Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương

PHẬT THUYẾT

KINH HẢI LONG VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM BẢY

PHẨM tổng trÌ MÔN
 

Bấy giờ, Đức Phật bảo: Này Long Vương!

Bồ Tát do đó nên lìa khỏi các đường tối tăm, hướng đến các thông tuệ. Trở về thuở xa xưa, chẳng thể kể vô lượng số kiếp, chẳng thể nghĩ bàn, lúc đó có Đức Phật Hiệu là Phạm Thủ Thiên Vương Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vi Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu Phật Thế Tôn, có Thế Giới tên là Tập Dị Đức, kiếp tên là Tịnh Trừ.

Lúc đó, Thế Giới Tập Dị đức giàu có, thịnh vượng, yên ổn, năm giống lúa tự nhiên có, an lạc vô cùng, Trời người đông đúc. Như trăm ức bốn châu ở cõi này của ta hợp lại làm một Cõi Phật thì ở nước ấy chỉ là một cõi gồm bốn khu vực lớn.

So sánh như vậy với trăm ức núi Tu Di. Thế Giới tập dị đức của Đức Như Lai Phạm Thủ Thiên Vương này rộng lớn vô biên như thế.

Thế Giới ấy như viên ngọc báu kim cương quang minh Ma Ni luôn tỏa sáng khắp nơi một cách tự nhiên, Thế Giới ấy có các thứ báu giăng mắc giáp vòng, che lọng báu, treo tràng phan bằng lụa ngũ sắc, trăm ngàn nhạc cụ ở trong hư không chẳng tấu mà tự kêu lên. Tiếng nhạc ấy nghe vang khắp Cõi Phật.

Âm thanh nhạc cụ đó chẳng phát ra âm thanh tham, sân, si, dục, chúng chỉ diễn xướng âm thanh tịch nhiên, đạm bạc, pháp lạc hoan hỷ.

Chư Thiên, nhân dân nghe tiếng nhạc thì đạt được nhất tâm tịch định yên ổn, bình yên chẳng bị sự nguy hại của phiền não. Cõi ấy bằng phẳng như áo mềm mại, không có lời răn bảo của âm thanh đường ác, Trời người thanh tịnh đều hiểu lý vi diệu, chí nguyện ở đại thừa ít cầu thừa Thanh Văn, Duyên Giác, nếu có ý nghĩ về ăn mặc, nhà cửa... thì theo ý đều tự nhiên mà đến!

Trời người đồng đẳng không có người cùng khốn thiếu thốn, y phục, ẩm thực, như trên Cõi Trời Đâu Suất. Của cải trong dân chúng nước ấy bình đẳng không sai khác.

Đức Như Lai ấy sống lâu tròn sáu mươi bảy vạn hai ngàn năm. Nhân dân cõi ấy sống lâu cũng lại như vậy, không có người chết yểu. Bồ Tát của Cõi Phật ấy có đến bảy mươi hai ức còn Thanh Văn rất ít. Bấy giờ, có vị Chuyển Luân Thánh Vương hiệu là Vô Tận Phước, làm chủ mười sáu cõi trong bốn thiên hạ.

Vua Vô Tận Phước ấy có tám mươi tư ức phu nhân như ngọc nữ của Trời, có bốn vị Thái Hậu: Một tên là Ly Cấu, hai tên là Vô Cấu Quang, ba tên là Thanh Tịnh, bốn tên là Tịnh Cú Tử, có tám muôn bốn ngàn con trai thân tướng đều lớn và dũng mãnh, có tám con gái đoan chánh đẹp đẽ. Họ đều để tâm vào Đại Thừa.

Lúc đó, Vua Vô Tận Phước đang ở tại thành lớn tên là Cụ Lạc. Chiều Đông Tây của thành ấy dài hai ngàn bốn trăm bốn mươi dặm. Chiều Nam Bắc cũng vậy.

