Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Khai Giác Tự Tánh Bát Nhã Ba La Mật đa

PHẬT THUYẾT

KINH KHAI GIÁC TỰ TÁNH

BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Duy Tịnh, Đời Triệu Tống
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thuở nọ Đức Thế Tôn ở trong núi Thứu Phong, thuộc thành Vương Xá cùng với chúng đại Tỳ Kheo và Chúng Đại Bồ Tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Sắc là vô tánh, giả tánh, thật tánh. Thọ, tưởng, hành, thức là vô tánh, giả tánh, thật tánh.

Này Tu Bồ Đề! Như vậy cho đến nhãn sắc, nhãn thức.

Nhĩ thanh, nhĩ thức.

Tỷ hương, tỷ thức.

Thiệt vị, thiệt thức.

Thân xúc, thân thức.

Ý Pháp, ý thức là vô tánh, giả tánh, thật tánh.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ở trong ba tánh ấy, đối với sắc không còn ngu si. Nên biết sở hành ấy là hành chân chánh của Bồ Tát. Hành như vậy thì Bồ Tát ấy mau chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy. Ở trong các thức, nếu Đại Bồ Tát hiểu rõ pháp vô tướng thì các khổ tự tiêu trừ, các tướng tịch tịnh. Nên biết, sở hành như vậy là hành chân chánh của Bồ Tát. Nếu hành như vậy thì Bồ Tát ấy mau chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói lại bằng kệ:

Nếu hiểu pháp vô tướng

Thì khổ tự tiêu diệt

Các tướng đều tịch tịnh

Là sở hành Bồ Tát.

Phật dạy tiếp: Này Tu Bồ Đề! Ở trong các sắc, tối và sáng đều nương tựa bình đẳng. Bồ Tát nên hiểu rõ một cách như thật. Nếu hiểu rõ và thể nhập điều này thì các pháp cũng như vậy, Bồ Tát ấy mau chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.

Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy, ở trong các thức tối và sáng nương tựa bình đẳng. Bồ Tát nên hiểu rõ một cách như thật. Nếu hiểu rõ và thể nhập điều này thì các pháp cũng vậy, Bồ Tát ấy mau chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.

Bấy giờ, Thế Tôn nói lại bằng kệ:

Nếu pháp sáng và tối

Tánh bình đẳng như vậy

Nương tựa và thể nhập

Biết rồi đắc Bồ Đề.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát đối với các sắc, thọ, tưởng, hành, thức chuyển nơi ba tánh, nếu vị nào có trí hiểu rõ một cách như thật thì ở trong thức không có chấp thủ, cũng không có hiện chuyển, tâm vị ấy khai sáng. Với thức, vị ấy không chấp thủ, tâm đã khai sáng rồi thì có thể ra khỏi pháp Đại Thừa, huống chi pháp Thanh Văn, Duyên Giác.

Do không chấp thủ, tâm khai sáng như vậy nên mãi mãi không bao giờ sanh trong các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, Trời, chịu khổ sanh tử.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Sắc sanh hay sắc diệt?

Nếu nói rằng sắc hữu sanh thì sắc ấy là vô sanh. Nếu nói rằng sắc vô sanh thì sắc ấy là tự tánh vô sanh. Nếu Bồ Tát hiểu rõ một cách như thật thì sắc ấy là tự tánh vô sanh, cho nên với sắc có vô sanh.

Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Thức sanh hay thức diệt?

Nếu nói thức hữu sanh thì thức ấy là vô sanh. Nếu nói rằng thức vô sanh thì thức ấy là tự tánh vô sanh. Nếu Bồ Tát hiểu rõ một cách như thật thì thức ấy là tự tánh vô sanh, cho nên với thức có vô sanh.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có người nói rằng: Sắc là ngã, là ngã sở, nếu ai nói như vậy thì ta nói rằng người ấy là kẻ ngoại đạo trong ngoại đạo, là phần vị của hàng phàm phu ngu si tà kiến.

Này Tu Bồ Đề! Nếu có người nói rằng: Thọ, tưởng, hành thức là ngã, là ngã sở, ai nói như vậy ta nói người ấy là kẻ ngoại đạo trong ngoại đạo, là phần vị của hàng phàm phu ngu si tà kiến.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có người nói rằng: Sắc là do đời trước tạo thành, hoặc do Đại Tự Tại Thiên hóa thành, hoặc không có nhơn duyên, ai nói như vậy, ta nói rằng người ấy là kẻ ngoại đạo trong ngoại đạo, là phần vị của hàng phàm phu ngu si, tà kiến.

