Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương

PHẬT THUYẾT

KINH HẢI LONG VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM MƯỜI BỐN

PHẨM NỮ BẢO CẨM ĐƯỢC THỌ KÝ
 

Bấy giờ, Long Vương có Công Chúa tên là Bảo Cẩm Ly Cấu Cẩm, đoan chánh đẹp đẽ, dung nhan tinh anh diễm lệ cùng với hàng vạn phu nhân của loài Rồng đều dùng tay phải cầm chuỗi ngọc, một lòng chiêm ngưỡng Đức Phật chưa hề chớp mắt, lễ Đức Phật rồi an trụ.

Công Chúa Bảo Cẩm và hàng vạn phu nhân đem chuỗi ngọc dâng lên Đức Phật Thế Tôn, đồng thanh khen rằng: Hôm nay, chúng con đều đồng tâm phát ý đạo vô thượng chánh chânĐời sau chúng con được làm Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, chúng con sẽ nói Kinh Pháp, hộ Trì Chúng Tăng như Đức Như Lai hôm nay.

Đến đây, Hiền Giả Đại Ca Diếp nói với Công Chúa và các phu nhân rằng: Vô Thượng Chánh Giác rất khó đạt được, thân nữ thì không thể được thành Phật Đạo!

Long Nữ Bảo Cẩm nói với Tôn Giả Đại Ca Diếp rằng: Tâm chí vốn tịnh, hành đạo Bồ Tát thì được làm Phật không khó!

Việc phát tâm đạo thành Phật đó như quan sát lòng bàn tay! Vừa dùng khả năng phát khởi những tâm thông tuệ thì liền nhiếp lấy tất cả Phật Pháp.

Long Nữ Bảo Cẩm nói với Tôn Giả Ca Diếp: Lại như điều Tôn Giả nói, chẳng thể bằng thân nữ mà được thành Phật Đạo, thì thân con trai cũng chẳng thể được.

Vì sao?

Vì tâm đạo ấy thì không nam không nữ. Như Đức Phật đã nói, suy xét đối với mắt thì không nam, không nữ, tai, mũi, miệng, thân, tâm cũng như vậy không nam, không nữ.

Vì sao?

Thưa Tôn Giả! Vì mắt rỗng không, xét mắt đã rỗng không thì không nam, không nữ. Tai, mũi, miệng, thân, tâm đều rỗng không. Như vậy hư không và tịch tĩnh không nam, không nữ. Nếu có thể hiểu rõ, phân biệt cái gốc của mắt thì gọi là đạo. Tai, mũi, miệng, thân tâm cũng lại như vậy, suy xét đối với đạo thì không có pháp nam, nữ.

Vậy nên, thưa Tôn Giả Ca Diếp! Lại như các pháp đều ở tại tự nhiên, đạo cũng tự nhiên, tôi cũng tự nhiên.

Tôn Giả Ca Diếp hỏi Long Nữ: Nàng chính là đạo sao?

Long Nữ đáp rằng: Thưa Tôn Giả! Tôn Giả cho là tôi chẳng phải là đạo ư?

Tôn Giả Ca Diếp đáp rằng: Tôi chẳng phải Phật Đạo mà chính là Thanh Văn vậy!

Long Nữ lại hỏi rằng: Ai khai hóa cho Ngài?

Đáp rằng: Đức Như Lai!

Long Nữ nói rằng: Giả sử Đức Như Lai chẳng thành Chánh Giác thì có thể khai hóa cho Trưởng Lão chăng?

Đáp rằng: Chẳng thể vậy!

Vậy nên, Tôn Giả nên biết rằng, ngay đó tức là đạo, không gì chẳng giác ngộ đạo!

Tôn Giả Ca Diếp hỏi Long Nữ rằng: Ngược lại là đạo ư?

Đáp rằng: Vâng, thưa Tôn Giả Ca Diếp! Trái ngược tức là đạo!

Tại sao?

Vì khác bản tịnh có thể hiểu rõ! Đạo thì không hiểu trái ngược. Trái ngược bản tịnh thì gọi là đạo. Rỗng không là vốn không, phân biệt các trái ngược thì gọi là đạo. Giả sử các pháp có hợp có tan thì chẳng phải đạo vậy. Tất cả pháp bình đẳng thuận theo, ứng hợp thì mới là đạo.

Tôn Giả Ca Diếp hỏi Long Nữ rằng: Ai đem biện tài như thế này cho nhau?

Long Nữ đáp rằng: Tôn Giả Ca Diếp cho tôi biện tài!

Vì giả sử Tôn Giả chẳng hỏi đến tôi thì tôi nương vào cái gì mà phát khởi biện tài?

