Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh đồng Tử Vô Ngôn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỒNG TỬ VÔ NGÔN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN BỐN
 

Tất cả đều là sự cảm động của uy thần Đức Phật!

Đạo đức cao xa lồng lộng không lường. Các vị Bồ Tát thừa thánh chỉ Đức Phật và uy lực chí nguyện của Ngài Kim Cương Lữ, sáu mươi ức vị, tất cả đồng thời đều từ trong lỗ chân lông của đức Đại Thánh xuất hiện.

Họ cúi đầu dưới chân Đức Phật, nhiễu quanh về bên phải bảy vòng, đều dùng sức thần túc uy đức hóa ra giường vi diệu rồi đích thân ngồi lên giường ấy.

Đến đây, Bồ Tát Kim Cương Lữ bạch Đức Phật rằng: Kính thưa Đức Thế Tôn! Bồ Tát Vô Ngôn, vì sao tên là Vô Ngôn?

Đức Phật dạy rằng: Ông hãy tự đem vấn đề này hỏi vị Chánh Sĩ.

Ông ấy sẽ vì ông giải nói!

Ngài Kim Cương Lữ hỏi Ngài Vô Ngôn rằng: Thưa Tộc Tính Tử! Ngài vì sao tự hiệu là Vô Ngôn vậy?

Ngài Vô Ngôn lặng thinh. Hỏi như vậy ba lần, cũng chẳng đáp lại.

Ngài Kim Cương Lữ lại hỏi một lần nữa rằng: Vì sao tôi hỏi ba lần mà Ngài chẳng đáp lại?

Ngài Vô Ngôn đáp rằng: Tôi tìm lời này mà mãi chẳng chỗ được! Do đó cho nên chẳng đáp lại nhau vậy!

Lại, này Tộc Tính Tử! Về lý thì chẳng nên hỏi đến Vô Ngôn là vì sao mà đặt tên là Vô Ngôn?

Vì kể ra Vô Ngôn ấy tức là không nói ra lời, cũng không âm thanh.

Ngài Kim Cương Lữ lại hỏi: Giả sử không có lời nói thì nay vì sao miệng có điều nói ra?

Ngài Vô Ngôn đáp rằng: Tôi theo pháp đến cùng lời nói của Chư Phật, cũng lại theo đến cùng lời nói của chúng sinh.

Lại hỏi: Sao gọi là pháp đối với lời nói của Chư Phật?

Đáp rằng: Như tất cả sự giảng nói Kinh Pháp của Phật, tôi dùng ý lực vưng thừa thần uy ấy, cũng lại như thế. Do đó cho nên tôi nay đều đã đạt pháp lời nói của Chư Phật. Giả sử âm thanh ấy mà ngang bằng văn tự, không sự hủy hoại, diễn nói Kinh Pháp thì đó là pháp đối với lời nói của Chư Phật.

Lại hỏi: Sao gọi là theo đến cùng lời nói của chúng sinh?

Đáp rằng: Theo tất cả ngôn ngữ, âm hưởng của loại chúng sinh người mà vì họ nói pháp thì đó là theo đến cùng đối với lời nói của tất cả chúng sinh nhân dân.

Lại hỏi: Thưa Tộc Tính Tử! Ngài mất lời nói đến nay đã bao lâu rồi?

Đáp rằng: Từ khi mất tâm niệm đến nay!

Lại hỏi: Thưa Tộc Tính Tử!

Sao Ngài nói lời này?

Đáp rằng: Do đó cho nên chẳng thân cận tâm niệm, cũng chẳng phải chẳng ưa, lòng không nghĩ gì, miệng thì không nói.

Lại hỏi: Thưa Tộc Tính Tử!

Lời nói từ đâu phát ra?

Là từ lòng phát ra ư?

Từ thân phát ra ư?

Đáp rằng: Chẳng từ thân phát ra, cũng chẳng từ lòng phát ra!

Sở dĩ vì sao?

Vì thân chẳng phải thường còn, chẳng được tự tại. Còn lòng ấy thì như huyễn. Do đó nên chẳng từ thân phát ra cũng chẳng từ lòng phát ra.

Lại hỏi: Là từ đâu phát ra?

Đáp rằng: Giả sử muốn hỏi việc giảng nói thì ngôn từ là từ đâu phát ra?

Là từ trống không phát ra. Trống không không có sắc, cũng chẳng thể thấy.

