Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương

PHẬT THUYẾT

KINH HẢI LONG VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM HAI MƯƠI

PHẨM CHÚC LỤY THỌ TRÌ
 

Đến đây, Đức Thế Tôn bảo các vị Đại Sĩ rằng: Các ông phải giữ gìn đạo vô thượng chánh chân của Như Lai nói này, khiến được tồn tại lâu dài.

Ai có thể đủ sức thọ trì đọc tụng, giảng nói đúng như Kinh này?

Tức thời, hai vạn Bồ Tát, một vạn Thiên Tử đứng dậy ở trước Đức Phật, đồng thanh bạch Đức Thế Tôn rằng: Chúng con sẽ thọ trì đúng như Kinh này! Sẽ khiến lưu bố cùng khắp xa gần!

Đức Phật lại hỏi rằng: Các ông làm sao mà ngự trị pháp, giữ gìn đạo vô thượng chánh chân của Như Lai?

Trong số đó có một vị Bồ Tát tên là Tuệ Anh Tràng, bạch Đức Phật rằng: Kính thưa Đức Thế Tôn! Xét kỹ các pháp đều không có cái để giữ gìn.

Đâu có thể gìn giữ Phật Đạo một cách mơ hồ được ư?

Đức Thế Tôn đáp rằng: Này thiện nam! Như thế là phù hợp gìn giữ Phật Đạo!

Bồ Tát Đẳng Kiến bạch Đức Phật rằng: Đo lường xem xét Phật Đạo thì bằng với tội năm nghịch, hiểu chút ít lờ mờ giữ gìn Phật Đạo được ư?

Đức Thế Tôn dạy rằng: Này thiện nam! Vậy nên ông là người ứng hợp giữ gìn đạo lớn của Như Lai.

Bồ Tát Vô Kiến thưa rằng: Kính thưa Đức Thế Tôn! Con chẳng thấy pháp phàm phu, cũng chẳng thấy pháp học và chẳng học, chẳng thấy pháp Duyên Giác và Bồ Tát, cũng chẳng thấy pháp Phật.

Con có thọ trì được pháp của Như Lai ư?

Đức Thế Tôn dạy rằng: Này thiện nam! Do sự tịch tĩnh đó nên ứng hợp giữ gìn đạo lớn của Như Lai vậy.

Bồ Tát Chư pháp Vô Sở Nguyện thưa rằng: Bạch Thế Tôn!

Con vĩnh viễn chẳng biết cái phải giữ gìn của tất cả các pháp, chắc có thể được giữ gìn pháp của Như Lai ư?

Đức Thế Tôn dạy rằng: Này thiện nam! Do sự tịch tĩnh đó nên ứng hợp giữ gìn đạo lớn của Như Lai!

Bồ Tát Bất Tuần thưa rằng: Bạch Thế Tôn! Con tự chẳng làm, cũng chẳng điều khiển tâm, cũng chẳng phát ý.

Con chắc được trì pháp của Đức Như Lai ư?

Đức Thế Tôn dạy rằng: Này thiện nam! Do sự tịch tĩnh đó nên ứng hợp giữ gìn đạo lớn của Như Lai!

Bồ Tát Vô Đắc bạch rằng: Bạch Thế Tôn!

Nếu chẳng nói pháp và phi pháp, chẳng diễn nói pháp trừ các tưởng về pháp thì hành giả như vậy là hộ trì tất cả pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Bồ Tát Vô Tại bạch rằng: Bạch Thế Tôn!

Nếu chẳng nghe nhận pháp ứng hợp chẳng ứng hợp là hộ trì chánh pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Bồ Tát Hư Không Tạng bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu quan sát các pháp bình đẳng như hư không, chẳng thấy pháp đó có sự giữ gìn là hộ trì tất cả pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Bồ Tát Độ Kim Cương Tác bạch rằng: Bạch Thế Tôn!

Chẳng hoại pháp giới, vào với cõi người và cùng pháp giới là trì chánh pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Bồ Tát Độ Bất Động Tích bạch rằng: Bạch Thế Tôn!

Nếu đối với pháp không gì động chuyển, chẳng dựa pháp và phi pháp là hộ trì chánh pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Bồ Tát Trào Ma bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu đến cõi ma, cõi Phật thì đối với cõi Phật và cùng đi cõi ma đều cho là vào cảnh giới các pháp.