Đức Như Lai Phạm Thủ Thiên Vương xuất hiện ở nước đó. Vua Vô Tận Phước kiến lập Tinh Xá, trồng rừng cây lớn tên là vườn Thượng Hương Quang, để Đức Phật dừng nghỉ khi hành hóa.

Chính giữa thành, cung điện của nhà Vua được xây dựng bằng bảy báu hợp thành. Trong thành có tám muôn bốn ngàn đường lớn, hẻm nhỏ, tám muôn bốn ngàn lan can, bực cửa.

Mỗi một đường lớn, hẻm nhỏ có tám muôn bốn ngàn nhà ở. Thành lớn ấy có bảy lớp vách, bảy lớp lan can, bảy lớp hàng cây, bảy lớp giao lộ.

Bao quanh thành có một vạn vườn dạo chơi. Hào đào quanh thành ấy có bảy lớp chứa đầy nước tám vị, sinh ra hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen vàng, hoa sen trắng với mùi thơm sực nức. Uyên ương, le le, nhạn cùng nhau hót vang. Thành ấy như vậy, gọi là bình đẳng không lường chẳng thể nghĩ bàn.

Nhà Vua cúng dường Đức Phật, dâng cúng sự yên ổn, mọi việc đầy đủ không gì thiếu thốn, ở hàng trăm ngàn năm chẳng thể giới hạn.

Nhà Vua ra lệnh cho con cháu, thân tộc, bạn bè, quyến thuộc và nhân dân trong nước đi đến tòng lâm thượng hương quang, yết kiến Đức Như Lai Phạm Thủ Thiên Vương. Họ cúi đầu dưới chân Đức Phật rồi lui về đứng một bên.

Đức Phật bảo Vua: Có bốn việc làm đại Quốc Vương Quân Tử Thánh Chúa được tự tại cùng với những người bất đồng, tăng thêm pháp lành.

Những gì là bốn?

1. Kiến lập niềm tin vững chắc, luôn đến với Hiền Thánh, vui mừng thưa thỉnh, cầu đức, thích nghĩa lý.

2. Dùng pháp tự vui, thường quán pháp vô thường, khổ, không, phi thân, quan sát sự dơ bẩn của cõi hữu vi và cuộc đời hiện tại đều trở về với biệt ly.

3. Tự nhiếp lấy tâm mình, vào hạnh không buông lung, hiểu rõ dục lạc không ham muốn lợi lộc.

4. Chẳng hủy hoại phước đức đời trước, chẳng phế bỏ tâm đạo, chí ham tuệ vi diệu.

Đó là bốn việc Thánh chúa nước lớn còn được tự tại cùng với người bất đồng.

Vua Vô Tận Phước bạch Đức Thế Tôn: Bồ Tát có bao nhiêu pháp để được tự tại?

Đức Phật bảo Vua: Bồ Tát có tám pháp để được tự tại.

Những gì là tám?

1. Được năm thần thông để tự vui sướng chưa từng thoái lui, không gì ngăn ngại, cũng trừ sân hận mà tâm không hại.

2. Thỏa mãn Thánh Tuệ, nhiếp lấy ánh sáng đạo, việc làm đã hoàn thành, hiện được thông đạt.

3. Thần túc thành tín bứng đi các sở hữu, dùng trí tuệ Thánh để lìa bỏ tất cả tà kiến trần cấu.

4. Được bốn giải minh thì sự kiến lập chỗ Phật không đắm trước, chẳng trụ.

5. Đầy đủ lực hành xứ thì chứng được Tam Muội Vô Tận Phước Hải Ấn.

6. Có thể làm vui chúng sinh, thu tóm lời dạy của tất cả Chư Phật để thành tổng trì.

7. Tâm ấy thanh tịnh, điều nghe chẳng quên, đáp ứng như điều mong muốn mà vì người nói pháp.

8. Vào vị nhất nghĩa, trụ ở bản tế, chẳng chấp ngã, ngã sở, chẳng khởi pháp nhẫn.

Đó là tám việc được tự tại.

