Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương

PHẬT THUYẾT

KINH HẢI LONG VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM MƯỜI BA

PHẨM VUA RỒNG VÔ PHẦN

ĐƯỢC THỌ KÝ
 

Bấy giờ, Vua Rồng Vô Phần bạch Đức Phật rằng: Tất cả các pháp đều không chỗ trụ, cũng không có người thì sao có thọ ký?

Ai sẽ thành tựu đạo vô thượng chánh chân làm Tối Chánh Giác?

Đức Phật đáp: Đúng vậy! Đúng như lời nói của ông!

Tất cả các pháp đều không chỗ trụ, cũng không có người. Tất cả các pháp cũng như vậy. Kẻ phàm phu ngu muội trụ nơi điên đảo, ngã, ngã sở, nhân, vô nhân, khởi lên tưởng về nhân. Bồ Tát phát lòng đại bi vì muốn trừ điên đảo, khử bỏ ngã, ngã sở, nhân nên mặc áo giáp giác đức. 

Những vị Chánh Sĩ này hiểu rõ các pháp không ngã, ngã sở, nhân, nhưng vì khai hóa dẫn dụ nên trụ ở ngã, ngã sở, nhân, mạng, liên hệ đến lời nói của ông, ai được thọ ký?

Các ông lý giải được con người rỗng không, vô ngã thì đã được thọ ký, quán tất cả các pháp bình đẳng... tịch tĩnh tức là thọ ký.

Các cõi Phật bình đẳng... mà không chấp thủ, lòng thanh tịnh không cấu bẩn tức là thọ ký. Trí tuệ quan sát các Đức Phật... đạo của Chư Phật chẳng hoại pháp giới tức là thọ ký.

Đối với các ma... tất cả ma đối với trần hay vô trần hiểu rõ gốc của tâm rồi tức là thọ ký. Không danh, không tướng, không có sự ứng hợp nào chẳng ứng hợp, không niệm gì chẳng niệm, chẳng thọ, chẳng xả tức là thọ ký.

Đức Phật nói với Long Vương: Ý thức của tâm ấy không chỗ trụ lập tức là thọ ký. Các pháp như vậy do không nhân duyên, các pháp vốn chân thật. Hiểu rõ các pháp bình đẳng không khác thì thành đạo vô thượng chánh chân. Tìm cầu rốt ráo vốn không có thọ ký và thành Phật Đạo, hoặc đang thọ ký hoặc thọ quyết rồi.

Vì sao?

Vì các pháp không hình dáng, gốc ngọn đều đoạn dứt hết đều không có chủ. Tất cả các pháp theo nhân duyên chuyển biến.

Các pháp như hư không, không từ tướng sinh vậy.

Các pháp không từ tướng sinh, không chỗ tướng đến.

Các pháp không từ đâu đến, suy xét thì vốn rỗng không vậy.

Các pháp không chỗ đến do chưa phát khởi vậy.

Các pháp không chỗ trụ, chẳng có xứ sở vậy.

Các pháp đều rỗng không do không thân.

Các pháp không chấp trước do không nương tựa.

Các pháp không chỗ nương tựa nên chẳng động.

Các pháp chẳng thể động vì không xứ sở.

Các pháp tự nhiên không ngôn giáo.

Các pháp không ngôn giáo vì không sắc tướng.

Các pháp không sắc tướng vì không ý nghĩ.

Các pháp không niệm vì không nhân duyên.

Các pháp không nhân duyên nên không vận hành.

Các pháp không vận hành do tịch nhiên.

Các pháp tịch nhiên nên không chấp ấm.

Các pháp không chấp ấm vì vốn thanh tịnh rỗng không.

Các pháp thoát khỏi tướng vì không hai.

Các pháp không hai.

Các pháp là không hai vì vốn là một.

Các pháp vốn là một nên lìa khỏi số lượng.

Các pháp bình đẳng không sai khác vì giác ngộ bình đẳng.

Đức Phật nói với Long Vương: Hiểu các pháp... không thọ ký thì chẳng thành Đẳng Giác, vả lại, quan sát như vậy thì Như Lai hưng khởi từ bi vô cực kiên cố và sức khuyến hóa các Bồ Tát.

Như vậy, các pháp dùng vô lượng số là vì người giải nói, nhóm họp nên có số, đối với các pháp quán, không có pháp giải thoát người, cũng chẳng độ.

Người như pháp thì người cũng như, đạo cũng như, Phật cũng như, thọ ký cũng như, các pháp cũng như, vậy nên nói rằng Như Lai thấu rõ đến bản vô, trụ ở bản vô mà chẳng thể động nên nói rằng, bản vô vốn không hình tượng, vốn không hoại.

Hiểu rõ bản vô nên nói rằng Như Lai. Vì là Như Lai nên trụ bình đẳng với bản vô. Các pháp trụ bình đẳng như bản vô. Đó là địa vị trụ bình đẳng của Như Lai. Nếu Bồ Tát nghe lời nói đó chẳng sợ chẳng kinh, chẳng cho là khó mà nên đem địa vị trụ bình đẳng của Như Lai vì người giải nói.

Khi Đức Phật nói điều đó, ba ngàn Bồ Tát đều được pháp nhẫn, Vua Rồng A Nậu Đạt rất vui mừng, dùng chuỗi ngọc trắng giá trị tương đương cả cõi đời này dâng lên Đức Phật.

***