Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Hưng Khởi Hạnh

PHẬT THUYẾT

KINH HƯNG KHỞI HẠNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán
 

PHẬT THUYẾT KINH NHÂN DUYÊN

KIẾP TRƯỚC CỦA TÔN ĐÀ LỢI
 

Nghe như vậy! Một thời!

Phật ở nước Ma Kiệt

Vì các loài chúng sanh

Dừng chân trong Vườn Trúc

Phật bảo các Tỳ Kheo

Và La Hán thần túc

Đều ôm bát khất thực

Đồng đến suối A Nậu

Ngang qua nước ngũ tánh

Dẫn các chúng Tỳ Kheo

Cùng khất thực trong đó

Năm trăm vị Tỳ Kheo

Dùng thần túc bay đến

Tỳ Kheo tăng doanh vây

Đến suối lớn A Nậu

Thế Tôn ngồi ở giữa

Thế Tôn thọ thực rồi

Tỳ Kheo mới thọ thực

Ngay khi đang thọ thực

Mặt đất chấn động mạnh

Tỳ Kheo hỏi Thế Tôn:

Sao mặt đất chấn động?

Đức Thế Tôn liền nói:

Động vì thương chúng sanh

Địa ngục có tội nhân

Làm các hạnh nghịch ác

Có ngàn người quỷ thần

Chặt đứt hai xương sườn

Không chút nào dừng nghỉ!

Với búa rìu cháy đỏ

Chặt ngót cả ngàn năm

Hết sức mới chịu đứt

Hỏi rằng bị tội gì?

Bị khổ thống như vậy?

Xương sườn này lớn lắm

Khiến mặt đất chấn động!

Người này ở thế gian

Hay ưa dâm vợ người

Bởi vì tham sắc dục

Lại giết thanh tín sĩ

Do vì túc duyên này

Nên thọ thân to lớn

Có ngàn người quỷ thần

Thường chặt hai bên sườn!

Thế Tôn nói như vậy

Rồi Ngài hỏi bốn chúng:

Các người gieo nhân gì

Mỗi người hãy tự nói?

Thần thông đại đệ tử

Thay Phật chuyển pháp luân

Trí huệ Xá Lợi Phất

Đứng dậy hỏi Thế Tôn

Thế Tôn không ai bằng

Không việc gì không biết

Thế Tôn Tự nói trước

Các nhân duyên đời trước

Tôn Đà Lợi hủy báng

Mong được sự kính nể

Vô cớ hủy báng Phật

Đó là nhân duyên gì?

Sanh Xa Di Bạt Đề?

Năm trăm Tỳ Kheo này

Vô cớ cùng phỉ báng

Đó là nhân duyên gì?

Sao lại bị đau đầu

Khi giết hại ngũ thân?

Các chi tiết đau nhức

Và bị cứng xương sống

Dùng gươm đâm vào chân

Bị Điều Đạt đôi đá

Làm dập ngón chân cái

Đó là nhân duyên gì?

Bị đồng nữ nhiều lời

Độn bụng cho to lên

Vô cớ đến hủy báng

Ở trước mặt mọi người?

Lại ở ấp Tỳ Lan

Ba tháng ăn luá ngựa

Phạm Chí Quốc Sư thỉnh

Đó là nhân duyên gì?

Ở nơi Uất Bí Địa

Sáu năm tu khổ hạnh

Đứt hơi thiền ốm yếu

Đó là nhân duyên gì?

Xin Thế Tôn diễn thuyết

Xá Lợi Phất lắng nghe

Nay xin Phật nói rõ

Đời trước làm hạnh gì?

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở tại con suối A Nậu cùng với năm trăm vị Đại Tỳ Kheo đều là bậc A La Hán, lục thông thần túc, có tiếng tăm lớn, đoan chánh, đẹp đẽ, đều có các tướng: Không cao, không thấp, không trắng, không đen, không mập, không ốm, màu sắc giống như hoa sen hồng, có thể hàng phục tâm ý, chỉ trừ có một Tỳ Kheo, đó là Tôn Giả A Nan.

