Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Giải Tiết

PHẬT THUYẾT KINH GIẢI TIẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần
 

PHẨM BỐN

PHẨM NHẤT VỊ
 

Bấy giờ, Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Như chỗ ông thấy biết thì có bao nhiêu chúng sinh, ở trong cõi chúng sinh có tăng thượng mạn?

Do tâm tăng thượng mạn này, tự cho là mình có được?

Lại nữa, như chỗ ông thấy biết, có bao nhiêu chúng sinh, ở trong cõi chúng sinh không tăng thượng mạn?

Do tâm không tăng thượng mạn, tự cho là mình có được?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Như chỗ thấy biết của con, có một số ít chúng sinh, ở trong chỗ chúng sinh không tăng thượng mạn, do tâm không tăng thượng mạn, tự cho là mình có được.

Bạch Thế Tôn! Như chỗ thấy biết của con, có vô lượng, vô số không thể kể hết các chúng sinh, ở trong cõi chúng sinh có tăng thượng mạn, do tâm tăng thượng mạn này, tự cho là mình có được.

Bạch Thế Tôn! Một thời, con ở trong A luyện nhã xa lìa mọi ồn ào, ở trong rừng vắng lặng. Có nhiều chúng đại Tỳ Kheo tụ tập ở chỗ A luyện nhã, cách chỗ con không xa. Phần sau trong một ngày, có lúc con lại thấy đại chúng này, cùng nhau tụ tập, tùy chỗ chứng được, các ngài nói đủ các loại pháp tướng, nói rồi thì tu hành theo những gì mình có được.

Có Tỳ Kheo do chứng thấy ấm, liền nhớ nghĩ đến cái có được đó.

Hoặc có Tỳ Kheo chứng thấy tướng ấm.

Hoặc có Tỳ Kheo chứng thấy ấm sinh.

Hoặc có Tỳ Kheo chứng ấm biến đổi khác lạ.

Hoặc có Tỳ Kheo chứng thấy ấm diệt.

Hoặc có Tỳ Kheo chứng được con đường ấm diệt, như ở trong ấm có sáu tướng chứng.

Hoặc có Tỳ Kheo chứng thấy các nhập, tự cho là mình có được, cho đến diệt các nhập và con đường diệt các nhập.

Hoặc có Tỳ Kheo chứng thấy duyên sinh, tự cho là mình có được, cho đến diệt các duyên sinh và con đường diệt duyên sinh.

Hoặc có Tỳ Kheo chứng thấy các thực.

Hoặc có Tỳ Kheo chứng thấy bốn đế.

Hoặc có Tỳ Kheo chứng thấy các cõi và tất cả các cõi sai khác, cho đến diệt các cõi và con đường diệt các cõi.

Hoặc có Tỳ Kheo chứng thấy niệm xứ. Niệm xứ, tướng niệm xứ. Đối trị niệm xứ, đối trị đạo niệm xứ. Tu tập chưa sinh niệm xứ. Chứng thấy niệm sinh rồi sinh niệm xứ. Chứng thấy niệm trụ và tăng trưởng tròn đầy không quên mất, tự cho là mình có được. Như là chứng được niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác phần, Thánh đạo.

Thánh đạo tướng Thánh đạo, đối trị Thánh đạo, đối trị đạo Thánh đạo, tu tập chưa sinh Thánh đạo, chứng sinh Thánh đạo rồi sinh Thánh đạo, chứng Thánh đạo trụ và tăng trưởng tròn đầy không quên mất, tự cho là mình có được.

Bạch Thế Tôn! Con thấy việc này rồi, con liền suy nghĩ: Như vậy, các Trưởng Lão này đã theo chỗ chứng thấy tất cả pháp tướng, rồi tự cho là mình có được. Các Trưởng Lão này, có tăng thượng mạn, do tâm thượng mạn này, mà tự cho là mình có được. Việc này đúng là như vậy.

Vì sao?

Vì như đã nói, pháp là tự chứng thấy. Nên biết, người ấy chưa có thể phân biệt rõ nhất vị chân như biến Nhất thiết xứ.

Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn nói: Nhất vị chân thật biến nhất thiết xứ, nó vi diệu sâu xa tinh tế, khó thể thông đạt, lời này thật hiếm có, là lời nói vô đối.

Bạch Thế Tôn! Nếu trong chánh giáo của Đức Thế Tôn, có các Tỳ Kheo… siêng năng tu quán hạnh, nhất vị chân thật biến nhất thuyết xứ còn khó thông đạt, huống nữa là các ngoại đạo ở ngoài chánh giáo, làm sao có thể chứng biến nhất vị chân thật.

Đức Phật khen: Đúng vậy! Này Tu Bồ Đề! Như vậy vi tế càng vi tế, sâu xa càng sâu xa, khó thấy càng khó thấy đối với nhất vị chân thật biến nhất thiết xứ. Ta hiểu rõ rồi, vì người khác giảng nói, an lập chánh giáo, mở bày chỉ cho rõ cái nghĩa, khiến người khác dễ hiểu.

Vì sao?

