Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Giải Tiết

PHẬT THUYẾT KINH GIẢI TIẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần
 

PHẨM MỘT

PHẨM BẤT KHẢ NGÔN, VÔ NHỊ
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Thế Tôn ở tại núi Kỳ Xà Quật, thuộc Thành Vương Xá, cùng đông đủ chúng đại Tỳ Kheo, gồm chín vạn chín ngàn vị, đều là hàng A La Hán, đã sạch hết các lậu, đã làm xong việc, đã bỏ mọi gánh nặng, đạt được lợi lạc cho mình, không còn phiền não ràng buộc, tâm được tự tại giải thoát, khéo được Xa Ma Tha và Tỳ Bát Xá Na Chỉ Quán.

Tên của những vị ấy là Tịnh mạng A Nhã Kiều Trần Như… cho đến trụ vào định A La Na Tam Muội, Trưởng Lão Tu Bồ Đề…

Lại có đông đủ chúng đại Tỳ Kheo Ni, gồm ba vạn sáu ngàn vị, Ma Ha Ba Xà Ba Đề cho đến Tỳ Kheo Ni Bạt Đà Ca Tỷ La… làm người dẫn đầu.

Lại có vô lượng, vô số Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di,… Vua Tần Bà Sa La, làm người dẫn đầu.

Lại có vô lượng trăm ngàn Đại Bồ Tát, các chúng Bồ Tát này, hoặc ở trong hiền kiếp, hoặc ở cõi này, hoặc từ phương khác đến. Các vị Nhất sinh bổ xứ như Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Quán Thế Âm… làm người dẫn đầu.

Tất cả đều thông đạt pháp tánh sâu xa, điều thuận, dễ giáo hóa, hạnh lành bình đẳng, tu đạo Bồ Tát. Tất cả chúng sinh là bạn lành chân thật, đắc Đà La Ni vô ngại, chuyển pháp luân không thoái, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật. Những chúng như vậy đều đến tụ hội.

Khi ấy, Bồ Tát Như Lý Chánh Văn hỏi Bồ Tát Năng Giải Thậm Thâm Nghĩa Tiết: Này Phật Tử! Tất cả pháp không có hai, tất cả pháp không có hai, nói như thế nghĩa là sao?

Bồ Tát Năng Giải Thậm Thâm Nghĩa Tiết đáp: Này thiện nam! Tất cả pháp ấy không vượt qua hai điều này. Đó là sở tác, phi sở tác. Sở tác là phi sở tác phi phi sở tác. Phi sở tác là phi phi sở tác cũng phi sở tác.

Bồ Tát Như Lý Chánh Văn hỏi: Này Phật Tử! Như thế nào gọi sở tác là phi sở tác, phi phi sở tác và phi sở tác là phi phi sở tác cũng phi sở tác?

Bồ Tát Năng Giải Thậm Thâm Nghĩa Tiết đáp: Này thiện nam! Sở tác, đó là câu nói của Đại Sư chỉ dạy chân chánh. Nếu câu nói của Đại Sư chỉ dạy chân chánh, tức là đã lập ngôn thuyết của thế gian, từ phân biệt mà khởi lên. Ngôn thuyết của thế gian này, từ phân biệt khởi lên, mà các loại phân biệt và sở ngôn thuyết nhất hướng không thành, cho nên gọi là phi sở tác.

Này thiện nam! Phi sở tác là nhiếp thuộc ngôn giáo. Nếu có pháp lìa sở tác và phi sở tác. Thì pháp ấy cũng như vậy, cũng như vậy.

Nếu như vậy, là Đại Sư thuyết giáo vô nghĩa chăng?

Chẳng phải không có nghĩa.

Nếu có nghĩa, thì tướng của nghĩa như thế nào?

Có nghĩa là cái thể không thể nói, chỉ là cái điều thông tỏ rõ ràng bằng sự thấy biết vô phân biệt của Thánh Nhân, vì muốn khiến cho người khác thấu đạt, như vậy không thể nói cái thể được. Thế nên, Đại Sư nói ngôn giáo này, gọi là pháp sở tác.

Này thiện nam! Phi sở tác, đó là câu nói của Đại Sư chỉ dạy chân chánh. Nếu là câu nói của Đại Sư chỉ dạy chân chánh, tức là đã lập ngôn thuyết của thế gian, từ phân biệt mà khởi lên. Ngôn thuyết của thế gian thì từ phân biệt mà khởi lên. Các loại phân biệt và sở ngôn thuyết thì nhất hướng không thành. Nên gọi là phi phi sở tác.

