Kinh Đại thừa

Bộ Đại Tập

PHẬT THUYẾT

KINH DỤC TƯỢNG CÔNG ĐỨC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bảo Tư Duy, Đời Đường
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Thế Tôn ở tại núi Linh Thứu, thuộc thành Vương Xá, cùng với đại chúng Tỳ Kheo và vô lượng các Đại Bồ Tát.

Bấy giờ, trong chúng hội có một vị Bồ Tát tên là Thanh Tịnh Tuệ, suy nghĩ: Vì nhân duyên gì mà các Đức Phật Như Lai được thân thanh tịnh?

Lại nghĩ tiếp: Như Đức Phật ở đời, được chúng sinh gần gũi cúng dường, sau khi nhập diệt thì cúng dường Xá Lợi, hai hạng người cúng dường ấy, phước đức, công đức đạt được có như nhau chăng?

Suy nghĩ xong, liền nương theo oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Các Đức Phật, Như Lai vì nhân duyên gì mà có thân tướng thanh tịnh?

Như Đức Phật ở đời được chúng sinh gần gũi cúng dường, sau khi Phật nhập diệt thì cúng dường Xá Lợi, hai hạng người cúng dường ấy, phước đức, công đức đạt được có như nhau không?

Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ: Lành thay! Lành thay! Nay ông có thể vì các chúng sinh đời vị lai mà thưa hỏi như thế. Ông phải khéo lắng nghe, nay ta sẽ vì ông phân biệt giảng nói.

Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ bạch: Dạ vâng, bạch Thế Tôn! Con xin muốn nghe.

Đức Phật bảo Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ: Các Đức Phật, Như Lai vì cầu đạo Bồ Đề Vô Thượng mà từ thời xa xưa đã tu tập hết thảy pháp Phật như tam muội, giới, định, nhẫn nhục, trí tuệ, từ, bi, hỷ, xả, giải thoát, giải thoát tri kiến, lực, vô sở úy, nhất thiết chủng trí đều thanh tịnh rốt ráo, do đó Như Lai được thân thanh tịnh. Lại dùng hương hoa, lọng, cờ để cúng dường, lại nước thơm để tắm rửa thân thể Như Lai.

Dùng lọng quý che khắp trên thân của Ngài, dùng các món thức ăn, tấu nhạc, đàn ca, tán vịnh Đức Như Lai, đem công đức này hướng về Nhất thiết chủng trí thì đạt được công đức vô lượng, vô biên, thành tựu được đạo bồ đề vô thượng.

Vì sao?

Vì trí tuệ của Như Lai là vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn, phước đức mà Đức Phật có cũng lại như thế.

Này Thanh Tịnh Tuệ! Sau khi Như Lai nhập diệt, có hai loại Xá Lợi:

1. Pháp thân.

2. Hóa thân.

Nếu các thiện nam, thiện nữ nào, cúng dường Xá Lợi, tạo dựng hình tượng Đức Phật cho dù nhỏ như hạt lúa mạch, xây Tháp giống như hình quả Am la đỉnh Tháp nhọn như mũi kim khâu, lọng che giống như bèo nổi, đặt viên Xá Lợi của Phật nhỏ như hạt cải ở trong bảo Tháp ấy thì công đức người đó đạt được cũng như người cúng dường khi Như Lai còn ở đời không khác.

Người như thế thì được mười lăm loại công đức:

1. Tâm được tịnh niệm.

2. Tâm được thuận theo pháp.

3. Tâm luôn hổ thẹn.

4. Được thấy Đức Như Lai.

5. Phát khởi lòng tin trong sạch.

6. Có thể giữ gìn chánh pháp.

7. Hành trì đúng như lời nói.

8. Được gần gũi các Đức Phật.

9. Tùy ý được sinh vào các cõi nước của Chư Phật.

10. Nếu như sinh trong cõi người thì sinh vào dòng họ cao quý, tâm nhu hòa, dịu dàng, được mọi người kính trọng.

11. Vừa sinh trong cõi đời tâm liền nhớ nghĩ đến Đức Phật.

12. Các chúng ma quân không thể quấy nhiễu.

13. Vào thời mạt pháp có thể hộ trì chánh pháp.

14. Thường được các Đức Phật khắp mười phương luôn che chở, hộ trì.

15. Mau chóng thành tựu được năm phần pháp thân.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Hãy dùng tâm thanh tịnh

Sau khi Như Lai diệt

Người cúng dường Xá Lợi

Hoặc tạo các Tháp Miếu.