Đức Phật bảo Vua: Lại có tổng trì tên là Bảo Sự. Bồ Tát được tổng trì này thì được tự tại đối với các pháp.

Bấy giờ Đức Phật vì Vua nói về tuệ của tổng trì Bảo Sự.

Trọn trăm ngàn năm khắp phân biệt ý nghĩa, nhà Vua bỏ việc nước, bỏ tất cả mọi duyên, chuyên tinh một lòng cùng với quyến thuộc nghe nhận giáo hóa.

Trong trăm ngàn năm nhà Vua chưa từng tưởng đến dục, không có ý sân hận, chẳng niệm tưởng đến hại, chẳng đoái hoài đến vợ con, đất nước, quyến thuộc, tất cả sở hữu mãi chẳng kể đến, chỉ nguyện cầu niềm vui pháp, lập chí theo Phật Đạo, lòng đại từ thanh tịnh, bình đẳng với tất cả mà thực hành đại bi, mặc áo giáp đại đức mà nghe nhận pháp.

Như vậy đủ trăm ngàn năm lãnh thọ giáo huấn của Đức Phật xong, do pháp cốt yếu của tổng trì Bảo Sự này mà việc làm hoàn thành, vượt khỏi hoạn nạn đầu tiên đến cuối cùng của bảy trăm vạn kiếp, tiêu trừ các tội lỗi đã tích chứa hàng mười vạn kiếp, gặp hàng ức trăm ngàn Đức Phật và theo thọ nhận gốc đức.

Vua ấy, ở hằng hà sa số kiếp làm Trời Đế Thích, hoặc làm Phạm Thiên hay Chuyển Luân Thánh Vương, đã tích lũy công đức, dùng tâm chí thanh tịnh ngự trị các pháp, dùng tâm chẳng loạn nghe trăm ngàn Đức Phật, lãnh thọ chẳng quên.

Vua và các con đều chứng được pháp nhẫn nhu thuận. Tám vạn bốn ngàn thể nữ trong cung đều phát ý học đạo Bồ Tát.

Tám muôn bốn ngàn người chứng được pháp nhẫn, chín mươi ức Chư Thiên, nhân dân đều phát ý đạo vô thượng chánh chân, ba mươi sáu ức người học thừa Thanh Văn được pháp nhãn tịnh, một vạn sáu ngàn Tỳ Kheo rõ hết ý giải.

Vua Vô Tận Phước bỏ nước, từ Vương vị, chẳng ưa những niềm vui ở trên Trời và thế gian, chỉ đặt chí nguyện vào đạo vô thượng chánh chân.

Hay tin Vua xuất gia tu đạo làm Sa Môn nên các con cũng vậy đều làm Sa Môn. Nhân dân trong nước thấy nhà Vua bỏ nước nên sáu vạn người đều làm Sa Môn. Thể nữ, bốn đại phu nhân trong cung cũng làm Sa Môn. Lời Phật dạy thanh tịnh, khắp nơi nhờ ân yên ổn, gieo trồng các cội gốc đức, mọi hạnh đầy đủ.

Đức Phật nói: Này Long Vương!

Vua Vô Tận Phước, vị Thánh Đế Chuyển Luân, bấy giờ chẳng phải là ai khác mà chính thân ta. Các con của vị Thánh Đế Chuyển Luân bấy giờ thì hôm nay là các Bồ Tát Đại Sĩ trong hội này.

Tổng Trì Bảo Sự mà Đức Như Lai Phạm Thủ Thiên Vương giảng nói cho Vua Vô Tận Phước thì hôm nay Như Lai đang nói về tổng trì vô tận Tạng này vậy.

Đức Phật nói với Long Vương: Hôm nay, Như Lai dùng tuệ vô trước quan sát các gốc của con người mà vì họ nói pháp. Ta từ vô lượng số trăm ngàn ức ức các Đức Phật đã nghe Tạng tổng trì vô tận.

Do nhiều lần nghe Kinh này nên hôm nay ta mới chí niệm dũng mãnh bước đi một mình không ngại như thế, biện tài khó bì kịp, chí mang trí tuệ.