Nay Ngài hỏi tôi, là do đâu ư?

Rằng, thật ra nhân vào trống không, không thấy, không hình dáng!

Đáp rằng: Thưa Tộc Tính Tử! Vậy nên nói rằng, như hư không mà chẳng thể thấy. Câu hỏi cũng như cái ngôn từ ấy cũng như hư không mà chẳng thể thấy. hư không như vậy mãi chẳng thể nhìn thấy, cũng không có tướng.

Do đó cho nên, cầu tất cả pháp và ngôn từ thì đều chẳng thể được. Như cầu ngôn từ chẳng thể được thì tất cả các pháp tịch mịch đạm bạc. Luận Ngữ, âm từ cũng lại như vậy.

Tất cả các pháp cũng như lời nói của người chợt chẳng biết chỗ. Lời nói như hư không, không thể thấy chỗ. Tất cả các pháp cũng như hư không, cũng không xứ sở. Cái ngôn từ là nhân duyên hợp thành. Tất cả các pháp cũng từ duyên khởi.

Truy tìm căn nguyên các pháp sở tại thì duyên từ đâu khởi mà chẳng thể được?

Kia chẳng thể được thì không chỗ khởi, liền không chỗ sinh. Lại không chỗ khởi thì không chỗ hưng. Kia không chỗ hưng thì không chỗ phát.

Kia không chỗ phát thì đó không dấu vết của mắt, cũng không dấu vết của sắc, cũng không dấu vết của thức, cũng không dấu vết của tai, mũi, miệng, thân, ý, cũng không dấu vết của pháp, không dấu vết của ý thức.

Kia không dấu vết thì không đi, không lại. Không đi, không lại thì gọi là độc bộ.

Kia độc bộ thì không chỗ đi, đối với tất cả hành mà không sở kiến.

Phải tác khởi sự quan sát đó thì chắc sẽ nhìn thấy cái mà vốn chẳng thấy ư?

Lại hỏi: Cái gì vốn chẳng thấy?

Đáp rằng: Chẳng sinh, chẳng khởi.

Lại hỏi: Sao gọi là chẳng sinh, chẳng khởi?

Đáp rằng: Cái chẳng thể xem xét, không có người lại!

Lại hỏi: Sao gọi là cái chẳng thể xem xét, không có người lại?

Đáp rằng: Hư không chẳng thể thấy, không có người lại! Hư không bình đẳng. Tất cả các pháp cũng bình đẳng như hư không. Do đó cho nên các pháp bình đẳng cũng như hư không. Vậy nói rằng, tất cả các pháp bình đẳng như hư không.

Lại hỏi: Sao gọi là các pháp bình đẳng như hư không?

Đáp rằng: Không có bạn bè! Do vì Chư Phật bình đẳng nên tất cả các pháp rốt ráo bình đẳng. Quá khứ vốn bình đẳng, đương lai vốn cũng bình đẳng, ở giữa vốn cũng bình đẳng, không có phân biệt kể ra những bình đẳng này là do tất cả các pháp bản tế như vậy như chân.

Bản tế vô bản, bản tế như chân, bản tế như thẩm. Bản tế vô bản, bản tế bình đẳng không có khác. Đó gọi là không có nhị tế cũng không ngần ấy.

Sao gọi rằng hai?

Vì kể ngô ngã nên gọi là hai. Nếu chẳng tham thân, chẳng kể ngô ngã thì không có hai.

Sao gọi là có hai?

Có mắt, có sắc thì gọi là hai.

Tai, tiếng.

Mũi, hương.

Lưỡi, vị.

Thân, xúc.

Ý, pháp thì đó gọi là hai.

Nói tóm lại, nếu có thể, chấp trước tất cả các pháp thì gọi là hai. Giả sử có hai cũng chẳng thể được.

Sở dĩ vì sao?

Vì quán vô sở đắc này thì không hai, cũng không ngôn từ.

Pháp, tâm ý và thức sở hữu ấy, giả sử chẳng tu ba việc này thì gọi là không hai.

Cái không hai này chẳng phải giảng nói.

Sở dĩ vì sao?

Vì có lời nói thì chẳng lìa khỏi hai. Không có lời nói thì mới không có hai.

Lại hỏi: Cái gọi là không hai thì ai tạo ra hai?

Đáp rằng: Cái không hai ấy chẳng thể tạo ra hai!