Đó là hộ trì chánh pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Bồ Tát Vô Trước bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu đôi với các pháp đều không nắm giữ mà tất cả lỗ chân lông đều phát ra âm thanh pháp là hộ trì chánh pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Bồ Tát Phổ Tịch bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Chẳng ủng hộ các ma, tu hành đạo Bồ Tát là hộ trì chánh pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Bồ Tát Hải Ý bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu dùng hải ấn bình đẳng với tất cả pháp, tu tất cả vị giải thoát mà biết tự nhiên là hộ trì pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Thiên Tử Tu Thâm bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nêu có chỗ sinh, chẳng khởi chẳng sinh các ấm, chủng, nhập, không tâm ý thức là hộ trì chánh pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Thiên Tử Vô Cấu Quang bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu thấy các pháp không phiền não, không tỳ vết, giải thoát các thọ là hộ trì pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Thiên Tử Độ Nhân bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu độ chúng sinh chẳng biết có chúng sinh, độ không chỗ độ, đã có chỗ độ thì thị hiện quay trở lại, chẳng trụ đó, đây.

Đó là thọ trì pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Thiên Tử Hiền Vương bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu đối với chúng sinh mà bình đẳng tất cả, các pháp đã bình đẳng, bình đẳng các cõi nước, bình đẳng các Phật Đạo là thọ trì chánh pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Thiên Tử Tự Tại bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu đối với các pháp mà được tự tại, đối với khắp các pháp chẳng khởi chẳng diệt là thọ trì chánh pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Thiên Tử Thiện Niệm bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Con chẳng nghĩ pháp cũng không nắm bắt, cũng chẳng có tưởng là thọ trì chánh pháp ư?

Đáp rằng: Này thiện nam! Đó là ứng với tịch nhiên.

Thiên Nữ Liên Hoa bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Biết tất cả pháp đều là Phật Pháp, chẳng thành Chánh Giác mà không gì chẳng giác là thọ trì chánh pháp ư?

Đáp rằng: Này Thiện Nữ! Đó là ứng với tịch nhiên.

Thiên Nữ Ma Du Thượng bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Con chẳng chấp nữ, cũng chẳng chấp nam. Như tưởng Phật Pháp và pháp tưởng giới nữ cũng lại đồng đẳng. Các pháp tưởng này tức là chẳng phải pháp, cũng chẳng phải không pháp, không hai không một cũng không chỗ đến.

Con được thọ trì pháp ư?

Đáp rằng: Này Thiện Nữ! Đó là ứng với tịch nhiên.

Bảo nữ bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Con chẳng thấy Phật Đạo của Đức Phật, nhìn thấy hạnh Bồ Tát, được mặc áo giáp tất cả chí đức, chẳng xét đến gốc ngọn là thọ trì pháp ư?

Đáp rằng: Này Thiện Nữ! Đó là ứng với tịch nhiên.

Thiện Nữ Vô Cấu Quang bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Đối với tất cả pháp chẳng khởi tưởng về pháp, đối với tất cả người chẳng khởi tưởng về nhân, cũng chẳng tưởng nghĩ đến pháp nhân Pháp Phật, nhìn thấy các Phật Pháp nhập vào tất cả pháp, chẳng thấy gốc ngọn.

Con được thọ trì chánh pháp của Đức Phật ư?

Đáp rằng: Này Thiện Nữ! Đó là ứng với tịch nhiên. Kiến lập hạnh như vậy chính là thọ trì Phật Pháp.

Đến đây, Trời Đế Thích bạch Đức Phật rằng: Thật chưa từng có, thưa Đức Thế Tôn! Lời nói biện tài của những Thiện Nữ này chẳng thể nghĩ bàn!

Họ dùng phương tiện phân biệt, tổng hợp ngần ấy âm thanh, lời nói văn tự giảng về pháp giới chẳng rối loạn các pháp, các pháp bình đẳng, như diễn nói đạo bình đẳng chẳng sai khác.

Đức Phật dạy rằng: Đúng vậy, này Câu Dực! Những Thiện Nữ đó phân biệt vô lượng pháp, chẳng thể nghĩ bàn, cúng dường phụng sự Phật nhiều chẳng thể kể, đã được pháp nhẫn.

Lại, này Câu Dực! Kinh này hiệu là Bất Khởi Nhẫn Trì Vô Sở Ngự, ta sẽ vì chúng hội giảng nói rộng rãi ý nghĩa ấy. Sau khi Như Lai diệt độ, người thọ trì pháp này là bậc Hộ Trì thành lũy của pháp, tức là đã cúng dường Phật Thế Tôn.

Trời Đế Thích bạch Đức Phật rằng: Con đã phụng trì bản Kinh này! Sự kiến lập của Đức Phật sẽ khiến cho rộng khắp. Con sẽ vì các Đại Sĩ vị lai mà phân biệt giảng nói pháp này. Con nhất định chẳng mê lầm sai sót lời dạy của Đức Phật.

Sở dĩ vì sao?

Vì Đức Như Lai ủng hộ và thọ ký pháp nhẫn cho con. Đức Phật sẽ kiến lập Kinh Điển này khiến cho chúng ma bị hàng phục. Chí hạnh của con là ở chỗ ấy.

