Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương

PHẬT THUYẾT

KINH HẢI LONG VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM BA

PHẨM LỤC ĐỘ
 

Hải Long Vương bạch Đức Phật: Sao gọi là Bồ Tát trừ bỏ mọi tối tăm?

Đức Phật nói với Long Vương:

Trí tuệ của Bồ Tát khác lạ: Tay cầm đèn tuệ để soi sáng trí tuệ thì trí tuệ tối thắng, tay nắm giữ kiếm trí tuệ mà có sự tạo lập thì đều dùng trí tuệ kiến lập trí tuệ. Bồ Tát dùng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền tư, trí tuệ để kiến lập trí tuệ. Tu hành đối với giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, quan sát khắp các pháp kiến lập trí tuệ, khai hóa chúng sinh.

Sao gọi là Bồ Tát kiến lập trí tuệ mà hành bố thí bình đẳng với bố thí?

Bố thí đã bình đẳng thì bình đẳng với ngã, ngã sở. Ngã, ngã sở đã bình đẳng thì bình đẳng với nhân. Đã bình đẳng với nhân thì các pháp được bình đẳng. Các pháp đã bình đẳng thì được sự bình đẳng của Chư Phật. Tuy có bố thí nhưng chẳng bỏ bình đẳng đó.

Đã bố thí thì chẳng theo phiền não vì khi bố thí là xả bỏ tất cả phiền não. Cũng lại như vậy, bỏ tất cả đời sống là bố thí tất cả. Lìa khỏi các kiên chấp, bỏ các sở hữu. Đó là Bồ Tát kiến lập trí tuệ mà dùng để bố thí vậy.

Sao gọi là Bồ Tát kiến lập trí tuệ mà phụng trì cấm giới?

Thấy thân ý tịch tĩnh ấy là hộ trì cấm giới. Chẳng nương tựa thân miệng ý, chẳng dựa đời nay đời sau, cũng không trong ngoài, chẳng dựa ấm cái, bốn đại, các nhập, chẳng dựa giác ý, chẳng dựa diệt độ, đối với tất cả pháp, cũng không chỗ dựa thì đó là hộ trì giới.

Chẳng dùng giới hý luận, cũng chẳng buông lung. Đó là Bồ Tát kiến lập tuệ giới. Bồ Tát thực hành nhẫn nhục cũng chẳng được ngã, cũng chẳng được nhân, cũng chẳng được ngã nhân, chẳng trụ ở ngã sở, chẳng trụ ở ngã và ngã sở. Nhân thanh tịnh thì ngã tịnh, nhân thanh tịnh thì thấy thanh tịnh, tất cả pháp thanh tịnh. Đó là thực hành nhẫn.

Bồ Tát tuy thực hành nhẫn nhưng đối với pháp không tạo tác, đối với pháp chẳng khởi, chẳng diệt.

Bồ Tát tuy tu hành nhẫn nhưng đối với các pháp, không tịch nào chẳng tịch.

Bồ Tát tuy tu hành nhẫn nhưng thấy nhẫn rỗng không vắng lặng mà không ngã, ngã sở, cũng chẳng sợ hãi.

Bồ Tát tuy tu hành nhẫn nhưng cũng chẳng được thân, miệng, ý. Bồ Tát tuy hủy hoại thân thể từng đoạn, từng đốt rời ra nhưng tự quán thân ấy như cỏ cây, tường vách. Đó là nhẫn nhục.

Bồ Tát nghe lời nói ác, lời nói mắng nhiếc, lời nói tự tại, lời nói chẳng thể chấp thủ, lời nói thanh tịnh không xứ sở, hiểu rõ lời nói thì đó là nhẫn nhục.

Bồ Tát tuy loạn tâm nhưng tâm không oán kết, tâm vốn không, mỗi mỗi đều không thật, giây lát diệt hết. Quan sát như thế này thì gọi là nhẫn nhục. Đó là Bồ Tát kiến lập tuệ nhẫn.

Bồ Tát tu tinh tấn trưởng dưỡng các pháp thiện, quán pháp giới ấy chẳng tăng chẳng giảm bình đẳng ngự trị pháp giới, quan sát tất cả pháp chẳng thấy các pháp. Đó là người an lập thành tựu. Người quan sát dựa vào đời thì do từ sự điên đảo chẳng thật khởi lên.