Và hình tượng Như Lai

Ở trước Tháp Tượng ấy

Quét, bày Mạn đà la

Dùng các loại hương hoa.

Trải khắp ở trên đó

Dùng các nước hương thơm

Mà tắm hình tượng Phật

Các món ăn thượng diệu.

Giữ sạch để cúng dường

Khen lạy công đức Phật

Khó nghĩ bàn vô lượng

Trí tuệ và thần thông

Các phương tiện thiện xảo

Thảy đều qua bờ giác.

Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ nghe Đức Phật Thế Tôn nói kệ xong, liền bạch: Bạch Thế Tôn! Như Phật còn ở đời và sau khi diệt độ, các chúng sinh trong đời vị lai làm thế nào để thực hiện việc tắm rửa hình tượng Phật?

Cúi xin Như Lai vì chúng sinh mà mở bày nói rõ.

Phật bảo: Này Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ! Khi Đức Phật còn ở đời, các chúng sinh phát khởi tâm trong sạch, sau khi Phật nhập diệt, cũng phải làm như thế, không nên chấp nơi tưởng có, không, đối với các pháp thiện, tâm phải mang sự khát ngưỡng cầu đạt được không sinh mệt mỏi, chán ghét.

Vì sao?

Vì nhằm để thành tựu pháp thân, báo thân như Như Lai đã thành tựu. Như Lai đã từng vì ông giảng nói bốn pháp Chân Đế, mười hai Nhân duyên, sáu pháp Ba la mật. Nay Như Lai cũng vì ông mà nói về pháp tắm rửa hình tượng Phật là sự thù thắng nhất trong các sự cúng dường.

Này Thiện Nam! Nếu muốn tắm rửa tượng thì nên dùng cây Ngưu đầu chiên đàn, Tử đàn đa ma la hương, Cam tùng, cỏ khung cùng Bạch đàn, Uất kim hương, Long não, Trầm hương, Xạ hương, Đinh hương, dùng các loại hương thơm như thế, tùy theo vật ấy mà lấy nấu với nước nóng, đựng trong đồ sạch.

Trước tiên lập đàn tràng nơi chỗ đất vuông vức, trang hoàng sàn tọa đẹp đẽ, đặt tượng Đức Phật ở trên ấy, dùng thứ tự các nước hương thơm để tắm rửa hình tượng Ngài.

Dùng các nước hương tắm hình tượng xong, lại lấy nước sạch tắm gội vài lần lên tượng đó, mỗi thứ chọn lấy một ít nước để tắm rửa, đốt các loại hương đặt trên đầu mình để làm pháp cúng dường.

Lúc đầu, dùng nước rưới từ trên đầu tượng cho tới xuống dưới, nên đọc bài kệ dưới đây:

Nay con rưới tắm thân Như Lai

Chứa trang nghiêm: Công đức, trí tịnh

Khiến chúng sinh xa lìa năm trược

Nguyện chứng pháp thân Như Lai tịnh.

Khi đốt hương nên đọc bài kệ sau đây:

Hương giới, định, tuệ, giải, tri kiến

Khắp mười phương cõi hương thơm tỏa

Xin khói hương này cũng như thế

Hồi hướng năm thân cho tất cả.

Đức Thế Tôn Giảng nói pháp ấy xong, trong chúng có vô lượng Đại Bồ Tát, chứng đắc tam muội thanh tịnh vô cấu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, vô số hàng trời, người đạt được pháp không thoái chuyển nơi đạo bồ đề vô thượng.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan bạch: Bạch Thế Tôn! Nên gọi Kinh này là gì?

Chúng con phải phụng trì như thế nào?

Phật dạy: Kinh này nên gọi là Kinh Tắm Gội Hình Tượng Các Đức Phật, Được Thân Thanh Tịnh, nên phụng trì như thế.

Phật giảng nói Kinh xong, tất cả hội chúng đều rất hoan hỷ, tin tưởng thọ nhận và phụng hành.

***