Tôn Giả Xá Lợi Phất từ tòa bằng hoa đứng dậy, sửa y phục, trạch vai bên hữu, quỳ gối bên hữu trên tòa hoa sen, chấp tay hướng về Đức Phật, hỏi Đức Thế Tôn rằng: Đức Thế Tôn không có việc gì mà Ngài không thấy, không có việc gì mà Ngài không nghe, không có việc gì mà Ngài không biết.

Thế Tôn là bậc không ai sánh bằng, đã diệt trừ các điều ác, đầy đủ các điều thiện. Đối với Chư Thiên, Long, Thần, Vua, Quần Thần và nhân dân, tất cả chúng sanh Ngài đều muốn độ thoát.

Bạch Thế Tôn, bây giờ vì có những duyên hiện hữu còn sót lại, kính mong Đức Phật tự nói duyên này, khiến cho Trời, người, chúng sanh nghe xong đều hiểu rõ.

Vậy vì nguyên nhân gì mà Ngài bị Tôn Đà Lợi đến hủy báng?

Vì nguyên nhân gì bị Xa Di Bạt Đề hủy báng Ngài với năm trăm vị La Hán?

Vì nhân duyên gì mà Đức Thế Tôn bị đau đầu?

Vì nguyên nhân gì mà xương cốt, tay chân Đức Thế Tôn bị đau nhức?

Vì nguyên nhân gì mà xương cốt Đức Thế Tôn bị cứng đờ?

Vì nguyên nhân gì mà Ngài bị cây gươm đâm vào chân?

Do nhân duyên gì Địa Bà Đạt Đâu lấy đá mé núi đôi Ngài?

Vì nhân duyên gì cô gái Đa Thiệt nhiều lời độn bụng cho lớn, ở trong đại chúng hữu lậu, vô lậu, đến trước nói lời hủy báng rằng: Vì sao không tự nói chuyện nhà cửa, mà cứ nói chuyện người khác?

Nay tôi sắp sanh, cần phải có dầu bơ để dùng?

Do nhân duyên gì mà ở ấp Tỳ Lan, Ngài và năm trăm vị Tỳ Kheo phải ăn lúa mạch?

Do nhân duyên gì mà Ngài khổ hạnh sáu năm tại Uất Bí Địa, rồi bảo: Ta sẽ thành Phật.

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Hãy ngồi xuống tòa Hoa, ta sẽ nói các nhân duyên đời trước cho nghe!

Tôn Giả Xá Lợi Phất liền về ngồi lại chỗ cũ. Khi ấy Đại Long Vương A Nậu nghe Đức Phật sắp nói về nhân duyên, vui mừng hớn hở, liền làm cái lọng bảy báu ở giữa khoảng không để che Đức Phật.

Trong cái lọng thì mưa hương bột Chiên Đàn rưới khắp các tòa. Vô số các Trời, Rồng, Quỷ Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu Na Già, đều đến chỗ Đức Phật, chắp tay đảnh lễ rồi đứng bao vây chung quanh.

Bấy giờ Đức Phật nói cho Tôn Giả Xá Lợi Phất nghe rằng: Ngày xưa, ở thời quá khứ, trong thành Ba La Nại, có một diễn viên sân khấu tài ba tên là Tịnh Nhãn, giỏi nghề ca hát. Khi ấy có một dâm nữ tên là Lộc Tướng, nhan sắc tuyệt vời, nghiêm tịnh không ai bằng.

Bấy giờ Tịnh Nhãn đi đến chỗ Lộc Tướng nói với nàng rằng: Chúng ta nên ra ngoài thành, vào trong rừng cây, tìm chỗ đất tốt cùng nhau vui chơi chứ?

Cô gái thưa: Xin vâng! Lộc Tướng liền trở về trang điểm y phục, đến nhà Tịnh Nhãn. Tịnh Nhãn liền chuẩn bị xe ngựa thật tốt cùng đi với Lộc Tướng, ra khỏi thành Bà La Nại, đến một khu vườn, họ vui chơi với nhau mãi cho đến Trời tối. Tịnh Nhãn thấy y phục cô ta có kết ngọc quý mới sanh lòng tham muốn giết cô ta để lấy y phục đó.

