Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN MƯỜI TÁM
 

Lại nữa, này Phật Tử! Bồ Tát ở với tất cả chúng sinh ca múa đùa vui, tùy theo hành vi của mọi người mà Bồ Tát thị hiện chung cùng với họ mà luôn giữ đúng như sự nhất tâm định ý lúc ban đầu của mình, chưa từng tán loạn. Đó là con đường nghiêm tịnh thứ năm.

Lại nữa, này Phật Tử! Bồ Tát đã vượt qua pháp thế tục, đối với các hành nghiệp không hề vướng mắc, chẳng xả bỏ đạo hóa độ, cứu giúp chúng sinh. Đó là con đường tịnh thứ sáu.

Lại nữa, này Phật Tử! Bồ Tát trụ nơi đạo vì để hiển bày Thánh tuệ, để vào chính đạo, vượt các tà kiến. Bồ Tát ở nơi đường tà, dạy bảo chúng sinh khiến được sự hóa độ, chẳng đồng trần với đường tà. Đó là con đường nghiêm tịnh thứ bảy.

Lại nữa, này Phật Tử! Thân, miệng, ý của Bồ Tát Đại Sĩ không có sai sót, cũng chẳng phải là không hộ trì giới. Bồ Tát luôn nuôi dưỡng giới cấm thanh tịnh của Như Lai, vì các hàng phàm phu mê lầm mà hiển hiện hạnh thanh tịnh, dạy cho kẻ theo giới ác, khiến họ được đầy đủ tịnh phước. Nhờ Bồ Tát nên họ có thể tiêu trừ hết nhân dẫn tới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đến được ba đường lành.

Hiện tại, Bồ Tát chẳng hưởng an nhàn cho riêng mình, sinh ra nơi chỗ nhiều hoạn nạn, nghèo cùng thiếu thốn, Bồ Tát phải đến những nơi chỗ ấy chuyên tâm cứu độ chúng sinh. Tuy Bồ Tát hành hóa như vậy nhưng chẳng cấu nhiễm. Đó là con đường nghiêm tịnh thứ tám.

Lại nữa, này Phật Tử! Việc làm của Bồ Tát không vọng cầu theo người khác, chỉ ở nơi pháp Phật đạt đến vô ngại biện, quán khắp Chư Phật đạt được tuệ quang của pháp.

Từ các Đức Như Lai đến các loài vô hình, tất cả Chư Phật đều là một pháp thân. Chư Phật vì tất cả chúng sinh mà dẫn dắt, chiếu soi khắp các pháp môn, an trụ nơi các thừa. Chư Phật hiện hành trước mắt mà tất cả muôn người đều không thể lãnh hội được. Mọi loài chúng sinh đều có hình tướng, đến cả loài chưa từng thấy cũng đều hiện hữu khắp.

Việc cầu pháp của Bồ Tát chưa từng quên mất. Việc hiện bày các bậc Sư Trưởng của Bồ Tát cũng được những người thọ giáo cung kính, đều khởi tâm nghinh đón. Nhân vào điều lạ sinh ra, duyên vào điều ấy để nhận lãnh, pháp tu hành kia ở tại chúng sinh.

Vì sao?

Vì nẻo hành trì, phương tiện quyền xảo của Bồ Tát, chân đế của Khai sĩ đều trụ nơi đạo nghiệp. Bồ Tát khéo dùng phương tiện khiến cho chúng sinh tuân theo luật, giáo, thị hiện đạo quyền biến để khiến họ có chỗ an lập. Đó là con đường nghiêm tịnh thứ chín.

Lại nữa, này Phật Tử! Bồ Tát tập hợp các gốc đức, đạt được diệu pháp tối thượng, đầy đủ hạnh nơi Nhất sinh bổ xứ của Như Lai. Hành Độ vô cực của Bồ Tát là tôn quý trong các pháp nên luôn đội mão pháp Ly cấu vô lượng, lấy tơ chánh pháp làm đai.

Ở mười phương Thế Giới, hiện vô số thân Như Lai, hoán chuyển không hao tổn, kiến lập bánh xe pháp. Các thân Như Lai ấy hiện hữu cùng khắp tất cả Cõi Phật, hội nhập nơi các pháp, một mình bước đi trong ba cõi, cứu độ mọi người đến bờ giác ngộ. Các Bồ Tát ấy thành tựu được mọi tự tại, sinh vào trong mười phương cõi nước.