Sở dĩ vì sao?

Vì, giả sử hưng phát ngần ấy phương tiện, muốn biến đổi không hai khiến cho có hai thì nhất định chẳng thể thành được.

Lại hỏi: Việc nói về pháp luật là hai đó ư?

Là không hai vậy sao?

Đáp rằng: Pháp luật ấy thì không có hai, kiên cố khó dời!

Sở dĩ vì sao?

Vì không tướng ngôn từ, cũng không gì chế ngự, lấy không lời nói mà mở lối dẫn đường, không thể phá hoại, chẳng thể hủy khuyết vì chẳng thể hoại. Vậy nên gọi là kiên cố đạo ngự thì không có hai.

Đến đây, Bồ Tát Kim Cương Lữ bạch trước Đức Phật rằng: Kính thưa Đức Thế Tôn! Cái mà Bồ Tát Vô Ngôn tuyên duơng thông suốt đều chính là ân đức dũng mãnh của Tuệ Minh tam muội vậy.

Đức Phật dạy rằng: Những điều nói của ông đều là ân uy của tam muội Tuệ Minh.

Lúc bấy giờ, các vị Bồ Tát đều từ đất nước của Đức Phật Chấp Tuệ Diệu hỏi Ngài Vô Ngôn rằng: Thưa Tộc Tính Tử! Ngài được học pháp gì mà tuệ biện tài lồng lộng không lường đến như vậy?

Ngài Vô Ngôn đáp rằng: Như Đức Phật đã nói, tất cả các pháp đều từ giới lập nên!

Lại hỏi nữa rằng: Thưa Tộc Tính Tử! Chắc Ngài có thể rũ lòng hạ cố thương xót đến chúng tôi mà phân biệt phu diễn kiến lập giới cho!

Đáp rằng: Thưa Hiền Giả! Giới ấy chẳng trụ ở thân, chẳng trụ ở miệng, ở tâm. Đó là lập giới. Giới ấy chẳng trụ trong ngoài cũng không ở trung gian. Đó là lập giới. Nếu không tư tưởng, không gì suy nghĩ và cùng dạy bảo bằng ngôn từ thì đó gọi là lập giới.

Không ứng gì chẳng ứng, không niệm gì chẳng niệm, cũng không niệm khác thì đó gọi là lập giới. Chẳng trụ ở thiện cũng không bất thiện, chẳng ở với đời cũng chẳng độ thế, không tại chẳng tại, không hại chẳng hại, không lậu chẳng lậu, không làm chẳng làm, không sinh tử không diệt độ. Đây gọi là lập giới.

Giả sử kiến lập hình tượng so sánh như vậy thì người trụ, đối với tất cả phép tắc không chỗ trụ. Chẳng trụ các pháp, chẳng tác khởi ý niệm đó là tôi đã có lời nói tuyên dương thông suốt phân biệt.

Thưa Hiền Giả! Vậy nên đó tên là giới. Có điều nói ra thì trụ ở hai. Chân bản tế ấy và trú xứ ấy đều cùng đến vô bản. Lại, chỗ pháp giới, tôi cho trụ ở đó mà có sở luận. Có sở luận thì mãi chẳng thể được. Lời nói ấy thì cũng không sở niệm. Sự tuyên dương thông suốt ấy cũng không sở tưởng.

Lại hỏi: Thưa Tộc Tính Tử! Kia không thể được, không sở niệm và không sở tưởng thì ngôn thuyết gì?

Đáp rằng: Số tự nhiên mà chẳng thể thu hoạch, cũng không sở niệm, không có sở tưởng, tự nhiên nói lên!

Lại hỏi: Lời nói ấy là ai nói?

Đáp rằng: Thưa Hiền Giả! Lời nói của tôi! Nó tức thời diệt tận, cũng không chỗ sinh.

Sở dĩ vì sao?

Hướng tới những lời giảng pháp đều về với tận hết, tất cả các pháp đều không chỗ sinh. Chỗ sinh pháp chẳng thể biết chỗ. Sự hữu hình hiện tại đều không có hình chẳng thể được chỗ.

Sở dĩ vì sao?

Vì nhàn ấy tận mà không các tướng. Bản tế ấy thì không có ngôn giáo nên Đức Thế Tôn nói rằng, chẳng thể tưởng tượng thủ lấy tâm quá khứ. Tâm đương lai, hiện tại cũng lại như thế đó.