Nếu có Bồ Tát nghe tên của tổng trì vô tận này, hoặc có người nói tổng trì này thì đều sẽ chứng được biện tài vô trước.

Vì sao?

Vì do tổng trì này, về sau đời vị lai là chỗ lưu bố của tổng trì Ly cấu đều chính là sự kiến lập tám muôn bốn ngàn Pháp Tạng của Như Lai. Cửa tổng trì đó là đầu mặt vậy.

Tám muôn bốn ngàn hạnh đều trở về với tổng trì, tám muôn bốn ngàn tam muội đều phát xuất từ tổng trì, tám muôn bốn ngàn Tạng tổng trì thì tổng trì vô tận là nguồn gốc.

Đức Phật nói với Long Vương: Giả sử Bồ Tát không trụ, không chấp trước, thì đối với bốn cách giải nghĩa sẽ tuông xuống như mưa đại pháp khiến đều nương cậy vào Tạng vô tận này.

Tạng tổng trì Vô Tận này thể nhập thuận theo thứ lớp từng câu từng chương. Các Trời, Rồng, Thần, Thần Hương Âm, Thần Vô Thiện, Thần Phượng Hoàng, Thần Điềm Nhu... đều cùng theo hộ trì.

Duyên ứng hợp ý. Tùy thuận ý. Dấu an lạc. Ý ngay thẳng. Vượt qua. Vô tận cú.

Thứ lớp. Mặt mắt sáng. Sáng chói. Lập chí. Ý thanh tịnh.

Bước đi vào. Sức dũng mãnh. Cứu tối tăm. Giữ gìn. Là trên hết. Pháp Môn tịch tĩnh. Vào tịch tĩnh. Diệt trần. Lìa chỗ ở. An trú thiện. Tùy thuận. Lìa thứ lớp. Không chỗ đến.

An trụ. Không chỗ trụ. Nơi đến. Không nơi đến. Trụ cốt lõi. Tuệ nhạy bén. Trí căn. Chuyển bản căn.

Ánh sáng mặt trăng. Mặt trời lửa sáng. Ánh sáng thiện lìa cấu. Vô cấu. Tịnh các cấu. Hiểu điều đã kiến lập.

Chư Thiên giúp đỡ. Hộ các quỷ mị. Dạy các Thừa. Phạm Thiên biến hóa. Đế Thích khen. Tứ Thiên hộ. Chúng Thánh mến.

Tiên nhân nương về. Các chủng tộc đều tu hành. Mở trói lao ngục. Hộ trì Trời người. Xả các trần lao.

Phá hoại chúng ma. Hàng phục ngoại đạo. Trừ dục trí sáng. Khai hóa tự đại. Chẳng xúc phạm pháp Sư. Chẳng loạn chúng hội. Vui ưa pháp lạc. Hộ trì được pháp âm. Chẳng đoạn trừ Tam Bảo. Từ mẫn chúng sinh. Khen ngợi đức nghĩa sáu mươi hai việc.

Đức Phật bảo: Này Long Vương!

Những pháp cú đó là hộ trì Tạng tổng trì vô tận. Nếu có Pháp Sư nhận sáu mươi hai chương cú này mà phúng tụng thì được ba mươi hai điều không sợ hãi.

Những gì là ba mươi hai?

1. Học rộng không sợ.

2. Khen ngợi người khác khắp nơi không sợ.

3. Lời nói không lỗi lầm đáp ứng đúng không sợ.

4. Ném bỏ, trịnh trọng mà không gì sợ.

5. Vào biện tài theo âm thanh không sợ.

6. Không gì ngăn ngại, tâm không sợ.

7. Giữ đạo tâm, chí ấy không sợ.

8. Vui vẻ với mọi người, bước đi không sợ.

9. Mau chóng giải quyết hồ nghi, giác ý không sợ.

10. Quan sát mọi người không khiếm khuyết không sợ.

11. Lời nói, việc làm tương ứng, không khuyết không sợ.

12. Giới cấm thanh tịnh, tâm mặt không sợ.

13. Nhẫn nhục thanh tịnh, kiên cường không sợ.

14. Đối với Chân Đế phát nguyện mà chẳng chuyển trở lại chỗ ở không sợ.

