Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Huyễn Sĩ Nhân Hiền

PHẬT THUYẾT

KINH HUYỄN SĨ NHÂN HIỀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN MỘT
 

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở tại núi Linh Thứu thuộc thành Vương Xá, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bồ Tát có năm ngàn vị đều hội đủ, đều đạt thần thông, tất cả các bậc đại Thánh ấy đều đạt được pháp Tổng trì, biện tài vô ngại.

Tên của những vị Bồ Tát ấy là: Bồ Tát Sư Tử, Bồ Tát Sư Tử Ý, Bồ Tát Thành Lạc, Bồ Tát Đạo Ngự, Bồ Tát Đại Ngự, Bồ Tát Quang Thủ, Bồ Tát Quang Tịnh, Bồ Tát Tịch Ý, Bồ Tát Nhân Minh, Bồ Tát Khai Hóa Nhân, Bồ Tát Thường Ứng, Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi v. v… cùng với sáu mươi Hiền Giả. Hết thảy năm ngàn Bồ Tát này đều là bậc thượng thủ.

Phạm Vương Đế Thích, Tứ Thiên Vương, Chư Thiên, Vua Rồng, Thần v. v… tập trung nhiều vô số. Ở trong nước gồm có các Đại Thần, Trưởng Giả, Cư Sĩ, các quan lại, cúng dường những vật dụng như y phục, thức ăn uống, thuốc thang, giường nằm cho Đức Thế Tôn.

Tiếng đồn về Đức Thế Tôn vang đến khắp nơi, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vi Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Các thần thông trí tuệ của Đức Thế Tôn nhìn thấy khắp, không trừ một chỗ nào.

Mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng của Như Lai không xả đại từ, không bỏ đại bi, mắt trí tuệ sáng suốt của Đức Phật biến hóa không cùng tận, thần túc biến hóa, thuyết giảng cũng biến hóa, giáo hóa chỉ dạy cũng biến hóa, đạt được cùng tận.

Phát tâm trong một khoảnh khắc có thể làm cho ba ngàn đại thiên Thế Giới với các châu, thành, sông, biển, núi Tu Di, cung điện của Trời, rồng, thần, sông, núi Thiết Vi, ao, hầm, cây cối, thành ấp, gò nổng, làng xóm, chỉ ở nơi một lỗ chân lông, hoặc từ một kiếp, hoặc hơn một kiếp.

Bấy giờ, trong thành Vương Xá có một Huyễn Sĩ tên là bạt đà đời Tấn dịch là Nhân Hiền sáng suốt, từng trải, biết rõ về tài nghệ làm trò ảo thuật, đã tạo ra kỹ xảo, phần nhiều đã thành công, nên danh tiếng đồn khắp.

Người ấy tạo các trò ảo thuật cả nước Ma Kiệt Đà không ai sánh bằng, đi đến nơi nào cũng là bậc nhất, ngoài các vị cận sự nam, nữ đạt được pháp nhẫn ra, tất cả mọi người không ai là không bị khuynh đảo, đều bị người ấy giảng nói làm cho mê muội, cho là điều chưa từng có, vì dùng trò ảo thuật huyễn hóa của tà hạnh này, để được các việc lợi dưỡng.

Huyễn Sĩ Nhân Hiền nghe danh tiếng của Đức Thế Tôn vang khắp là bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, nghe rồi tự suy nghĩ: Thân ta chuyển hóa làm mê hoặc bao nhiêu người khắp các châu thành ở nước Ma Kiệt Đà, không ai là không thọ nhận lời chỉ dạy, chỉ chưa hàng phục được Sa Môn Cù Đàm, cũng chưa từng đấu tài với các đệ tử của ông ấy, ta nay nên thử sức mới có the biết là mê hoặc được không?

Giả sử có thể làm mê hoặc Sa Môn Cù đàm thì dân chúng khắp nước Ma Kiệt Đà đều đồng tâm đến cúng dường cho ta.

Lúc ấy, Nhân Hiền duyên nơi công đức đã có và nương theo oai thần của Phật đi ra khỏi thành Vương Xá, đến núi Linh Thứu, thấy ánh sáng của Đức Phật Thế Tôn vượt hơn ánh sáng mặt trời, mặt trăng ngàn ức lần. Ánh sáng ấy trong suốt, chiếu soi khắp nơi. Hào quang nơi tướng nhục kế sáng rõ hơn ngọc ma ni, giống như hoa sen tinh khiết, vượt hơn Phạm Thiên, Bát Bộ, giảng nói giáo pháp rộng lớn độ thoát.

Nhân Hiền trông thấy sắc thân của Phật đầy đủ trang nghiêm, tâm hết sức vui mừng, liền suy nghĩ: Ta muốn thử sức về trí tuệ, thần thông của Đức Phật xem xét thật sự có rộng lớn chăng?

Liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ, vì để thử Phật nên duyên theo đó mà thưa thỉnh. Giả như Đức Phật biết rõ về tâm ý của ta sẽ không thọ thỉnh. Nếu người không biết thì chắc chắn sẽ thọ nhận không có nghi ngờ.

Đức Phật biết rõ tâm ý của người ấy, thương xót Nhân Hiền và tất cả mọi người trong thành Vương Xá, vì muốn hóa độ họ nên im lặng nhận lời thỉnh, sẽ đi đến nơi cùng với chúng Tỳ Kheo.

Lúc ấy, Nhân Hiền suy nghĩ: Sa Môn Cù Đàm không có trí tuệ, thần thông, cũng không thấy khắp tất cả, vì không thấy biết khắp nên hôm nay ta sẽ thử để biết rõ. Khi đó, Nhân Hiền cúi đầu làm lễ, đi quanh Phật ba vòng rồi cáo lui.

Hiền Giả Đại Mục Kiền Liên bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Huyễn Sĩ Nhân Hiền bên trong ôm lòng luống dối, thỉnh Phật và Chúng Tăng, vậy nên thọ nhận như thế nào?

Đức Phật bảo Hiền Giả Đại Mục Kiền Liên: Ông hãy im lặng, Như Lai cứu xét sâu xa về tất cả đám người bị mê muội trong đêm dài sinh tử nhân đó để giáo hóa, tạo lập hạnh bình đẳng.

Hàng Trời, người nơi thế gian không ai có thể làm mê hoặc, luống dối được Phật, Như Lai đã đoạn trừ dâm, nộ, si, loạn động, không còn các tỳ vết cấu uế, diệt trừ mọi sự trói buộc, chấp trước, xa lìa tám mươi cấu uế, đạt được pháp nhẫn vô sinh, cho nên trong ba cõi không ai có thể làm mê hoặc được, huống hồ là một Huyễn sĩ nhỏ làm sao có thể làm được việc ấy?

Như Lai hiểu rõ tất cả pháp như huyễn, tự mình đạt đến Tối Chánh Giác, khiến cho cảnh giới của con người và nguồn gốc nơi sự việc đều biết chỗ lầm lỗi của sự huyễn hóa xảo diệu, do đó Nhân Hiền có bày ra nhiều trò ảo thuật cũng không bao giờ bằng Phật, trăm lần, ngàn lần và vô số ức lần không thể dựa vào đấy mà sánh dụ.

Đức Phật bảo Tôn Giả Mục Kiền Liên: Ý ông thế nào?

Huyễn Sĩ Nhân Hiền có thể làm trang nghiêm hóa hiện ba ngàn đại thiên Thế Giới được thanh tịnh, tốt đẹp chăng?

Đáp: Thưa Thế Tôn! Huyễn Sĩ ấy không thể làm được.

Phật noi: Như Lai phát tâm, trong khoảnh khắc có thể làm cho ba ngàn đại thiên Thế Giới trang nghiêm thanh tịnh nhập vào một lỗ chân lông.

Mọi huyễn thuật của Phật hóa hiện không bao giờ làm mê hoặc. Giả sử Cõi Phật trong mười phương, có ngọn gió tên là Tùy Lam và Đoạn Tiệt thổi mạnh hủy hoại ba ngàn đại thiên Thế Giới, Như Lai cũng có thể làm trở lại như cũ. Có ngọn gió tên là Truy Trục, Trụ Chỉ, làm xoay chuyển cả thế gian. Có ngọn gio tên là Ba Lật Đồ Na, làm xoay trở Cõi Trời Ba Mươi Ba. Có ngọn gió tên là Tồi Phá Băng Hoại Tu Di.

Có ngọn gió tên là Câu na, tạo nên ngọn lửa lớn, trên lan tới Cõi Trời Ba Mươi Ba. Có ngọn gió tên là Thường Lai, dấy khởi kiếp thiêu khắp cả Trời Đất. Có ngọn gió tên là Xí Hỏa, làm cho ba ngàn đại thiên Thế Giới cùng một lúc đều bị cháy. Có ngọn gió tên là Kiêu Sái, dấy khởi cơn mưa to. Có ngọn gió tên là Khô Kiệt, trừ dứt hết mọi biến động nơi tai họa của nước.

Phật bảo Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên: hôm nay, ta nếu nói rõ về tên của những ngọn gió ấy thì từ một kiếp hoặc hơn một kiếp cũng không thể nói hết.

Này Tôn Giả Mục Kiền Liên! Ý ông nghĩ sao?

