Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN SÁU
 

Những gì là mười?

1. Hiểu rõ chúng sinh sẽ về trí tuệ giải thoát.

2. Vào khắp các cõi, vô số cõi nước.

3. Người chưa vào thì được vào.

4. Đi vào lưới tham, trừ khử cấu uế.

5. Đi vào các cõi, biết chỗ tăng giảm.

6. Hiểu rõ các pháp mỗi một có khác.

7. Hoặc dùng nhất phẩm, có thể biến khắp âm thanh các cõi.

8. Rõ các tưởng thế gian, chỗ trú điên đảo và mỗi mỗi sự khác nhau của chỗ tư niệm.

9. Dùng ngôn từ vào khắp tất cả nêu bày các pháp.

10. Oai lực của Như Lai kiến lập pháp giới và tất cả chúng sinh ở tại ba đời. Chư Phật vào đó dạy dỗ cho họ không còn mê mờ và đều khiến họ vào đạo.

Đó là mười hành tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Tin hiểu cõi chúng sinh

Vào khắp các Cõi Phật

Đều đến cả mười phương

Bình đẳng quán Thế Giới

Các pháp không số lượng

Thân vào không cùng tận

Chỗ biến hóa Như Lai

Hóa độ khắp ba đời.

Bồ Tát có mười việc không tự đại.

Những gì là mười?

1. Không khinh mạn người, loài vật, côn trùng…

2. Thân tâm khiêm tốn, không khi dễ người.

3. Không vì cõi nước của mình mà tự ngã mạn.

4. Nếu được cung kính không tâm tự đại.

5. Không dùng lời hay mà tự khen ngợi.

6. Hành nguyện đầy đủ, không dùng để tô điểm.

7. Khai hóa chúng sinh, lìa sự mệt mỏi.

8. Thành tựu Chánh Giác, tâm thường từ bi.

9. Giảng thuyết Kinh Điển, không rộng nói đến bản thân. Có chỗ kiến lập mà không tư đại.

Đó là mười việc không tự đại của Bồ Tát.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Không khinh mạn chúng sinh

Được cõi nước chẳng vui

Được phụng kính chẳng mừng

Rời các danh xưng hão

Không tham, các sở nguyện

Khai hóa mọi chúng sinh

Được thành Tối Chánh Giác

Ban tuyên tuệ đại đạo.

Lúc nói giảng nói pháp này xong, các hàng Trời, Rồng, Thần, chúng sinh thế gian, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hầu Lặc… không ai mà không hoan hỷ và phát tâm đạo.

Các loài: Sư Tử, cọp, chó sói, gấu, nai, cá ba ba, thuồng luồng, các loài trùng nhỏ… đều sinh tâm từ, không có hại nhau.

Chúng nghe giảng nói pháp nên mỗi một đều phát đạo tâm. Chư Thiên rải hoa rơi xuống như mưa, xông đốt các danh hương có khói tỏa như mây trôi, đàn sáo nhạc khí không đánh mà tự hòa vang. Lúc ấy, chúng hội thảy đều hoan hỷ phụng hành.

Bồ Tát Phổ Trí lại hỏi Bồ Tát Phổ Hiền:

Sao gọi là kiến lập?

Sao gọi là tín lạc?

Sao gọi là vào sâu?

Sao gọi là nương tựa?

Sao gọi là dũng mãnh?

Sao gọi là đoạn dứt các nghi?

Sao gọi là không thể nghĩ bàn?

Sao gọi là giải thoát chân đế?

Sao gọi là báo ứng?

Sao gọi là định ý?

Sao gọi là sở hữu?

Sao gọi là cửa giải thoát?

Sao gọi là thần thông?

Sao gọi là thông đạt?

Sao gọi là giải thoát?

Sao gọi là vườn nuôi dưỡng?

Sao gọi là cung điện?

Sao gọi là dạo chơi?

Sao gọi là trang nghiêm?

Sao gọi là tâm bất động?

Sao gọi là tánh không chỗ xả?

Sao gọi là tuệ quán?

Sao gọi là giảng pháp?

Sao gọi là nguyện thanh tịnh?

Sao gọi là ấn?

Sao gọi là ánh sáng tuệ?

Sao gọi là hành vô sắc?

Sao gọi là không tâm pháp?

Sao gọi là tâm như núi?

Sao gọi là tâm như biển?

Bồ Tát Phổ Hiền đáp: Lành thay! Đại Sĩ nêu hỏi thật có ý nghĩa.