15. Tâm chẳng lầm lẫn tuệ biện tài không sợ.

16. Có thể vui trong chúng hội, trí tuệ không sợ.

17. Biết pháp thâm diệu, hàng phục giáo hóa không sợ

18. Lìa khỏi hý luận, sư tử không sợ.

19. Hàng phục các ngoại đạo, không thọ nhận không sợ.

20. Không tham ăn mặc, vui không tỳ vết không sợ

21. Hàng phục mọi giặc khiến cho chúng trụ ở chánh kiến, không mắng không sợ.

22. Người trí chẳng hủy báng dẫn đường ngự trị không sơ.

23. Nói các Kinh chẳng loạn… không sợ.

24. Tùy lúc mà dạy bảo không dua nịnh không sợ.

25. Nói và làm tương ứng, lìa kiêu mạn không sợ.

26. Thấy tất cả mọi người khiêm thuận không sợ.

27. Vô tận cú vốn tu thiện, thưa hỏi không sợ.

28. Khai hóa tất cả bằng vô lượng pháp tùy theo mọi người mà dạy bảo không sợ.

29. Thân mình thanh tịnh nên hàng phục ma không sợ.

30. Trừ các trần lao đại từ không sợ.

31. Lòng chẳng ôm hại, đại bi không sợ.

32. Hộ trì chúng sinh, trí tuệ không sợ, dùng pháp trị nước.

Đức Phật nói với Long Vương: Bồ Tát nghe Tạng tổng trì vô tận này hoan hỷ tin nhận liền được ba mươi hai vô úy. Giả sử Bồ Tát chẳng đoạn ba mươi hai vô úy này thì từng chút từng chút dần dần thành tựu bốn Vô Sở Úy của Như Lai, Vô Sở Úy của Phật.

Những Trời, người trước được nghe tiếng gầm sư tử thì mặc tình lắng nghe tất cả những điều đã hỏi. Họ đều không có người có thể đến được trí cùng cực của Như Lai, cũng chẳng dám đoạn dứt lời nói của Đức Phật. Vậy nên, Bồ Tát muốn đạt đến Vô Sở Úy đó thì phải học hành Tạng tổng trì vô tận.

Việc học hành tổng trì đó ra sao?

Hành không mắt, hành không sắc, hành không nhãn sắc thức.

Hành không tai, hành không tiếng, hành không nhĩ thanh, thức.

Hành không mũi, hành không hương, hành không thức hương, mũi.

Hành không lưỡi, hành không vị, hành không thiệt vị, thức.

Hành không thân, hành không xúc chạm, hành không thức, xúc chạm, thân.

Hành không tâm, hành không pháp, hành không thức, pháp, tâm.

Hành không sắc, hành không sắc sinh, hành không sắc diệt, hành không sắc xứ, hành không thông tưởng, hành không thức hành, hành không thức sinh, hành không thức diệt, hành không thức xứ. Tất cả không hành động, đó là ứng với hành tổng trì.

Lại nữa, này Long Vương! Hành sắc ấy rỗng không, tâm chẳng rỗng không sắc. Đó là ứng hợp với hành tổng trì. Thông, tưởng, hành, thức. hành thức ấy rỗng không, tâm chẳng rỗng không thức. Đó là ứng hợp với hành tổng trì.

Lại nữa, hành vô tưởng sắc ấy chẳng nghĩ đến hành vô tưởng. Đó là ứng hợp với hành tổng trì. Thông, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Hành vô tưởng thức ấy chẳng nghĩ đến hành vô tưởng thức. Đó là ứng hợp với hành tổng trì. 

