Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương

PHẬT THUYẾT

KINH HẢI LONG VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM MƯỜI SÁU

PHẨM KIM SÍ ĐIỂU CHIM CÁNH VÀNG
 

Bấy giờ, có các Vua Rồng, một tên Hấp Khí, hai tên là Đại Hấp Khí, ba tên là Hùng Bi, bốn tên là Vô Lượng Sắc, bạch Đức Thế Tôn rằng: Vô số loài Rồng ở trong biển này, với ngần ấy chủng loại do quả báo của nhân duyên hành động mà lại sinh đến đây. Hoặc có loài lớn, hoặc có loài nhỏ, hoặc có loài ốm yếu... nhìn thấy đã khinh nhờn.

Có bốn giống chim cánh vàng thường ăn thịt loài Rồng ấy và vợ con của loài Rồng. Các chủng loại Rồng trong biển sợ sệt, nguyện xin Đức Phật ủng hộ, khiến cho các Rồng biển được yên ổn, chẳng sợ sệt.

Đến đây, Đức Thế Tôn cởi y trên người và bảo Vua Rồng biển rằng: Ông hãy lấy y của Như Lai phân chia cho các Vua Rồng, làm sao cho đều cùng khắp.

Vì sao?

Vì ở trong biển lớn này chỉ đặt một sợi của y này thì Vua chim cánh vàng cũng chẳng thể xúc phạm. Vì sở nguyện của người trì cấm giới thì nhất định phải được. Lúc ấy, các Vua Rồng lớn đều ôm lòng lo sợ.

Họ đều nghĩ rằng: Y của Đức Phật rất nhỏ nhoi mà chia khắp hết các Rồng trong biển lớn thì đâu có được?

Đức Phật biết được sự hoài nghi lo sợ của các Vua Rồng nên bảo Vua Rồng biển rằng: Giả sử nhân dân trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều được chia phần y của Như Lai thì nhất định y ấy chẳng giảm, chẳng hết. Họ muốn lấy y thì ví như hư không, tùy theo ước muốn của họ mà tự nhiên sinh ra.

Sự kiến lập của Phật chẳng thể nghĩ bàn!

Công đức lồng lộng, y ấy như việc này vậy. Vua Rồng biển liền nhận lấy y của Đức Phật mà tự chia làm vô lượng số trăm ngàn mảnh. Mỗi một phần đều chia cho các Vua Rồng. Cung Vua Rồng tùy theo nơi ấy rộng hẹp, lớn nhỏ tự nhiên cấp cho mà y ấy vẫn như cũ, nhất định chẳng hết.

Đến đây, Vua Rồng biển bảo các Vua Rồng rằng: Các ông phải kính y này như kính Đức Thế Tôn, như kính Tháp, Chùa.

Vì sao?

Vì hôm nay, y này là đồ mặc của Đức Như Lai. Do đó, nên nói là như kính Tháp Chùa vậy. Giả sử, tất cả cúng dường Đức Như Lai so với việc phụng thờ y này thì ngang bằng, không sai khác.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Vua Rồng biển rằng: Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời nói của ông! Người phụng thờ y này tức là cúng dường Như Lai!

Ông hãy xem các Rồng và vợ con loài Rồng, tất cả đều có được phần y của Như Lai không?

Đáp lại rằng: Thưa vâng, con đã thấy! Đức Phật dạy rằng: Ta đều thọ ký thì họ liền thoát khỏi thân Rồng, ở kiếp Hiền này, trừ người có chí Đại Thừa, còn các Rồng khác đều không vướng mắc sẽ vào Niết Bàn.

Như vậy, này Long Vương! Như Lai còn tại thế thì tất cả chúng sinh phát một tâm thiện, nhân duyên sẽ đạt đến quả Phật, chưa từng có mất đi.

Bấy giờ, các Rồng và vợ con loài Rồng ở trong biển hớn hở vui mừng, kính lễ trước Đức Phật đồng thanh nói rằng: Lời nói của Đức Như Lai không có hai, rất thành thật, chẳng hư dối. Ngài đã thọ ký cho chúng con, đạt đến giải thoát vô vi. Chúng con hôm nay ở biển lớn, quy y Phật, Pháp và các Thánh Chúng, thọ trì cấm giới, kính thuận Đức Như Lai, là ý nghĩa của sự quay về.

Đức Như Lai còn ở đời, chúng con luôn luôn đi đến yết kiến Đức Phật, cúi đầu, lắng nghe, thâu nhận nghĩa pháp. Sau khi Đức Phật vào Niết Bàn thì chúng con cúng dường Xá Lợi.

