Kinh Đại thừa

Bộ Kinh Tập

PHẬT THUYẾT

KINH DỤC PHẬT CÔNG ĐỨC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nghĩa Tịnh, Đời Đường
 

Tôi nghe như vậy!

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn, ở tại đỉnh núi Thứu Phong, thuộc thành Vương Xá cùng với chúng Tỳ Kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị, lại có vô lượng, vô biên chúng Đại Bồ Tát, tám bộ chúng, Thiên, Long, đều vân tập đầy đủ.

Bấy giờ, Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ ngồi trong chúng hội, vì thương tưởng đến các hữu tình, nên khởi ý tư duy: Vì nhân duyên gì, các Đức Phật Như Lai, được thân thanh tịnh, tướng tốt đầy đủ?

Lại nghĩ tiếp: Các loại chúng sinh được gặp Như Lai, gần gũi cúng dường, thì chỗ phước báo đạt được là vô lượng, vô biên. Chưa biết sau khi Đức Như Lai nhập diệt, các chúng sinh nên tạo sự cúng dường như thế nào, tu tập công đức gì để khiến cho các căn lành đó có thể mau chóng đạt đến đạo quả bồ đề vô thượng một cách trọn vẹn.

Suy nghĩ như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên phải, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, quỳ gối, chắp tay bạch: Bạch Thế Tôn! Con xin muốn hỏi, xin Thế Tôn rủ lòng nghe và chấp thuận.

Đức Phật bảo: Này thiện nam! Tùy theo điều ông hỏi, ta sẽ giảng nói.

Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ bạch: Các Đức Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác vì nhân duyên gì đạt được thân thanh tịnh, tướng tốt đầy đủ?

Lại có các chúng sinh được gặp Như Lai, gần gũi cúng dường thì chỗ phước báo đạt được là vô lượng, vô biên.

Chưa rõ là sau khi Như Lai nhập diệt thì các chúng sinh nên tạo sự cúng dường như thế nào, tu tập các công đức gì, để cho những căn lành kia có thể mau chóng đạt đến đạo quả bồ đề vô thượng một cách rốt ráo?

Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ: Lành thay! Lành thay! Ông đã có thể vì chúng sinh nơi đời sau mà thưa hỏi như thế.

Nay ông hãy lắng nghe, khéo nhớ nghĩ! Tu hành như lời nói. Ta sẽ vì ông phân biệt giảng nói rõ.

Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ bạch: Dạ vâng, thưa Thế Tôn! Chúng con xin muốn nghe!

Phật bảo Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ: Này thiện nam!

Nên biết, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, tĩnh lự, trí tuệ, từ, bi, hỷ, xả, giải thoát, giải thoát tri kiến, lực vô sở úy, nhất thiết chủng trí, tất cả pháp Phật đều khéo thanh tịnh, cho nên Như Lai thanh tịnh.

Nếu đối với chư Phật Như Lai như vậy dùng tâm thanh tịnh, cúng dường đủ các loại hương hoa, anh lạc, lọng, cờ, tòa ngồi, bày ra ở trước Đức Phật, mỗi mỗi loại đều bày biện nghiêm trang, dùng nước hương thượng diệu để tắm gội hình tượng Đức Phật, đốt hương, vận dụng tâm xông khắp pháp giới.

Lại dùng thức ăn, thức uống, tấu nhạc, đàn ca, tán vịnh công đức bất cộng của Như Lai, phát nguyện thù thắng hồi hướng về biển nhất thiết trí vô thượng, thì đạt được vô lượng, vô biên công đức, cho đến đạo quả bồ đề luôn khiến tương tục.

Vì sao?

Vì phước đức và trí tuệ của Như Lai là không thể nghĩ bàn, là vô số, không thể so sánh.

Này thiện nam! Các Đức Phật, Thế Tôn có đầy đủ ba thân: Pháp Thân, Thọ Dụng Thân, Hóa Thân. Sau khi Như Lai Niết Bàn, nếu ai muốn cúng dường ba thân này thì nên cúng dường Xá Lợi.

Có hai loại:

1. Thân cốt Xá Lợi.

2. Pháp tụng Xá Lợi.

Đức Phật liền nói kệ:

Các pháp từ duyên khởi

Như Lai nói việc này

Duyên hết, các pháp hết

Đại Sa Môn giảng nói.

Có thiện nam, tín nữ, Tỳ Kheo, năm chúng đệ tử muốn tạo hình tượng Phật, nếu không đủ sức thì làm nhỏ như hạt lúa mạch, tạo dựng tháp như hình quả táo, đỉnh tháp giống như kim khâu, vòm mái giống như mảnh trấu, Xá Lợi như hạt cải, hoặc biên chép pháp tụng an trí vào trong đó. Dùng các loại châu báu, quý lạ để cúng dường, tùy theo sức của mình, luôn chí thành ân cần, như hiện thân của ta, không khác.

Này thiện nam! Nếu có chúng sinh, làm được sự cúng dường thù thắng như thế, thì thành tựu được mười lăm công đức để trang nghiêm thân mình:

1. Thường có hổ thẹn.

2. Khởi lòng tin thanh tịnh.

3. Tâm mình luôn ngay thẳng.

4. Gần gũi bạn lành.

5. Thể nhập vào trí tuệ vô lậu.

6. Thường được thấy các Đức Phật.

7. Luôn thọ trì chánh pháp.

8. Luôn làm đúng như lời nói.

9. Tùy ý sinh về cõi nước thanh tịnh của Phật.

10. Nếu sinh nơi loài người thì sinh trong dòng họ lớn, tôn quý, được mọi người sinh tâm hoan hỷ, kính trọng.

11. Sinh ở trong loài người tự nhiên nhớ nghĩ về Phật.

12. Các loại quân ma không thể làm tổn hại.

13. Có thể hộ trì chánh pháp ở đời mạt pháp.

14. Được mười phương chư không gia hộ.

