Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Kim Cang Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH KIM CANG TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẨM BA

PHẨM HÀNH VÔ SINH
 

Bấy giờ, Bồ Tát Tâm Vương nghe Đức Phật thuyết giảng pháp ra ngoài ba cõi không thể nghĩ bàn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay dùng kệ, hỏi:

Nghĩa Như Lai thuyết giảng

Xuất thế không có tướng

Có tất cả chúng sinh

Đều dứt hết hữu lậu,

Đoạn kiết, không tâm, ngã

Gọi là không có sinh

Vì sao không có sinh

Mà đắc nhẫn vô sinh?

Đức Phật bảo Bồ Tát Tâm Vương: Thiện nam! Pháp nhẫn vô sinh là pháp vốn không sinh. Các hành là vô sinh chẳng phải là hành vô sinh, thủ đắc nhẫn vô sinh tức là hư vọng.

Bồ Tát Tâm Vương thưa: Bạch Thế Tôn! Thủ đắc nhẫn vô sinh tức là hư vọng.

Không đắc, không nhẫn nên chẳng phải là hư vọng?

Đức Phật dạy: Chẳng phải vậy.

Vì sao?

Vì không đắc, không nhẫn tức là có đắc. Có đắc, có nhẫn, tức là có sinh. Có sinh nơi đắc, có pháp sở đắc, thì đều là hư vọng.

Bồ Tát Tâm Vương thưa: Bạch Thế Tôn! Tại sao vô nhẫn, tâm vô sinh mà chẳng phải là hư vọng?

Đức Phật dạy: Vô nhẫn, tâm vô sinh, tâm không hình tướng, cũng như tánh của lửa, tuy ở trong cây nhưng tánh của lửa đó không chỗ quyết định nên chỉ là danh tự, tánh đó không thể thủ đắc. Muốn giải rõ nghĩa lý này chỉ giả nêu về tên gọi.

Danh không thể thủ đắc thì tướng của tâm cũng vậy. Không thấy nơi chốn, biết tâm như thế tức là tâm vô sinh. Thiện nam, tướng tánh của tâm ấy lại như quả A ma lặc vốn không tự sinh, không từ nơi khác sinh, không cùng sinh, không nhân sinh nên là vô sinh.

Vì sao?

Vì duyên thay đổi. Duyên khởi chẳng phải là sinh, duyên dứt chẳng phải là diệt, ẩn hiện đều là không tướng, lý gốc tịch diệt, ở chỗ không nơi chốn, không thấy chỗ trụ vì tánh quyết định. Tánh quyết định ấy cũng chẳng một, chẳng khác, chẳng đoạn, chẳng thường, không nhập, không xuất, không sinh, không diệt, xa lìa bốn luận chứng, bặt dứt nẻo ngôn ngữ. Tánh của tâm vô sinh cũng lại như vậy.

Vì sao nói sinh chẳng sinh, có nhẫn không nhẫn?

Nếu có người cho rằng tâm có thủ đắc, có trụ cùng có thấy, thì không chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng. Trí tuệ đó là trong đêm dài sinh tử hiểu rõ, phân biệt về tâm tánh, biết tâm tánh như vậy, tánh cũng như vậy là đạt được vô sinh, vô hành.

Bồ Tát Tâm Vương thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu tâm vốn như như, không sinh nơi hành, các hành không sinh thì sinh, hành không sinh, chẳng sinh vô hành tức là hành vô sinh.

Đức Phật dạy: Thiện nam! Ông dùng vô sinh mà chứng hành vô sinh chăng?

Bồ Tát Tâm Vương thưa: Chẳng phải vậy.

Vì sao?

Vì như hành vô sinh, tánh tướng vắng lặng, không thấy, không nghe, không được, không mất, không ngôn, không thuyết, không biết, không tướng, không lấy, không bỏ thì làm sao thủ chứng được. Nếu người thủ chứng tức là tranh luận, không tranh không luận chính là hành vô sinh.