Ví như Tôn Giả Ca Diếp không có kêu lên thì nhờ vào đâu có tiếng vang đáp lại. Giả sử Tôn Giả không hỏi về nghĩa Bồ Tát thì không có nhân duyên phát khởi biện tài.

Tôn Giả Ca Diếp hỏi Long Nữ: Nhân giả cúng dường được bao nhiêu Đức Phật?

Long Nữ đáp rằng: Như Tôn Giả đã đoạn trần lao rồi chứ?

Tôn Giả Ca Diếp đáp: Tôi chẳng đoạn trần lao!

Long Nữ lại hỏi: Tôn Giả vẫn có trần lao nhơ uế sao?

Tôn Giả Ca Diếp đáp rằng: Tôi không có trần lao, cũng chẳng đoạn vậy.

Long Nữ lại hỏi rằng: Các trần lao đặt ở đâu?

Đáp rằng: Chẳng khởi, chẳng diệt, cũng không chỗ đặt! Hiểu được như đây là như bản vô vậy!

Lại hỏi: Bản vô chắc có thể biết sao?

Đáp rằng: Chẳng biết vậy!

Lại hỏi: Vì sao Tôn Giả nói rằng, tuệ ấy như đạo, như sở tri, sáng tỏ vô vi, biết như đây là như hiểu được bản vô. Vậy nên gọi là tuệ cùng phàm phu bình đẳng.

Lại hỏi Long Nữ rằng: Biện luận của nhân giả là đoạn dứt tất cả lời nói?

Đáp rằng: Tôi không có cái để đoạn, cũng không có lời nói!

Vì sao?

Vì pháp giới không có cái để đoạn. Tất cả điều nói ra đều ứng với pháp giới.

Tôn Giả Ca Diếp lại hỏi Long Nữ rằng: Chúng ta đối với pháp phàm phu chắc chẳng có gì nghi ngờ ư?

Long Nữ đáp rằng: Giả sử lập pháp tuệ phàm phu của Tôn Giả đều khác thì tôi sẽ có nghi ngờ. Tôi gọi Tôn Giả là phàm phu không khác, do vậy không nghi ngờ. Các pháp đều bình đẳng, không có nhiều nên đó gọi là bình đẳng. Như hư không thì đó gọi là bình đẳng.

Lại hỏi Long Nữ rằng: Nàng đối với phàm phu ngang bằng Hiền Thánh sao?

Đáp rằng: Tôi chẳng phàm phu, cũng chẳng phải Thánh Hiền.

Vì sao?

Vì giả sử thân chúng tôi bình đẳng với phàm phu, chẳng hành đạo Bồ Tát mà giả sử bình đẳng Hiền Thánh thì đoạn dứt Phật Pháp.

Lại hỏi Long Nữ rằng: Giả sử nàng chẳng bình đẳng như phàm phu, cũng chẳng bình đẳng Thánh Hiền thì chắc bình đẳng với Đức Phật ư?

Long Nữ đáp rằng: Chẳng như vậy!

Vì sao?

Vì thân tôi vốn chẳng bình đẳng đối với Phật Pháp.

Lại hỏi Long Nữ rằng: Giả sử nàng bình đẳng đối với Phật Pháp thì chắc nàng đạt được Phật Pháp rồi ư?

Long Nữ đáp rằng: Tôn Giả là bậc Trưởng Lão, chắc Tôn Giả tin Phật Pháp có duyên quá khứ, vị lai và hiện tại sao?

Có phương tiện ư?

Có chỗ ở xanh vàng, đỏ, trắng, đen chăng?

Đáp rằng: Pháp của các Đức Phật không có hình mạo!

Long Nữ đáp rằng: Giả sử pháp của Chư Phật không có hình mạo thì sao theo tôi mong cầu?

Tôn Giả Ca Diếp hỏi: Phật Pháp phải cầu ở đâu?

Đáp rằng: Phải ở trong sáu mươi hai kiến mà cầu?

Lại hỏi: Sáu mươi hai kiến phải cầu ở đâu?

Đáp rằng: Phải ở trong giải thoát của Như Lai mà cầu!

Lại hỏi: Giải thoát của Như Lai phải cầu ở đâu?

Đáp rằng: Phải ở trong ngũ nghịch mà cầu!

Lại hỏi: Ngũ nghịch phải cầu ở đâu?

Đáp rằng: Phải ở độ tri kiến mà cầu!

Lại hỏi: Lời nói này nghĩa là sao?

Long Nữ đáp rằng: Không trói, không mở, không chấp thủ, không xả bỏ... đây là căn bản thanh tịnh. Đó là lời dạy sâu sắc của các pháp, chẳng phải ngần ấy lời nói.

Lại hỏi Long Nữ rằng: Lời dạy đó chẳng trái lời nói của Đức Như Lai ư?

