Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Kim Cang Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH KIM CANG TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẨM BỐN

PHẨM BẢN GIÁC LỢI
 

Bấy giờ, Bồ Tát Vô Trụ nghe Đức Phật giảng dạy về nhất thừa chân thật không thể nghĩ bàn, bèn từ xa đến gần nơi tòa ngồi của Đức Như Lai, chuyên niệm lắng nghe, nhập vào cõi thanh tịnh, thân tâm không động.

Lúc ấy, Đức Phật bảo Bồ Tát Vô Trụ: Ông từ đâu đến?

Nay đến đây để làm gì?

Bồ Tát Vô Trụ thưa: Thưa Thế Tôn! Con vốn từ chỗ không đến, nay đến chỗ vốn không.

Đức Phật bảo: Ông vốn chẳng từ đâu đến, nay cũng đến chỗ vốn không, ông được lợi ích không thể nghĩ bàn.

Đại Bồ Tát này liền phóng ra ánh sáng lớn, chiếu khắp cả đại thiên thế giới, rồi nói kệ rằng:

Lành thay! Bồ Tát

Trí tuệ đầy đủ

Thường dùng bản lợi

Lợi ích chúng sinh.

Trong bốn oai nghi

Thường trụ bản lợi

Dắt dẫn muôn loài

Không đi, không đến.

Lúc ấy, Bồ Tát Vô Trụ thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Dùng lợi gì để chuyển tất cả tình thức của chúng sinh nhập vào A ma la thức thanh tịnh vô cấu.

Đức Phật dạy: Chư Phật Như Lai thường dùng nhất giác mà chuyển các thức vào thức thanh tịnh vô cấu.

Vì sao?

Vì hết thảy các chúng sinh đều có bản giác, thường dùng nhất giác để giác ngộ các chúng sinh, khiến cho muôn loài kia đều đạt được bản giác, biết các tình thức đều vắng lặng vô sinh.

Vì sao?

Vì bản tánh quyết định, vốn không có động.

Bồ Tát Vô Trụ thưa: Hết thảy các thức đều duyên nơi cảnh để khởi, vì sao lại không động?

Đức Phật dạy: Tất cả cảnh vốn không, tất cả thức vốn không, tánh không không duyên tánh, như vậy thì do duyên gì sinh khởi?

Bồ Tát Vô Trụ thưa: Tất cả cảnh đều không, như thế thì sao gọi là thấy?

Đức Phật bảo: Thấy tức là vọng.

Vì sao?

Vì tất cả vạn hữu đều không sinh, không tướng, vốn không có tên gọi, đều là vắng lặng. Tướng của tất cả các pháp cũng lại như vậy, thân của hết thảy chúng sinh cũng lại như vậy.

Thân hãy còn không có làm sao có thấy?

Bồ Tát Vô Trụ thưa: Tất cả cảnh đều không, tất cả thân đều không, tất cả thức đều không thì giác cũng phải là không chăng?

Đức Phật dạy: Nhất giác là không hủy, không hoại, vì tánh quyết định nên chẳng phải là không chẳng phải là chẳng không, không gì là chẳng không.

Bồ Tát Vô Trụ thưa: Các cảnh cũng như vậy. Chẳng phải là không tướng, chẳng phải là không không tướng?

Phật bảo: Đúng vậy! Các cảnh giới ấy, tánh vốn quyết định, tánh căn quyết định, không có xứ sở.

Bồ Tát Vô Trụ thưa: Giác cũng như vậy, không có xứ sở?

Phật dạy: Đúng vậy! Giác không xứ sở cho nên thanh tịnh, thanh tịnh không giác. Vật không xứ sở nên thanh tịnh, thanh tịnh vô sắc.

Bồ Tát Vô Trụ thưa: Nhãn thức nơi tâm cũng lại như vậy, không thể nghĩ bàn?

Phật dạy: Nhãn thức nơi tâm cũng lại như vậy, chẳng thể nghĩ bàn.

Vì sao?

Vì sắc không xứ sở, thanh tịnh, không tên, không vào bên trong. Mắt không xứ sở, thanh tịnh, không thấy, không ra bên ngoài. Tâm không xứ sở, thanh tịnh không dứt, không có chỗ sinh khởi. Thức không xứ sở, thanh tịnh không động, không có duyên khác, tánh đều lặng không, tánh không có giác, giác tức là giác.

Thiện Nam! Giác biết là không giác thì hội nhập vào các thức.

Vì sao?

Vì trí địa Kim Cang đoạn dứt con đường giải thoát, đoạn rồi thì nhập vào địa vô trụ, không có ra vào, cõi tâm không ở trong tánh quyết định, cõi ấy thanh tịnh như lưu ly trong sạch, tánh thường bình đẳng giống như mặt đất. Giác vi diệu quan sát như ánh sáng của mặt trời trí tuệ, bản lợi thành tựu như trận mưa pháp lớn. Người được vào trí này là vào trí địa của Phật. Người vào trí địa của Phật thì các thức không sinh.

Bồ Tát Vô Trụ thưa: Như Lai đã nói: Thánh lực của Nhất giác bốn trí địa rộng lớn tức là gốc rễ giác, lợi vốn có của tất cả chúng sinh.

Vì sao?

Vì trong thân ấy của tất cả chúng sinh xưa nay đều đầy đủ.