Nếu như người nào có thể dừng giữa hư không, ngồi trong các ngọn gió, tạo ra bốn vật để đi có thể khiến các ngọn gió này đều nhập vào trong một hạt cải, thì hạt cải ấy không hề chướng ngại, cũng không bị hư hại, làm cho Chư Thiên và loài người được an ổn, vui vẻ, không sợ hãi. Pháp huyễn thuật của Như Lai vượt hơn điều đó, không cùng tận, chẳng phải hàng nhị thừa có thể sánh kịp.

Bấy giờ, Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên ở trước chúng hội, cúi đầu đảnh lễ, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con đạt được lợi lành.

Vì sao?

Vì oai thần của Thế Tôn vòi vọi rộng lớn vô cùng như vậy, khiến mọi người nghe được sự biến hóa này của Như Lai đều hết sức vui mừng, liền đạt được lợi lành, phát tâm bồ đề cầu đạo chánh chân vô thượng, vui vẻ trong một thời có được vô lượng công đức.

Khi ấy, Huyễn Sĩ Nhân Hiền đi vào thành Vương Xá, trở về ngôi nhà mình. Ngay ngày hôm ấy, ở trong thành tại nơi chốn là tụ điểm của các thứ ô uế, bất tịnh hóa làm giảng đường lớn, treo lọng hoa lụa trắng, dựng cờ phướn, cây trái trồng thẳng hàng sum suê trên mặt đất, bình châu báu, lò thơm, đèn bằng vàng rải các hoa thơm. Bên cạnh giảng đường trồng tám ngàn cây báu, cành lá hoa quả đủ các màu sắc đều thơm phức.

Dưới mỗi tàng cây có các Tỳ Kheo trải Tòa Sư Tử an tọa. Trong giảng đường, riêng vì Đức Như Lai lập ra Tòa Sư Tử, đầy đủ vô số các thứ châu báu xen nhau trang sức, tòa cao tới bốn trượng chín thước. Nơi bốn bên tòa hóa ra bốn cây báu, tạo nên trăm vị thức ăn uống thơm ngon thật thịnh soạn để cúng dường cho năm trăm người.

Thân đoan nghiêm mang các chuỗi báu tươi đẹp tinh khiết, Huyễn Sĩ Nhân Hiền hóa làm như vậy xong, khi ấy có bốn vị Thiên Vương đi đến chỗ Huyễn Sĩ tạo ra giảng đường rồi nói với Nhân Hiền: Lành thay! Này nhân giả! Nên thỉnh Như Lai ở nơi giảng đường này để cúng dường Phật, nên nghe lời ta, ta đã đến đây để trợ giúp những gì còn thiếu như dựng cung điện để cúng dường Như Lai.

Lúc ấy, Nhân Hiền được lợi ích nên vui mừng cho là điều chưa từng có, nghe theo lời của Thiên Vương. Bốn Thiên Vương liền hóa ra cung điện nguy nga đẹp đẽ trang nghiêm. Mọi sự hóa tác của Nhân Hiền đã có đều như bị che lấp, không còn hiện bày.

Lúc ấy Trời Đế Thích cùng với ba vạn hai ngàn Chư Thiên, Trời và người cùng đi đến giảng đường của Huyễn Sĩ Nhân Hiền, nói: Lành thay! Vui thích thay! Đạt được lợi lành chân thật, mới thỉnh Như Lai, hóa nên giảng đường trang nghiêm để cúng dường Đức Phật. Nên nghe lời ta góp sức thêm, nhằm tạo lập cung điện để cúng dường Như Lai.

Bấy giờ, Nhân Hiền lại càng vui mừng gấp bội, được điều chưa từng có, riêng tự nghi, cho là lạ, bảo Đế Thích: Nên biết việc đó là rất đúng lúc, nên làm.

Thiên Đế Thích liền hóa hiện tạo thành cung điện lớn, đẹp đẽ hơn hẳn cung điện của Trời Đao Lợi, hóa các cây báu đẹp hơn cả cây Ba Lợi Chất Đa La nơi vườn Hoan Hỷ. Các cung điện, giảng đường, cây báu, hoa lạ v. v… do Nhân Hiền và bốn Thiên Vương hóa tác tạo dựng đều như ẩn mất, không còn hiện rõ.

Nhân Hiền liền suy nghĩ: Đức Thế Tôn thật là bậc phi phàm mới có thần lực vi diệu như vậy, khiến các vị Thiên Vương tạo nên sự cúng dường lớn phụng sự Như Lai.

Hôm nay ta đâu có thể bỏ mất việc làm của mình, nếu thế thì rất mê muội, phải lấy sự nhẫn nại này mà hướng đến sự tôn quý kia. Lúc đó, Nhân Hiền muốn ẩn giấu sự huyễn hóa của mình nhưng không thể được, sử dụng đủ các thứ thuật cũng không thể diệt được.