Các Đức Như Lai quá khứ, hiện tại và vị lai đã có thể thị hiện giáo hóa chúng sinh, đều ở trong một Cõi Phật, cũng chẳng quên mất các hạnh Bồ Tát, chẳng mê mờ tuệ đạo, chẳng trái với gốc đức ban đầu của Khai sĩ mà bị thoái chuyển.

Đi theo dấu vết của Bồ Tát mà chẳng lùi bước, ở nơi hành Đại Sĩ chẳng hề lười bỏ, cũng chẳng đoạn tuyệt sự khơi nguồn của Bậc Chánh Sĩ, cũng chẳng rời bỏ phương tiện quyền xảo, chẳng phế bỏ Thánh nghiệp, chẳng trái với năng lực hiện hành của Bồ Tát, chẳng đem thêm sự nguy hại cho người khác, không xa lìa sự kiến lập của Bậc Thánh Sĩ.

Vì sao?

Nếu Bồ Tát ấy mau chóng được đạo Vô Thượng chánh chân như vậy thì không hề có sự đắm trước, quán nhất thiết trí, biết rõ thể tướng của Như Lai vốn không hình mạo. Đó là con đường nghiêm tịnh thứ mười. Bồ Tát an trụ ở đấy thì mau chóng thành tựu đại đạo Vô Thượng của Như Lai.

Này Phật Tử! Bồ Tát có mười việc phụng hành.

Những gì là mười?

1. Tu theo giới cấm với đại nguyện thù đặc, dần dần sẽ tu trọn đủ là hạnh tinh tấn. Mang lại tất cả đạo phẩm chẳng bị thoái chuyển.

2. Noi theo hạnh thần thông, thuận theo ý chí nơi mọi người mà làm cho họ hoan hỷ.

3. Tu theo hạnh thần túc, vào khắp các nước Phật trong mười phương hợp làm một cõi mà chẳng lay động.

4. Chí phụng hành thanh tịnh nên được vào chỗ nhiệm mầu.

5. Thệ nguyện kiên cố thì tất cả việc làm không gì là không thành.

6. Luôn tuân phục, hành trì không thể vượt qua tất cả sứ mệnh của đấng Tôn sư.

7. Cầu nghe Kinh Điển và hành hóa không hề biết chán mệt.

8. Phụng tu nơi pháp đã ban tuyên của Chư Phật nên luôn tinh tấn.

9. Sùng kính Thánh pháp thì đi vào tất cả chúng hội Đạo Tràng.

10. Dũng mãnh không khiếp nhược nên thành tựu đại hạnh thanh tịnh vô cực, biết rõ tất cả điều không chỗ sinh.

Đó là mười thứ phụng hành của Bồ Tát. Bồ Tát an trụ ở đấy thì có thể đi khắp tất cả Cõi Phật trong mười phương không bị ngăn ngại.

Bồ Tát có mười việc về tay.

Những gì là mười?

1. Đó là tay thuận tín, tin vào lời dạy của Như Lai, một tâm tin vui không thể cùng tận.

2. Dùng tay cúng dường các Đức Phật Chánh Giác, tích lũy thêm đại công đức không biết mệt mỏi.

3. Đó là tay buông xả, khiến cho tất cả kẻ đến cầu xin đều được vui lòng, chỗ mong muốn của họ đều được đầy đủ nên đều tán thán: Hay thay.

4. Tay thăm hỏi trước nhất là đưa bàn tay phải ra.

5. Tay khéo học rộng, khéo trừ bỏ tất cả do dự, lưới nghi kết, khiến ba cõi vắng lặng.

6. Bàn tay du hành lớn đối với ái dục, vô thường phải dùng tay lớn để giáo hóa chúng sinh, trao truyền ban phát.

7. Tay an trụ nơi địa, hiểu rõ về bố dòng chảy nơi sinh tử.

8. Bàn tay hành Độ vô cực thâu nhóm tóm chung về nội tạng, phụng trì hạnh bình đẳng là pháp vô sư, hóa độ chúng sinh không khởi tâm độc hại.

9. Tay hóa độ thế gian, giảng thuyết Kinh Điển, biết rõ về thế tục, nên có thể trừ được tai ương, bệnh tật của thân tâm.

10. Tay trí tuệ báu, tiêu diệt phiền não, hiển hiện vô lượng ánh sáng pháp chói lọi.

Đó là mười việc về tay của Bồ Tát. Bồ Tát dùng bàn tay đạo này rộng che tất cả.