Ông ta lại nghĩ: Nếu giết cô ta thì dấu thây ở đâu?

Khi ấy ở trong vườn này có một vị Bích Chi Phật tên là Lạc Vô Vi, ở cách đó không xa, Tịnh Nhãn lại nghĩ: Vị Bích Chi Phật này lúc sáng sớm đã vào thành khất thực, ta sẽ giết Lộc Tướng, chôn trong am của vị ấy, rồi mang y phục trở về thì ai biết ta đâu.

Sáng sớm vị Bích Chi Phật vào thành khất thực, sau đó Tịnh Nhãn liền giết Lộc Tướng, cởi lấy y phục rồi chôn xác cô ta trong am của Ngài Lạc Vô Vi, phả đất bằng phẳng như cũ rồi cởi xe vào thành bằng cửa khác. Khi ấy vị Quốc Vương của nước Ba La Nại là Phạm Đạt.

Nhân dân của nước này không thấy Lộc Tướng ở đâu, họ mới đến tâu với Quốc Vương: Chúng thần chẳng thấy Lộc Tướng ở đâu cả!

Nhà Vua liền triệu tập Quần Thần bảo họ phải đến các nhà, các ngõ hẻm đường làng tìm cho ra Lộc Tướng. Các thần vâng lệnh đi kiếm, nhưng kiếm khắp mà chẳng thấy Lộc Tướng ở đâu. Họ bèn ra khỏi thành thì thấy bầy chim bay liệng ở trên rừng cây rất đông.

Họ liền suy nghĩ: Đã kiếm khắp trong thành mà chẳng thấy cô ta ở đâu cả. Có lẽ chỗ này thôi. Vì vậy họ cùng nhau đến chỗ đó tìm kiếm. Họ đến trước cái am của Lạc Vô Vi thì tìm được tử thi.

Lúc ấy Quần Thần nói với Lạc Vô Vi: Ngươi đã hành động bất tịnh, sao lại còn giết người?

Vị Bích Chi Phật vẫn im lặng không trả lời. Họ hỏi đến ba lần nhưng Ngài vẫn không trả lời. Ngài Lạc Vô Vi đặt tay chân lên mặt đất, biết việc này là nhân duyên của đời trước nên Ngài mới im lặng không đáp. Khi ấy mọi người mới bắt trói gô Ngài lại để tra khảo hỏi cung.

Bấy giờ vị thọ thần liền hiện ra nửa người, bảo tất cả rằng: Đừng có tra khảo người này.

Quần Thần hỏi: Vì sao không tra khảo?

Thần đáp: Điều đó không có!

Ngài không bao giờ hành động như vậy.

Quần Thần tuy nghe vị thần này nói như thế, nhưng họ chẳng thèm để ý, họ dẫn Lạc Vô Vi đền chỗ Vua, tâu rằng: Gã Đạo Sĩ này đã làm điều bất tịnh lại còn giết người. 

Nhà Vua nghe lời ấy tức giận, quát lớn, bảo các Đại Thần thẩm tra xem gã Đạo Sĩ này đã làm điều phi pháp đến như vậy sao?

Nhà Vua bảo Quần Thần: Phải trói gấp gã này vào Lạc Đà, đánh trống dẫn đi khắp nơi, sau đó đem ra cửa thành phía Nam, dắt tới một gốc cây, lấy giáo đâm xuyên vào thân, treo lên đầu cây sào, dùng cung nỏ bắn cho chết.

Nếu không chết thì chặt đầu y đi! Quần Thần vâng lệnh, gấp cột Ngài vào con Lạc Đà, đánh trống rao khắp hang cùng ngõ hẻm. Những người trong nước thấy vậy cho là chuyện lạ nên có người tin, có người vẫn không tin. Mọi người tụ lại để xem thì thấy Lạc Vô Vi bị trói ngược trên con Lạc Đà, mọi người đi theo sau.

Thấy vậy tâm ông suy nghĩ: Vị Đạo Sĩ này vô cớ mà chết oan uổng! Điều này chẳng phải nên có sự quý kính sao. Chính tự tay ta giết Lộc Tướng chứ không phải Đạo Sĩ giết. Vậy chính ta phải chịu tội chết mà để cho Đạo Sĩ sống.

