Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Huyễn Sĩ Nhân Hiền

PHẬT THUYẾT

KINH HUYỄN SĨ NHÂN HIỀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN SÁU
 

Lúc đó, Hiền Giả A Nan hỏi Tộc Tánh Tử Nhân Hiền: Đối với giáo pháp của Như Lai làm thế nào để chứng đắc, mới có thể nói Như Lai vốn là không?

Vậy mà nay ông xa lìa sự việc vốn là không?

Tộc Tánh Tử Nhân Hiền đáp: Tất cả pháp đều xa lìa như vậy mới làm hưng thịnh được giáo pháp của Như Lai.

Vậy theo ý của Hiền Giả A Nan thì như thế nào?

Như Lai đều biết rõ vốn không mới chứng được Chánh Đẳng Giác, nên Như Lai là vốn không, không có hủy hoại. Tôi cũng được như vậy và tất cả mọi người cũng là vốn không.

Ý của Hiền Giả như thế nào?

Pháp của Như Lai có hai chăng?

Chỉ có pháp của Hiền Giả A Nan thì không hai không hai, có bao nhiêu tưởng và thức.

Vì sao?

Vì trừ bỏ các tưởng nên mới thành tựu trí tuệ của Phật.

Bấy giờ, Hiền Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tộc Tánh Tử Nhân Hiền đâu phải là người đã giữ lấy gốc của chỗ huyễn hóa làm mê hoặc Chư Thiên và loài người?

Phật bảo Hiền Giả A Nan: Lúc đó Tộc Tánh Tử Nhân Hiền đã nhập vào pháp huyễn hóa của trí tuệ.

Vì sao?

Vì đã dùng biện tài của trí tuệ sáng suốt.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo Tộc Tánh Tử Nhân Hiền: Ông đâu có thể huyễn hoặc Chư Thiên và người đời.

Đáp: Đúng vậy! Như Phật đã huyễn hóa, con cũng vậy.

Vì sao?

Vì hiểu rõ là không có ngã, đó chính là hạnh lớn, gọi là có tên người mà không có thọ mạng, không có người mà nói có người, Như Lai không có tên cũng không có Đạo Tràng.

Vậy đối với pháp nào là bỏ và không bỏ?

Và giảng nói có giáo pháp, có pháp đến đi, không có Niết Bàn mà hiện ra pháp Niết Bàn. Cho nên Đức Thế Tôn Giảng nói hạnh bình đẳng, lại có thể huyễn hóa Chư Thiên và người đời, giảng nói công đức bình đẳng của Như Lai.

Bấy giờ, Đức Phật khen ngợi Tộc Tánh Tử Nhân Hiền: Lành thay! Lành thay! Này Nhân Hiền! Như ông đã nói, vì giáo pháp kia là huyễn hóa nên không có âm thanh.

Lúc này Nhân Hiền xuất gia theo Đức Phật.

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Ông hãy xuống tóc cho Huyễn Sĩ này làm Sa Môn.

Bồ Tát Di Lặc vâng lời.

Nhân Hiền đã được xuất gia, lại bạch với Phật: Kính bạch Thế Tôn! Sắc tướng, dung mạo ấy chẳng phải là Bồ Tát, cũng chẳng phải là Sa Môn.

Vì sao?

Vì có Bồ Tát thành tựu các thông tuệ, ở trong ba cõi giáo hóa chúng sinh mới là Bồ Tát xuất gia.

Khi nói lời ấy xong thì có năm ngàn người phát tâm bồ đề cầu đạo quả chánh chân vô thượng, có hai trăm Tỳ Kheo dứt sạch các lậu, tâm ý giải thoát.

Bấy giờ, Hiền Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh này gọi là gì và chúng con phụng hành như thế nào?

Phật bảo Hiền Giả A Nan: Này Hiền Giả A Nan! Kinh này tên là Thọ Ký Cho Huyễn Sĩ Nhân Hiền, lại có tên là Dần Vào Đến Phật Đạo.

Phật bảo Hiền Giả A Nan: Nếu có Bồ Tát nào muốn được thấy Phật, thì hãy vì tất cả mà thọ trì đọc tụng Kinh này, và giảng nói rộng rãi cho người khác.

Vì sao?

Vì đối với pháp mong cầu được đạo thì đó là Kinh Pháp đại thừa bình đẳng, cho nên Kinh này tên là dần vào nghĩa đạo.

Phật bảo Hiền Giả A Nan: Ta đem Kinh này phó chúc cho ông, tâm niệm và miệng luôn đọc tụng thọ trì Kinh này. Nếu nghe và thực hành ở các cõi xấu ác, nên biết người này đã từng gặp năm trăm Đức Phật, sau đó chứng được Phật Đạo.

Bấy giờ, Tộc Tánh Tử Nhân Hiền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thọ trì Kinh này đều là gốc của mọi công đức, kính bạch Thế Tôn con cũng xin thọ học.

Vì sao?

Vì người nghe được Kinh này đều đạt được phương tiện thiện xảo, tâm con cũng vậy.

Đức Phật giảng nói Kinh này xong, Tộc Tánh Tử Nhân Hiền, Tỳ Kheo, Hiền Giả A Nan, tất cả Chúng Tăng, Chư Thiên, các chúng Rồng, Thần, A Tu Luân, mọi người ở đời nghe Kinh này đều hết sức vui mừng, cúi đầu làm lễ rồi lui ra.

***