Này Tu Bồ Đề! Nếu có người nói rằng: Thọ, tưởng, hành, thức là do đời trước tạo thành, hoặc do Đại Tự Tại Thiên hóa thành, hoặc không có nhơn duyên, ai nói như vậy, Ta nói rằng người ấy là kẻ ngoại đạo trong ngoại đạo, là phần vị của hàng phàm phu ngu si, tà kiến.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có người nói rằng: Sắc lấy sắc tượng làm tướng. Thọ lấy sự lãnh nạp làm tướng, tưởng lấy biến tri làm tướng, hành lấy tạo tác làm tướng, thức lấy sự phân biệt làm tướng, ai nói như vậy, ta nói rằng người ấy là kẻ ngoại đạo trong ngoại đạo, là phần vị của hàng phàm phu ngu si, tà kiến.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có người nói rằng: Khổ không có tịch tịnh. Nếu sắc ấy diệt thì lạc này tịch tịnh , ai nói như vậy, ta nói rằng người ấy là kẻ ngoại đạo trong ngoại đạo, là phần vị của hàng phàm phu ngu si, tà kiến.

Này Tu Bồ Đề! Nếu có người nói rằng: Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy, khổ không có tịch tịnh, nếu thứ ấy diệt thì lạc này tịch tịnh, ai nói như vậy, Ta nói rằng người ấy là kẻ ngoại đạo trong ngoại đạo, là phần vị của hàng phàm phu ngu si, tà kiến.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có người nói rằng: Sắc ấy không có. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không có, ai nói như vậy, ta nói rằng người ấy là kẻ ngoại đạo trong ngoại đạo, là phần vị của hàng phàm phu ngu si, tà kiến.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có người nói rằng: Như lời Phật đã nói: Sắc không có tự tánh, không sanh không diệt, xưa nay tịch tịnh, tự tánh Niết Bàn, ai nói như vậy thì với tất cả pháp vị ấy không hòa hợp, cũng không ưa thích.

Theo lời nói của vị ấy mà hiểu biết, ta nói rằng người ấy là kẻ ngoại đạo trong ngoại đạo, là phần vị của hàng phàm phu ngu si, tà kiến.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có người nói: Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy, theo lời Phật đã nói thì chúng đều không có tự tánh, không sanh không diệt, xưa nay tịch tịnh, tự tánh Niết Bàn, ai nói như vậy thì với tất cả pháp vị ấy không hòa hợp, cũng không ưa thích.

Theo lời nói của vị ấy mà hiểu biết, ta nói rằng người ấy là kẻ ngoại đạo trong ngoại đạo, là phần vị của hàng phàm phu ngu si, tà kiến.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có người cho rằng: Sắc là có, rồi chấp trước vào sắc mà có sự sanh khởi, theo sự nói năng mà chuyển.

Lại cho rằng: Sắc là có, tức là với sắc ấy nương tựa tạp nhiễm mà có tướng lưu chuyển.

Lại cho rằng: Sắc là có thì sắc ấy tu tập tịnh pháp, thành lập tùy chuyển.

Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Nếu có người cho rằng: Thức là có, rồi chấp trước vào thức nên có sự sanh khởi, theo sự nói năng mà chuyển.

Rồi lại cho rằng: Thức là có, tức là với thức ấy nương tựa tạp nhiễm mà có tướng tùy chuyển.

Lại cho rằng: Thức là có, thì thức ấy tu tập tịnh pháp, thành lập tùy chuyển.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu các Bồ Tát cho rằng: Sắc là có, trong sắc ấy có đoạn có biết, ở trong hành động ưa thích thì nói năng trở nên thông suốt, rồi theo đối tượng mà chuyển.

Các Bồ Tát cho rằng: Sắc là có, ở trong sắc ấy có đoạn có biết, biểu hiện đầy đủ theo đối tượng mà chuyển.

Lại các Bồ Tát cho rằng: Sắc là có, ở trong sắc ấy hiểu rõ đầy đủ bạch pháp, nói rằng với các pháp đã đạt được tự tại, ở trong hành động ưa thích thì có khả năng tùy chuyển.

Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Nếu các Bồ Tát cho rằng: Thọ, tưởng, hành, thức là có, ở trong thức ấy có đoạn có biết, ở trong hành động ưa thích thì sự nói năng trở nên thông suốt.

Các Bồ Tát cho rằng: Thức là có, ở trong thức ấy có đoạn có biết, biểu hiện đầy đủ theo đối tượng mà chuyển.

Các Bồ Tát cho rằng thức là có, ở trong thức ấy hiểu rõ đầy đủ bạch pháp, nói rằng: Với các pháp đã đạt được tự tại, ở trong hành động ưa thích thì sự nói năng trở nên thông suốt.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có người với tất cả phần lượng của sắc trong sắc, với tất cả phần lượng khổ trong khổ, không thể như thật quán sát bình đẳng, tức là ngã trong sắc có sở đắc.

Nếu ngã trong sắc có sở đắc thì ngã kiến trong sắc có sở đắc.

Nếu ngã kiến trong sắc có sở đắc thì chúng sanh kiến trong sắc có sở đắc.

Nếu chúng sanh kiến trong sắc có sở đắc thì chúng sanh trong sắc không có sở đắc.