Tịnh Nhãn nghĩ như vậy xong, liền bước ra khỏi bức tường, chạy theo mọi người, gọi vị thượng quan nói rằng: Đừng giết Đạo Sĩ ấy! Không phải Đạo Sĩ ấy giết Lộc Tướng đâu, chính tôi mới là người giết cô ta. Vậy xin các Ngài hãy thả vị Đạo Sĩ này ra. Hãy trói tôi lại, tùy theo tội mà sử trị.

Lúc ấy các vị quan đều kinh ngạc, bảo rằng: Vì ao ngươi lại có thể chịu tội thay thế người khác được?

Họ liền mở trói cho vị Bích Chi Phật, rồi bắt Tịnh Nhãn trói ngược lại như họ đã làm với Đạo Sĩ.

Bấy giờ các thượng quan đều hướng về Bích Chi Phật cầu xin sám hối, rằng: Bọn con ngu si, vô cớ mà làm Đạo Sĩ khốn đốn một cách oan uổng. Mong Ngài lấy lòng từ bi mà tha tội cho chúng con. Đừng để cho tương lai chúng con phải gánh láy tội nặng. Họ nói như vậy ba lần, nhưng vị Bích Chi Phật Lạc Vô Vi vẫn im lặng không trả lời.

Vị Bích Chi Phật suy nghĩ rằng: Ta không nên vào thành Ba La Nại khất thực nữa, ta phải nên diệt độ ở đây, trước mọi người. Vị Bích Chi Phật liền ở trước mọi người nhảy lên hư không, đi qua đi lại, ngồi nằm rồi đứng, từ dưới eo lưng thì khói phun, trên eo lưng thì phun lửa.

Hoặc dưới eo lưng thì phun lửa, trên eo lưng thì phun khói:

Hoặc bên hông trái thì phun khói, bên hông phải thì phun lửa.

Hoặc bên hông trái phun lửa, bên hông phải phun khói.

Hoặc trước bụng thì phun lửa, trên lưng thì phun khói.

Hoặc trước bụng thì phun khói, trên lưng thì phun lửa.

Hoặc từ eo lưng trở xuống thì phun lửa, eo lưng trở lên thì phun nước.

Hoặc eo lưng trở xuống phun nước, eo lưng trở lên thì phun lửa.

Hoặc hông trái phun lửa, hông phải phun nước.

Hoặc hông trái phun nước, hông phải phun lửa.

Hoặc trước bụng phun nước, trên lưng phun lửa.

Hoặc trước bụng phun lửa, trên lưng phun nước.

Hoặc vai trái phun lửa, vai phải phun nước.

Hoặc vai trái phun nước, vai phải phun lửa.

Hoặc cả hai vai phun đều nước.

Hoặc cả hai vai phun đều lửa.

Sau đó toàn thân phun khói, toàn thân phun lửa, toàn thân phun nước.

Ngay khi đó, ở trên không, Ngài thiêu thân diệt độ.

Bấy giờ đại chúng thảy đều sót thương rơi lệ, hoặc có người sám hối, hoặc có người đảnh lễ. Họ thu lấy xá lợi, dựng Bảo Tháp ở ngã tư đường.

Bấy giờ các thượng quan liền dẫn Tịnh Nhãn đến chỗ Vua Phạm Đạt tâu rằng: Chính người này đã giết Lộc Tướng chớ không phải là Đạo Sĩ. Nhà Vua tức giận.

Liền quở quan Giám Ty: Lúc trước tại sao ngươi dối tâu việc không thật rằng: Đây là kẻ giết người, nay lại nói là không phải, khiến cho ta trở thành con người lừa dối, gây oan uổng, khốn khổ cho Đạo Sĩ?

Quần Thần tâu Vua: Khi ấy thần đã nhiều lần hỏi Đạo Sĩ: Sao lại giết người?

Nhưng lúc ấy Đạo Sĩ vẫn cứ im lặng, chẳng thấy trả lời gì cả. Lại còn đặt tay sát đất nữa. Vì vậy chúng thần bảo đó là kẻ sát nhân.

