Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Giải Tiết

PHẬT THUYẾT KINH GIẢI TIẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần
 

PHẨM HAI

PHẨM VƯỢT HƠN CẢNH GIỚI GIÁC QUÁN
 

Lúc đó, Bồ Tát Đàm vô kiệt bạch: Bạch Thế Tôn! Từ Thế Giới Sa Ha này, về hướng Đông rất xa, tận Thế Giới phương Đông, qua bảy mươi bảy hằng hà sa số Thế Giới, có Thế Giới tên là Thiện Danh Văn, chỗ ở của Đức Phật hiệu là Quảng Đại Thiện Văn Tu Già Đà.

Một thời, con đi đến chỗ Đức Phật đó, vào được trong đó, con thấy một tại nơi, có bảy mươi bảy ngàn các chúng ngoại đạo, cùng với thầy tụ tập, ngồi ở đó, để cùng suy nghĩ về thật tướng của các pháp.

Khi ấy, chúng ngoại đạo suy nghĩ, đề cao, chọn lựa, an lập thật tướng của các pháp, nương vào sở học của họ để tìm cầu thật tướng, nhưng không thể tìm được, lại khởi lên đủ các loại dính mắc chống trái nhau, đấu tranh nhau, cho đến dùng cả lời nói để hại lẫn nhau. Nói toàn những lời giống như dao, gậy để hủy hoại làm tổn thương lẩn nhau, nên cuối cùng phân tán.

Con thấy sự việc này rồi, liền suy nghĩ: Chư Phật Thế Tôn đã xuất hiện ở thế gian thì thật là điều hiếm có, thật là hiếm có, do Phật ra đời, nên thông đạt và hiểu rõ pháp tướng sâu xa hơn cảnh giới giác quán. Và sẽ được hiện ra rõ ràng.

Bồ Tát nói xong, Đức Phật liền bảo: Đúng vậy! Này Pháp Thượng! Thật tướng là như thế, nó vượt hơn cảnh giới giác quan. Ta hiểu rõ, rồi giải nói cho người khác, an lập chánh giáo, mở bày rõ ràng làm cho nghĩa được dễ hiểu.

Vì sao?

Vì ta nói chân thật, chỉ có Thánh Nhân tự mình chứng thấy được. Nếu là cảnh giới giác quán của phàm phu thì ta và người có thể chứng.

Này Pháp Thượng! Với nghĩa như vậy, nên biết thật tướng luôn vượt hơn tất cả cảnh giới giác quán.

Lại nữa, này Pháp Thượng! Ta nói chân thật, tức chẳng phải chỗ hành tướng, vì tất cả giác quán đều duyên với chỗ hành tướng. Vì lý do đó, nên biết, thật tướng vượt hơn cảnh giới giác quán.

Lại nữa, này Pháp Thượng! Ta nói chân thật. Tức không thể nói năng, vì tất cả giác quán chỉ do nói năng. Nên biết, thật tướng vượt hơn cảnh giác quán.

Lại nữa, này Pháp Thượng! Ta nói chân thật, tức dứt hẳn bốn việc: Thấy, nghe, hay, biết. Vì tất cả giác quán duyên với bốn việc khởi lên.

Lại nữa, này Pháp Thượng! Ta nói tướng chân thật lìa mọi đấu tranh, tất cả cảnh giới giác quán là cảnh giới đấu tranh. Vì lý do đó, nên biết, thật tướng vượt hơn cảnh giới giác quán.

Này Pháp Thượng! Ví như có người, suốt một đời, luôn ăn uống cực khổ, thì làm sao có thể giác quán, so lường, nhớ nghĩ đến những vị ngon ngọt, không bao giờ có chuyện đó.

Lại nữa, ví như có người luôn ham muốn những dục trần tức sẽ bị dục trần thiêu đốt nóng bức, thì làm sao có thể giác quán, so lường, nhớ nghĩ để không duyên với trần tướng nữa, mà nương vào cái vui đang lìa bỏ ở trong lòng, không bao giờ có chuyện như vậy.

Lại nữa, ví như có người chỉ ưa thích đấu tranh, đàm luận những việc không chính đáng, lý lẽ giỡn chơi, không thật, mà lại có thể giác quán, so sánh, nhớ nghĩ đến cái lặng lẽ tự nhiên, cái định mặc trong thiền của bậc Thánh. Thì không bao giờ có chuyện đó.

Lại nữa, ví như có người luôn ưa thích thực hành, thấy, nghe, hay, biết. Mà lại có thể giác quán, so lường, nhớ nghĩ, dứt hẳn bốn việc, trừ diệt xa lìa thân kiến, được Bát Niết Bàn. Thì không bao giờ có chuyện đó.

Lại nữa, này Pháp Thượng! Ví như có người tự mình lo dự trữ của cải, để làm việc chinh phạt, mà lại có thể giác quán, so lường, nhớ nghĩ đến Bắc Câu Lô Châu, nơi không có ngã sở, không có sự tích trữ, không xảy ra đấu tranh, luôn hiện ra pháp vui, không bao giờ có chuyện như vậy.

Này Pháp Thượng! Như vậy, người đang ở trong giác quán, lại hay lo nghĩ tính toán, so sánh, nhớ nghĩ đến cảnh giới chẳng phải giác quán. Thì không bao giờ có.

Đức Phật nói xong liền nói bài kệ:

Tự chứng pháp vô tướng

Lìa ngôn, dứt bốn việc

Không tranh luận pháp tướng

Vượt hơn cảnh giác quán.

***