Phật dạy: Đúng vậy! Vì sao?

Vì tất cả chúng sinh xưa nay không có lậu, hoặc, mà vốn có các thiện lợi, ngày nay do dục trói buộc nên chưa thể hàng phục.

Bồ Tát Vô Trụ hỏi: Nếu có chúng sinh chưa đạt được bản lợi, còn phải gom nhặt, tích tập, làm thế nào hàng phục được những điều khó hàng phục?

Phật dạy: Hoặc đông đảo hoặc một mình hành hóa phân biệt, và do bị nhiễm tạp, tâm thức xoay chuyển trụ nơi chốn không thì hàng phục được những điều khó hàng phục, giải thoát khỏi sự trói buộc của ma, thức ấm Bát Niết Bàn, siêu việt hiện bày rõ ngay tại chỗ ngồi.

Bồ Tát Vô Trụ thưa: Tâm được Niết Bàn một mình không bạn, thường trụ nơi Niết Bàn nên được giải thoát?

Phật dạy: Niết Bàn thường trụ là Niết Bàn trói buộc.

Vì sao?

Vì Niết Bàn vốn là giác lợi, giác lợi vốn là Niết Bàn. Phần giác Niết Bàn tức là phần bản giác, tánh giác không khác, Niết Bàn cũng không khác. Bản giác không sinh, Niết Bàn cũng không sinh. Bản giác không diệt, Niết Bàn cũng khong diệt. Niết Bàn và bản giác không khác.

Niết Bàn vô đắc là không thủ đắc về Niết Bàn, vậy làm sao có thể trụ?

Thiện Nam! Người giác ngộ là không trụ nơi Niết Bàn.

Vì sao?

Vì giác ngộ vốn là vô sinh, lìa mọi thứ cau uế của chúng sinh. Giác ngộ vốn không tịch, xa lìa tánh động của Niết Bàn. Trụ vào địa như vậy thì tâm không chỗ trụ, không có ra vào, nên nhập vào thức Thanh tịnh vô cấu.

Bồ Tát Vô Trụ hỏi: Thức thanh tịnh vô cấu là có nhập, xứ, có chỗ chứng đắc hay là pháp đạt được?

Đức Phật bảo: Chẳng phải vậy.

Vì sao?

Ví như người con mê muội, trên tay cầm đồng tiền vàng mà không biết là mình đang có, chạy khắp mười phương, trải qua năm mươi năm, nghèo cùng khốn khổ, lo tìm các việc để nuôi thân mà chẳng được đầy đủ.

Cha người ấy thấy con như vậy, bảo: Con cầm đồng tiền vàng trên tay tại sao không biết lấy dùng, tùy ý sử dụng cho những việc cần thiết đều được đầy đủ. Người con tỉnh ra, biết mình có tiền vàng, lòng rất vui mừng, cho rằng mình được tiền.

Người cha liền bảo: Này người con mê muội, con chớ vui mừng, tiền vàng này là vật vốn có của con, chẳng phải do con lượm được, tại sao lại vui mừng?

Này thiện nam! Thức thanh tịnh vô cấu cũng như vậy. Vốn không có tướng hiện ra, tức chẳng phải là nhập vào. Xưa mê muội nên chẳng phải là không. Nay giác ngộ nên chẳng phải là bên ngoài vào.

Bồ Tát Vô Trụ hỏi: Người cha kia biết đứa con mình mê muội, vì sao trải qua năm mươi năm, đi khắp mười phương, nghèo cùng khốn khổ mới bảo cho biết?

Đức Phật dạy: Trải qua năm mươi năm là một niệm tâm động, mười phương đi khắp là biến kế sở chấp đi xa.

Bồ Tát Vô Trụ hỏi: Thế nào là một niệm tâm động?

Phật dạy: Một niệm tâm động là năm ấm cùng sinh. Trong năm ấm sinh gồm đủ năm mươi điều ác.

Bồ Tát Vô Trụ hỏi: Biến kế sở chấp đi xa khắp cả mười phương, một niệm tâm sinh gồm đủ năm mươi điều ác, làm sao khiến cho các chúng sinh kia không sinh một niệm?

Đức Phật dạy: Khiến cho các chúng sinh kia tâm thần an tọa, trụ vào địa Kim Cang vắng lặng không khởi niệm, tâm thường an ổn tức không sinh một niệm.

Bồ Tát Vô Trụ nói: Biết niệm không sinh là không thể nghĩ bàn, tâm được an ổn tức là phần lợi của bản giác, lợi không có động thường ở cho chẳng không, không có chẳng không, chẳng không chẳng giác, giác biết không giác, bản lợi, bản giác. Giác ấy thanh tịnh không nhiễm, không chấp, không biến đổi, không khác, là tánh quyết định không thể nghĩ bàn.

Đức Phật dạy: Đúng vậy! Bồ Tát Vô Trụ nghe lời này rồi, đạt được điều chưa từng có, liền nói kệ rằng: Đấng Đại Giác, Thế Tôn thuyết nêu pháp vô niệm tâm không niệm, không sinh tâm thường sinh không diệt.

Nhất giác, bản giác lợi

Lợi nơi các bản giác

Như người được tiền vàng

Chỗ đạt tức phi đắc.

Lúc ấy, đại chúng nghe lời này rồi đều được bát nhã Ba la mật của bản giác lợi.

***