Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Huyễn Sĩ Nhân Hiền

PHẬT THUYẾT

KINH HUYỄN SĨ NHÂN HIỀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN NĂM
 

Lại có bốn việc tu tập tâm từ:

Một là cứu giúp người bị huyễn hóa.

Hai là thường dẫn dắt mọi người khiến họ giữ gìn giáo pháp.

Ba là độ thoát người huyễn hóa.

Bốn là khiến đạt được pháp vô vi.

Đó là bốn việc.

Lại có bốn việc giữ gìn tu tập tâm bi:

Một là vì các chúng sinh nơi đường ác luôn xem như bạn thân, khiến họ được hội nhập vào đạo phát khởi tâm bi.

Hai là làm cho họ xa lìa tội ác, chỉ dạy tu tập điều lành.

Ba là chỉ dạy cho người mong cầu đạo nhỏ hẹp, khuyến khích họ phát tâm đại thừa.

Bốn là thực hành tâm bi, vì tất cả chúng sinh thâu giữ nơi tâm bi ấy.

Đó là bốn việc.

Lại có bốn việc thực hành phương tiện thiện xảo:

Một là tất cả hướng đến tâm bồ đề hiện tiền.

Hai là không xả bỏ tâm phiền não huống chi là tâm phương tiện thiện xảo.

Ba là quán xét tất cả mọi người và các tà kiến đều là pháp khí.

Bốn là thấy tất cả pháp đều là Phật Pháp, an nhiên chưng đắc Tối Chánh Giác, nhớ nghĩ thực hành các tam muội, đạt được giải thoát hoàn toàn.

Đó là bốn việc.

Lại có bốn việc đạt được các hành thần thông:

Một là thường xem thân và tâm này vốn là thanh tịnh.

Hai là xem tâm mình giống như mộng huyễn.

Ba là chỗ tạo tác chỉ tạo lập giáo pháp.

Bốn là luôn nhất tâm vắng lặng, không loạn tưởng.

Đó là bốn việc.

Lại có bốn việc có thể phân biệt về pháp cú:

Một là nhớ nghĩ sự thành tựu về ý nghĩa của trí tuệ, không theo vẻ đẹp bên ngoài.

Hai là chỉ cầu đạt giáo pháp mà không chấp giữ nơi người, không sinh khởi cũng không chốn diệt.

Ba là nhận biết tất cả đều vô tận và không thể tận.

Bốn là chỗ giảng nói về văn tự, không đắm vướng cũng không bị ràng buộc.

Đó là bốn việc.

Lại có bốn việc đạt được pháp tổng trì:

Một là không nhàm chán nghe nhiều biết rộng, luôn cung kính bậc Pháp Sư.

Hai là thường thực hành hạnh tinh tấn, giảng nói Kinh Điển cho mọi người.

Ba là hiểu rõ tất cả pháp cú, không làm mất về nghĩa lý.

Bốn là lại khiến lãnh hội được giáo pháp của Như Lai.

Đó là bốn việc.

Lại có bốn việc đạt được pháp nhẫn:

Một là hóa độ người chưa độ.

Hai là giải thoát cho người chưa giải thoát.

Ba là biết rõ tất cả pháp lạc.

Bốn là không dứt các hạnh lành.

Đó là bốn việc.

Lại có bốn việc đạt được biện tài:

Một là thấy Pháp Sư khác giảng nói giáo pháp, không truy tìm lỗi lầm của họ.

Hai là lắng nghe nghĩa lý của các pháp không cao ngạo.

Ba là không khen ngợi bản thân mình.

Bốn là nhận biết kẻ trí ít ỏi chưa có học hỏi cũng không xem thường.

Đó là bốn việc.

Lại có bốn việc thực hành không thoái chuyển:

Một là không thoái chuyển đối với việc diệt trừ dâm, giận, si.

Hai là đối với việc làm của chúng sinh cũng không thoái chuyển.

Ba là đối với pháp bất thiện cũng không thoái chuyển việc trừ bỏ.

Bốn là biết rõ bậc Tối Chánh Giác, cũng không thoái chuyển.

Đó là bốn việc.

Lại có bốn việc thấu tỏ nghĩa lý sâu xa:

Một là biết rõ mười hai nhân duyên.

Hai là hiểu rõ Phật Đạo là bậc Chánh Giác.

Ba là tất cả pháp là một nghĩa, nghĩa ấy thảy là không.

Bốn là tất hiểu rõ về Phật Đạo.

Đó là bốn việc.

Lại có bốn việc thành tựu được sở nguyện:

Một là giới nhẫn thanh tịnh.

Hai là dứt bỏ hẳn đường ác.

Ba là chân chất không dua nịnh.

Bốn là bằng phương tiện thiện xảo để thực hành theo bản nguyện.

Đó là bốn việc.

Lại có bốn việc thành tựu được các pháp Ba la mật không thoái chuyển:

Một là theo một pháp Ba la mật để hội nhập vào hết thảy các pháp Ba la mật khác.

Hai là dùng phương tiện thiện xảo làm cho mọi người đều hội nhập vào tất cả mọi người, cũng không thật có.

Ba là thấy tất cả pháp đều là một pháp, xa lìa các sự ham thích.

Bốn là thấy tất cả Đức Phật đều là một Đức Phật, đều dùng một Pháp Thân.

Đó là bốn việc thành tựu được các pháp Ba la mật không còn thoái chuyển.