Nó liền khởi, liền diệt, tan nát, tiêu hết, chợt hiện, dễ chuyển đổi, chẳng thể nắm bắt, hình dáng loại gì?

Đó muốn thủ lấy, tưởng đặt, ý niệm hư ngụy, cậy nhờ, thọ nhận, tư tưởng đều như huyễn hóa. Vậy nên truy xét cùng cực thì tất cả điều nói ra đều trống rỗng không thật, nghĩa ấy không thu hoạch, cũng chẳng thể dùng lời giảng nói đã có, chẳng thể miệng tuyên nói như lòng suy nghĩ vậy.

Sở dĩ vì sao?

Vì không sự tạo tác cũng không sở hành. Kia có giải biết, hưng khởi hướng về ý nghĩa này thì chẳng lại dùng ngôn từ của miệng, cũng chẳng dùng ý niệm sở hữu trong lòng.

Còn có sự tuyên dương thông suốt, phân biệt giảng nói thì giống như sự đáp lại âm thanh bằng tiếng kêu vang. Như đức Hóa Như Lai có sự ban tuyên, sự giảng nói của người ấy cũng lại như thế.

Đó là sự có thể bảo vệ ý nghĩa của các Đức Phật và chúng Bồ Tát, tất cả người đời chẳng thể nghĩ bàn, phương tiện thiện quyền không thể chế chỉ chế ngự dừng lại, sự kiến lập pháp bằng lời của biện tài chẳng thể di động.

Các vị Bồ Tát khen Ngài Vô Ngôn rằng: Hay thay! Hay thay! Thưa Tộc Tính Tử! Ngài nói lời nói ấy hay quá! Đó là cửa vào pháp!

Chúng tôi cũng nghe, việc về với cửa thật không có cửa, ngang bằng như hư không. Đức Phật Thế Tôn ấy và các Bồ Tát thị hiện nói như vậy. Sự thọ nhận của chúng tôi cũng lại như thế này.

Đến đây, Bồ Tát Kim Cương Lữ hỏi Ngài Vô Ngôn rằng: Thưa Tộc Tính Tử! Hãy lại đây để cùng đến Thế Giới Trụ Ư Kiên Cố Kim Cương Căn, diện kiến đức Chấp Tuệ Diệu Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, quan sát đất nước đó.

Ngài Vô Ngôn đáp rằng: Lại, này Tộc Tính Tử! Nghe điều ấy thì chính là Thế Giới Trụ Ư Kiên Cố Kim Cương Căn, Đức Thế Tôn Chấp Tuệ Diệu cũng ở tại đây.

Thân tôi sao phải bỏ đây đến đó?

Ngài Kim Cương Lữ hỏi rằng: Hôm nay, Thế Giới này tạo thành bằng bùn đất, chẳng phải bằng kim cương.

Ngài Vô Ngôn đáp rằng: Thưa Tộc Tính Tử! Khoảnh khắc phát ý của ông, vượt hằng hà sa số đất nước Chư Phật, thông qua núi Thiết Vi không bị trở hoại là có thể đủ sức thủ lấy cõi Phật này và nhấc lên được một hạt bụi đất chăng?

Vậy mới sẽ biết là Thế Giới này do bùn đất tạo thành.

Bồ Tát Vô Ngôn liền theo tiếng nói dùng Kim Cương Đạo Tràng tam muội chánh thọ, ngay tức thời ở Ba Ngàn Đại Thiên Thế Giới này tự nhiên hóa thành rất kiên cố chẳng thể hủy thương, đều là Kim cương.

Đến đây, Ngài Kim Cương Lữ tạo tác uy lực lớn, hưng khởi thần biến, mặc áo giáp đại kiên cố giới đức, muốn nâng lên một hạt bụi của đất này mà chẳng thể thắng được.

Tự lòng ông nghĩ rằng: Quái lạ! Chưa từng có! Đây là sự kiến lập biến hóa lồng lộng của đức Đại Thánh?

Hay đó là sự hưng khởi cảm động của Ngài Vô Ngôn?

Ngài Kim Cương Lữ bạch Đức Phật rằng: Kính thưa Đức Thế Tôn! Con, lúc trước, trong khoảnh khắc phát tâm, thông qua núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, vượt qua hằng hà sa số đất nước Chư Phật mà hôm nay muốn nhấc lên một hạt bụi đất của cõi đất này mà chẳng thể thắng được.