Này Tu Bồ Đề! Ở trong năm ấm là cảnh giới trong sạch, thì ta nói là chân thật.

Này Tu Bồ Đề! Trong cảnh giới thanh tịnh, đối với mười hai nhập, mười hai duyên sinh, bốn thực đoàn, xúc, ý chí, thức, bốn đế, các cõi, niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác phần, tám Thánh đạo thì ta nói là chân thật. Cảnh giới thanh tịnh này, tất cả ấm xứ bình đẳng một vị, tướng không sai khác. Như ở trong ấm, cho đến Thánh đạo phần, trong cảnh giới thanh tịnh bình đẳng, một vị đều không sai khác.

Này Tu Bồ Đề! Vì lý do đó, nên biết, nhất vị chân như biến nhất thiết xứ.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu Tỳ Kheo tu hành, đã thông đạt một ấm chân như, nhân, pháp, vô ngã, không còn lao nhọc, xem xét mỗi một ấm khác, mà có được chân như đối với mười hai nhập, mười hai duyên sinh, bốn thực đoàn, xúc, ý chí và thức, bốn đế, các cõi, niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác phần, tám Thánh đạo phần. Còn nếu đã thông đạt một phần chân như, nhân, pháp, vô ngã, không còn lao nhọc.

Xem xét Thánh đạo phần khác mà có được chân như, xa lìa vô phân biệt hậu trí, quán không còn phân biệt, thì có thể thuận theo quán chân như. Ngoài ra, pháp nhất vị chân thật, biến nhất thiết xứ, chỉ dùng vô phân biệt hậu trí, tùy thuận tiền vô phân biệt trí, quán tất cả pháp nhất vị chân thật, từ nhớ nghĩ cho đến đạt được.

Này Tu Bồ Đề! Vì lý do đó, ông phải nên biết, lý của chân thật biến nhất thiết xứ, chỉ có tướng nhất vị.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Giống như các ấm hỗ trợ nhau mà có tướng sai khác. Như vậy, mười hai nhập, mười hai duyên sinh, bốn thực đoàn, xúc, ý thức, thức, bốn đế, các cõi, niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác phần, Thánh đạo phần, cũng hỗ trợ nhau để có tướng sai khác.

Nếu các pháp chân như, nhân, pháp, vô ngã, hỗ trợ để có tướng sai khác. Thì các pháp như như, nhân, pháp, vô ngã, không thành chân thật, phải do nhân duyên sinh. Nếu do nhân duyên sinh thì thành hữu vi. Nếu là hữu vi thì chẳng phải là chân thật. Nếu chẳng phải là chân thật, thì ở đây sẽ phải cầu chân thật khác.

Này Tu Bồ Đề! Do chân thật này không từ nhân duyên sinh, chẳng phải là hữu vi, chẳng phải không chân thật, ở trong đó, không lao nhọc, tìm cầu chân thật khác.

Vì sao?

Vì pháp này luôn như vậy, nếu Phật xuất hiện ở đời, hay không xuất hiện ở đời. Thì pháp tánh, pháp giới, pháp trụ đều là thường trụ.

Này Tu Bồ Đề! Vì lý do đó, ông phải nên biết, nhất vị chân thật bình đẳng nhất thiết xứ.

Này Tu Bồ Đề! Ví như các sắc, mỗi mỗi đều sai khác, xen lẫn không đồng. Đối với các sắc, trong hư không, nó vô tướng không có sai khác, không có thay đổi. Đối với nhất thiết xứ cùng tướng nhất vị. Như vậy, các pháp mỗi mỗi đều sai khác. Ông phải nên biết, đối với nhất vị chân như trong các pháp, đều không sai khác, cũng lại như vậy.

Đức Thế Tôn nói kinh này rồi, liền nói bài kệ:

Thông pháp tướng nhất vị

Chư Phật nói bình đẳng

Nếu ở trong, chấp khác

Là người tăng thượng mạn.

Ngược con đường sinh tử

Vi tế, rất khó thấy

Nhiễm dục si che lấp

Người phàm không thể thấy.

Lúc đó, Bồ Tát Quán Thế Âm, gối phải quỳ sát đất, chắp tay, cung kính, bạch: Bạch Thế Tôn! Nay con nghe pháp giải tiết sâu dày, từ Đức Phật như vậy, đó là việc chưa từng có, con cúi đầu thọ lãnh tu hành.

Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì?

Phụng hành như thế nào?

Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm: Kinh này tên là Liễu Nghĩa Chánh Thuyết, cũng tên là Chân Thật Cảnh Trí Chánh Thuyết, cũng tên là Thập Địa Ba La Mật Y Chỉ Chánh Thuyết, các ông phải nên như vậy mà thọ trì.

Phật nói Kinh này xong, có tám vạn Bồ Tát đạt được đại thừa oai đức tam muội. Vô lượng, vô biên các chúng Bồ Tát, đối với pháp vô thượng, được vô sinh pháp nhẫn. Vô số chúng sinh còn trôi nổi, tâm được giải thoát, vô số chúng sinh đối với pháp đại thừa sinh tâm tin vui.

***