Mọi thứ biến hóa ra như thức ăn để cung cấp, giảng đường trang nghiêm, Tòa Sư Tử, cây báu v. v… đã vĩnh viễn trở thành chân thật không thể thay đổi được, Nhân Hiền sinh tâm kinh hãi cho là điều quái lạ.

Liền suy nghĩ: Từ xưa mọi sự vận dụng ngôn từ: Huyễn hiện thì hiện, muốn ẩn mất thì mất. Hôm nay vì Đức Như Lai nên biến hóa ra các thứ cúng dường mà không thể cải đổi thu hồi lại được.

Lúc đó, Trời Đế Thích biết Nhân Hiền đã suy nghĩ, liền bảo: Như ông đã vì Đức Phật biến hóa ra các thứ để cúng dường, trang nghiêm, cho nên không thể thu hồi lại như cũ. Do đó, khi gặp Như Lai phải phát tâm hoan hỷ, tất luôn được an ổn, đạt đến con đường Niết Bàn giải thoát.

Bấy giờ, Nhân Hiền hết sức vui mừng nên vào sáng sớm đến bạch Phật: Giờ thọ trai đã đến, cúi xin Thế Tôn chiếu cố nhận lễ.

Lúc đó, Đức Thế Tôn mặc y, cầm bát cùng với các Bồ Tát và chúng Tỳ Kheo Tăng trước sau vây quanh, đi đến giảng đường trang nghiêm của Nhân Hiền. Khi ấy, Đức Phật bèn biến hóa khiến cho Nhân Hiền nhận biết chỗ Như Lai an tọa là Tòa Sư Tử do mình tạo ra. Bốn vị Thiên Vương cũng thấy chỗ ngồi của Như Lai là Tòa Sư Tử trong cung điện do các vị đã tạo.

Đế Thích tự nghĩ: Như Lai đã ngồi nơi tòa trang nghiêm của ta biến hóa.

Các ngoại đạo tà giáo ở thành Vương Xá không tin nơi giáo pháp Phật, lại kiêu mạn, luôn sinh tâm giận dữ, tất cả đều đi đến giảng đường trang nghiêm kia, với suy nghĩ: Hôm nay cùng tới xem sự cảm ứng của Sa Môn Cù Đàm đã hiện bày.

Các hàng cận sự nam, can sự nữ, tại gia hộ pháp thì vô cùng vui mừng đều đi đến giảng đường, bảo nhau: Hôm nay chúng ta sẽ gặp bậc Như Lai Chí Chân, nghe tiếng Sư Tử gầm vang và xem các sự biến hóa ấy.

Lúc này, Nhân Hiền trừ bỏ lòng tự đại, cúi đầu làm lễ nơi chân Phật, bạch Thế Tôn: Nguyện xin Như Lai tha thứ tội lỗi của con. Con vốn do ngu tối, muốn làm nhiễu loạn Như Lai nên biến hóa ra các thứ thức ăn này, giả hầu giúp việc, các Tòa Sư Tử cũng đều biến hóa, trong tâm hối tiếc, muốn dứt bỏ những thứ đã hóa hiện.

Đức Phật là bậc Thánh Tôn nên thương xót tâm ngu si này: Các sự việc đã hóa hiện con đều không thể biến hóa trở lại được.

Đức Phật bảo Nhân Hiền: Tất cả mọi người và những điều đã làm ra đều là huyễn hóa. Các tòa ngồi của chúng Tỳ Kheo cũng đều là huyễn hóa.

Như thân của ta cũng là tuệ huyễn. Ba ngàn đại thiên Thế Giới này đều là sự hóa hiện, nhân duyên, tội phước, tất cả các pháp cũng đều hóa hiện, đều do nhân duyên nên có mặt trong chúng hội này. Ông nên đem những thức ăn uống đã hóa ra để phân chia.

Khi ấy, Huyễn Sĩ Nhân Hiền, Phạm Vương, Đế Thích, Tứ Thiên Vương những người đã cung cấp giúp đỡ đều dâng những thức ăn biến hóa để cúng dường Đức Thế Tôn và các Tỳ Kheo.

Bấy giờ, Hiền Giả Đại Ca Diếp nói kệ:

Hôm nay đã bày tòa

Và người ngồi trên đó

Định ý đều bình đẳng

Lành thay! Bậc vô thượng.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói kệ:

Tâm cúng dường hôm nay

Cầu xin người thọ nhận

Có niềm tin như vậy

Sớm đạt được giác ngộ.

Tôn Giả Tu Bồ Đề nói kệ:

Bố thí không chốn thí

Người nhận không chỗ nhận

Việc làm có ứng hiện

Đó chính là tin thí.

Tôn Giả A Nan nói kệ:

Bố thí là hơn hết

Người nhận phải vô tâm

Thân và tâm không chấp

Bậc tôn quý ở đời.

***