Kính thưa đấng Thiên Trung Thiên! Sự hưng lập uy thần này là của ai?

Chính là ân từ thánh chỉ của đấng Thiên Trung Thiên?

Hay là sự cảm động biến hóa của Ngài Vô Ngôn?

Đức Phật dạy rằng: Là sự kiến lập của Bồ Tát Vô Ngôn vậy!

Sở dĩ vì sao?

Vì Bồ Tát Vô Ngôn dùng Kim cương Đạo Tràng tam muội, chánh thọ nên khiến cho Ba Ngàn Đại Thiên Thế Giới này rất là kiên cố, chẳng thể hủy khuyết, đều trở thành Kim cương.

Nếu có Bồ Tát trụ ở tam muội đó thì mặc theo ý mình, muốn biến bao nhiêu đất nước của Chư Phật thành Kim cương thì liền được như ý, tâm Thánh trí tuệ hưng hiển Đạo Đức.

Dùng tam muội này mà chánh thọ thì khiến cho các cõi Phật đều thành Kim cương không thể hủy phạm chạm, đều là cảnh giới uy thần của tam muội đó.

Đến đây, Ngài Kim Cương Lữ và sáu mươi ức Bồ Tát đi theo Ngài bạch trước Đức Phật rằng: Bồ Tát tu hành pháp gì mới có thể chứng được tam muội Kim Cương Đạo Tràng?

Đức Phật dạy rằng: Này Tộc Tính Tử! Bồ Tát có bốn pháp để chứng được tam muội Kim Cương Đạo Tràng này.

Những gì là bốn?

Một là trì chí kiên cố như Kim Cương, thường mang tâm đạo siêu việt tất cả các gốc công đức.

Hai là tánh hạnh đầy đủ, vô ương số kiếp tu sửa phương tiện trang nghiêm đại nghiệp.

Ba là vào đến thâm pháp phân biệt nguồn gốc mười hai duyên khởi.

Bốn là Thánh tuệ hoàn bị, đều không có sự khuyết lậu.

Đó là bốn.

Lại có bốn thứ mà Bồ Tát tự vui sướng.

Những gì là bốn?

Một là siêu độ tuệ đức, đầy đủ ngũ thông.

Hai là cửa không, vô tướng, vô nguyện, nhất tâm giải thoát, tam muội chánh thọ, lòng chẳng hí dật mà tự vui sướng.

Ba là kiến lập nên giới cấm mà trụ ở pháp giới cõi, chỗ ở không nguồn gốc, thành tựu tuệ minh.

Bốn là rốt ráo chí thành như ý nghĩa thâm sâu, hiểu rõ tịch diệt kinh nghĩa, các pháp không gì chẳng đạt.

Lại có bốn thứ nữa.

Những gì là bốn?

Một là tuân theo đại ai, tu bốn phạm hạnh.

Hai là phụng hành bát nhã Ba la mật và Lục Độ vô cực.

Ba là hành thiện quyền phương tiện ba mươi bảy pháp trợ đạo phẩm.

Bốn là vì các chúng sinh tu các giải thoát môn và bốn Thánh Đế.

Đó là bốn.

Lại có bốn thứ.

Những gì là bốn?

Một là sự tạo nghiệp của thân giống như Kim cương.

Hai là lời nói của miệng thanh tịnh, vi diệu, nhu hòa cũng như Kim cương.

Ba là nắm giữ lòng kiên cố chẳng thể động chuyển cũng như Kim cương.

Bốn là Chí tính chẳng thể hủy hoại.

Đó là bốn pháp mà Bồ Tát tu hành để mau chóng chứng được tam muội Kim Cương Đạo Tràng đó.

Khi nói lời nói này, thì các Bồ Tát liền thu hoạch được tam muội Kim Cang Đạo Tràng này.

Đến đây, Bồ Tát Vô Ngôn tự bạch với cha mình là tướng quân Sư Tử rằng: Thưa Đại Nhân! Ngài há thấy các Đức Phật ra đời, đức hưởng vang lừng, uy thánh không lường, đạo tuệ cao vời, siêu tuyệt không bạn bè, được chưa từng có, khó bì kịp, khó bì kịp!