Này thiện nam! Sở tác là nhiếp thuộc ngôn giáo, nếu có pháp lìa phi sở tác và sở tác, thì pháp ấy cũng như vậy, cũng như vậy.

Nếu như vậy, là Đại Sư thuyết giáo vô nghĩa chăng?

Chẳng phải không có nghĩa.

Nếu có nghĩa, thì tướng của nghĩa như thế nào?

Có nghĩa là không thể nói cái thể, đó chỉ là cái điều thông tỏ rõ ràng bằng thấy biết vô phân biệt của Thánh Nhân, vì muốn khiến người khác thấu đạt. Như vậy không thể nói cái thể. Thế nên, Đại Sư nói ngôn giáo này, tức là pháp phi sở tác.

Này thiện nam! Giống như thầy trò nhà ảo thuật, ở giữa ngã tư đường, hoặc lấy là, cỏ và cây, đá… tụ tập một chỗ, rồi hiện ra tất cả việc huyễn như hình voi, hình ngựa, hình xe, hình người, hình ma ni, trân châu, san hô, ngọc thạch và kho tàng… nếu có những đứa nhỏ phàm phu, ngu si trí kém không thể phân biệt, đó là cỏ, lá, cây, đá… vốn là ảo thuật.

Kẻ ấy hhoặc thấy, hoặc nghe, suy nghĩ cho các hình voi: Tượng hình ngựa, hình xe, hình người và kho tàng… là thật.

Hoặc thấy hoặc nghe tùy theo năng lực dính mắc vào sự thấy nghe, nói lời như vậy: Đó là chân thật! Còn những cái khác không phải là chân thật. Người này cần suy nghĩ kỹ lại.

Nếu có những kẻ chẳng phải anh nhi phàm phu, ngu si, tà trí, hiểu biết đó là cỏ, lá, cây, đá vốn là ảo thuật.

Hoặc thấy, hoặc nghe, suy nghĩ, không cho đó là hình voi, hình ngựa, hình xe, hình người và kho tàng… người này hoặc thấy, hoặc nghe, tùy theo năng lực, không dính mắc vào cái thấy nghe mà nói: Như tôi suy nghĩ, đây là chân thật, khác với đây chẳng phải là chân thật, tùy theo lời nói của thế gian để rõ thật nghĩa.Người này không cần phải suy nghĩ.

Này thiện nam! Như anh nhi phàm phu này, chưa được chân như Thánh tuệ xuất thế, chưa hiểu các pháp, nên không thể nói cái thể. Người này hoặc thấy hoặc nghe các pháp sở tác và phi sở tác, suy nghĩ: Như vậy, thật có các pháp sở tác và phi sở tác.

Vì sao?

Vì có thể thấy, có thể biết vậy. Người ấy hoặc thấy, hoặc nghe, tùy theo năng lực dính mắc vào cái thấy nghe. Tùy theo cái thấy nghe, nói đó là chân thật, khác đấy chẳng phải chân thật. Người ấy cần phải suy nghĩ lại.

Nếu có những kẻ chẳng phải anh nhi phàm phu, đã thấy chân thật và được chân như Thánh tuệ xuất thế, đã hiểu các pháp, không thể nói cái thể.

Hoặc thấy hoặc nghe, suy nghĩ như vậy: Như đã thấy biết các pháp sở tác và phi sở tác, đều không thật có. Chỉ có tướng giả, từ phân biệt mà khởi lên, giống như việc ảo thuật biến hóa, lừa dối tâm phàm phu, ở trong đó khởi lên cái tên sở tác phi sở tác và những tên khác.

Người này như đã thấy nghe không sinh dính mắc, không nói như vậy: Đây là chân thật, khác đây thì chẳng phải chân thật, tùy theo lời nói thế gian, để rõ thật nghĩa. Người này không cần phải suy nghĩ.

Này thiện nam! Như Thánh Nhân nhờ vào cái thấy biết của Bậc Thánh đã hiểu rõ ràng. Không thể nói cái thể, vì muốn khiến người khác thấy thật tướng của pháp, nên nói giáo cú, tức là sở tác, phi sở tác…

Khi ấy, Bồ Tát Năng Giải Thậm Thâm Nghĩa Tiết nói kệ:

Phật thuyết pháp dứt lời

Không hai, phi phàm cảnh

Phàm phu ở trong mê

Chấp hai duyên, hý luận.

Không quyết tà hay chánh

Thường luân chuyển các cõi

Người trí lìa thấy nghe

Lựa chọn nghĩa chân thật.

***