Khi chúng sanh kiến ấy trong sắc không có sở đắc thì chúng sanh ấy cũng không có sở đắc.

Nếu đối với sắc pháp, ai có tướng sở đắc để thành lập thì tướng có sở đắc ấy có chỗ nương tựa.

Cho nên trong Thanh Văn, Duyên Giác thừa vị ấy không thể ra khỏi, huống chi là Đại Thừa.

Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Nếu có người với tất cả phần lượng của thức trong thức, với tất cả phần lượng của khổ trong khổ mà không thể như thật quán sát bình đẳng thì ngã trong thức có sở đắc.

Nếu ngã trong thức có sở đắc tức là ngã kiến trong thức có sở đắc.

Nếu ngã kiến trong thức có sở đắc thì chúng sanh trong thức có sở đắc.

Nếu chúng sanh kiến trong thức có sở đắc thì chúng sanh kiến ấy ở trong thức không có sở đắc.

Khi chúng sanh kiến ấy trong thức không có sở đắc tức là chúng sanh ấy cũng không có sở đắc. Nếu với pháp mà có tướng sở đắc để thành lập tức là có tướng sở đắc có chỗ nương tựa. Cho nên trong Thanh Văn, Duyên Giác thừa còn không thể ra khỏi, huống chi là Đại Thừa.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu có người với tất cả phần lượng của sắc trong sắc, với tất cả phần lượng của khổ trong khổ mà có thể như thật quán sát bình đẳng, tức là ngã ở trong sắc không có sở đắc.

Nếu ngã trong sắc không có sở đắc thì ngã kiến trong sắc không có sở đắc.

Nếu ngã kiến trong sắc không có sở đắc thì chúng sanh kiến trong sắc không có sở đắc.

Nếu chúng sanh kiến trong sắc không có sở đắc thì chúng sanh kiến ấy trong sắc có sở đắc.

Khi chúng sanh kiến ấy trong sắc có sở đắc thì chúng sanh ấy cũng có sở đắc. Nếu với pháp mà có tướng sở đắc để thành lập thì có tướng sở đắc và có chỗ nương tựa. Cho nên ở trong Thanh Văn, Duyên Giác thừa còn không thể ra khỏi, huống chi là Đại Thừa.

Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Nếu có người với tất cả phần lượng của thức trong thức, với tất cả phần lượng của khổ trong khổ mà có thể như thật quán sát bình đẳng, tức là ngã trong thức không có sở đắc.

Nếu ngã trong thức không có sở đắc thì ngã kiến trong thức không có sở đắc.

Nếu ngã kiến trong thức không có sở đắc thì chúng sanh kiến trong thức không có sở đắc.

Nếu chúng sanh kiến trong thức không có sở đắc thì chúng sanh kiến ấy ở trong thức có sở đắc.

Nếu chúng sanh kiến ấy trong thức có sở đắc thì chúng sanh ấy cũng có sở đắc.

Nếu với pháp có tướng sở đắc để thành lập thì có tướng sở đắc và có nơi nương tựa.

Cho nên ở trong Thanh Văn, Duyên Giác thừa không thể ra khỏi, huống chi Đại Thừa.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu người nào đối với trong sắc mà không thể như thật quán sát bình đẳng, không như thật phân biệt về phần lượng và phân vân về phần lượng thì sắc trong sắc có sở đắc. Khi sắc trong sắc có sở đắc thì sắc kiến trong sắc có sở đắc.

Nếu sắc kiến trong sắc có sở đắc thì chúng sanh kiến trong sắc có sở đắc. Nếu chúng sanh kiến trong sắc có sở đắc thì tất cả trong sắc có sở đắc. Khi tất cả có sở đắc thì tất cả không có sở đắc.

Nếu với pháp mà có tướng sở đắc để thành lập thì có tướng sở đắc và có chỗ nương tựa. Cho nên ở trong Thanh Văn, Duyên Giác thừa vị ấy còn không ra khỏi, huống gì Đại Thừa.

Này Tu Bồ Đề! Nếu có người ở trong thọ, tưởng, hành, thức mà không thể như thật quán sát bình đẳng, không như thật phân biệt về phần lượng và phân vân về phần lượng tức là thức trong thức có sở đắc.

Nếu thức trong thức có sở đắc thì thức kiến trong thức có sở đắc.

Nếu thức kiến trong thức có sở đắc thì chúng sanh trong thức có sở đắc.

Nếu chúng sanh trong thức có sở đắc tức là tất cả trong thức có sở đắc.

Khi tất cả trong thức có sở đắc thì tất cả không có sở đắc.

Nếu với pháp, ai có tướng sở đắc để thành lập thì có tướng sở đắc và có chỗ nương tựa. Cho nên ở trong Thanh Văn, Duyên Giác thừa vị ấy không ra khỏi, huống chi Đại Thừa.

***