Bồ Tát có mười sự kiến lập.

Những gì là mười?

1. Thường chí nguyện nơi Phật.

2. Hằng nghĩ về Kinh pháp.

3. Khuyến hóa chúng sinh khiến trú Phật Đạo.

4. Giúp cho sự nghiệp chúng sinh được an ổn.

5. Tu lập chánh hạnh.

6. Thuận vui thệ nguyện.

7. Thường nghĩ đến oai nghi.

8. Chỗ đi tùy thời.

9. Ban tuyên gốc thiện.

10. Kiến lập tuệ nghĩa.

Đó là mười việc kiến lập của Bồ Tát.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Nhất tâm thường niệm Phật

Chuyên tinh nghĩ Kinh Điển

Khiến chúng sinh vào đạo

Chỉ bày tạo sự nghiệp

Khen, giúp tu chánh hạnh

Không để thoái thất nguyện

Oai nghi, giới hạnh đủ

Gốc thiện thành Thánh tuệ.

Bồ Tát tín lạc có mười việc.

Những gì là mười?

1. Tâm Bồ Tát tự phát khởi: Trong đời vị lai nếu có Đấng Như Lai Chánh Chân nào xuất hiện ở đời thì ta đều sẽ được gặp, gặp Chư Phật rồi thì liền cúng dường phụng sự, chí cầu vô thượng, đảnh lễ, quy y các Bậc Chánh Giác này.

2. Ta sẽ được các vị này dạy dỗ, vì được dạy dỗ nên được trở về Bồ Tát địa. Như các Bồ Tát đã từng cung kính, phụng giáo, tâm luôn tôn kính và luôn tu hành như chỗ nghe biết.

3. Lúc đó, Bồ Tát lại nghĩ: Ta không bao giờ lìa xa Chư Phật Thế Tôn và các bậc Khai sĩ. Trừ sạch khổ nạn rong ruổi của sinh tử, tu hạnh Bồ Tát trong vô lượng kiếp.

4. Bồ Tát lại nghĩ: Lúc xưa ta chưa phát tâm vô thượng, chưa làm bậc pháp khí, sợ nghĩa thâm diệu và sợ tiếng xấu hủy báng của chúng sinh, lại sợ hãi các đường ác trong sinh tử. Vì ta sớm xa lìa những sự sợ hãi ấy nên vĩnh viễn không còn tương ưng ở đó, vì xa lìa những việc này nên sinh ra chỗ nào cũng không lìa tâm đạo, không sợ không hãi, cũng chẳng lo lắng, vĩnh viễn không còn các nạn, thường xa lìa trần cấu, diệt sạch uế trược, vào ra một mình, hàng phục chúng ma, diệt bỏ ngoại đạo.

5. Bồ Tát lại nghĩ: Ta sẽ khuyến hóa cõi chúng sinh làm theo luật giáo, chí cầu đạo tâm Vô Thượng chánh chân, tu hạnh Bồ Tát. Lúc được gặp Phật thành đạo thì tùy theo đạo giáo vi diệu của các Bậc Tôn Thánh ta sẽ đảnh lễ, phụng kính, quy y và vui mừng vô lượng.

Sau khi Đức Phật diệt độ, ta sẽ vì chúng sinh mà hưng lập vô lượng Chùa Chiền, cúng dường tháp miếu, phụng tuyên Phật Pháp, hoằng truyền Kinh Điển, làm cho nghĩa vô thượng mãi mãi được trường tồn.

6. Bồ Tát cũng nghĩ: Ta sẽ trang nghiêm vô lượng Thế Giới làm cho các Cõi Phật thanh tịnh thuận hợp, mỗi một khác biệt nhưng đều bình đẳng và thanh tịnh. Ta sẽ làm vô số Cõi Phật phát tâm cảm ứng và diễn xuất đại ánh sáng chiếu khắp mười phương, thần túc biến hóa không chỗ nào không biến khắp.

7. Bồ Tát lại nghĩ: Khi ta thành Phật rồi thì sẽ đoạn sạch các hồ nghi cho chúng sinh giáo hóa chí tánh của họ thường được thanh tịnh, nhu hòa, tâm chí vắng lặng, tiêu diệt phiền não ái dục, bít lấp cửa ác, mở cửa an ổn, trừ khử u tối, hưng khởi ánh sáng lớn, bỏ hết nghiệp ma, đạt đến điều lành vô thượng. Đó là công đức khai thị khắp chúng sinh.