Bấy giờ Vua ra lệnh cho vị Đại Thần: Cột người này lên con Lạc Đà, vào thành phía Nam, lấy mâu đâm vào, sau đó lấy cây sào đâm lên đến đầu, rồi lấy tên mà bắn. Nếu chưa chết thì chặt đầu để kết thúc đời người này.

Các Quần Thần vâng lệnh, liền dắt con Lạc Đà đã trói phạm nhân dẫn đi đánh trống khắp nơi, đem ra thành phía Nam lấy mâu đâm xuyên thân bằng cây nhọn, dùng cung để bắn, sau đó thì chặt đầu con người ấy.

Bấy giờ Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Ngươi có biết Tịnh Nhãn lúc đó là ai chăng?

Chính là thân của ta.

Này Xá Lợi Phất! Ngươi có biết Lộc Tướng lúc đó là ai chăng?

Đó chính là Tôn Đà Lợi bây giờ vậy.

Này Xá Lợi Phất! Ngươi có biết Vua Phạm Đạt lúc đó là ai chăng?

Đó chính là chấp trượng dòng họ Thích bây giờ vậy.

Này Xá Lợi Phất, lúc xưa ta đã giết Lộc Tướng, làm oan uổng, khốn khổ cho vị Bích Chi Phật, vì tội ác như vậy cho nên trải qua vô số ngàn năm, ta đã bị chưng nấu trong địa ngục, rồi bị leo lên rừng kiếm. Vô số ngàn năm ta đã trong loài súc sanh, vô số ngàn năm ta đã ở trong loài quỷ đói. Cái tai ương ta sót lại lúc ấy, đến nay tuy ta đã thành Phật mà vẫn bị Tôn Đà Lợi hủy báng.

Bấy giờ Đức Phật tự nói về nhân duyên kiếp trước của mình bằng bài kệ:

Trước ta tên Tịnh Nhãn

Là diễn viên sân khấu

Bích Chi tên Lạc Vô

Không bị tội khốn khổ

Ngài là chân tịnh hạnh

Bị chúng làm ưu não

Huỷ nhục và bắt trói

Muốn đem ra khỏi thành

Ta thấy Bích Chi Phật

Bị khốn nhục trói buộc

Nên khởi lòng từ bi

Để Ngài được giải thoát

Do nhân duyên như vậy

Mãi thọ khổ địa ngục

Tai ương còn sót lại

Nay mới bị huỷ báng

Ta nay hết tái sanh

Chấm dứt ngay đời này

Ngồi đây Tôn Đà Lợi

Mới đến để huỷ báng

Nhân duyên không thể thoát

Cũng chẳng thành hư không

Nên giữ ba nhân duyên

Trước sau không vi phạm

Ta tự thành Tôn Phật

Được làm tướng ba cõi

Nên nói nhân duyên trước

Trong suối lớn A Nậu.

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Ngươi xem Đức Như Lai, các điều ác đã hết, các điều thiện đầy đủ, có thể hoá độ Trời, Rồng, Quỷ Thần, Vua Trời Đế Thích, quần thần nhân dân, cho đến loài bò, bay, máy, cựa, Ngài đều khiến cho được đắc độ vô vi an lạc. Tuy Ngài có công đức nhu vậy nhưng vẫn không thoát khỏi nhân duyên kiếp trước.

Huống chi kẻ ngu si tăm tối chưa đắc đạo, không thu nhiếp thân, miệng và ý, bọn người ấy sẽ như thế nào?

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Ngươi nên học như vậy, và các La Hán với tất cả chúng sanh phải hộ trì ba lỗi ở thân, bốn lỗi ở miệng và ba lỗi ở ý.

Này Xá Lợi Phất! Ngươi nên học như vậy và mọi người cũng như thế.

Khi Đức Phật dạy như vậy, Tôn Giả Xá Lợi Phất và năm trăm vị La Hán, Đại Long Vương A Nậu, Trời, Rồng, Quỷ Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La và Ma Hầu La Già nghe Đức Phật dạy, thảy đều hoan hỷ phụng hành.

***