Hình tượng so sánh như vậy chẳng thể thí dụ được lòng bi xưa mà nay đều hiện lên hết vậy. Các Đức Phật đã vì vô ương số loài chúng sinh dẫn đường bày lối diệt độ đến với Đại An. Xin nguyện Đại Nhân phát khởi ý đạo vô thượng chánh chân.

Tướng quân Sư Tử đáp lại Ngài Vô Ngôn rằng: Con phải biết rằng, bảy ngày sau khi sinh, Trời đến thấy tướng mệnh mà bảo là con sẽ phát ý đạo lớn, Phật đấng Trời trong Trời, quan sát bằng mắt đạo biết được chí tháo của ta.

Lòng ấy ngày đêm sớm tối nghĩ đến Phật Đạo, không phát tâm quy y thầy khác mà chỉ quy mạng đấng Đại Thánh Vô Cực.

Tướng quân Sư Tử và chánh phu nhân, thân thuộc nội ngoại trai gái, năm trăm nhóm tùy tùng đều phát ý đạo vô thượng chánh chân.

Bồ Tát Vô Ngôn tự đáp lại cha mẹ, anh em chị em và thân tộc cùng mọi người rằng: Các Ngài, ngày hôm nay đã phát ý lớn, phải tinh tấn hành đạo tâm trang nghiêm!

Tức thời, họ hỏi rằng: Sao gọi là phát ý trang nghiêm đạo tâm?

Ngài Vô Ngôn đáp rằng: Có bốn mươi việc trang nghiêm đạo tâm.

Những gì là bốn mươi việc?

1. Hết lòng tin Phật Đạo, lòng chẳng nghi ngờ hủy báng.

2. Ưa thích pháp mà khiến cho tồn tại mãi.

3. Chẳng khinh mạn Thánh Chúng, cung kính khiêm tốn.

4. Luôn phải làm quen bạn lành.

5. Thấy các Bồ Tát, nhìn họ như Phật.

6. Chưa từng mang lòng hại hướng về chúng sinh.

7. Cung kính phụng sự tôn trưởng, chúng hựu.

8. Lòng bình đẳng yêu ghét.

9. Vào pháp không chán.

10. Siêng nghe Kinh Điển.

11. Nghe chỉ thú tôn trọng học tập.

12. Vì người khác diễn nói.

13. Không lòng mong giúp đỡ.

14. Pháp không có thầy.

15. Việc nghĩ như ứng

16. Phụng hành vô bổn.

17. Tất cả cái yêu thích mà chẳng quý tiếc.

18. Phụng thuận cấm giới chưa từng khuyết lậu.

19. Tuyên dương thông suốt, phân bố sức nhẫn nhục.

20. Việc hành tinh tấn không đâu chẳng cùng khắp.

21. Làm cho hoàn bị tu tập thiền định nhất tâm.

22. Mà nghĩ thuận theo phẩm trí tuệ.

23. Dùng quyền phương tiện khai hóa chúng sinh.

24. Điều có thể khuyến trợ thì chưa từng bỏ quên.

25. Theo hộ quần lê.

26. Tự điều hòa lòng mình, hàng phục ý người khác.

27. nguyên bản khuyết một pháp thứ hai bảy.

28. Với dục dạy trao, chẳng nhiễm trước trần lao.

29. Thường bỏ ồn ào rối loạn, ưa thích tịch tịnh.

30. Nghĩ ngợi ở với nhàn cư là đức được ngợi khen.

31. Tu hạnh Hiền Thánh mà biết tiết hạn.

32. Thường hành chỉ túc, chẳng thể di động.

33. Ở tại tục pháp, chẳng cùng đồng trần.

34. Mà theo thuận tùng sáu pháp kiên cố.

35. Lại chẳng phế bỏ hạnh bốn ân.

36. Mà thường tuân phụng chí nguyện kiên cố.

37. Luôn luôn chẳng hủy mất gốc thiện đức.

38. Với nghiệp sở học mà chẳng buông lung.

39. Chẳng ưa tiểu thừa.

40. Đạo tâm chẳng động.

Lòng tin dốc hết, chí vi diệu, chẳng khiếp nhược, bỏ tất cả ác, không sự vi phạm, đầy đủ hết tất cả công huân, hợp tập danh vang, vô lượng phước tụ hội, đeo mang đạo pháp, ở chốn Đạo Tràng mà chẳng thoái chuyển.

