Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật
PHẬT THUYẾT KINH KIM CANG
BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẦN MƯỜI BỐN
LY TƯỚNG TỊCH DIỆT
Bấy giờ Tu Bồ Đề nghe Phật thuyết Kinh này, hiểu thấu nghĩa thâm sâu, xúc động chảy nước mắt mà bạch Phật rằng: Hy hữu Thế Tôn! Phật thuyết Kinh Điển thâm sâu như thế, con từ khi được huệ nhãn đến nay, chưa từng được nghe Kinh như vậy.
Bạch Thế Tôn! Lại nếu có người nghe được Kinh này lòng tin trong sạch, liền sanh thật tướng, phải biết ngươì ấy thành tựu được công đức hy hữu hạng nhất.
Bạch Thế Tôn! Đây nói thật tướng tức là phi tướng, cho nên Như Lai nói giả danh thật tướng.
Bạch Thế Tôn! Nay con được nghe Kinh này tín, giải, thọ trì chẳng cho là khó. Nếu năm trăm năm về sau, đời vị lai có chúng sanh nghe được Kinh này, tín, giải, thọ trì thì người ấy là hy hữu hạng nhất.
Tại sao?
Vì người ấy vô ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng.
Tại sao?
Vì ngã tướng tức là phi tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng cũng là phi tướng.
Tại sao?
Lìa tất cả chư tướng, tức gọi là Chư Phật.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Đúng thế! Đúng thế! Lại nếu có người được nghe Kinh này mà chẳng kinh ngạc, chẳng khiếp sợ, phải biết người ấy rất là hy hữu.
Tại sao?
Tu Bồ Đề! Như Lai nói đệ nhất Ba la mật, tức phi đệ nhất Ba la mật, thị danh đệ nhất Ba la mật.
Tu Bồ Đề! Như Lai nói nhẫn nhục Ba la mật, tức phi nhẫn nhục Ba la mật, Thị danh nhẫn nhục Ba la mật.
Tại sao?
Tu Bồ Đề! Như ta xưa kia bị Vua Ca Lợi xẻ nát thân thể, lúc đó ta vô ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng.
Tại sao?
Vì xưa kia khi ta bị phanh xé thân thể từng miếng, nếu có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì phải sanh tâm sân hận.
Tu Bồ Đề! Nhớ lại kiếp quá khứ, ta làm tiên nhẫn nhục trải qua năm trăm đời, những đời ấy đều vô ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng.
Tu Bồ Đề! Vì thế Bồ Tát phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác phải lìa tất cả tướng. Chẳng nên sanh tâm trụ nơi sắc, và cũng chẳng nên sanh tâm trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên sanh tâm vô sở trụ. Nếu tâm có trụ tức là phi trụ, thị danh tâm trụ.
Cho nên Phật nói tâm của Bồ Tát chẳng nên trụ nơi sắc bố thí, chẳng nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí.
Tu Bồ Đề! Bồ Tát vì lợi ích tất cả chúng sanh, cần phải bố thí như thế. Như Lai nói tất cả các tướng tức là phi tướng, lại nói tất cả chúng sanh tức phi chúng sanh.
Tu Bồ Đề! Như Lai là người chân ngữ, thật ngữ, như ngữ, bất cuống ngữ, bất dị ngữ.
Tu Bồ Đề! Pháp của Như Lai chứng đắc, ấy là Pháp vô thật vô hư.
Tu Bồ Đề! Nếu tâm của Bồ Tát trụ nơi pháp mà hành việc bố thí, thì cũng như người vào chỗ tối chẳng thấy gì cả. Nếu tâm của Bồ Tát chẳng trụ nơi pháp mà hành việc bố thí, thì cũng như người có mắt dưới ánh sáng mặt trời, tất cả thấy rõ đủ thứ sắc tướng.
Tu Bồ Đề! Về đời sau này, nếu có thiện nam, tín nữ thọ trì, đọc tụng Kinh này, thì trí huệ của Như Lai biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy, đều được thành tựu công đức vô lượng vô biên.
***