Bồ Tát kia dùng ánh sáng của tri tuệ thanh tịnh quan sát tất cả pháp chẳng theo các pháp, chẳng bỏ các pháp, chẳng nhìn thấy sự tích tụ của các pháp, chẳng thấy sự đến đi, từ chỗ nào đến?

Từ chỗ nào đi?

Hiểu rõ các pháp. Tu theo pháp như vậy mà phân biệt sự điên đảo của khổ đế là người nói pháp tu hành tinh tấn. Những chúng sinh kia không thật, không chắc chắn. Nếu nhân không thể nắm bắt thì tất cả các pháp cũng chẳng nắm bắt.

Vì sao?

Vì nhân chẳng lìa pháp, pháp chẳng lìa nhân. Như nhân mà tự nhiên thì ngã, ngã sở tự nhiên. Ngã, ngã sở tự nhiên thì các pháp tự nhiên. Các pháp tự nhiên thì Phật Pháp tự nhiên.

Bồ Tát ấy do vậy mà cầu các Phật Pháp. Như tự nhiên là giải thoát tự nhiên rồi, liền chứng được Phật Pháp. Bồ Tát ấy có mong cầu, hoặc đã cầu, hay sẽ cầu, cầu thế này rồi lại cầu vô sở đắc. Đó là Bồ Tát kiến lập hạnh tinh tấn trí tuệ.

Bồ Tát đối với thiền định mà dùng chánh thọ chẳng hủy hoại bình đẳng, cũng chẳng thành tựu. Bồ Tát đối với thiền định mà dùng chánh thọ, đối với các pháp không nghĩ ngợi, cũng không có gì xả bỏ, cũng chẳng hợp lại, đối với các cảnh giới tu hành không nương vào thiền để lập các pháp thiền, đối với các pháp... cũng không lẫn lộn, chẳng phải thân, chẳng phải tâm.

Suy nghĩ về chí tánh của thiền định thì không có gì ứng với hạnh, chẳng dùng thiền hạnh, dùng bình đẳng với bản vô mà chánh thọ. Đối với pháp bản tịnh mà đạt đến bình đẳng. Bình đẳng với tất cả mọi người là đạt đến bình đẳng.

Các pháp vốn tịnh, bình đẳng không có sắc, chẳng dùng tam muội, hành động luôn ứng hợp. Tâm chẳng trụ bên trong, cũng chẳng bên ngoài, thức không chỗ trụ, qua khỏi tất cả những sự rơi vào điên đảo, vượt ngoài thiền định chánh thọ của bậc ngũ thông Thanh Văn, Duyên Giác.

Bồ Tát đó dùng thiền định phát ra trí tuệ tối thượng để tiêu trừ phiền não kiến chấp. Bồ Tát đó dùng thiền định phát ra chí nguyện với đạo và khai hóa chúng sinh, tức là Như Lai luôn có một thiền định đến với diệt độ. Đó là Bồ Tát kiến lập thiền định trí tuệ.

Bồ Tát quan sát các pháp bằng tuệ nhãn, cũng chẳng phải nhục nhãn, cũng chẳng phải thiên nhãn. Quán các pháp rồi, thấy các pháp tịch, quán sát các pháp mặc. Các pháp tịch mịch không hành, không xứ. Các pháp điềm nhiên không thành tựu. Quan sát khắp các pháp đều đã như vậy cả.

Người quan sát như vậy thì chính là pháp quán. Pháp quán như vậy thì chẳng thấy đường về của các pháp. Người ấy có thấy pháp mà chẳng quan sát, chẳng dùng thấy pháp mà thành tựu quan sát vậy. Không tìm, không hiểu, chẳng biết, chẳng thấy thì đó là thấy pháp. Không ngã, không nhân, không thọ mạng thì đó là thấy pháp.

Giả sử Bồ Tát quan sát pháp như thế này, thấy người điên đảo, muốn giúp cho chúng sinh mà phát tâm đại bi. Pháp thanh tịnh như vậy mọi người đều nhờ cậy.

Đến đây, Bồ Tát phát chí rộng lớn muốn độ chúng sinh mà chúng sinh đó thì thường không mầm mống. Đó là Bồ Tát kiến lập tuệ pháp.

***