Có mười việc về bụng của Bồ Tát.

Những gì là mười?

1. Đó là bụng gồm đủ chí tánh, ý niệm thanh tịnh hòa hợp.

2. Bụng tàng chứa sự chất trực, không dua nịnh.

3. Bụng chẳng nghĩ cách ngụy trang, không hề vướng mắc.

4. Bụng không có cảnh giới của nhân duyên, chẳng ưa tất cả nghiệp hiện có trừ khử phiền não.

5. Lấy tuệ làm bụng chứa.

6. Tâm ấy thanh tịnh, không có vết nhơ.

7. Bụng quán xét, trừ các đồ ăn, chỉ nghĩ đến chân đế của Phật.

8. Bụng xét rõ vạn vật vốn không, hiểu rõ vốn do mười hai nhân duyên tạo nên.

9. Bụng phân biệt được các nghiệp sinh tử, trừ bỏ được các ngằn mé tà kiến.

10. Bụng Bồ Tát làm cho tất cả chúng sinh nhập vào tạng Phật Đạo.

Bồ Tát lại có mười tạng.

Những gì là mười?

1. Chẳng hề làm đoạn dứt, mà luôn phụng hành lời dạy của Phật, trụ ở hạnh Bồ Tát. Do không phóng dật nên được tự tại, hiển bày sự giáo huấn theo pháp ấy là khuôn mẫu của Bồ Tát.

2. Bồ Tát trụ ở Tuệ vô cực, thị hiện ở thế gian, nương theo Thánh chúng là kho chứa của Bồ Tát.

3. Bồ Tát trụ ở không thoái chuyển, chuyển bánh xe pháp, luôn tùy thuận chúng sinh, luôn giữ lấy phần pháp thiện còn lại, ấy là sự tàng chứa của Bồ Tát.

4. Chỗ trụ tùy lúc, chẳng mất đạo hạnh. Chúng sinh ở nơi chẳng hiểu biết, tin tưởng thì khai hóa đầy đủ cho họ, là khuôn mẫu Bồ Tát.

5. Đứng trên sự báo ứng khiến mỗi mỗi được hóa độ khiến đạo pháp không đoạn tuyệt. Chúng sinh theo nẻo tà kiến thì hưng khởi tâm đại bi nhằm giáo hóa. Đó là thai tạng của Bồ Tát.

6. Hưng khởi ánh sáng vô cực cho đời sau, như mười lực của Như Lai, phụng tu theo đường báo ứng. Khiến chúng sinh có được hiểu biết đầy đủ. Đó là sự tàng chứa của Bồ Tát.

7. Hàng phục quân ma, gốc đức vô song, đại vô sở úy là tiếng gầm của Sư Tử, là kho chứa của Bồ Tát.

8. Ở nơi trụ lập, đem lại an lạc cho chúng sinh, khiến họ không còn nghi ngờ, đạt được mười tám pháp của Chư Phật. Đó là kho tàng của Bồ Tát.

9. Bồ Tát đều lấy Thánh tuệ dẫn đường tạo lợi ích cho tất cả. Hết thảy chúng sinh trong mười phương cõi nước có pháp của Chư Phật đều hết lòng khuyến trợ Phật Đạo. Đó là sự tàng trữ của Bồ Tát.

10. Sinh ra ở đâu cũng không sai khác, nhập vào một tuệ. Đó là mười sự tàng chứa của Bồ Tát.

Có mười việc về tâm nghiệp của Bồ Tát.

Những gì là mười?

1. Đã có thể nghĩ đến hành nghiệp thì tất cả việc làm đều được thành tựu.

2. Không mang tâm khiếp nhược, tích lũy gốc đức, huân tập đầy đủ tướng tốt.

3. Bước đi của tâm từ là hạnh lớn, hàng phục tất cả các ma và quyến thuộc của chúng.

4. Tùy lúc hành tâm từ bi, tiêu trừ tất cả phiền não ái dục.

5. Tu hành chẳng thoái chuyển, cũng chẳng thoái thất hạnh từ bi rộng lớn.

6. Đến Đạo Tràng Phật, làm sáng tỏ gốc tịnh, tâm không chỗ đến, biết rõ hành vô sở trụ.