Đó là bốn mươi việc làm của bậc trượng phu, hiển phát tất cả các thông tuệ vậy. Đạo tâm trân bảo do công đức này mà tự trang nghiêm.

Trong khoảnh khắc phát ý thì sự hưng khởi gốc đức của ba ngàn đại thiên cảnh giới Phật đều hiện ở trước mắt, chẳng cầu đâu xa nữa. Ví như mặt trời ở giữa hư không thì không đâu chẳng sáng.

Tướng quân Sư Tử đáp lại con mình rằng: Thưa Chánh Sĩ! Ông phải thỉnh thoảng qua lại, nghĩ đến sự tương kiến với người thân để nhân đó mà bảo bày, răn dạy, tương tế, ủng hộ khiến cho mọi người chẳng thoái chuyển, rốt ráo đạo vô thượng chánh chân.

Ngài Vô Ngôn đáp rằng: Thưa Đại Nhân! Ngài muốn biết, lại có mười pháp sở hành của Bồ Tát mà Chư Phật Đại Sĩ đã thấy thường nghĩ đến.

Những gì là mười?

1. Luôn làm tinh tấn, muốn an chúng sinh, chẳng nghĩ thân mình riêng được đại an, lực thân kiên cường, nhiều sự dỗ dành tiến lên, thấy người yếu đuối mà an ủi bảo rõ.

2. Việc tạo gốc đức đều đem phóng xả, bố thí cho tất cả mọi người, chưa từng mang âu lo, người có thể hóa độ khuyên phát đạo tâm.

3. Mặc áo giáp Đại Đức mà tự thề nguyền, các chúng sinh này nếu được Phật Đạo, thọ nhận chánh pháp thì phải dùng cúng dường mà phụng sự họ, nhiên hậu ta mới thủ lấy Tối Chánh Giác.

4. Vì chánh pháp nên bỏ mất thân mạng, chẳng bỏ chánh điển, tuyên sướng phân biệt ý nghĩa nhất phẩm, ở trong trăm ngàn kiếp lưu bố tất cả.

5. Mặc áo giáp đại đức, chẳng lười biếng mệt mỏi, chẳng mang lòng khiếp nhược.

6. Tất cả các pháp đều là bản tịnh, giả sử, nghe lời nói này mà chẳng lấy làm sợ hãi, chẳng hạn lượng Đại Đạo, chẳng xả Phật Pháp, chẳng lấy làm rỗng không thì sự quan sát nhìn thấy vừa biết chẳng trống rỗng, bình đẳng với ngô ngã, cũng bình đẳng với chúng sinh.

7. Đã bình đẳng với chúng sinh thì bình đẳng với pháp.

8. Đã bình đẳng với Kinh Pháp thì liền tin ưa.

9. Hư không bình đẳng chẳng rơi vào chỉ quán, chẳng lại đọa lạc vào đường não hoạn sinh già bệnh chết.

10. Vì sự nhìn thấy các thế gian chuyển động, vô ương số chúng sinh cần khổ tỳ vết dơ bẩn, những Ma Ba Tuần đã có thể hưng khởi, đến nói mọi khó khăn, dạy răn, bài báng rằng, Phật Đạo khó được, Kinh Pháp khó gặp, chẳng bằng sớm cầu Thanh Văn mà sớm được độ vậy.

Bồ Tát nghe điều này mà vẫn kiên trì một lòng phát khởi chí vô cực, chẳng lười chán, chẳng thoái, chẳng chuyển, chẳng bỏ đại thừa, vẫn trụ ở pháp chân chánh thẩm đế, lời nói việc làm tương ứng, chưa từng hy vọng, thân hành chí thành, chẳng dối thân mình, Chư Thiên, chúng sinh và mười phương Phật. Đó là mười Pháp Sự của bậc Đại Nhân. Sở hạnh của Bồ Tát tức là sở kiến của Chư Phật và các Chánh Sĩ thường nghĩ đến.

Khi nói lời nói đó thì tướng quân Sư Tử cùng với quyến thuộc tức thời chứng được nhu thuận pháp nhẫn.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Hiền Giả A Nan rằng: Ông hãy thọ Kinh Pháp mà trì đọc phúng tụng, vì người khác giảng nói đầy đủ rộng khắp.

Sở dĩ vì sao?