15. Mau chóng thành tựu được năm phần pháp thân.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Sau khi ta nhập diệt

Xá Lợi được cúng dường

Hay tạo dựng bảo tháp

Và hình tượng Như Lai.

Nơi chốn tượng tháp ấy

Quét bày Mạn Trà La

Dùng các loại hương hoa

Bày biện khắp trên đó.

Dùng nước hương tinh khiết

Rưới lên thân tượng ấy

Dâng cúng các món ăn

Hết thảy để cúng dường.

Tán thán Đức Như Lai

Khó nghĩ bàn vô lượng

Trí thần thông phương tiện

Mau qua đến bờ kia.

Đạt được thân Kim cang

Đủ ba mươi hai tướng

Và tám mươi vẻ đẹp

Cứu giúp các quần sinh.

Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ nghe kệ xong, liền bạch: Chúng sinh nơi đời vị lai nên tắm rửa tượng như thế nào?

Đức Phật bảo Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ: Các ông nên khởi tâm chánh niệm đối với Như Lai, chớ nên vọng chấp nơi nhị biên có, không, đối với các pháp thiện nên có sự khát ngưỡng cầu đạt, không chán, nơi ba môn giải thoát khéo tu tập trí tuệ, chớ bám víu nơi sinh tử luôn cầu xa lìa, luôn khởi tâm đại từ bi đối với các chúng sinh, nguyện được mau chóng thành tựu ba loại thân.

Này thiện nam! Ta đã vì ông giảng nói bốn chân đế, mười hai duyên sinh, sáu pháp Ba la mật.

Nay cũng lại vì ông và các Quốc Vương, Vương Tử, Đại Thần, Hoàng Hậu, Cung Phi các chúng Trời, Người, Quỷ, Rồng, mà giảng nói về pháp tắm rửa tượng, là pháp tối thượng nhất trong các pháp cúng dường hơn hẳn việc dùng bảy báu, số lượng nhiều như cát sông Hằng để bố thí.

Khi tắm rửa tượng thì nên dùng cây Ngưu đầu chiên đàn, Bạch đàn, Tử đàn, Trầm thủy, Huân lục, Uất kim hương, Long não hương, Linh lăng, Hoắc hương… ở trên miếng đá sạch, mài làm bột hương, rồi chế ra nước hương đựng trong đồ sạch.

Ở chỗ thanh tịnh, chọn nơi đất tốt, đắp đàn vuông hay tròn, tùy lúc hoặc lớn hoặc nhỏ, trên ấy tượng Phật nơi sàn tọa để tắm. Dùng các loại nước hương trong sạch, thanh khiết để tắm Phật, sau đó, dùng nước sạch tắm lại. Nước tắm rửa tượng Phật nên lọc sạch, chớ để làm tổn hại côn trùng.

Nước tắm rửa tượng Phật còn lại trên đỉnh đầu, nhỏ giọt xuống hai ngón tay, gọi là nước an lành, nước chảy xuống đất sạch chớ để chân giẫm đạp, dùng khăn mềm lau tượng cho sạch, đốt các loại hương quý, thơm ngào ngạt tỏa khắp nơi, đặt hương thơm nơi trước tượng Phật.

Này thiện nam! Do việc làm tắm rửa tượng Phật như thế, nên có thể khiến cho các ông cũng như đại chúng trời, người, ngay nơi đời hiện tại được giàu sang, vui vẻ không bệnh.

Sống lâu thêm tuổi, mọi chỗ nguyện cầu đều được như ý, bạn bè, quyến thuộc, thân thích, đều được an ổn, chấm dứt hẳn tám nạn, xa lìa nguồn gốc của khổ đau, không còn thọ thân người nữ, mau chóng thành tựu Chánh Giác.

Sắp đặt như vậy xong, thì đốt các loại hương, đối diện trước tượng Phật, chắp tay thành kính đọc bài tán:

Nay con tắm các thân Như Lai

Nhóm trang nghiêm công đức trí tuệ

Nguyện loài chúng sinh năm trược kia

Mau chứng pháp thân Như Lai tịnh.

Hương giới, định, tuệ, giải, tri kiến

Khắp cõi mười phương thoảng hương thơm

Xin khói hương này cũng như thế

Làm việc Phật vô lượng, vô biên.

Cũng xin dứt vòng khổ ba đường

Khiến được mát mẻ, dứt trừ nóng

Đều phát tâm bồ đề vô thượng

Xa lìa sông ái qua bờ kia.

Phật giảng nói bài Kinh này xong, trong chúng hội có vô lượng, vô biên Bồ Tát đạt được tam muội Vô cấu. Vô lượng Chư Thiên được trí Bất thoái chuyển, các chúng Thanh Văn dốc nguyện đạt quả Phật, tám vạn bốn ngàn chúng sinh đều phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ, Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ bạch: Bạch Thế Tôn! Thật may mắn được Bậc Đại Sư từ bi thương xót vì chúng con giảng dạy pháp tắm rửa hình tượng.

Con nay xin sẽ hết sức khuyên bảo các hàng Quốc Vương, Đại Thần, tất cả những người có lòng tin ưa làm tạo các công đức hằng ngày, luôn tắm rửa thân tượng tôn quý của Như Lai, sẽ đạt được lợi ích lớn, thường nên đảnh lễ Phật, hoan hỷ tín thọ, phụng hành.

***