8. Bồ Tát lại nghĩ: Ta ở chỗ nào cũng thường gặp Chư Phật, lúc ở chỗ nguy ách cũng vẫn nghĩ đến việc phụng kính và đều được như thệ nguyện. Được gặp Bậc Chánh Giác thì chẳng hề xa cách. Diện kiến lúc Như Lai thuyết pháp.

9. Vì Như Lai rất khó gặp, trong vô lượng kiếp mới xuất hiện một lần. Giống như loài hoa Linh thụy ngàn năm mới có một lần. Ném bỏ tất cả sự chấp trước không nên có, tâm ý chất trực không hề quanh co.

10. Bồ Tát lại nghĩ: Lúc ta thành tựu đạo vô thượng chánh chân, làm Tối Chánh Giác thì biến khắp các Cõi Phật thi hành Phật Sự. Vì chúng sinh mà hiện thân với mỗi một. Gióng trống đại pháp, mưa pháp cam lồ, bố thí pháp vô lượng, thanh tịnh vô úy, làm Sư Tử gầm vang, lập nguyện vô cực, trú nơi pháp giới ban tuyên kinh đạo. Dẫu một kiếp cũng không nhàn nghỉ, thân không chán mệt, ngôn từ vô cực, tâm không lười mỏi.

Đó là mười việc tín lạc của Bồ Tát.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Nghiêm tịnh các Cõi Phật

Khuyến đạo khắp chúng sinh

Chỉ bày pháp thâm diệu

Khiến phát đạo vô thượng

Thường nguyện thấy Chư Phật

Phụng sự tự quy y

Nghe nhận chỗ thuyết pháp

Nhất tâm mà phụng hành.

Nhằm đoạn ba đường ác

Khai mở cửa an lạc

Vì chúng sinh ngu tối

Hiển bày đại ánh sáng

Ban rải pháp thí kinh

Tiêu diệt các trần cấu

Làm Đại Sư Tử hống

Tuôn mưa pháp cam lồ.

Bồ Tát có mười pháp vào sâu.

Những gì là mười?

1. Đều vào việc quá khứ của các Thế Giới, đi vào chí tánh thâm diệu của pháp Phật.

2. Về với Phật Sự vị lai của các Cõi Phật, ở tại một Cõi Phật có số lượng Chánh Giác không khác.

3. Tuy ở trong các Cõi Phật hiện tại vắng lặng nhưng mọi chỗ nói, chỗ làm của thế gian, phương tục vào việc làm nghiêm tịnh cõi nước thì họ đều quan tâm đến.

4. Vào sâu các pháp, ở tại thiên hạ mà giáo hóa vô số.

5. Lại có thể biết rõ tội phước không đồng của tất cả chúng sinh.

6. Nói về chỗ hành hóa không đồng của chư Bồ Tát. Lại nữa, kiến giải của chư Bồ Tát đều biết rõ chỗ quá khứ của chư Như Lai.

7. Bồ Tát đều biết chỗ giáo hóa nhanh chậm của Chư Phật Thế Tôn.

8. Bồ Tát lại biết Chư Phật Chánh Giác và quyến thuộc Thánh chúng ở hiện tại các cõi đang thuyết pháp và giáo hóa chúng sinh. Pháp giới hư không, mười phương Như Lai không có bờ mé.

9. Lại biết rõ pháp thế gian, pháp Thanh Văn và Duyên Giác thừa.

10. Bồ Tát vào nơi pháp này mà không chỗ vọng cầu, giảng thuyết vô số chỗ nẻo nhập pháp giới mà cũng không chỗ nhập, cũng không pháp tưởng. Tùy theo các pháp mà dạy dỗ, khai hóa chúng sinh.

Đó là mười việc vào sâu pháp Phật.

Bồ Tát lại nói kệ tụng:

Biết ở đời quá khứ

Vị lai cùng hiện tại

Tùy phương tục thị hiện

Thanh tịnh các Cõi Phật

Phân biệt tội phước người

Chốn hành các Bồ Tát.

Hiện tại các Cõi Phật

Chư Bồ Tát vân tập

Biết số lượng chúng sinh

Thuyết pháp như hư không

Biết rõ pháp Thanh Văn

Duyên giác và Bồ Tát.

Bồ Tát có mười việc chỗ nương tựa, vì sự chỗ nương tựa mà Bồ Tát ấy tu hạnh Bồ Tát.

***