Đức Phật dạy rằng: Này Câu Dực! Có Thần Chú tên là Già Chư Phương Ngại. Ông hãy lắng nghe. Nay ta sẽ vì ông nói lời cốt yếu của Thần Chú khiến cho tất cả ma, các ngoại đạo và các quyến thuộc của chúng tự nhiên hàng phục, khiến cho ánh sáng pháp của Như Lai đứng vững lâu dài.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói Thần Chú rằng: Vô úy ly úy. Tịnh chư khủng cụ. Thí vô úy. Độ ư diệt độ. Vô sở loạn. Tịnh sở loạn. Vô sở tranh. Bất đấu tụng. Vô hoài sân. Vô dĩ một.

Tịnh uy Thần. Uy Thần tích. Đại uy Thần tịch diệt. Thú từ tâm. Trừ ư hà. Thị hiện đế. Vô sai thố. Kỳ đồng nghĩa. Cát tường nghĩa. Cam Lộ cú. Kiến ư yếu. Dĩ đạo ngự. Vô sở hoài.

Hành thứ đệ. Vô sở tận. Quang vô sinh. Thanh tịnh sinh. Tiên khiết quang chiếu cú. Đẳng thuận ư đẳng tâm. Chí Vô Thượng. Phật sở kiến lập giới thanh tịnh. Vô sở phạm. Vô sở đảm.

Chế ma trường. Hàng ngoại kính. Quang Diệu Pháp minh. Nhiếp dĩ Pháp thí. Khai Pháp Tạng. Các Đức Phật quá khứ, vị lai và hiện tại đã nói Thần Chú này để ủng Hộ Pháp mà thuận nghĩa lý.

Dùng Thần Chú này tổng nhiếp, hàng phục dấu vết trần lao của tất cả các ma vậy. Con sẽ nhận lấy chỗ trọng yếu của Kinh Điển này, tinh tấn phúng tụng và sẽ phổ biến rộng rãi.

Vì sao?

Vì đối với pháp của Đức Như Lai thì có sự quay trở lại, thêm lớn pháp luật, tuyên bố giáo điển thanh tịnh. Còn tu hành quay trở lại ủng hộ hành trang mắt pháp của Đức Như Lai.

Có vị Thiên Tử tên là Đức Siêu bạch Đức Phật rằng: Nếu có người thọ trì pháp của Đức Như Lai này thì phước ấy ra sao?

Đức Thế Tôn liền nói kệ tụng rằng:

Nay ta thấy cõi nước

Mắt Phật nhìn mười phương

Bên trong đầy trân bảo

Đều dùng đem bố thí

Phước người ấy thu được

Sẽ hơn phước thí trên

Chí tâm giữ Kinh Pháp

Như lời dạy Thế Tôn

Tập hợp các thí dụ

Giảng nói mọi lời khen

Trọn chẳng thể rốt ráo

Nắm giữ đức chánh pháp.

Khi Đức Phật nói Kinh này thì bảy mươi sáu ức người đều phát ý đạo vô thượng chánh chân, sáu vạn Bồ Tát được pháp nhẫn bất khởi, tam thiên đại thiên Thế Giới chấn động sáu cách ánh sáng lớn chiếu soi khắp thế gian, Trời mưa xuống hoa Trời, trăm ngàn nhạc cụ chẳng tấu mà tự nhiên vang.

Các nhạc cụ phát ra những âm thanh như vầy: Đấng Như Lai kiến lập Kinh này, hàng phục chúng ma, giáo hóa các ngoại đạo. Đức Như Lai dùng ấn ấn chứng Kinh này rồi thì thuận mà chẳng quên. Bấy giờ, Vua Rồng biển mưa xuống chuỗi ngọc lớn để cúng dường Kinh này, biến khắp tam thiên đại thiên Thế Giới.

Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan rằng: Ta đem Kinh này giao phó cho ông.

Ông hãy thọ trì đọc tụng khiến cho Kinh này lưu bố khắp nơi! Ông hãy vì người mà giảng nói Kinh này!

Tôn Giả A Nan bạch rằng: Thưa vâng, thưa Đức Thế Tôn! Con đã kính nhận Kinh này!

Thưa Kinh tên là gì?

Phụng trì ra sao?

Đức Phật dạy rằng: Kinh này tên là Hải Long Vương Vấn Long Tổng Trì Phẩm, lại còn tên là Tập Chư Pháp Bảo Tịnh Pháp Môn Phẩm.

Ông hãy khéo léo phụng trì! Đức Phật nói như vậy rồi, Vua Rồng biển và các con Vua Rồng, Chư Thiên, Nhân Dân, các vị Bồ Tát ở mười phương đến trong hội, các Đại Thanh Văn, Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương, Hiền Giả A Nan, tất cả chúng Ma, Trời, Rồng, Thần, Thần Hương Âm, Thần Vô Thiện, Thần Phượng Hoàng, Thần Núi, Thần Điềm Nhu và Người thế gian... không ai chẳng vui mừng làm lễ phụng hành.

***