Đức Phật hỏi: Ông đã chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng chăng?

Bồ Tát Tâm Vương thưa: Bạch Thế Tôn! Con không chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng.

Vì sao?

Vì trong tánh bồ đề không có tướng được, mất, giác, tri, phân biệt. Trong chỗ không phân biệt tức là tánh thanh tịnh. Tánh ấy không xen tạp, không có ngôn từ. Chẳng phải là có, chẳng phải là không, chẳng phải là biết, chẳng phải là không biết. Các pháp có thể hành cũng lại như vậy.

Vì sao?

Vì tất cả pháp hành là không thấy xứ sở và tánh quyết định, vốn không có đắc hay không đắc, thì sao lại có chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng?

Đức Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời ông nói! Tất cả tâm hành không lỗi, thể của nó là vô tướng, vắng lặng, vô sinh. Các thức hiện có cũng lại như vậy.

Vì sao?

Vì nhãn, nhãn xúc đều là không tịch, thức cũng không tịch, không có tướng động, bất động, bên trong không có ba thọ, ba thọ vắng lặng. Tai, mũi, lưỡi, thân, tâm ý, ý thức và thức Mạt na, thức A lại da cũng lại như vậy, đều cũng không sinh nên tâm tịch diệt và tâm không sinh. Nếu sinh tâm tịch diệt, nếu sinh tâm vô sinh là có sinh hành, chẳng phải là hành vô sinh.

Này Bồ Tát! Bên trong sinh ba thọ, ba hành, ba giới. Nếu do sinh tâm tịch diệt là không sinh, vì tâm thường vắng lặng, không công, không dụng, không chứng tướng tịch diệt, cũng không trụ nơi không chứng, cũng không chỗ trụ, thâu giữ vô tướng, tức không có ba thọ, ba hanh, ba giới, thảy đều tịch diệt, thanh tịnh không trụ, không vào tam muội, không trụ tọa thiền, vô sinh, vô hành.

Bồ Tát Tâm Vương thưa: Thiền có thể thâu giữ nẻo động, an định các thứ huyễn loạn, vì sao nói không thiền?

Đức Phật dạy: Này Bồ Tát! Thiền tức là động. Không động, không thiền là thiền vô sinh. Tánh của thiền là vô sinh, lìa tướng sinh khởi về thiền. Tánh của thiền là vô trụ, lìa chỗ động của trụ thiền. Nếu biết tánh của thiền là không có động tĩnh, tức đạt vô sinh. Trí tuệ vô sinh cũng không nương trú, tâm cũng không động. Nhờ trí tuệ này mà được bát nhã Ba la mật vô sinh.

Bồ Tát Tâm Vương thưa: Bạch Thế Tôn! Trí tuệ vô sinh nơi tất cả xứ, không trụ nơi tất cả xứ, tâm không lìa, không trụ xứ, tâm vô xứ trụ, không trụ không tâm, tâm trụ vô sinh, tâm trụ như vậy, tức trụ vô sinh.

Bạch Đức Thế Tôn! Tâm trụ vô sinh là không thể nghĩ bàn, trong sự không thể nghĩ bàn ấy cũng không thể nêu bày.

Đức Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy!

Bồ Tát Tâm Vương nghe lời này rồi, tán thán là điều chưa từng có, liền nói bài kệ rằng:

Đấng đầy đủ đại trí

Giảng nói pháp vô sinh

Nghe việc chưa từng nghe

Chưa nói mà nay nói,

Như cam lồ thanh tịnh

Lâu mới có một lần

Khó gặp, khó nghĩ bàn

Người nghe cũng lại khó.

Ruộng phước tốt vô thượng

Thuốc thắng diệu bậc nhất

Vì hóa độ chúng sinh

Nên nay Phật giảng nói.

Bấy giờ, trong chúng hội nghe giảng nói điều này roi đều chứng được bát nhã vô sinh.

***