Khi Đức Phật giảng nói pháp gồm bốn việc ấy, thì Huyễn Sĩ Nhân Hiền chứng được pháp nhẫn vô sinh, hiện giữa hư không cách mặt đất bốn trượng chín thước, tâm ý hết sức vui mừng.

Bấy giờ, Đức Phật thấy Huyễn Sĩ Nhân Hiền, tâm nhớ lại sự việc liền mỉm cười.

Hiền Giả A Nan dùng kệ hỏi Đức Phật:

Oai lực rất đặc biệt

Tuệ sáng như nhật nguyệt

Danh tiếng khắp ba đời

Tức gọi Ba la mật.

Thấu tỏ thông ba đạt

Phật đã được tự tại

Nay sao Phật mỉm cười

Xin nguyện giảng nói cho?

Tất cả loài chúng sinh

Trụ vào nơi đã lập

Thấy rõ tâm mọi người

Bậc Đạo Sư không vướng.

Đối với hạ, trung, thượng

Đều thanh tịnh như vậy

Nay Phật đã mỉm cười

Nguyện xin giảng nói cho.

Chư Thiên nghe tiếng ấy

Chân đà nhân cũng vậy

Đế Thích, A Tu Luân

Càn Đà, Ma Hầu Lặc.

Phạm Thiên cũng như thế

Tiếng thanh tịnh vắng lặng

Phát ra những âm thanh

Hoàn toàn không bằng Phật.

Trăng hiện ra ánh sáng

Mặt Trời ngọc ma ni

Ánh sáng của Đế Thích

Và ánh sáng Phạm Vương.

Ánh sáng bị che khuất

Che hết không còn hiện

Phật phóng ra hào quang

Đều chiếu các Cõi Phật.

Hiểu rõ pháp sâu xa

Tịch tĩnh và vắng lặng

Ta, người đều là không

Cũng không có thọ mạng.

Không hữu cũng không vô

Trừ bỏ hai điều ấy

Tôn quý khiến đời an

Nẻo du hóa: Trăng sáng.

Lúc đó chính phát tâm

Giữ vững đạo nhiệm mầu

Nay ai đối Phật Đạo

An định trong chánh pháp.

Cho nên được thọ thân

Quy y ngôi báu Phật

Lành thay! Xin nguyện nói

Ý mỉm cười hôm nay.

Phật giảng nghĩa thanh tịnh

Vì các chúng đệ tử

Thế Tôn khiến an ổn

Chiếu ánh sáng khắp nơi.

Giảng nói cho ngoại đạo

Nghĩa Chư Phật Bích Chi

Nếu người nào cầu Phật

Đạt diệu pháp vô thượng.

Không nghi ngờ tổng trì

Lúc ấy Thiên Trung Thiên

Nguyện xin giảng nói cho

Ứng hợp được Phật Đạo.

Tướng ánh sáng của Phật

Trong sạch diệt cấu uế

Trở lại quanh thân Phật

Nhập vào nơi đỉnh đầu.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan: Ông thấy Huyễn Sĩ Nhân Hiền đang ở giữa hư không chăng?

Tôn Giả A Nan đáp: Bạch Thế Tôn, con đã thấy.

Đức Phật dạy: Này Tôn Giả A Nan! Tộc Tánh Tử Nhân Hiền sau chín vạn hai ngàn ức kiếp sẽ được làm Phật hiệu là Nghiêm Tịnh Vương, đầy đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vi Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thế Giới tên là Đại Tịnh, kiếp tên là Huyễn Hóa.

Đức Như Lai Nghiêm Tịnh Vương ở Thế Giới Đại Tịnh ấy dân chúng đều được an ổn, vui sướng, đầy đủ năm thứ lúa thóc. Cõi nước ấy bằng phẳng, rộng rãi, không có gò nổng cao thấp, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng chiếu khắp, vô số cây cối đều tạo vẻ trang nghiêm, đầy đủ các mùi thơm, luôn treo cờ phướn.

Dân chúng nước ấy mọi sở nguyện luôn được như ý, đều thấy Cõi Phật tự nhiên trang nghiêm thanh tịnh, ví như cung điện bảy báu thứ hai của Cõi Trời Đao Lợi. Dân chúng nơi cõi này đều được an ổn, thuận hòa, người sinh vào Cõi Phật ấy đều mong cầu pháp đại thừa vô thượng. Đức Như Lai Nghiêm Tịnh Vương thọ mạng một vạn năm, sau khi nhập Niết Bàn, chánh pháp trụ ở đời một ức năm.

Đức Phật diệt độ rồi có Bồ Tát tên là Văn Xưng đã được Đức Phật thọ ký sẽ thành Phật hiệu là Phổ Đạt, đầy đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vi Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Khi ấy, Tộc Tánh Tử Nhân Hiền từ hư không bay xuống, cúi đầu làm lễ nơi chân Phật, bạch: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn chính là bậc thầy của con, chỉ dẫn con đường chân chánh, xin nguyện Thế Tôn, hiện con cùng vô số ức trăm ngàn người trở về quy y theo pháp của bậc Đẳng Chánh Giác và Tỳ Kheo Tăng.

Nếu Như Lai là vốn không thì Chư Phật cũng là vốn không, không có sai khác. Vì là như nên không bị hủy hoại. Vì là như nên không lay động. Vì là như nên không nhớ nghĩ. Vì là như nên không có chỗ dấy khởi. Vì là như nên không hành trì. Vì là như nên không hai. Như Lai vốn không cũng như vậy. Con nhờ đấy mà được thành tựu.

***