Vì sự hưng khởi đạo đức của các Đức Phật Đại Thánh quá khứ, đương lai và hiện nay đều phát xuất từ cửa pháp Kinh Điển tạng đó. Hôm nay, Bồ Tát Vô Ngôn đi đến đây, suy nghĩ Chân Đế, tuyên xướng Pháp Môn không lường ấy, khuyến hóa vô số tất cả nhân dân, khiến cho họ học Phật Đạo.

Vậy nên, này A Nan! Ông muốn phụng trì Pháp Tạng của các Đức Phật Thế Tôn quá khứ, đương lai và hiện tại đã khải thọ thì phải phụng trì Kinh này, hoài bão ở trong lòng, rộng vì người nói môn Pháp Tạng này để phát khởi vô ương số chúng sinh nhân dân khiến cho họ thành Phật Đạo.

Như Lai tại thế hay sau khi diệt độ, giả sử có người thọ trì Kinh này thì đều chính là thánh chỉ của Phật kiến lập sự đạt đến. Nếu họ trì đọc phúng tụng, làm đúng như lời dạy ở trên Đức Phật nói với Ngài A Nan thì có ba việc phước chẳng thể lường.

Những gì là ba?

Một là tương hộ chánh pháp.

Hai là thân biết đạo tâm.

Ba là người chưa phát ý thì khuyên phát đạo tâm.

Đó là ba phước công đức chẳng thể hạn lường.

Giả sử, Như Lai khen công huân ấy mà chẳng thể tận, huống gì là bậc Thanh Văn.

Lúc bấy giờ, trong hội có bảy ức các chúng Bồ Tát, nghe lời nói của Đức Phật, đều đứng dậy, muốn ủng hộ chánh pháp, mỗi mỗi đều nói rằng: Bọn chúng con sẽ chung phụng trì chánh điển của Đức Thế Tôn và lưu bố xa rộng, giữ gìn quyển Kinh này, vì người khác giảng nói, khuyến phát đạo ý.

Bồ Tát Vô Ngôn bạch Đức Phật rằng: Kính thưa Đức Thế Tôn! Cái có thể giảng nói thông suốt, chứng Chánh Giác thì pháp đó chắc có thể nhận lấy giữ gìn ư?

Đức Phật dạy: Chẳng phải vậy!

Lại hỏi Đức Phật rằng: Do những cớ gì mà các Tộc Tính Tử hướng theo Đức Phật nói ở đây, các vị Bồ Tát đều khởi lên sự trụ lập, muốn hộ trì chánh pháp?

Đức Phật dạy: Ta dùng đem nuôi các Tộc Tính Tử. Ta dùng hình tượng đó là muốn có sự ủng hộ. Việc vô vi kia chẳng thể được pháp mà ta vì họ ban tuyên. Nhân văn tự, ngôn giáo hộ trì pháp mà thuận theo ý ấy. Sự ngôn hộ là chẳng dùng lời hỏi nói, chẳng dùng văn tự mà hành đạo. Đó gọi là hộ trì chánh pháp.

Lại, này Tộc Tính Tử! Có hai việc hộ chánh pháp.

Những gì là hai?

Một là chẳng thể được thì mới đạt đến chánh pháp. Việc phải ủng hộ thường tương thuận, chẳng do lời nói mà ủng hộ vậy.

Hai là cũng chẳng tương tế đối với các hư vọng. Nghe lời nói thì liền có thể phụng hành, chẳng vì kiêu mạn phóng túng cầu được tiếng khen. Đó là hai việc.

Các vị Bồ Tát muốn cúng dường Đức Phật và Bồ Tát Vô Ngôn cùng Kinh Điển này nên khắp Trời mưa hoa, tung lên trên Đức Phật và các vị Bồ Tát, cùng khắp cả đại hội.

Miệng các vị ấy tuyên nói lời này: Nguyện xin cho Đức Thế Tôn Thích Ca Văn Ni tồn tại ở thế gian lâu dài! Nguyện khiến cho Kinh Pháp này tự nhiên lưu bố khắp cõi Diêm Phù Lợi!

Đức Phật nói như vậy, Bồ Tát Vô Ngôn, tướng quân Sư Tử cùng các quần thần đi theo, Bồ Tát Kim Cương Lữ và sáu mươi ức các vị Bồ Tát v.v… Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Ngài A Nan, Chư Thiên, Người đời, A Tu Luân… nghe lời Đức Phật nói không ai chẳng vui mừng.

***