4. Vui thích Bồ Tát tâm không hoài nghi.

5. Thường kết hợp cùng các thiện hữu.

6. Thương xót chúng sinh, không bỏ muôn loài.

7. Phụng hành tất cả nguyện các Bồ Tát.

8. Phụng hành đầy đủ các hạnh Khai sĩ.

9. Phụng kính, đảnh lễ, quy y Chư Phật, khai hóa chúng sinh, đều độ thoát họ.

10. Bồ Tát hành dụng bằng phương tiện thiện quyền không bỏ thuần tín.

Đó là mười niềm tin bất hoại của Bồ Tát.

***