Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Kim Cang Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH KIM CANG TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẨM BẢY

PHẨM NHƯ LAI TẠNG
 

Lúc ấy, trưởng giả Phạm Hạnh, từ chỗ ngồi đứng dậy, thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Nghĩa sinh chẳng diệt, nghĩa diệt chẳng sinh, nghĩa như như vậy tức là bồ đề của Phật. Tánh của bồ đề thì không phân biệt.

Trí không phân biệt thì phân biệt vô cùng. Tướng của vô cùng chỉ diệt phân biệt. Tướng của nghĩa như vậy là không thể nghĩ bàn. Ở trong không thể nghĩ bàn mới là không phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp số là vô lượng, vô biên.

Pháp tướng vô biên là một nghĩa tánh thật, chỉ trụ nơi một tánh, việc này là thế nào?

Đức Phật dạy: Này trưởng giả! Các pháp ta giảng nói là không thể nghĩ bàn, vì người mê lầm nên tạo phương tiện dẫn dắt. Tất cả pháp tướng là trí của một nghĩa thật.

Vì sao?

Ví như một cái chợ có bốn cửa lớn, cả bốn cửa này đều quy về một chợ. Như các chúng sinh kia tùy ý hội nhập nơi vô số các pháp vị cũng lại như vậy.

Trưởng giả Phạm Hạnh thưa: Pháp nếu như vậy thì ta trụ nơi một vị nên thâu tóm hết các vị.

Đức Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy!

Vì sao?

Thật nghĩa của một vị như một biển lớn, tất cả các dòng đều chảy về.

Này trưởng giả! Tất cả mọi pháp vị cũng như các dòng kia, tên gọi, số lượng tuy có khác nhau nhưng nước của chúng thì không khác. Nếu tụ nơi biển lớn thì có thể bao quát hết các dòng. Trụ nơi một vị thì thâu tóm các vị.

Trưởng giả Phạm Hạnh thưa: Các pháp là một vị, tại sao có đạo của ba thừa, trí nơi mỗi thừa lại có khác?

Đức Phật day: Này trưởng giả! Ví như sông Giang, sông Hà, sông Hoài và biển, lớn nhỏ không giống nhau, cạn sâu đều khác, tên gọi cũng khác nhau. Nước ở trong sông Giang thì gọi là nước sông Giang, nước trong sông Hoài thì gọi là nước sông Hoài, nước trong sông Hà thì gọi là nước của sông Hà, tất cả đều chảy về nơi biển thì gọi là nước biển. Các pháp cũng lại như vậy, đều ở nơi chân như nên gọi là Phật Đạo.

Này trưởng giả! Trụ nơi một Phật Đạo tức đạt được ba hành.

Trưởng giả Phạm Hạnh hỏi: Thế nào là ba hành?

Đức Phật dạy: Một là tùy sự thủ hành, hai là tùy thức thủ hành, ba là tùy như thủ hành.

Này trưởng giả! Ba hành như thế là thâu tóm hết các pháp môn. Tất cả các pháp môn đều hội nhập vào đấy. Người vào được hành này chẳng sinh tướng không. Hội nhập như vậy có thể gọi là nhập Như Lai tạng. Người nhập Như Lai tạng là nhập mà chẳng nhập.

Trưởng giả Phạm Hạnh thưa: Thật khó nghĩ bàn! Nhập Như Lai tạng như hạt mầm thành quả, không có nơi chốn nhập. Căn, lực thông lợi, thành tựu lợi ích, đạt được trí tuệ chân thật.

Trí ấy như thế nào?

Đức Phật đáp: Trí ấy là vô cùng, nói tóm lược thì có bốn.

Những gì là bốn?

1. Trí định, nghĩa là tùy theo như.

2. Trí bất định, nghĩa là phương tiện để dứt trừ bệnh.

3. Trí Niết Bàn, là trí tuệ dứt trừ cái biết chớp nhoáng về thật tế.

4. Trí cứu cánh, nghĩa là nhập vào Phật Đạo đầy đủ sự chân thật.

Này trưởng giả! Diệu dụng của bốn việc lớn ấy, Chư Phật ở quá khứ đã giảng nói, như chiếc cầu lớn, như bờ bến lớn, muốn hóa độ chúng sinh nên dùng trí này.

Này trưởng giả! Dung là đạt được diệu dụng lớn.

Lại có ba việc lớn:

1. Ở nơi ba tam muội trong ngoài không xâm đoạt nhau.

2. Đối với đại nghĩa khoa, tùy theo đạo pháp mà lựa chọn.

3. Đối với định tuệ này, dùng từ bi đều được lợi.

Ba việc như vậy sẽ thành tựu đạo bồ đề. Không thực hành theo việc này thì không thể nhập vào biển bốn trí, bị các loài ma sai khiến.

Này trưởng giả! Đại chúng các ông, từ này cho đến lúc thành Phật, thường nên tu tập, chớ khiến phải dừng nghỉ, quên mất.

Trưởng giả Phạm Hạnh hỏi: Thế nào là ba tam muội?