7. Thương xót và vào khắp cõi chúng sinh, tùy theo sự ưa thích của họ mà giáo hóa.

8. Tu phạm hạnh lớn, chẳng theo dị đạo, cứu độ chúng sinh.

9. Tâm hành pháp không, vô tướng, vô nguyện, đạt đến chỗ vô sở hữu.

10. Trừ bỏ các tà kiến, chẳng lìa ba cõi, trang nghiêm và biến các cõi thành cõi Kim Cang kiên cố không hoại. Điều đó khiến tất cả đều thành tựu, làm cho ma chẳng thể lay động được một mảy may đối với chỗ hưng khởi đức hạnh của Bồ Tát.

Đó là mười tâm nghiệp của Bồ Tát.

Có mười việc mặc áo giáp công đức của Bồ Tát.

Những gì là mười?

1. Mặc áo giáp đại từ để hộ trì chúng sinh, tu từ bi vô cực, nhẫn chịu các khổ.

2. Chí mặc áo giáp thệ nguyện, có thể thông suốt tất cả phương tiện.

3. Mặc áo giáp công đức khuyến trợ nên gần gũi và phụng tu hạnh thanh tịnh của Chư Phật.

4. Mặc áo giáp hưng khởi công đức nên khiến các chúng sinh đều nhờ nơi ân ấy.

5. Mặc áo giáp các độ vô cực để độ chúng sinh.

6. Mặc áo giáp Thánh tuệ nhằm tiêu trừ tất cả phiền não ái dục.

7. Dùng phương tiện quyền xảo, gieo trồng các công đức, dẫn đường tạo lợi ích khắp mọi nơi.

8. Tâm nhất thiết trí an ổn, không hề loạn động.

9. Áo giáp tâm ý ấy không hề biến đổi.

10. Áo giáp công đức nhất tâm, tức tâm luôn nghĩ về pháp chẳng chút lãng quên.

Đó là áo giáp công đức của Bồ Tát để hàng phục chúng ma.

Gậy của Bồ Tát có mười việc.

Những gì là mười?

1. Dùng gậy bố thí để đập bỏ mọi tham lam keo kiệt.

2. Tu trì giới cấm để loại trừ các sự vi phạm việc ác.

3. Gậy bình đẳng khuyến pháp, tiêu trừ vọng tưởng.

4. Dùng gậy trí tuệ đoạn đứt phiền não ái dục của chúng sinh.

5. Dùng gậy chánh nghĩa để xa lìa các nghề sinh sống trong tối tăm.

6. Dùng gậy phương tiện để tự hiện thân khắp chốn dâm, nộ, si, loạn.

7. Bồ Tát dùng gậy chánh pháp và giáo hóa tiêu trừ tất cả ái dục, tất cả các thứ cấu nhiễm của chúng sinh.

8. Bồ Tát ở tại sinh tử thì dùng tuệ lực để đoạn trừ mọi thứ cấu uế cùng khai hóa muôn loài.

9. Gậy giảng một pháp để phá bỏ tất cả chỗ vướng mắc.

10. Dựa vào cửa nhất thiết trí để làm tiêu hết các chốn oán nghịch.

Đó là mười gậy của Bồ Tát nắm giữ.

Đầu của Bồ Tát có mười việc.

Những gì là mười?

1. Đầu không kiêu mạn thì trên Trời, dưới thế gian không ai có thể thấy tướng đỉnh đầu.

2. Đầu đảnh lễ Sư Trưởng, hiếu thuận song thân thì trên Trời dưới thế gian đều làm lễ.

3. Đầu ưa thích pháp thượng diệu thì cả tam thiên Thế Giới không đâu là không kính ngưỡng.

4. Lấy các gốc đức làm đầu thì chúng sinh nơi ba cõi đều đến quy mạng.

5. Thay mọi chúng sinh gánh vác việc nặng làm đầu thì thường có thể ngẩng đầu thấy khắp mười phương.

6. Đầu chẳng khinh người khác thì mọi việc làm, bước đi đều vượt hẳn mọi người.

7. Đầu hành trí độ vô cực thì đỉnh có Vua pháp.

8. Đầu theo phương tiện quyền xảo thì thị hiện khắp chúng sinh với hạnh bình đẳng.

9. Đầu dốc hóa độ chúng sinh thì khuyến tấn họ đến chỗ an ổn.

10. Đầu tu các giáo pháp của Như Lai thì thường phụng trì Tam Bảo, khiến không đoạn mất.

Đó là mười đầu của Bồ Tát.

***