Chúng con đem tất cả mọi thứ để phụng sự Xá Lợi của Đức Thế Tôn! Đến đây, Vua bốn loài chim cánh vàng nghe sự kiến lập của Đức Phật, sợ hãi mau chóng đi đến trước chỗ Đức Phật, cúi đầu dưới chân kêu rằng: Tại sao Đức Thế Tôn đoạt mất phần ăn của chúng con?

Đức Phật dạy rằng: Tóm lại có bốn thứ ăn buộc phải đến ba nơi.

Những gì là bốn?

1. Chăng lưới săn cầm thú, tàn hại bầy vật nuôi, sát sinh hại mạng dùng làm đồ ăn thức uống thì đó là đến chỗ ác.

2. Cầm đeo gậy gộc, dao, xà mâu... chặt đâm, bức bách, xô xát bắn giết để cướp đoạt của cải người khác mà ăn uống thì đó là đến chỗ ác.

3. Tham tiếc, dua nịnh, tối loạn, phạm cấm giới, tà kiến, khéo lừa dối để được ăn thì đó là đến chỗ ác.

4. Chẳng phải thầy xưng là thầy, chẳng phải Thế Tôn xưng là Thế Tôn, rơi vào tà xưng là chánh, chẳng phải tịch tĩnh xưng là tịch tĩnh, chẳng phải thanh tịnh xưng là thanh tịnh, chẳng phải phạm hạnh xưng là phạm hạnh... Tự xưng dối trá để cầu mà được ăn.

Đó là bốn thứ ăn buộc phải đến ba chỗ ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Lời nói pháp của ta là trừ diệt bốn thứ ăn này. Chẳng phải vì nuôi dưỡng tấm thân này mà hại mạng của chúng sinh.

Vì sao?

Vì tất cả chúng sinh đều tự yêu thân mạng, không ai tự ghét. Cho nên, muốn tự hộ trì thân thì phải hộ trì người khác, làm yên ổn chúng sinh. Như vậy, người thông minh chẳng dùng nguy hại bức bách người, điều chẳng nên làm, thận trọng chớ làm vậy.

Bấy giờ, Vua của bốn loài chim cánh vàng đều cùng với hàng ngàn quyến thuộc, bạch Đức Phật rằng: Hôm nay chúng con tự quy y Phật, Pháp và Tăng Chúng. Bắt đầu từ đây, chúng con sám hối tội lỗi đã phạm từ trước và phụng trì cấm giới.

Bắt đầu từ hôm nay, chúng con thường dùng vô úy bố thí cho tất cả Rồng, ủng hộ chánh pháp đến chừng nào Phật Pháp còn trụ, tương thuận đạo pháp cho đến diệt tận, chẳng trái lời dạy của Đức Phật.

Đức Phật bảo bốn Vua chim cánh vàng rằng: Thân các ông, thời Đức Phật Kim Nhân là bốn Tỳ Kheo tên là Hân Lạc, Đại Hân Lạc, Thượng Thắng, Thượng Hữu. Bốn vị Tỳ Kheo đó trái phạm giới pháp, tham đồ cúng dường, chí say mê hoặc, theo thân hữu trục lợi giàu sang, ý loạn ngã, ngã sở, rơi vào tà kiến, khinh các Tỳ Kheo, bức bách não hại họ, chẳng hộ trì thân, miệng, ý, làm nhiều việc ác.

Nhưng các ông cúng dường Đức Phật Kim Nhân cũng nhiều chẳng thể kể. Do đó, nên các ông chẳng bị đọa vào địa ngục mà đọa vào loài cầm thú này. Trước sau, các ông sát sinh nhiều chẳng thể kể xiết, bị nhiều sự sợ hãi vì chẳng tự hộ trì.

Ngay tức thời, Đức Thế Tôn liền như hình dáng ấy mà hiện thần túc khiến cho bốn Vua chim cánh vàng biết được đời trước mà họ đã cúng dường Đức Phật Kim Nhân và các đệ tử, việc làm phước tội đều nhớ ra được hết, mắt nhìn đều thấy việc làm của đời trước, họ bạch Đức Thế Tôn rằng: Tâm ấy cứng cỏi khó có thể điều phục, buộc lòng tham lam ghen ghét tạo nhiều điều nguy hại trái lời dạy tôn quý của Đức Phật Kim Nhân. Chúng con hôm nay bắt đầu nguyện, thà mất thân mạng chẳng dám phạm điều ác.

Đức Phật vì họ nói Kinh và thọ ký cho họ rằng: Thời Đức Phật Di Lặc, các ông đều sẽ được độ tại Pháp Hội thứ nhất.

***