Đức Phật dạy: Ba tam muội đó là: Tam muội không, tam muội vô tướng, tam muội vô tác.

Trưởng giả Phạm Hạnh thưa: Thế nào là ơ nơi đại nghĩa khoa?

Đức Phật bảo: Đại nghĩa là bốn đại. Nghĩa tức là ấm, giới, nhập. Khoa nghĩa là thức gốc, đó là ở nơi khoa nghĩa của đại.

Trưởng giả Phạm Hạnh thưa: Thật chẳng thể nghĩ bàn! Trí sư như vậy là đạt được lợi ích cho mình và lợi ích cho người khác, vượt khỏi ba cõi, không trụ vào Niết Bàn, nhập đạo Bồ Tát. Pháp tướng như vậy là pháp sinh diệt, vì còn phân biệt. Nếu lìa phân biệt tức là pháp chẳng diệt.

Bấy giờ, Đức Phật muốn nhắc lại ý nghĩa trên nên nói kệ rằng:

Pháp từ phân biệt sinh

Lại từ phân biệt diệt

Diệt các pháp phân biệt

Là pháp chẳng sinh diệt.

Trưởng giả Phạm Hạnh nghe kệ này rồi, tâm rất vui mừng, muốn nhắc lai ý nghĩa trên nên nói kệ rằng:

Các pháp vốn tịch diệt

Tịch diệt cũng không sinh

Các pháp sinh diệt ấy

Là pháp chẳng vô sinh.

Kia tức không cùng đây

Vì còn có đoạn, thường

Đây tức lìa cả hai

Cũng chẳng trụ một chỗ.

Nếu nói pháp có một

Tướng ấy như mao luân

Như lửa nước mê lộn

Là những điều hư vọng.

Nếu thấy nơi pháp không

Pháp ấy đồng với không

Như mù không ánh sáng

Thuyết pháp như lông rùa.

Con nay nghe Phật dạy

Biết pháp ngoài nhị kiến

Cũng không ở chặng giữa

Vì thế không trụ chấp.

Pháp của Như Lai thuyết

Đều từ nơi vô trụ

Con từ chốn vô trụ

Đến đảnh lễ Như Lai.

Kính lễ tướng Như Lai

Trí bất động như không

Không chấp, không xứ sở

Kính lễ thân vô trụ.

Con ở khắp mọi nơi

Thường thấy chư Như Lai

Xin nguyện các Như Lai

Vì con thuyết pháp thường.

Bấy giờ, Đức Phật bảo: Này các thiện nam! Các ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ông mà giảng nói pháp thường.

Này các thiện nam, pháp thường chẳng phải là pháp thường, chẳng phải là ngôn thuyết, cũng chẳng phải là văn tự, chẳng phải là sự thật, chẳng phải là giải thoát, chẳng phải là không, chẳng phải là cảnh giới, xa lìa các vọng tưởng, đoạn trừ mọi giới hạn. Pháp này chẳng phải là vô thường, xa lìa các kiến chấp về thường đoạn.

Thấy rõ thức là thường, thức này thường vắng lặng, tịch diệt cũng tịch diệt.

Này các thiện nam! Người biết pháp tịch diệt, tâm không tịch diệt, tâm thường tịch diệt. Người được tịch diệt, tâm thường quán xét đúng đắn biết rõ các danh sắc chỉ là do tâm si.

Tâm si phân biệt, phân biệt về các pháp, lại không có việc khác ngoài danh sắc. Biết rõ pháp như vậy không theo văn tự, ngôn ngữ. Tâm tâm đối với nghĩa không phân biệt ngã, biết ngã là giả danh, tức đạt được vắng lặng. Nếu được vắng lặng liền chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng.

Trưởng giả Phạm Hạnh nghe lời này rồi liền nói kệ:

Sự phân biệt danh, tướng

Và pháp gọi là ba

Trí chánh diệu chân như

Tất cả ấy là năm.

Nay con biết pháp này

Bị đoạn, thường ràng buộc

Vào nơi nẻo sinh diệt

Là đoạn chẳng phải thường.

Như Lai thuyết pháp không

Xa lìa cả thường đoạn

Nhân duyên không chẳng sinh

Không sinh nên không diệt.

Nhân duyên chấp là có

Như hoa giữa hư không

Giống như là Thạch nữ

Hoàn toàn không thể có.

Lìa các nhân duyên chấp

Không từ người khác diệt

Và nghĩa đại nơi mình

Nương như nên đạt thật.

Vì vậy pháp chân như

Thường tự tại, như như

Tất cả nơi vạn pháp

Chẳng phải như thức hóa.

Lìa thức, pháp tức không

Nên từ chỗ không thuyết

Diệt các pháp sinh diệt

Mà trụ nơi Niết Bàn.

Đấng đại bi đạt được

Niết Bàn diệt không trụ

Chuyển năng thủ, sở thủ

Nhập vào Như Lai tạng.

Lúc ấy, đại chúng nghe nghĩa này này rồi đều được chánh mạng, nhập vào biển Như Lai tạng của Như Lai.

***