Lại nữa, hành chẳng đoạn sắc ấy là đối với sắc hành không hành, hành chẳng sắc sinh, hành chẳng sắc khởi, hành chẳng sắc tịch, hành sắc như Chân Đế, hành sắc như bản tịnh, hành cũng chẳng nghĩ sắc như Chân Đế, bản tịnh. Đó là ứng hợp với hành tổng trì. Thông tưởng hành thức cũng lại như vậy.

Hành chẳng đoạn thức ấy là đối với thức hành không hành, hành chẳng thức sinh, hành chẳng thức khởi, hành chẳng thức tịch, hành thức như Chân Đế, hành thức như bản tịnh, hành cũng chẳng nghĩ thức như Chân Đế, bản tịnh. Đó là ứng với hành tổng trì.

Lại nữa, hành đối với nguyên do thành pháp giới là hành chẳng tưởng pháp giới, hành chẳng tưởng các nhập vốn tịnh rỗng không của pháp giới, chẳng tưởng vốn tịnh rỗng không. Đó là ứng với hành tổng trì. Nếu hành tất cả pháp duyên khởi mà chẳng tưởng duyên khởi thì đó ứng với hành tổng trì.

Hành chẳng nương cậy các pháp, hành chẳng nương chẳng cậy thì đó ứng với hành tổng trì. Hành các pháp như vốn không là hành chẳng hoại các pháp vốn không. Nếu hành đối với các pháp trụ ở bản tế thì hành chẳng nghĩ bản tế trụ ở các pháp. Đó là ứng với hành tổng trì.

Lại nữa, hành biết tham dục ấy là hành chẳng đối với pháp giới tưởng niệm đến tham dục. Đó là ứng với hành tổng trì.

Hành biết sân hận ấy là hành chẳng đối với pháp giới tưởng niệm đến sân hận. Đó là ứng với hành tổng trì.

Hành biết ngu si ấy là hành chẳng đối với pháp giới tưởng niệm đến ngu si. Đó là ứng với hành tổng trì.

Hành đẳng phần ấy là hành chẳng đối với pháp giới có sự hủy hoại. Nếu đối với tám muôn bốn ngàn những điều tu hành mà vào đến pháp giới không có ngần ấy hành thì đó ứng với hành tổng trì.

Hoặc hành hoặc hợp hành, đối với hành, hợp hành mà không có cái để hành, cũng không gì chẳng hành.

Vì sao?

Vì hành ấy không lường cũng không có sự vượt qua, cũng không nghĩ tưởng. Vậy nên, hành đó là hành bình đẳng. Đối với hành bình đẳng cũng không gì hủy hoại, cũng chẳng hữu vi, cũng chẳng vô vi, cũng chẳng nhận, cũng không gì chẳng nhận, không xứ, không trụ nên gọi là hành bình đẳng. Bồ Tát hành như vậy thì được pháp môn tạng tổng trì vô tận vậy.

Đến đây, Đức Thế Tôn nói kệ tụng:

Tâm ý người ấy được thanh tịnh

Được độ vô cực thông Kinh Điển

Âm thanh mọi người đều biết rõ.

Khi được tổng trì, thành như vậy.

Tâm hạnh chúng sinh quán biết hết

Ý nghĩ thiện, ắc và trung gian

Phân biệt sự tạo lập bản tánh

Để vì nói pháp luôn ứng hợp.

Biết rõ hết nhân duyên báo ứng

Khiến chẳng thấy thường và vô thường

Đều do ném bỏ, rơi biên tế

Tùy thuận hóa, phân biệt tổng trì.

Giải sáng tỏ phương tiện vấn tự

Biết vô lượng số những âm vang

Hiểu rõ nghĩa lý pháp vi diệu

Người được tổng trì, thành như vậy.

Chứng được thiên nhãn không cấu bẩn

Cũng như vậy, thiên nhĩ sạch trong

Trí tuệ không lường, biết mọi hạnh

Nhớ việc ở ngàn kiếp xưa nay.