Long Nữ đáp rằng: Đó là lời nói chân thật, chẳng bị trái lỗi với lời dạy của Đức Như Lai.

Vì sao?

Vì đạo của Như Lai không có chứng đắc, cũng không thể nắm giữ, cũng không lời nói. Tất cả lời nói ra đều là âm thanh vậy. Hiểu rõ gốc đạo cũng không âm thanh.

Thưa Tôn Giả! Hiểu thấu đạo tịch nhiên không dấu tích. Vì gọi là dấu tích mà tự vướng vào dấu tích.

Tôn Giả Ca Diếp lại hỏi: Giả sử đạo không dấu tích, như vậy so sánh với nhau sao gọi là thành Tối Chánh Giác?

Đáp rằng: Cũng chẳng từ thân, cũng chẳng từ ý mà được thành Tối Chánh Giác!

Vì sao?

Vì thân tâm tự nhiên mới thành đạo vậy. Tự nhiên ấy thì đều không giác ngộ. Tôi tức là đạo, chẳng vì là đạo mà thành Tối Chánh Giác.

Tôn Giả Ca Diếp hỏi Long Nữ rằng: Nhân giả thiết lập đạo này, sao chẳng chuyển bánh xe pháp?

Long Nữ đáp rằng: Tôi chuyển bánh xe pháp vậy!

Tôn Giả Ca Diếp hỏi rằng: Nhân giả chuyển bánh xe pháp thuộc loại nào?

Long Nữ đáp rằng: Bánh xe không động, xa lìa tất cả những sự nương trụ. Pháp luân ấy gọi là Pháp Giới trụ. Cái vốn không pháp luân là thuận với bản vô vậy.

Không đoạn dứt pháp luân là như vốn trụ thanh tịnh vậy.

Không chấp trước pháp luân là hiểu rõ tất cả các pháp, không chấp trước vậy.

Không có hai pháp luân là bình đẳng với tất cả pháp.

Không ngần ấy pháp luân là nhẫn một hạnh.

Pháp luân vô ngôn là hóa hiện các âm thanh đều không có tưởng, vào một vị.

Pháp luân thanh tịnh là tất cả không trần cấu. Đoạn dứt các pháp luân bất điều là chẳng còn hữu thường, vô thường.

Pháp luân không loạn là giỏi quan sát báo ứng.

Pháp luân chí thành là không khởi, không diệt.

Pháp luân không vô là vô tướng, vô nguyện vậy.

Thưa Tôn Giả Ca Diếp!

Pháp luân đã như vậy thì chuyển chỗ nào?

Tôn Giả Đại Ca Diếp nói rằng: Như biện tài của nhân giả thì chẳng bao lâu sẽ thành đạo vô thượng chánh chân làm Tối chánh Giác!

Long Nữ đáp rằng: Giả sử khi Ngài Ca Diếp thành Tối Chánh Giác thì tôi cũng sẽ thành Tối Chánh Giác.

Tôn Giả Ca Diếp đáp rằng: Tôi nhất định chẳng được thành Tối Chánh Giác!

Long Nữ đáp rằng: Rõ pháp thân như vậy thì đạo trụ ở không chỗ trụ, không thể được đạt thành Tối Chánh Giác!

Khi Long Nữ nói lời đó, năm trăm vị Bồ Tát chứng được pháp nhẫn, đồng thời được Đức Phật khen rằng: Hay thay, hay thay! Ngươi nói pháp này hay lắm!

Bấy giờ, trong chúng hội Trời, Rồng, Quỷ Thần, Thần Vô Thiện, Thần Hương Âm... tự nghĩ: Long Nữ Bảo Cẩm đó khi nào sẽ thành đạo vô thượng chánh chân làm Tối Chánh Giác?

Đức Phật biết ý nghĩ của các Trời, Rồng, Thần, Thần Hương Âm... nên bảo các vị Tỳ Kheo rằng: Long Nữ Bảo Cẩm này sau ba trăm lần chẳng thể kể kiếp sẽ được làm Phật hiệu là Phổ Thế Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Thế Giới tên là Quang Minh, kiếp là Thanh Tịnh. Ánh hào quang của Đức Như Lai ở Thế Giới Quang Minh ấy luôn rất sáng. Đức Phật có chín mươi hai ức Bồ Tát và Ngài sống lâu mười tiểu kiếp.

Đến đây, một vạn Hoàng Hậu của Vua Rồng bạch Đức Phật rằng: Khi Đức Như Lai Phổ Thế được làm Phật thì chúng con nguyện Vãng Sinh về nước đó. Đức Phật liền thọ ký cho họ sẽ Vãng Sinh về nước ấy.

***