Được bốn thần túc cũng như vậy

Giây lát đến nhiều nước không lường

Cúng dường Đạo Sư nhiều vô số

Nghe giảng pháp, tổng trì này xong,

Ngần ấy ma, đến trăm ngàn ức

Chẳng thể nhìn biết cảnh giới hành

Con người thanh tịnh không phiền não

Giảng nói Kinh Pháp vô số ngàn.

Ví như hoa sen không nhiễm ô

Cũng như vậy, chẳng nương thế pháp

Thường giải thoát các điều không, có

Đẳng tâm tất cả như hư không.

Nắm giữ sắc tướng mà dũng mãnh

Mọi người chiêm ngưỡng không nhàm chán

Tiến, dừng an tường, hành không khuyết

Ở đời vì thương xót quần sinh.

Trời Đế Thích, Phạm và Hộ Thế

Cúi đầu lễ cung kính cúng dường

Lòng ấy chẳng do kiêu mạn nói

Cũng vậy khi được tổng trì xong.

Miệng nói nhu nhuyến như âm phạm

Vì mọi người nói hợp với tâm

Lời thấm nhuần lưu loát phải lúc

Có thể giáo hóa không che ngăn.

Ở tại trong chúng không gì sợ

Làm sư tử gầm không gì khó

Hàng phục tất cả những dẫn chúng

Như vậy là thành tịnh tổng trì.

Người dua nịnh kia khó điều hóa

Kiêu mạn tự đại hưng khởi lên

Nghe lời nói pháp Thánh minh đó

Cúi đầu lễ, cống cao bỏ liền.

Vào với bản tịnh, pháp giới tịch

Hiểu rõ các pháp thông đạt nghĩa

Do vậy lời nói không cùng tận

Biết luật pháp, phân biệt văn tự.

Bản tánh con người pháp giới tịnh

Cũng như vậy hiểu chúng sinh tịnh

Biết rõ vốn không, người không gốc

Giảng nói Kinh pháp không ngăn ngại.

Việc tận không tận chẳng thể biết

Việc không tận không thể tận cùng

Hiểu biết rõ đường đó tịch mịch

Thì nói không trụ ức quyển Kinh.

Chẳng ở thân các văn tự ấy

Cũng chẳng tại ý, chẳng ở tâm

Bản tánh vẫn tự rỗng tịch mịch

Ví như trong núi tiếng hô vang.

Xét tổng trì chẳng chấp trước chữ

Không âm, không ngôn, không lời lẽ

Do biết thú hướng của văn tự

Giả sử lời nói không ngại ngăn.

Không tâm, không ý cũng không tưởng

Giả sử có nói mà không niệm

Lại nữa biết xa lìa pháp tuệ

Giảng nói Kinh thuận theo ứng hợp.

Để vào phân biệt nghĩa tứ cú

Hiểu nghĩa lý, pháp biết rõ ràng

Xét suốt âm thanh, thuận điều nghe

Nên giảng vô trước chẳng thể lường.

Tập quen nguồn gốc nương ở tuệ

Nên nói ngần ấy pháp thâm sâu

Tuệ hiểu rõ được thuận và nghịch

Pháp có đỉnh đến vượt bờ kia.

Nếu có phương tiện để cứu giúp

Các khiếp nhược lẫn điều hoảng hốt

Tạo ra trí sáng là giải thoát

Như vậy mới thành tựu tổng trì.

Thân, miệng, ý đều đã tịch tĩnh

Chẳng chấp có, các tuệ phân rành

Giảng nói không chán, trừ sân hận

Được trụ tổng trì là dũng mãnh.

Pháp tổng trì ấy, tâm nắm giữ

Ý đã hội nhập, trụ pháp tuệ

Người có nghe ấy chưa từng quên

Thuận đúng như nghe, chọn Kinh Điển.

Nghĩa tổng trì ấy, pháp chẳng loạn

Xét ở pháp hành, không chỗ vào

Pháp bình đẳng nên nói bình đẳng

Ứng hợp bình đẳng thuận thanh tịnh.

***